Quản trị danh mục | 29/12/2022
4 bẫy cảm xúc trong đầu tư bạn nên tránh – Bạn có dám chắc mình không dính?
Trong đầu tư, một trong những “kẻ thù” lớn nhất của nhà giao dịch chính là cảm xúc. Có nhiều nghiên cứu cho thấy, sự thành công hay thất bại của các nhà giao dịch đôi khi lại do cách kiểm soát cảm xúc tạo ra. Vậy bẫy cảm xúc trong đầu tư bắt nguồn từ đâu? Làm cách nào để chúng ta có thể kiểm soát được cảm xúc của mình khi giao dịch. Tất cả những điều này sẽ được DNSE chia sẻ kỹ hơn trong bài viết dưới đây.
Các bẫy cảm xúc trong đầu tư
Sợ mất tiền
Trên thực tế, gần như tất cả các công việc đều có những phát sinh chi phí trước khi chúng ta kiếm được lợi nhuận từ nó. Đương nhiên, đầu tư cũng không phải là một trường hợp ngoại lệ. Việc đầu tư thất bại hay đơn giản là mất tiền luôn là “cơn ác mộng” của bất cứ nhà đầu tư nào. Tuy nhiên, chính cảm xúc sợ hài về việc mất tiền sẽ khiến bạn không đủ dũng cảm để đưa ra những quyết định đủ sáng suốt, và cái vòng luẩn quẩn về nỗi sợ mất tiền sẽ không bao giờ “chịu buông tha”.
Trong đầu tư, nếu cảm xúc không được cân bằng ở thời điểm ra quyết định đối với một vụ giao dịch nào đó, thì hiển nhiên kết quả nhận được sẽ rất tồi tệ. Rõ ràng, đầu tư có thể hiểu như một trò chơi xác suất – có thắng và có thua. Điều mà bạn cần quan tâm lúc này là cân bằng được cảm xúc của mình trong mọi trường hợp. Khi thắng cần thắng được nhiều và khi thua cần giảm tối thiểu các khoản lỗ, chỉ có như vậy mới có thể thu được lợi nhuận trong đầu tư.
Không chấp nhận mình thua
Dù ít dù nhiều, đầu tư sẽ luôn đi liền với rủi ro. Mọi người thường sẽ có xu hướng gắn bó và đầu tư vào những gì mình biết. Những nhà đầu tư mới hay thậm chí là cả những nhà đầu tư lâu năm khi vướng phải những giao dịch thua lỗ, họ lại không chấp nhận sai lầm của mình do chưa đủ kinh nghiệm hay kiến thức.
Thay vì cắt lỗ để bảo toàn vốn, họ lại cố gắng giữ lệnh hoặc đẩy thêm lệnh ngược hướng với chiều hướng hiện tại với mong muốn thị trường sẽ sớm vận động lại theo ý của họ. Thua lỗ trong đầu tư là chuyện bình thường, việc chấp nhận và giảm tối đa tiền mất trên những lệnh thua đó mới là điều mà bạn cần làm lúc này.
Chạy theo đám đông (FOMO)
Thật trớ trêu, tâm lý chạy theo đám đông lại là nguyên nhân dẫn đến “bong bóng” trên thị trường tài chính. Họ có thể nhanh chóng bán tháo cổ phiếu khi một công ty nhận được thông tin xấu và “điên cuồng” mua vào khi cổ phiếu có giá tốt.
Tuy nhiên, “hành vi bầy đàn” này cần được kiểm soát một cách chặt chẽ. Bạn nên thực hiện phân tích và nghiên cứu kỹ càng thị trường trước khi quyết định đầu tư, tránh chạy theo đám đông.
Thiếu kỷ luật
Một người giao dịch thiếu kỷ luật sẽ rất khó để thành công trên thị trường này. Dưới đây là những hành vi thiếu kỷ luật mà chúng ta có thể dễ bắt gặp nhất:
- Như bạn biết đấy, để có thể sử dụng hiệu quả một hệ thống giao dịch chúng ta cần phải có thời gian và trải nghiệm qua một số chu kỳ thị trường. Có như vậy, bạn mới đánh giá được những ưu và nhược điểm của hệ thống giao dịch để nâng cấp, từ đó mức hiệu suất trong đầu tư mới được cải thiện. Tuy nhiên, với những nhà đầu tư thay đổi hệ thống giao dịch một cách quá nhanh thì việc tối ưu hiệu suất đầu tư dường như là điều chẳng mấy khả thi.
- Thực tế, không có hệ thống giao dịch vào là hoàn hảo cả. Bởi vậy, những nhà đầu tư nôn nóng, loại bỏ đi hệ thống giao dịch hiện tại của mình chỉ vì điều kiện thị trường đang không phù hợp với hệ thống giao dịch đó sẽ là điều mà bạn nên cân nhắc kỹ càng.
- Đầu tư luôn là một trong những kênh có rủi ro. Việc có hệ thống giao dịch nhưng không tuân thủ do bị cảm xúc chi phối có thể gây nên những tổn thất nặng nề về mặt dài hạn.
3 cách để tránh bẫy cảm xúc trong đầu tư
Có chiến lược đầu tư cụ thể
Để có được lợi nhuận trên thị trường chứng khoán rõ ràng sẽ không thể một sớm một chiều, mà bạn cần có một chiếc lược đầu tư cụ thể và dài hạn. Việc chủ động lên các kế hoạch trước khi tham gia vào thị trường giúp bạn có được cái nhìn khách quan và bình tĩnh hơn, tránh ảnh hưởng bởi các biến động trong ngắn hạn. Bằng giải pháp này, bạn sẽ không phải đối mặt với những hậu quả sai lầm do các quyết định nóng vội gây ra.
Mỗi khi thực hiện giao dịch, bạn nên chuẩn bị kỹ tâm lý cho mình khi phải đối diện với 4 loại tình huống bao gồm: Rất dễ xảy ra, dễ xảy ra, khó xảy ra và rất khó xảy ra. Dẫu biết rằng, kể cả khi có chiến lược cụ thể cũng không thể chắc chắn rằng bạn sẽ thành công trong các giao dịch của mình. Bởi biến số trong đầu tư là chuyện hết sức bình thường. Nhưng ít nhất trong lúc này, bạn sẽ có được sự chủ động cần thiết khi không may phải đối mặt với các tình huống xấu.
Đầu tư kỷ luật
Như đã chia sẻ ở trên, thiếu tính kỷ luật là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến các nhà giao dịch mắc phải bẫy cảm xúc trong đầu tư. Do vậy, để khắc phục điều này bạn cần kiên định với quyết định của mình, không “đứng núi này trông núi nọ”.
Nếu bạn đã chọn được những loại cổ phiếu tốt, có tiềm năng thì cũng có nghĩa doanh nghiệp đó có đủ khả năng đứng vững dù thị trường dù có biến động lên xuống trong ngắn hạn và sẽ tăng trưởng trong dài hạn. Việc duy nhất bạn nên làm là kiên trì và thực hiện theo kế hoạch đã đề ra ban đầu. Tránh tâm lý hoang mang lo sợ dẫn đến bán tháo gây ra thua lỗ.
Hiểu rõ doanh nghiệp bản thân đầu tư
Việc nắm rõ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sẽ giúp bạn có thể được tâm lý vững vàng hơn trước những biến động ngắn hạn. Càng nắm rõ được lĩnh vực mà mình đầu tư, càng nắm được nguyên lý lên xuống của thị trường sẽ giúp bạn nhanh nhạy hơn trong việc nắm bắt cơ hội, biết đâu là “thời điểm vàng” để mua vào hay bán đi cổ phiếu đang nắm giữ.
Tạm kết
Giao dịch trên thị trường luôn tiềm ẩn rất nhiều những cạm bẫy về mặt tâm lý có thể khiến các nhà đầu tư mắc sai lầm. Bởi vậy, việc kiểm soát được cảm xúc của mình trong mọi trường hợp xảy ra sẽ là điều mà bạn cần đặc biệt lưu tâm để việc đầu tư có hiệu quả tốt nhất.