World Cup giúp nhà đài "hái tiền" ra sao?

6 nhà tài trợ bản quyền phát sóng FIFA World Cup Qatar 2022, gồm 4 ngân hàng và 2 tập đoàn lớn. Đây không phải là lần đầu tiên bản quyền World Cup có sự tài trợ từ các mạnh thường quân, khi tiền bản quyền truyền hình phát sóng những giải bóng đá cấp hành tinh ngày một lớn.

World Cup giúp nhà đài "hái tiền" ra sao?

6 nhà tài trợ bản quyền phát sóng FIFA World Cup Qatar 2022, gồm 4 ngân hàng và 2 tập đoàn lớn. Đây không phải là lần đầu tiên bản quyền World Cup có sự tài trợ từ các mạnh thường quân, khi tiền bản quyền truyền hình phát sóng những giải bóng đá cấp hành tinh ngày một lớn.

World Cup Qatar 2022 sẽ khởi tranh từ ngày 20/11 đến 18/12. Theo công bố, 6 nhà tài trợ bản quyền cho World Cup năm nay bao gồm Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank, HOSE: VPB), Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank, HOSE: LPB), Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank, HOSE: TCB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (HOSE: SHB), Tập đoàn Vingroup (HOSE: VIC) và Tập đoàn T&T. Trong đó ngoại trừ nhà tài trợ lớn nhất là VPBank công bố mức kinh phí hỗ trợ là 100 tỷ đồng, các doanh nghiệp còn lại không tiết lộ số tiền chi trả.

Banner cảm ơn nhà tài trợ do VTV đăng tải.

Dù không tiết lộ kinh phí, các thông tin ban đầu cho rằng mức giá chào bán bản quyền phát sóng giải đấu cho thị trường Việt Nam từ Infront Sport & Media (đơn vị nắm giữ bản quyền phát sóng World Cup tại 26 quốc gia) rơi vào khoảng 15 triệu USD (khoảng 360 tỷ đồng, trong đó bao gồm tiền bản quyền và chi phí truyền dẫn vệ tinh (khoảng 1-2 triệu USD).

Trên thực tế, đây không phải là mùa World Cup đầu tiên có được sự tài trợ của các doanh nghiệp, trong bối cảnh nhà đài đã tự chủ tài chính từ lâu và tiền bản quyền phát sóng ngày càng đắt đỏ. Theo thống kê của người viết, chiếu theo tiền bản quyền từ 3 kỳ World Cup trước đây, mức giá chi trả để “đưa World Cup về Việt Nam” đã gấp hơn 7 lần (VTV từng trả 2 triệu USD để mua bản quyền phát sóng World Cup 2010 từ Dentsu Alpha).

Kỳ World Cup 2018 diễn ra tại Nga, bản quyền World Cup có sự tài trợ lớn từ Vingroup. Thời điểm ấy, đối tác từ Infront Sport & Media chào giá 14 - 15 triệu USD. Sau quá trình thương thảo, VTV đàm phán thành công mức giá 12 triệu USD. Trong đó Vingroup đã mạnh tay chi 5 triệu USD (tương đương hơn 100 tỷ đồng). Số tiền còn lại do VTV và Viettel đồng đứng ra chi trả.

Kỳ World Cup 2014 ở Brazil, đơn vị nắm giữ bản quyền phát sóng là MP & Silva đã chào bán cho VTV mức giá 10 triệu USD (chưa bao gồm chi phí truyền dẫn vệ tinh). MP & Silva trước đó đã đấu thầu thắng Dentsu Alpha, mua bản quyền phát sóng giải đấu tại Việt Nam với giá 7 triệu USD. Sau cùng, VTV thương thảo mua lại được với mức giá 7 triệu USD từ đơn vị này.

VTV thu lại bao nhiêu từ chi phí quảng cáo?

Việt Nam là một quốc gia luôn được đánh giá là yêu bóng đá, với lượng người hâm mộ đông đảo và cuồng nhiệt dành cho môn “thể thao vua”. Một giải đấu bóng đá được xem là “hấp dẫn nhất hành tinh” cũng sẽ mang giá trị lớn về mặt thương mại. Và một sự thật hiển nhiên nữa, với việc giá trị bản quyền leo thang, mức chi phí quảng cáo xen giữa các trận đấu cũng gây chú ý.

Năm 2018, VTV đã đưa ra thông báo điều chỉnh đơn giá quảng cáo trận chung kết và lễ bế mạc FIFA World Cup 2018, với mức giá được xem là kỷ lục. Cụ thể, giá mỗi suất chiếu (spot) 30s quảng cáo TVC trong trận chung kết là 800 triệu đồng. Ngoài ra còn có lựa chọn “tiết kiệm” hơn đôi chút là suất 10s – giá 400 triệu đồng. Giá quảng cáo trong phần bình luận chung kết và lễ bế mạc rẻ hơn đôi chút, với 750 triệu đồng cho spot 30 giây và 450 triệu đồng cho spot 15 giây.

Mức giá này cao gấp 2.2 lần so với chi phí quảng cáo dành cho các trận vòng bán kết (175-350 triệu đồng, tương ứng các spot quảng cáo 10 - 30s), và khoảng 2.5 lần so với chi phí tại vòng tứ kết (150 – 300 triệu đồng). Đây cũng là mức giá kỷ lục trong các trận chung kết World Cup trên VTV. Trước đó, mức cao nhất thuộc về trận chung kết World Cup 2014, với giá cao nhất là 350 triệu đồng cho 30s quảng cáo.

Chưa rõ chi phí quảng cáo đối với giải đấu năm nay là bao nhiêu, nhưng việc mức chi phí bản quyền leo thang dự báo sẽ tiếp tục phá kỷ lục của năm 2018.

FIFA thu lợi lớn từ tiền phát sóng bản quyền

Kể từ năm 1930, các giải đấu World Cup ngày càng nổi tiếng. Cộng thêm sự phát triển của công nghệ, những bản hợp đồng phát sóng triệu đô đã góp phần đưa giải đấu đến mức độ phổ biến phạm vi toàn cầu.

Cũng nhờ vậy, FIFA đã thu về hàng tỷ USD qua những giải đấu được tổ chức, với số tiền thu được từ bản quyền truyền hình chiếm phần lớn trong cơ cấu doanh thu. Theo số liệu từ Statista, năm 2002 FIFA thu về 1.6 tỷ USD tại giải đấu được tổ chức tại Hàn Quốc (tiền bản quyền 1.2 tỷ USD). Năm 2006, Word Cup trên đất Đức mang về cho họ 2.6 tỷ USD (bản quyền phát sóng 1.4 tỷ USD). Sau đó là 4.2 tỷ USD tại Nam Phi năm 2010 (2.4 tỷ USD tiền bản quyền), 4.8 tỷ USD tại Brazil (bản quyền 2.4 tỷ USD), 5.2 tỷ USD tại Nga (3 tỷ USD bản quyền), và dự báo World Cup Qatar 2022 mang về khoảng 6.5 tỷ USD (tiền bản quyền phát sóng dự báo chiếm khoảng 50%).

Doanh thu thực và dự báo của FIFA qua các kỳ World Cup (Nguồn: Sports Value)

Nhìn trên biểu đồ, sự khác biệt trong doanh thu lớn nhất ở 2 kỳ World Cup 2006 và 2010. Nguyên nhân là vì thời điểm ấy, công nghệ phát sóng với độ phân giải HD đã tồn tại, giúp doanh thu của FIFA được đẩy doanh thu lên mức cao đột biến. Công nghệ phát sóng sau này có mạnh mẽ hơn nhưng khác biệt không quá nhiều, do đó mức tăng doanh thu không có sự đột biến. 

Theo FIFA công bố, World Cup 2022 ước tính sẽ thu hút khoảng 5 tỷ lượt xem, sau khi tổ chức này ký kết hợp đồng phát sóng với một số nhà đài mới (riêng tại Mỹ là hơn 2 tỷ USD, theo The Guardian).

Châu An

FILI