Quản lý tài sản | 16/03/2023
5 cách để xử lý các khoản nợ trong thời kỳ lạm phát
Trong năm qua, lạm phát khiến chi phí của mọi thứ tăng lên, chúng ta phải chi trả nhiều hơn cho tiền xăng xe, nhu yếu phẩm, các chi phí sinh hoạt khác,… và cả các khoản nợ. Có cách nào để xử lý được các khoản nợ trong thời điểm khó khăn này hay không? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Mối quan hệ giữa nợ và lạm phát
Với lãi suất biến động, lãi của thẻ tín dụng và các khoản nợ khác có thể sẽ tăng lên.
Nếu tiền lương của bạn không thay đổi trong thời kỳ lạm phát và chi phí sinh hoạt tăng lên, điều này tương đương với việc số tiền để trả nợ của bạn sẽ giảm. Nó sẽ khiến bạn mất nhiều thời gian hơn để trả hết nợ, thậm chí có thể vỡ nợ.
Lãi suất cao có nghĩa là càng mất nhiều thời gian trả nợ hơn, người cho vay sẽ thu được nhiều tiền lãi từ việc này.
Lạm phát cũng thường khiến bạn có ít khả năng chi tiêu hơn. Do đó, bạn sẽ sử dụng thẻ tín dụng nhiều hơn để chi tiêu cho các giao dịch mua hàng trong thời kỳ tài chính khó khăn này và khoản nợ thẻ tín dụng theo đó lại tăng lên.
5 cách để xử lý các khoản nợ
Giải quyết nợ nần trong khi cố gắng chống lại lạm phát không phải là điều dễ dàng. Dưới đây là một số cách tham khảo cho bạn:
Xem xét đến chuyện thay đổi lãi vay
Đừng hoang mang lo lắng hay vội vàng tìm mọi cách tiêu cực để trả cho hết nợ mà hãy thử bàn bạc lại với bên cho vay của bạn. Nếu bạn là khách hàng lâu năm và có lịch sử thanh toán tốt thì điều đó có thể có lợi cho bạn.
Thương lượng với bên cho vay, xem xét giảm lãi suất hoặc thay đổi ngày đến hạn thanh toán để phù hợp hơn với chu kỳ chi trả của bạn – đàm phán những thay đổi nhỏ cũng có thể tạo ra sự khác biệt trong tương lai.
Tùy thuộc vào điểm tín dụng, bạn cũng có thể hợp nhất khoản nợ của mình. Việc hợp nhất các khoản nợ tín dụng thành một khoản tiêu dùng duy nhất giúp cắt giảm tối đa tiền lãi chi trả hàng tháng. Nếu khoản nợ của bạn chia đều trên nhiều thẻ tín dụng, ngân hàng hoặc công ty tài chính, bạn có thể gộp tất cả lại thành một khoản vay cá nhân duy nhất.
Tham khảo từ nhân viên tư vấn tín dụng phi lợi nhuận
Các công ty tư vấn tín dụng phi lợi nhuận luôn là một nguồn tham khảo tuyệt vời khi bạn cần lời khuyên về giải quyết nợ, đặc biệt là trong thời kì lạm phát.
Nhân viên tư vấn tín dụng phi lợi nhuận có thể giúp lên kế hoạch ngân sách, có cái nhìn bao quát hơn về tài chính của bản thân, giúp bạn điều hướng tốt hơn trong việc quản lý và giải quyết các khoản nợ thẻ tín dụng, khoản vay sinh viên hay chi phí nhà ở,…
Lựa chọn chiến lược trả nợ hiệu quả
Có nhiều chiến lược trả nợ mà bạn có thể tham khảo từ nhiều nguồn, dưới đây là hai chiến lược tiêu biểu:
- Chiến lược “tuyết lở” (debt avalanche): tập trung vào việc trả nợ theo lãi suất từ cao đến thấp, bất kể số dư nợ. Nghĩa là bạn sẽ ưu tiên trả những khoản nợ có lãi suất cao nhất rồi giảm dần. Cách này giúp tiết kiệm một số tiền không nhỏ do phải ưu tiên trả những khoản nợ lớn nhất.
- Chiến lược “quả cầu tuyết” (debt snowball): chiến lược này khuyến khích xử lý từ những khoản nợ có số dư thấp nhất rồi tăng dần. Nó dễ dàng thực hiện, đồng thời tạo động lực tốt hơn khi bắt đầu từ món nợ nhỏ nhất.
Tăng thu nhập cá nhân
Bên cạnh khoản lương cố định, hãy gia tăng thu nhập bằng cách đầu tư hoăc kinh doanh để gia tăng khả năng trả nợ. Ví dụ, hãy cân nhắc nhận thêm một công việc freelancer, kinh doanh online, đầu tư chứng khoán,….
Giảm thiểu chi tiêu
Cắt giảm những khoản chi không cần thiết có thể giúp bạn tiết kiệm nhiều tiền hơn bạn nghĩ. Điều này không có nghĩa là phải cắt giảm hoàn toàn các chi tiêu cho những nhu cầu giải trí, sở thích mà cần phải cân nhắc thật kỹ, tiêu dùng cho hợp lý. Có một số cách để giảm thiểu chi tiêu như:
- Chuyển sang gói điện thoại rẻ hơn
- Loại bỏ các khoản dịch vụ trực tuyến mà bạn ít dùng như: gói netflix, K+,…
- Theo dõi chi tiêu của bạn bằng ứng dụng lập ngân sách
- Tự chuẩn bị bữa ăn thay vì mua đồ bên ngoài
- Lên danh sách những thứ cần mua trước khi đi mua sắm và tuyệt đối chỉ mua những thứ ấy
Lạm phát có thể khiến việc trả nợ trở nên khó khăn hơn nhưng không có nghĩa là không thể giải quyết. Nếu biết sử dụng tiền đúng cách, các khoản nợ sẽ không còn là gánh nặng lớn khiến bạn phải lo lắng nữa.