Phân tích kỹ thuật | 22/09/2021

3 cách để vượt qua “bóng ma” FOMO trong đầu tư

Nếu được hỏi đâu là rào cản tâm lý lớn nhất khi giao dịch trên thị trường chứng khoán, chắc chắn sẽ rất nhiều traders có cùng chung một câu trả lời, đó là tâm lý FOMO (Fear of Missing Out – Nỗi sợ nếu không hành động sẽ bỏ lỡ cơ hội) khi đưa ra quyết định đầu tư.

FOMO là gì

FOMO là gì?

Lấy một ví dụ đơn giản, khi nhà đầu tư phân tích cổ phiếu A, họ nhìn ra những yếu tố cơ bản hấp dẫn của doanh nghiệp, đồng thời đồ thị cổ phiếu thể hiện rõ rệt xu hướng đang đi vào uptrend, ngay lập tức họ quyết định xuống tiền mua cổ phiếu A vào danh mục. Vài ngày sau đó, giá cổ phiếu A vẫn lình xình đi ngang, trong khi nhìn sang cổ phiếu B, nhà đầu tư lại thấy giá tăng liên tiếp vài phiên, dường như dòng tiền đang chảy rất mạnh vào cổ phiếu này, và giá cổ phiếu B sẽ còn tiếp tục tăng trong những phiên sắp tới. Sau một vài phút phân vân, nhà đầu tư liền đưa ra quyết định “đảo hàng”, bán cổ phiếu A để mua cổ phiếu B. Chỉ một thời gian rất ngắn sau đó, cổ phiếu B đảo chiều giảm liên tục, và cổ phiếu A lại rục rịch “chạy”.

Đây là một ví dụ điển hình của câu chuyện FOMO trong đầu tư, và chắc hẳn các trader, dù chuyên nghiệp hay mới vào nghề, đều phạm phải sai lầm này một lần trong đời. Vậy, làm cách nào để vượt qua FOMO và tạo ra được lợi nhuận bền vững trong đầu tư?

Sau đây là 3 lời khuyên dành cho bạn để tránh FOMO.

Viết nhật ký đầu tư

Ghi chép lại những diễn biến trong ngày giao dịch của bạn, đặc biệt là vào thời điểm bạn đưa ra một quyết định mua bán, cung cầu thị trường tại thời điểm đó đang biến động như thế nào? đồ thị cổ phiếu đang ở hình thái nào? và TÂM LÝ của bạn như thế nào?

Nếu ghi nhật ký một cách đều đặn, sau một khoảng thời gian bạn có thể tự soi chiếu và thống kê lại những dấu hiệu tâm lý mình hay mắc phải trước khi rơi vào bẫy FOMO, ví dụ như hưng phấn, lo sợ, thậm chí là ghen tị, bất an,…Chỉ khi tìm ra được gốc rễ của vấn đề, bạn mới có thể đối mặt và luyện tập cách để vượt qua nó.

Lên kịch bản hành động trước khi vào phiên giao dịch

Trong giờ giao dịch, thị trường liên tục biến động theo từng phút, thậm chí từng giây. Lúc đó, bạn sẽ có rất ít hoặc không có đủ thời gian để quan sát và đưa ra những quyết định đầu tư hợp lý, và rất dễ bị thao túng bởi tâm lý đám đông, đặc biệt là trong những rung lắc mạnh của thị trường.

Do vậy, hãy tận dụng những khoảng thời gian tĩnh lặng, khi thị trường đã đóng cửa, vào buổi sáng, buổi tối, hoặc cuối tuần, bạn tự hình dung ra chi tiết những kịch bản giao dịch có thể xảy ra, và phản ứng của bạn sẽ như thế nào trong những tình huống cụ thể đó.

Hãy luyện tập thói quen làm “bài tập” trước mỗi phiên giao dịch, và hành động theo đúng kế hoạch đã vẽ ra trong kịch bản. Đây chính là một trong những công cụ hữu hiệu nhất để hạn chế và vượt qua FOMO được tổng kết lại bởi nhiều trader có kinh nghiệm trên thị trường.

Kiểm soát thông tin tiếp nhận trên mạng xã hội

Mạng xã hội là một công cụ hữu hiệu để bạn tìm kiếm và khai thác, chia sẻ thông tin. Nhưng mặt khác, nó sẽ trở thành con dao 2 lưỡi nếu bạn để nó chi phối quá nhiều đến quyết định đầu tư của mình.

Ban đầu bạn chỉ có ý định lướt qua một số diễn đàn trên facebook để cóp nhặt một vài ý tưởng đầu tư, nhưng dần dà, khi thường xuyên nhìn thấy những status “khoe” lãi vài chục % chỉ trong một thời gian ngắn của bạn bè, bạn sẽ bị nao núng bởi suy nghĩ “Tại sao danh mục của họ tăng trưởng nhanh như vậy, còn của mình thì không?”, “Liệu mọi người có đang biết điều gì đó mà mình chưa biết hay không?”. Sự tự ti này chính là những mầm mống đầu tiên của hiện tượng FOMO sẽ dẫn đến rất nhiều sai lầm trong đầu tư mà bạn cần tránh.

Hãy nhớ rằng, chỉ có những những lập luận chắc chắn, những phân tích có cơ sở mới tạo ra nền tảng vững chắc cho quyết định đầu tư của bạn. Bạn chọn mua cổ phiếu vì lí do gì, thì quyết định bán cổ phiếu đó cũng phải được căn cứ trên những lập luận tương tự.

FOMO là một trong những “lỗi” tâm lý đầu tiên và phổ biến nhất mà các trader hay gặp phải.

Để vượt qua nó, bạn phải bỏ ra rất nhiều những thứ “vô hình” như thời gian, công sức, chất xám và sự kiên trì luyện tập. Thay vì để FOMO chi phối, bạn hãy thử làm quen với cảm giác JOMO (Joy of missing out – Cảm giác vui vẻ khi để vụt mất một cơ hội nào đó). Suy nghĩ chậm lại một nhịp, hành động chậm đi một bước và tuyệt đối tuân thủ theo nguyên tắc giao dịch, chắc chắn FOMO sẽ dần dần không còn là trở ngại trong quá trình đầu tư của bạn.

ads-3
share facebook
Author

Tác giả:

DNSE Team

Đã đóng góp: 1 bài viết

Bài viết liên quan