Bảo hiểm - Thuế | 02/08/2022
Bảo hiểm xã hội là gì? Những điều cần biết về bảo hiểm xã hội trong năm 2024
Bảo hiểm xã hội đang đóng vai trò quan trọng trong chính sách an sinh xã hội. Người lao động có nghĩa vụ tham gia bảo hiểm xã hội, đồng thời mọi người dân cũng có quyền tham gia bảo hiểm xã hội một cách tự nguyện. Hãy cùng DNSE tìm hiểu thêm về bảo hiểm xã hội là gì trong bài viết dưới đây.
Bảo hiểm xã hội là gì?
Bảo hiểm xã hội là chính sách bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập khi người lao động bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, sinh đẻ, thương tật, bệnh nghề nghiệp hoặc nghỉ hưu.
Có thể thấy, BHXH là một chính sách an sinh có lợi cho người tham gia, được nhà nước tổ chức và đảm bảo thực hiện theo các văn bản quy phạm pháp luật. Khi người được bảo hiểm bị giảm hoặc mất thu nhập chính do một số nguyên nhân thì sẽ được bù đắp một phần thu nhập theo mức đóng bảo hiểm xã hội.
Xem thêm: Các loại bảo hiểm hiện nay bạn nên biết
Vai trò của bảo hiểm xã hội
Việc thực hiện chính sách BHXH có vai trò giúp ổn định đời sống cho người dân và bảo vệ họ trước những rủi ro đặc biệt khi hết tuổi lao động với chế độ hưu trí.
Ngoài ra, việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội còn có lợi cho việc ổn định và nâng cao chất lượng sống của người lao động, bảo đảm địa vị xã hội bình đẳng của họ trong các thành phần kinh tế, thúc đẩy sản xuất phát triển.
Đặc biệt, BHXH là công cụ hữu hiệu của Nhà nước, giúp phân phối lại thu nhập quốc dân một cách công bằng, bình đẳng giữa các bộ phận dân cư. Đồng thời còn giúp giảm chi ngân sách nhà nước, đảm bảo an sinh xã hội bền vững.
Các loại hình bảo hiểm xã hội tại Việt Nam
Bảo hiểm xã hội bắt buộc
Đây là loại bảo hiểm mà người lao động và người sử dụng lao động bắt buộc phải đóng. Thông thường, người sử dụng lao động phải trả nhiều tiền hơn cho loại bảo hiểm này. Đây là loại hình BHXH áp dụng đối với các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức sử dụng lao động theo hợp đồng từ đủ 3 tháng trở lên và hợp đồng không xác định thời hạn.
Bảo hiểm xã hội tự nguyện
Là bảo hiểm không bắt buộc, mọi người dân có thể chọn mua với những mức đóng khác nhau tùy theo tình trạng thu nhập của từng cá nhân, gia đình. Dựa trên cơ sở mức đóng của mỗi người, bảo hiểm sẽ chi trả các tỷ lệ khác nhau trong chế độ lương hưu. Ngoài ra, trong khi đăng ký tham gia loại bảo hiểm này, bạn sẽ phải đóng nhiều tiền hơn so với BHXH bắt buộc. Đồng thời, bạn cũng nhận được mức hỗ trợ nhiều hơn nếu chẳng may bị ốm, mang thai hoặc mất việc làm.
Các chế độ người lao động được hưởng khi tham gia BHXH
Các chế độ bảo hiểm xã hội người lao động được hưởng tại Việt Nam hiện nay bao gồm:
- Bảo hiểm ốm đau
- Bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp
- Bảo hiểm thai sản
- Bảo hiểm thất nghiệp
- Bảo hiểm hưu trí
- Bảo hiểm y tế
- Bảo hiểm tử tuất
Cách tính tiền lương đóng BHXH bắt buộc
Tiền lương đóng bảo hiểm xã hội được tính như sau:
Mức tiền đóng BHXH bắt buộc hàng tháng = Mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc (1) x Tỷ lệ % đóng BHXH bắt buộc (2)
Trong đó:
- Mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là mức lương, phụ cấp lương (được công ty tính đóng BHXH) và các khoản bổ sung khác theo quy định pháp luật. Các khoản thu nhập không tính đóng BHXH bắt buộc bao gồm: tiền thưởng năng lực; tiền ăn giữa ca; tiền xăng xe; tiền điện thoại; tiền đi lại; tiền nhà ở; tiền hỗ trợ người lao động trong trường hợp thân nhân qua đời; các khoản hỗ trợ và phụ cấp khác theo quy định của pháp luật.
- Tỷ lệ % đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc giữa người lao động và người sử dụng lao động được xác định như sau:
- Người sử dụng lao động đóng 21,5%. (Trong đó: 14% hưu trí, tử tuất; 3% ốm đau, thai sản; 1% bảo hiểm thất nghiệp; 3% bảo hiểm y tế, 0,5% tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp).
- Người lao động Việt Nam đóng 10,5% (Trong đó: 8% hưu trí, tử tuất; 1% bảo hiểm thất nghiệp; 1,5% bảo hiểm y tế).
Ví dụ: Bạn có tổng thu nhập 10 triệu đồng/tháng. Trong đó, mức lương mà công ty quy định đóng BHXH là 7 triệu đồng. Như vậy, số tiền đóng BHXH bắt buộc hàng tháng của bạn sẽ là 7 triệu x 10,5% = 735 ngàn đồng. Ngoài ra, mỗi tháng công ty (nơi bạn làm việc) sẽ phải đóng số tiền BHXH cho bạn là 7 triệu x 21,5% = 1 triệu 505 ngàn đồng.
Tra cứu thông tin BHXH như thế nào?
Hiện nay có rất nhiều cách để tra cứu BHXH tại Việt Nam. Tùy vào từng trường hợp người lao động có thể sử dụng 3 cách tra cứu BHXH phổ biến sau đây:
Tra cứu BHXH thông qua cổng thông tin Bảo hiểm xã hội Việt Nam
- Bước 1: Truy cập cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam.
- Bước 2: Trên giao diện chính nhấn chọn mục “Tra cứu trực tuyến”.
- Bước 3: Trên menu “Tra cứu trực tuyến” nhấn chọn vào mục tra cứu thông tin BHXH tương ứng mà mình cần tra cứu.
- Bước 4: Nhập các dữ liệu cần thiết theo điều hướng từ hệ thống.
- Bước 5: Nhận kết quả tra cứu.
Tra cứu bảo hiểm xã hội qua Zalo
- Bước 1: Đăng nhập ứng dụng Zalo trên điện thoại hoặc máy tính.
- Bước 2: Tại phần “Tìm kiếm”, nhập “Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội”.
- Bước 3: Vào tài khoản “Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội” tại mục dịch vụ, nhấn chọn “Tiện ích”.
- Bước 4: Chọn chức năng tra cứu thông tin bảo hiểm xã hội tương ứng.
Tra cứu bảo hiểm xã hội qua ứng dụng VssID
- Bước 1: Đăng nhập ứng dụng VssID bằng cách nhập tên tài khoản (mã BHXH) và mật khẩu.
- Bước 2: Tại giao diện “Quản lý cá nhân” người lao động nhấn chọn “Quá trình tham gia” hoặc “Thông tin hưởng” của mình và nhận kết quả.
- Bước 3: Tại giao diện “Tra cứu” người lao động nhấn chọn tra cứu các thông tin BHXH.
- Bước 4: Nhập dữ liệu tra cứu tương ứng, nhấn tra cứu.
- Bước 5: Nhận kết quả tra cứu tương ứng với từng mục tra cứu.
Trên đây là các thông tin cơ bản giúp bạn hiểu thêm về bảo hiểm xã hội là gì và nó có vai trò như thế nào đối với người lao động. Hy vọng bạn đã tìm thấy những thông tin hữu ích cho mình qua bài viết này nhé!