Quản lý tài sản | 29/03/2024
Ai là cá mập trên thị trường phái sinh
Thị trường luôn tồn tại những nhóm nhà đầu tư nắm giữ số lượng lớn vị thế, đủ để mỗi khi nhóm này long hay short, diễn biến thị trường thay đổi. Họ được gọi là cá mập chứng khoán. Trong bài viết sau đây, cùng DNSE tìm hiểu về cá mập trên thị trường phái sinh.
Cá mập trên thị trường là gì?
“Cá mập” là thuật ngữ dùng để chỉ những nhà đầu tư lớn có tiềm lực mạnh về vốn và có lợi thế về thông tin trên thị trường chứng khoán. Do đó, họ có thể gây ảnh hưởng rõ rệt theo hướng tích cực hoặc tiêu cực đến thị trường bằng cách giao dịch với khối lượng rất lớn.
Như vậy cá mập trên thị trường phái sinh chính là những chủ thể có thể tạo ra vị thế bán/mua với khối lượng rất lớn, đủ để làm thay đổi xu hướng thị trường tại thời điểm đó.
Những chủ thể tham gia thị trường
Nhà đầu tư cá nhân
Là những nhà đầu tư tham gia thị trường phái sinh với tư cách cá nhân, tài khoản đăng ký theo cá nhân. Đây có thể hiểu là những người có tiền nhàn rỗi, thay vì gửi tiền vào tài khoản tiết kiệm hay đầu tư vào vàng, đất đai, họ sẽ mua bán chứng khoán để kiếm lời. Giới hạn nắm giữ với mỗi nhà đầu tư này là 5.000 hợp đồng phái sinh. Số lượng này với một người là khá nhỏ so với trung bình mỗi phiên giao dịch khoảng hơn 200.000 hợp đồng vào đầu năm 2024.
Nhà đầu tư tổ chức
Đây là các doanh nghiệp đầu tư hoặc các định chế thường xuyên mua bán chứng khoán với số lượng lớn. Họ có thể là các doanh nghiệp đầu tư, quỹ, công ty tài chính, ngân hàng thương mại… Có thể là cả đơn vị trong nước hoặc nước ngoài. Mỗi nhà đầu tư tổ chức được nắm giữ 10.000 hợp đồng phái sinh đồng thời.
Nhà đầu tư chuyên nghiệp
Nhóm nhà đầu tư này khá đặc thù vì có thể là cả nhà đầu tư cá nhân hoặc tổ chức.
Với cá nhân, đây sẽ là người có chứng chỉ hành nghề chứng khoán (chứng chỉ hành nghề môi giới, chứng chỉ hành nghề phân tích tài chính, chứng chỉ hành nghề quản lý quỹ). Nắm giữ danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch có giá trị tối thiểu là 02 tỷ đồng theo xác nhận của công ty chứng khoán.
Với tổ chức, họ phải là ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty tài chính, tổ chức kinh doanh bảo hiểm, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán, quỹ đầu tư, tổ chức tài chính quốc tế, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, tổ chức tài chính nhà nước được mua chứng khoán theo quy định của pháp luật có liên quan.
Công ty có vốn điều lệ đã góp đạt trên 100 tỷ đồng hoặc tổ chức niêm yết, tổ chức đăng ký giao dịch.
Những nhà đầu tư chuyên nghiệp có thể nắm giữ tới 20.000 hợp đồng.
Để trở thành cá mập, họ phải có rất nhiều hợp đồng. Do vậy trên thị trường có thể hình thành một nhóm cá mập để có thể mở/đóng số lượng vị thế lớn, khiến thị trường thay đổi theo xu hướng giao dịch của họ.
Làm gì để tránh ảnh hưởng của cá mập?
Thực tế các nhà đầu tư tổ chức, chuyên nghiệp thường coi phái sinh là một kênh dự phòng rủi ro cho danh mục cơ sở của họ. Do vậy nhà đầu tư cá nhân cần chú ý đặc biệt tới những thời điểm nhạy cảm của thị trường và cụ thể là ngày đáo hạn phái sinh.
Đây là ngày hiệu lực cuối cùng của hợp đồng phái sinh, những vị thế đang mở sẽ bị đóng trong ngày này.
Nhà đầu tư nên hạn chế mở vị thế mới nếu không có phân tích chính xác về xu hướng thị trường trong ngày.
Bên canh đó, với những vị thế đang mở, nhà đầu tư cá nhân cũng nên bật chức năng cắt lỗ tự động trên hệ thống giao dịch. Điều này để giới hạn tối đa mức thiệt hại nếu các cá mập có quyết định trái với kỳ vọng của nhà đầu tư.