Kinh tế | 20/01/2022
Bẫy thu nhập trung bình là gì? Cách để vượt qua bẫy thu nhập trung bình
Bẫy thu nhập trung bình là một vấn đề lớn mà nhiều quốc gia mắc phải. Đây là tình trạng các nước không thể thoát khỏi nhóm có thu nhập trung bình để trở thành nước thu nhập cao. Đối với Việt Nam, tình trạng này càng cấp thiết hơn khi chúng ta cũng vẫn đang quanh quẩn với GDP bình quân đầu người chỉ 2.000 – 3.000 USD trong nhiều năm nay. Vậy bẫy thu nhập trung bình là gì? Nguyên nhân và cách vượt qua ra sao? Hãy cùng DNSE tìm hiểu trong bài viết sau.
Bẫy thu nhập trung bình là gì?
Bẫy thu nhập trung bình hay còn được gọi là Middle Income Trap trong tiếng Anh. Đây là tình trạng một quốc gia đã đạt đến một mức thu nhập bình quân nhất định nhờ những lợi thế sẵn có. Tuy nhiên, sau đó lại không thể bứt phá để lên mức cao hơn mà chỉ dậm chân tại chỗ.
Theo thống kê, đa số các quốc gia đạt mức thu nhập trung bình vào năm 1960 vẫn chỉ có thu nhập trung bình vào năm 2008. Chỉ có 13 nước có thể thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và đẩy mạnh phát triển. Tại châu Á, con số này chỉ là 5. Các quốc gia này bao gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông và Singapore.
Trên thế giới có rất nhiều nước được đặt kỳ vọng cao nhưng lại sập bẫy thu nhập trung bình. Gần chúng ta thì có Thái Lan hoặc Indonesia. Xa hơn ở Mỹ Latinh thì có Argentina – đất nước từng được kỳ vọng sẽ trở thành Canada thứ hai.
Một ví dụ khác là Brazil – anh bạn hàng xóm của Argentina. Quốc gia này đã đạt ngưỡng GDP bình quân là 1.000 USD từ những năm 1974. Tuy nhiên, sau 46 năm, GDP bình quân đầu người của Brazil cũng chỉ ở mức 6.700 USD (năm 2020).
Đặc trưng của bẫy thu nhập trung bình là gì?
Khi một quốc gia tăng trưởng dựa vào nguồn tài nguyên sẵn có mà không phải là những chính sách kinh tế phù hợp hay những sự bứt phá khác thì rõ ràng quốc gia sẽ không thể duy trì đà tăng trưởng mãi được. Bởi lẽ nguồn tài nguyên sẵn có luôn có hạn.
Nhìn chung, các nước này đều mạnh lên nhờ những thứ sẵn có. Tuy nhiên, nếu so sánh chung họ bị thiếu hụt các lợi thế về công nghệ và vốn. Ngoài ra, khi một đất nước đã đạt mức thu nhập trung bình, giá nhân công tại đây cũng tăng lên. Trong khi đó, sự yếu tố khoa học công nghệ lạc hậu khiến sản phẩm của các nước này thiếu sức cạnh tranh cả về giá và chất lượng.
Tiêu biểu, các nước bị rơi vào bẫy thu nhập trung bình thường có đặc trưng sau:
- Tỉ lệ đầu tư thấp
- Ngành chế tạo chậm phát triển
- Các ngành công nghiệp nghèo nàn, thiếu đa dạng
- Thị trường lao động kém sôi động
Nguyên nhân của bẫy thu nhập trung bình
Phụ thuộc nhiều vào nguồn nhân công giá rẻ
Rất nhiều các quốc gia dựa vào lợi thế giá nhân công để thu hút đầu tư, từ đó tăng GDP. Tuy nhiên, khi các quốc gia này tăng quy mô nền kinh tế, mức sống người dân tăng lên thì nguồn lao động giá rẻ sẽ không còn nữa. Kết quả nguồn đầu tư sẽ không còn được như trước nữa.
Ngoài ra, những quốc gia này đôi khi cũng phải đối mặt với tình trạng dân số tự nhiên giảm. Tình trạng này thường xuất hiện khi mức sống quốc gia đạt tới một mức độ nhất định. Cùng với đó là nhân trí tăng lên, họ bắt đầu đón nhận những quan điểm sống mới. Họ muốn tập trung cho bản thân nhiều hơn là muốn lập gia đình. Do đó, tỷ lệ gia tăng dân số không thể duy trì. Hậu quả là nguồn cung lao động không còn dồi dào nữa.
Cùng với đó, do công nghệ lạc hậu và phần lớn dựa vào nhân công để duy trì năng suất nên các quốc gia này càng phải hứng chịu những hậu quả nặng nề hơn khi lợi thế này không còn. Lúc này, sản phẩm của họ không đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Trong khi đó, năng suất lao động cũng suy giảm do không duy trì được lợi thế nhân công. Hậu quả là sản phẩm của họ có sức cạnh tranh kém hơn. Khi đó, bản thân các quốc gia này cũng không đủ sức để bật lên.
Khu vực kinh tế tư nhân thiếu đổi mới sáng tạo
Nguyên nhân chính nhất khiến các nước sập bẫy thu nhập trung bình là không thể đổi mới sáng tạo. Bắt chước các nước đã đi trước thì không khó, thế nhưng để tạo ra bước ngoặt cho chính mình thì không dễ. Đa phần các nước đều không làm được điều này.
Việc tốc độ đổi mới không theo kịp biến động thị trường khiến cho năng suất lao động thấp. Cùng với đó là chất lượng sản phẩm cũng không được đảm bảo.
Thất bại trong việc phân bổ vốn
Một nguyên nhân khác dẫn đến việc không thoát khỏi nhóm nước thu nhập trung bình là Nhà nước không bân bổ nguồn vốn phù hợp. Các chính sách được đưa ra có thể khiến việc đổi mới trở nên khó khăn hơn. Cùng với đó là nguồn vốn không được phân bổ phù hợp, khiến các lĩnh vực then chốt như giáo dục, khoa học công nghệ,… không được tạo điều kiện phát triển phù hợp.
Các vấn đề trong việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô
Các nước đang phát triển thường phải đối mặt với vấn đề lạm phát cao. Đây là một yếu tố gây ảnh hưởng lớn tới sự phát triển chung của nền kinh tế. Ngoài ra, các vấn đề như khoảng cách giàu nghèo, bong bóng bất động sản, chứng khoán được tạo thành khi nền kinh tế phát triển quá nhanh cũng khiến nền kinh tế quốc gia thiếu ổn định.
Làm sao để tránh bẫy thu nhập trung bình?
Để tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình, Nhà nước cần đưa ra những chiến lược phù hợp để đổi mới phương thức sản xuất. Cùng với đó là tìm kiếm các thị trường tiềm năng đẩy mạnh xuất khẩu nhằm duy trì tăng trưởng.
Tuy nhiên, nhìn chung khó khăn lớn nhất đối với các quốc gia thu nhập trung bình là phải chuyển đổi công nghệ để tạo ra những sản phẩm có tính cạnh tranh. Để làm được điều này thì các nước cần tập trung vào giáo dục. Cùng với đó là cố gắng phát triển khoa học công nghệ và ứng dụng nó vào thực tế. Điều này sẽ giúp tăng năng suất lao động đồng thời tăng lợi thế cạnh tranh của sản phẩm.
Một quốc gia đã rất thành công trong việc này để có được những bước tiến lớn là Hàn Quốc. Quốc gia này đã phát triển một hệ thống giáo dục chất lượng song hành với ưu tiên phát triển công nghệ. Thành công trong việc này đã khiến Hàn Quốc vươn lên trở thành một trong các quốc gia phát triển.
Kết luận
Trên đây là những chia sẻ của DNSE về bẫy thu nhập trung bình và những vấn đề liên quan. Mong rằng qua bài viết, các bạn đã hiểu bẫy thu nhập trung bình là gì. Cùng với đó là hiểu được những nguyên nhân cũng như cách để vượt qua nó. Để cập nhật thêm những kiến thức kinh tế – tài chính thú vị khác, hãy ghé thăm DNSE bạn nhé!