Doanh nghiệp | 06/09/2021

Báo cáo tài chính là gì? Giá trị của BCTC

Báo cáo tài chính (BCTC) là hồ sơ được các doanh nghiệp sử dụng với mục đích thống kê lại các thông tin như chi phí, lợi nhuận, tài sản và nợ phải trả trong một khoảng thời gian nhất định, thường là trong một năm tài chính. Vậy báo cáo tài chính là gì? Việc đọc BCTC có giá trị gì đối với việc đầu tư?

báo cáo tài chính là gì
Báo cáo tài chính là gì?

Báo cáo tài chính là gì?

Báo cáo tài chính (Financial Reporting) là các thông tin kinh tế được kế toán viên trình bày dưới dạng các bảng biểu, nhằm cung cấp các thông tin về tình hình tài chính, tình hình kinh doanh và các luồng tiền của doanh nghiệp.

Có hai loại là báo cáo tài chính tổng hợp và báo cáo tài chính hợp nhất.

Với các nhà đầu tư theo trường phái phân tích cơ bản thì việc phân tích báo cáo tài chính, qua đó đánh giá triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp và định giá doanh nghiệp, phục vụ việc ra quyết định mua bán cổ phiếu là một hoạt động then chốt.

Báo cáo tài chính (BCTC) được xem như là hệ thống các bảng biểu, mô tả thông tin về tình hình tài chính, kinh doanh và các luồng tiền của doanh nghiệp. Báo cáo tài chính gồm những báo cáo tổng hợp nhất về tình hình tài sản, vốn chủ sở hữu và nợ phải trả cũng như tình hình tài chính, kết quả kinh doanh trong kỳ của doanh nghiệp.

Nói theo một cách khác thì BCTC là một phương tiện nhằm trình bày khả năng sinh lời và thực trạng tài chính doanh nghiệp tới những người quan tâm (chủ DN nhà đầu tư, nhà cho vay, cơ quan thuế và các cơ quan chức năng…)

Theo luật của cơ quan thuế thì tất cả doanh nghiệp trực thuộc các ngành, các thành phần kinh tế đều phải lập và trình bày BCTC năm.

Còn đối với các công ty hay tổng công ty có các đơn vị trực thuộc, ngoài BCTC năm thì còn phải thực hiện BCTC tổng hợp hay BCTC hợp nhất vào cuối kỳ kế toán năm dựa trên báo cáo tài chính của các đơn vị trực thuộc.

Đối với các doanh nghiệp trực thuộc nhà nước và các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán thì sao? Các doanh nghiệp này ngoài BCTC năm phải lập thì các doanh nghiệp này phải lập thêm BCTC giữa niên độ (báo cáo quý – trừ quý 4) dạng đầy đủ.

Riêng đối với Tổng công ty trực thuộc Nhà nước và các doanh nghiệp nhà nước có các đơn vị kế toán trực thuộc phải lập BCTC tổng hợp hoặc BCTC hợp nhất (BCTC hợp nhất giữa niên độ được thực hiện bắt buộc từ năm 2008)

Giá trị của việc đọc báo cáo tài chính trước khi đầu tư

Nhà đầu tư (NĐT) vẫn biết phân tích Báo cáo tài chính (BCTC) là quan trọng, là cần thiết trước khi đầu tư vào cổ phiếu của một doanh nghiệp nào đó, đặc biệt với các NĐT theo trường phái FA. Tuy nhiên không phải ai cũng tận dụng được những gì hữu ích có trong BCTC. Xét trên góc độ NĐT chứng khoán việc đọc, phân tích BCTC nhằm ba mục đích chính:

  1. Đánh giá sức khỏe tài chính doanh nghiệp.
  2. Tìm dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro để tránh xa và tìm dấu hiệu cơ hội để đầu tư.
  3. Đỉnh cao của phân tích BCTC là dự báo được dòng tiền, doanh thu, lợi nhuận trong tương lai của doanh nghiệp để ra những quyết định đầu cơ thắng lợi lớn.

Đọc báo cáo tài chính để đánh giá sức khỏe tài chính của doanh nghiệp trước khi đầu tư.
Một câu hỏi quan trọng với nhà đầu tư chứng khoán là việc đọc báo cáo tài chính có đem lại giá trị hay không? Với những tín đồ của trường phái thị trường hiệu quả hoặc phân tích kỹ thuật, họ tin rằng các thông tin về công ty đã lượng hóa vào giá cổ phiếu và thường giả định rằng giá cổ phiếu đã phản ánh các thông tin tài chính và là chỉ báo tốt về giá trị doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp thì thị trường không hoàn toàn là hiệu quả và có thể là đánh giá sai giá trị của doanh nghiệp, khi đó, việc đọc báo cáo tài chính để ra quyết định là một hoạt động có ý nghĩa.

Với các nhà đầu tư theo trường phái phân tích cơ bản thì việc phân tích báo cáo tài chính, qua đó đánh giá triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp và định giá doanh nghiệp, phục vụ việc ra quyết định mua bán cổ phiếu là một hoạt động then chốt.

Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư gặp khó khăn khi nhiều công ty sử dụng những thủ thuật kế toán trong việc hạch toán số liệu hoặc thực hiện một số “nghiệp vụ đặc biệt” mà qua đó làm đẹp báo cáo tài chính nhưng thực lực thì không phải như vậy.

Một số trường hợp cụ thể

Thứ nhất – Hết khấu hao, bán tài sản

Khi hết khấu hao hay bán tài sản thông thường sẽ làm cho lợi nhuận của doanh nghiệp tăng trưởng đột biến. Từ đó làm tăng sức hút của cổ phiếu, thúc đẩy tăng giá cổ phiếu. Những trường hợp điển hình đã diễn ra trên thị trường chứng khoán như KDC bán mảng bánh kẹo mang lại lợi nhuận hàng nghìn tỷ và trả cổ tức kỷ lục lên đến 200% vào năm 2015 khiến cổ phiếu tăng giá 100%; KDC bán cổ phần KDF đầu năm 2017 làm giá tăng 80%; GMD bán GMD Tower giai đoạn 2014 làm giá tăng trên 70%; DVP hết khấu hao Tài sản cố định của mình từ 2014-2015 làm lợi nhuận và dòng tiền tăng tốt và giá cổ phiếu tăng bằng lần sau 3 năm.

Cách nhận biết cơ hội: Đọc báo cáo tài chính khoản mục tài sản dài hạn gồm bất động sản có giá trị cao; các công ty con, công ty liên kết được ghi nhận với giá trị sổ sách đang thấp hơn giá thị trường; khoản mục khấu hao của các doanh nghiệp đầu tư nhiều tài sản dài hạn như máy móc thiết bị, tàu chở hàng, cảng biển, bất động sản làm trụ sở… bên cạnh việc nghe ngóng trên thị trường về việc bán các tài sản (nếu có).

Có thể xem xét áp dụng vào chọn cổ phiếu trên TTCK như SEA sở hữu các lô đất vàng có giá trị rất lớn ở trung tâm Sài Gòn; sở hữu 20% cổ phần Proconco với giá vốn thấp; DVN sở hữu đất vàng và sở hữu cổ phiếu các doanh nghiệp dược lớn như IMP; VCB sở hữu MBB với giá vốn thấp và dự kiến 2018 thoái vốn…

Thứ 2 – Tích được hàng tồn kho lớn, nguyên vật liệu giá rẻ

Việc này sẽ làm cho giá vốn đầu vào của doanh nghiệp trong tương lai giảm mạnh và tăng lợi nhuận cho công ty, cho cổ đông từ đó tác động tích cực đến giá cổ phiếu.

Những trường hợp điển hình trên TTCK như:

(1) DRC năm 2009 tích được nhiều nguyên liệu cao su tự nhiên giá rất rẻ từ 2008, giúp lợi nhuận 2009 tăng 7,8 lần trong khi giá cổ phiếu tăng 18 lần;

(2) dòng thép HPG, HSG, NKG năm 2016 nhờ có được lượng nguyên vật liệu và hàng tồn kho giá rẻ đã khiến cho lợi nhuận của các DN này đều tăng tối thiểu 60% và tất cả các cổ phiếu đều tăng trên 100% – 300%;

(3)VNM năm 2016 được hưởng lợi cực lớn từ giá nguyên liệu sữa bột thế giới rẻ nên đã có được lợi nhuận tăng trưởng mạnh trong năm 2016, từ đó giá cổ phiếu tăng tốt.

Cách nhận biết: Khi nghe thấy giá nguyên vật liệu hàng hóa cơ bản thì nhìn vào khoản mục hàng tồn kho của các DN tích trữ hàng tồn kho nhiều cho sản xuất và tính toán xem lợi bao nhiêu so với giá thị trường, nếu đủ lớn đột biến thì cơ hội rõ ràng.

Thứ 3 – Tồn kho thành phẩm lớn chờ chuyển giao và người mua trả tiền trước rất nhiều

Theo thông tư 200/BTC thì DN chỉ có thể ghi nhận doanh thu và lợi nhuận khi chuyển giao cho người mua, chính vì thế rất nhiều doanh nghiệp dù đã thu được tiền từ người mua và ghi nhận vào khoản mục người mua trả tiền trước nhưng chưa ghi nhận doanh thu và lợi nhuận. Khi bàn giao nhà cho người mua, nó sẽ chuyển thành doanh thu.

Những trường hợp điển hình: KDH ghi nhận khoản người mua trả tiền trước tăng mạnh vào cuối năm 2015 và 2016, sau đó KDH đã hạch toán được doanh thu và lợi nhuận lớn vào năm 2016 và 2017. Giá cổ phiếu KDH chỉ trong 2 năm tăng đến 3 lần; tương tự với rất nhiều doanh nghiệp BĐS khác.

Cách nhận biết:

(1) Hàng tồn kho tăng mạnh, đọc thuyết minh thấy đó là thành phẩm chờ chuyển;

(2) Khoản mục người mua trả tiền trước tăng lên đột biến thì cần tìm hiểu tăng lên từ dụ án nào hay từ sản phẩm nào và thời điểm chuyển giao sản phẩm, sau đó sẽ ra quyết định.

Thứ 4 – Trích lập dự phòng lớn làm cho lợi nhuận giảm nhất thời hoặc dự phòng lớn có cơ hội hoàn nhập.

Điều này xảy ra khi một tài sản, khoản đầu tư của doanh nghiệp bị giảm giá hoặc các khó đòi, hoặc vì một lý do nào mà doanh nghiệp phải ghi nhận giảm rất lớn tài sản đó làm cho DN bị khoản lỗ bất thường lớn. Khi khoản này không còn phải trích nữa trong tương lai lợi nhuận của DN sẽ quay về bình thường; hoặc nếu các tài sản, khoản phải thu nhận lại được thì DN sẽ thêm một khoản lợi nhuận lớn trong tương lai.

Thông thường giá cổ phiếu phản ánh tích cực với những câu chuyện này.

Những trường hợp điển hình: DQC những năm trước 2017 nhận được tiền hoàn nhập từ Cuba hàng năm lên đến 50-70 tỷ, tạo sự chú ý của NĐT và tích cực mua vào khiến cổ phiếu DQC trong 3 năm tăng tới 4-5 lần.

Cách nhận biết: Chủ yếu nhìn vào các khoản đầu tư của doanh nghiệp trên báo cáo xem doanh nghiệp sở hữu cổ phiếu nào (đối với các công ty chứng khoán, công ty tài chính) hoặc xem có những khoản dự phòng lớn nào bất thường ghi nhận trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Sau đó phân tích các khoản này đã được dự phòng như thế nào.

Thứ 5 – Giá cổ phiếu tạo đáy sau khi KQKD tạo đáy một thời gian dài

Doanh nghiệp gặp khó khăn, kết quả kinh doanh đi xuống và giá cổ phiếu giảm mạnh, đến khi tình hình kinh doanh đã phục hồi trở lại nhưng do một yếu tố nào đó, cổ phiếu bị lãng quên nên giá tiếp tục giảm. Lúc này định giá của cổ phiếu trở nên cực rẻ tạo ra các cơ hội lớn cho nhà đầu tư tham gia để đến khi thị trường đánh giá đúng giá trị của nó thì giá cổ phiếu thông thường tăng một cách khủng khiếp và đáng sợ.

Những trường hợp điển hình: (1) LCG đã tạo đáy lợi nhuận từ 2013, và kết quả kinh doanh đi lên khá mạnh mẽ, nhưng giá cổ phiếu chỉ tạo đáy vào đầu năm 2017 khi đó P/E =4 lần, sau đó khi mọi người nhận ra giá trị thực, đã có lúc LCG tăng 3 lần từ 4.000 đồng lên đến 12.500 đồng. (2) HDC đã tạo đáy KQKD từ năm 2014 và bắt đầu đi lên từ 2015 khá ổn định tuy nhiên giá cổ phiếu chỉ tạo đáy vào đầu năm 2017 khi đó P/E = 6 lần; sau đó khi TTCK nhận ra thì giá cổ phiếu chỉ trong 6 tháng tăng 70%.

Cách nhận biết: Dựa vào báo cáo KQKD của các doanh nghiệp này qua từng năm so sánh và tìm ra điểm đáy của nó. Bên cạnh đó cần kết hợp định giá để cho chắc chắn cổ phiếu đó bị định giá thực sự rẻ rồi mới ra quyết định.

Thứ 6 – Các doanh nghiệp mới đầu tư chưa thể hoạt động hết công suất

Khi doanh nghiệp mới đầu tư sản xuất, kinh doanh, hoạt động chưa hết công suất, giá bán thấp trong khi khấu hao nhiều, chi phí lãi vay lớn, làm cho lợi nhuận rất thấp giai đoạn đầu, đến khi công ty đi vào hoạt động ổn định thì lợi nhuận sẽ tăng mạnh tạo ra sự hấp dẫn lớn cho cổ phiếu.

Nhận biết những doanh nghiệp này không quá khó, chúng ta chỉ cần nhìn vào:

(1) Báo cáo dòng tiền từ hoạt động đầu tư sẽ âm rất lớn.

(2) Nhìn vào doanh thu trong báo cáo kết quả kinh doanh nhận thấy có sự tăng trưởng mạnh.

(3) Dựa vào khoản mục khấu hao tài sản cố định và lãi vay để đánh giá. Bên cạnh đó đọc báo cáo thường niên để kiểm chứng về việc công ty đang giai đoạn đầu đầu tư phát triển kinh doanh.

Các trường hợp điển hình học hỏi trong quá khứ như: DHA (2015); NT2 (2013); HND, QTP (hiện nay) …

Thứ 7 – Doanh thu và lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính tăng trưởng trên 15-20% trong 3-5 năm liên tiếp

Dấu hiệu trên cho ta biết:

(1) Về mặt xu hướng doanh nghiệp đang kinh doanh vào trend tăng do đó việc tăng trưởng các năm sau rất có thể duy trì;

(2) Sự tăng trưởng chỉ bền vững xảy ra khi cả doanh thu và lợi nhuận có sự tăng trưởng đồng pha (Không nhất thiết phải bằng nhau, nhưng doanh thu và lợi nhuận tốt nhất phải cùng tăng trưởng tốt)

(3) Một doanh nghiệp đã có sự tăng trưởng tốt 3-5 năm cho thấy thường doanh nghiệp có những lợi thế đặc biệt thì mới có thể duy trì như vậy.

Phân biệt giữa doanh nghiệp tăng trưởng và doanh nghiệp bất thường: KQKD phải đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp chứ không phải đến từ: Lợi nhuận bất thường, lợi nhuận khác, lợi nhuận tài chính như: Bán tài sản, hết khấu hao, hưởng lợi từ nguyên vật liệu đầu vào giá rẻ, cho vay lấy lãi,…

ads-3
share facebook
Author

Tác giả:

DNSE Team

Đã đóng góp: 1 bài viết

Bài viết liên quan