Bảo hiểm - Thuế | 31/03/2022

Bảo hiểm tín dụng là gì? Có bắt buộc phải mua bảo hiểm tín dụng không?

Khi vay vốn tại các ngân hàng thương mại, một số ngân hàng hiện nay sẽ đề nghị người vay tham gia bảo hiểm tín dụng. Thực tế, đây là một cách để giảm bớt rủi ro cho cả người đi vay và ngân hàng trong trường hợp xảy ra các tình huống không mong muốn. Vậy bảo hiểm tín dụng là gì? Nó đem lại lợi ích gì cho khách hàng? Hãy cùng DNSE tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Bảo hiểm tín dụng là gì?

Bảo hiểm tín dụng (Credit Insurance)
Bảo hiểm tín dụng (Credit Insurance)

Bảo hiểm tín dụng (Credit Insurance) là một sản phẩm bảo hiểm giúp người vay thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho tổ chức tín dụng khi họ không may gặp rủi ro hoặc tai nạn không thể lường trước. Cụ thể, công ty bảo hiểm sẽ thay người vay thanh toán số tiền còn nợ cho tổ chức tín dụng. Đổi lại, người vay phải trả một khoản phí cho công ty.

Ý nghĩa của bảo hiểm tín dụng là gì?

Ý nghĩa của việc tham gia bảo hiểm tín dụng đối với các chủ thể liên quan
Ý nghĩa của việc tham gia bảo hiểm tín dụng đối với các chủ thể liên quan

Đối với người đi vay

Theo nguyên tắc cho vay của ngân hàng, trong trường hợp người vay qua đời, nếu có tài sản đảm bảo, ngân hàng sẽ phát mại tài sản (tức thực hiện bán tài sản công khai) trừ trường hợp vợ/chồng hoặc con cái của người vay trả nợ thay. Nếu mua bảo hiểm tín dụng, khi người vay không may tử vong hoặc bị thương tật toàn bộ vĩnh viễn, công ty bảo hiểm sẽ thay họ trả cho ngân hàng toàn bộ dư nợ gốc còn lại và lãi phát sinh của khoản vay. Qua đó, bảo hiểm giúp bảo toàn tài sản của người vay và giảm gánh nặng kinh tế cho người thân của họ.

Đối với ngân hàng

Khi người đi vay mất khả năng thanh toán nợ, ngân hàng sẽ phải đối mặt với rủi ro nợ xấu, không thu hồi được vốn. Chính vì thế mà ngân hàng cần có một đơn vị nhận bảo hiểm cho khoản vay của khách hàng.

Phí bảo hiểm tín dụng hiện nay

Mức phí thường dao động từ 5-6% tổng số tiền ghi trên hợp đồng vay vốn giữa người đi vay và ngân hàng thương mại. Một số ngân hàng sẽ trích trực tiếp 5-6% số tiền khách hàng vay vốn để đóng bảo hiểm. Hoặc người vay vẫn nhận đủ số tiền số tiền đăng ký vay nhưng số tiền thực vay sẽ bao gồm cả phí bảo hiểm.

Ví dụ:

Nếu nhà đầu tư vay tín chấp không yêu cầu bảo hiểm tín dụng số tiền 100 triệu tại ngân hàng thương mại, số tiền nhận được sẽ là 100 triệu theo hợp đồng vay vốn.

Nếu nhà đầu tư vay tín chấp kèm bảo hiểm, ngân hàng sẽ dùng 5 triệu từ khoản vay này để đóng bảo hiểm. Còn nhà đầu tư sẽ được giải ngân 95 triệu. Hoặc người vay vẫn nhận đủ 100 triệu nhưng số tiền vay được ghi trên hợp đồng tín dụng là 105 triệu đồng.

Quyền lợi khi tham gia bảo hiểm tín dụng là gì?

Quyền lợi bảo hiểm cơ bản

Bảo hiểm sẽ chi trả tiền bảo hiểm theo hai trường hợp sau:

Thương tật bộ phận vĩnh viễn hoặc qua đời do tai nạn thuộc phạm vi bảo hiểm: Chi trả toàn bộ số tiền bảo hiểm.

Thương tật bộ phận do tai nạn (thường từ 21% đến dưới 81%): Chi trả theo tỷ lệ tổn thương cơ thể được công ty bảo hiểm quy định nhân với số tiền bảo hiểm theo quyền lợi cơ bản.

Ví dụ: Anh A tham gia bảo hiểm tín dụng với số tiền bảo hiểm 100 triệu đồng thời hạn 10 năm với mức phí đóng 1 triệu/năm. Nếu không may qua đời, anh A sẽ nhận được số tiền bảo hiểm là 100 triệu đồng. Còn nếu sau khi tham gia bảo hiểm được 6 tháng, anh A không may bị tai nạn dẫn đến mất khả năng nhìn 1 bên mắt. Tỷ lệ tổn thường được xác định là 45%. Khi đó, bảo hiểm sẽ chi trả cho A 45 triệu đồng.

Quyền lợi bảo hiểm cơ bản và quyền lợi bảo hiểm bổ sung
Quyền lợi bảo hiểm cơ bản và quyền lợi bảo hiểm bổ sung

Quyền lợi bảo hiểm bổ sung

Bên cạnh quyền lợi cơ bản, bảo hiểm tín dụng còn cung cấp bảo hiểm lãi tiền vay (chi trả số tiền lãi vay còn nợ ngân hàng nhưng không vượt quá mức quy định), trợ cấp nằm viện do tai nạn hay trợ cấp mai táng thường là 1 triệu đồng khi người vay không may tử vong.

Bảo hiểm tín dụng có bắt buộc không?

Hiện nay, khi vay vốn, một số ngân hàng sẽ yêu cầu người vay phải mua bảo hiểm tín dụng. Loại bảo hiểm này nhằm bảo vệ quyền lợi của cả người vay và ngân hàng khi có rủi ro xảy ra. Trên thực tế, bảo hiểm tín dụng không mang tính bắt buộc. Việc có mua bảo hiểm hay không phụ thuộc vào thỏa thuận giữa người vay và người cho vay trên nguyên tắc tự nguyện.

Hợp đồng bảo hiểm phải tuân thủ theo quy định của Nhà nước. Hợp đồng cần nêu rõ các điều khoản về thời hạn bảo hiểm, phí bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ các bên liên quan, phạm vi bảo hiểm, trường hợp đền bù tổn thất toàn bộ hay bộ phận,…

Kết luận

Việc nắm chắc những kiến thức về Bảo hiểm tín dụng là gì sẽ giúp người đi vay hiểu rõ được những quyền lợi cơ bản mà mình được hưởng khi tham gia hợp đồng bảo hiểm. Trong trường hợp không may xảy ra rủi ro, bảo hiểm tín dụng sẽ bảo vệ lợi ích của cả bên cho vay và bên vay. 

ads-3
share facebook
Author

Tác giả:

Đặng Trà My

Đã đóng góp: 1 bài viết

Bài viết liên quan