Phân tích kỹ thuật | 22/08/2022

Các chỉ báo chứng khoán cơ bản nhà đầu tư cần biết

Các chỉ báo chứng khoán cơ bản là điều mọi nhà đầu tư cần biết khi tham gia thị trường. Những chỉ báo kỹ thuật trên là công cụ giúp nhà đầu tư xác định được thời điểm mua bán lý tưởng nhằm tối đa hóa lợi nhuận. Vậy những chỉ báo đó là gì? Cách sử dụng ra sao? Hãy cùng DNSE tìm hiểu trong bài viết này nhé.

Các chỉ báo chứng khoán trong phân tích kỹ thuật mà bạn nên biết
Các chỉ báo chứng khoán trong phân tích kỹ thuật mà bạn nên biết

Hỗ trợ và kháng cự

Hỗ trợ và kháng cự là gì?

Hỗ trợ là mức giá mà tại đó giá của cổ phiếu được kỳ vọng sẽ kết thúc xu hướng giảm giá và bước vào chu kỳ tăng. Khi ở vùng gần hỗ trợ, nhiều người cho rằng giá cổ phiếu đã đạt đáy nên lực mua sẽ tăng cao dần. Tùy vào hỗ trợ ngắn hay dài hạn sẽ có lực bắt đáy khác nhau. Nếu mua thành công ở vùng giá này thì cơ hội lợi nhuận sẽ rất cao. 

Ngược lại với hỗ trợ, kháng cự là mức giá mà tại đó xu hướng tăng sẽ được cho là sẽ kết thúc và cổ phiếu bước vào chu kỳ giảm giá. Khi ở gần vùng kháng cự, lực bán sẽ tăng cao theo từng phiên. Bởi vì người bán dự đoán rằng giá cổ phiếu sẽ giảm khi gặp phải ngưỡng kháng cự.

Chỉ báo kháng cự và hỗ trợ
Chỉ báo kháng cự và hỗ trợ

Ý nghĩa của vùng hỗ trợ và kháng cự

Đường hỗ trợ và kháng cự được sử dụng nhằm xác định vùng giá trong chu trình dài hạn của cổ phiếu cũng như lựa chọn điểm mua, bán cổ phiếu phù hợp. Như biểu đồ minh họa ở trên, có thể thấy đây là một đường hỗ trợ dài hạn rất mạnh cho cổ phiếu. Lý do là bởi trong giai đoạn trước, ở mức giá này đã có một lực bắt đáy mạnh làm tăng giá cổ phiếu. Ở phía trên đó ta có thể thấy nhiều đường hỗ trợ ngắn hạn, những vùng này thì sẽ có lực cầu bắt đáy yếu hơn ở những đường hỗ trợ dài hạn.

Tương tự ý nghĩa của đường kháng cự mạnh ở trên, sẽ mất rất nhiều thời gian để có thể đưa cổ phiếu trở về vùng giá này bởi vì khi gần trở về đường kháng cự này, nhà đầu tư càng có tâm lý muốn bán cổ phiếu, lực bán từ đó sẽ xuất hiện mạnh và khiến giá cổ phiếu giảm. Đường kháng cự được coi là mạnh khi đã thiết lập đỉnh và cổ phiếu giảm giá 50-70% sau đó. Bên cạnh đó cũng sẽ có đường kháng cự yếu có thể dễ vượt qua. Bởi vì lực bán của những đường này thấp hơn những đường phía trên.

Cách sử dụng hỗ trợ và kháng cự

Nhà đầu tư có thể dùng đặc điểm cũng như ý nghĩa của đường hỗ trợ và kháng cự để giao dịch cho phù hợp. Bạn có thể phân bổ 30-50% vốn ở những vùng hỗ trợ ngắn hạn; ở những vùng dài hạn có thể giải ngân 65-80% tỷ trọng. Tương tự vậy đối với đường kháng cự, chúng ta sẽ chốt lời 50% tỷ trọng ở những vùng kháng cự yếu và chốt 70-80% ở vùng kháng cự mạnh; hoặc thậm chí là 90-100% để bảo toàn khoản lợi nhuận đó.

Đường trung bình động đơn giản (SMA)

Đường SMA là gì?

Đường trung bình động đơn giản SMA là đường được tính bằng trung bình cộng các mức giá đóng cửa của các phiên theo thời gian được chọn như 10, 20, 50, 100 phiên,… Những con số trên được chọn để thể hiện tính ngắn hạn hoặc dài hạn tùy vào người dùng chỉ báo chọn.

Chỉ báo đường SMA trong giai đoạn càng lớn như SMA 50, 100, 200 thì càng thể hiện tính dài hạn của chỉ báo. Ngược lại, thời gian càng ngắn thì càng thì thể hiện sự ngắn hạn (5,10, 20,..)

VD: Đường SMA 10 được tạo nên bởi trung bình cộng giá của nến trong 10 phiên gần nhất tạo nên các điểm, nối lại sẽ có đường SMA 10.

Chỉ báo đường trung bình động đơn giản (SMA)
Chỉ báo đường trung bình động đơn giản (SMA)

Ý nghĩa của đường SMA

Nhà đầu tư có thể sử dụng chỉ báo đường SMA như một đường hỗ trợ và kháng cự. Khi nến giá nằm dưới SMA, SMA đóng vai trò như một đường kháng cự; khi nến giá vượt xa khỏi đường SMA đó, chỉ báo SMA đóng vai trò như một đường hỗ trợ. Đường SMA trong khoảng thời gian càng lớn sẽ càng vững chắc, cần nhiều lực cầu cũng như ý chí của tạo lập để có thể đưa cổ phiếu đó lên trên đường SMA dài hạn như 100, 200.

Cách sử dụng chỉ báo SMA

Nếu việc nến giá vượt ra khỏi những đường SMA ngắn hạn như 5, 10, 20; thì đây sẽ là một chỉ báo tốt để mua vào. Tuy nhiên, để an toàn, nhà đầu tư nên quan sát cẩn trọng. Bởi nến giá có thể sẽ kiểm định một số đường SMA 10, 20 để xác định xu hướng tăng; tất nhiên lợi nhuận sẽ không quá nhiều như giai đoạn mua vào ở vùng SMA 5.

Ngược lại, khi cổ phiếu giảm giá và nến giá đi xuống khỏi SMA 100, 200 là tín hiệu xấu. Nhà đầu tư nên cắt lỗ lập tức để tránh những khoản lỗ nặng. Khi cắt xuống những đường SMA 100 hoặc 200 thì khả năng tăng trở lại là không nhiều. Bởi vì đây là báo hiệu xu hướng giảm trong trung và dài hạn. Nếu nến giá chỉ giảm đến SMA 10, 20 nhà đầu tư có thể xem đó là điểm mua vào hoặc chờ đợi xu hướng tiếp theo; phòng ngừa cổ phiếu giảm mạnh đi qua khỏi SMA 100, 200 thì sẽ nguy hiểm cho danh mục.

Bollinger Bands

Đường Bollinger bands là gì?

Bollinger Bands là một trong những chỉ báo chứng khoán phổ biến nhất. Nó được kết hợp bởi 3 yếu tố. Yếu tố thứ nhất là đường SMA 20 ở giữa đóng vai trò là điểm giữa của hai dải bands; hai yếu tố còn lại là hai dải bands trên và dưới của đường SMA 20.

Hai dải trên và dưới được hình thành theo công thức:

[SMA 20 + (-)  2 x Độ lệch chuẩn 20 nến giá]

Trong đó, độ lệch chuẩn phản ánh sự chênh lệch giữa giá trị tại thời điểm đánh giá với giá trị trung bình

Ý nghĩa của đường Bollinger bands

Nến giá càng biến động mạnh thì hai dải trên và dưới càng mở rộng về phía của từng dải; nếu biến động nhỏ trong một khoảng thời gian thì sẽ hình thành một “nút thắt cổ chai”.

Chỉ báo Bollinger Bands
Chỉ báo Bollinger Bands

Khi giá cổ phiếu có sự biến động mạnh (tăng hoặc giảm mạnh) thì hai dải bands có xu hướng mở rộng về phía trên và dưới thể hiện sự tăng hoặc giảm đột ngột của nến giá.

Cách sử dụng Bollinger Bands

Nếu nến giá có sự biến động rất nhỏ, hai dải bands thu hẹp lại. Đây chính là thời điểm mà nhà đầu tư nên nắm bắt đầu tư. Bởi vì khả năng rất cao là cổ phiếu đang tích lũy cho những phiên bùng nổ sắp tới.

Nhà đầu tư có thể dựa vào điểm chạm dải trên hoặc dưới của nến giá để giao dịch. Khi nến giá tăng và chạm dải trên thì đây sẽ là điểm bán vì khả năng cao sẽ giảm; nhà đầu tư có thể bán bớt 70% tỷ trọng để đảm bảo lợi nhuận. Ngược lại, khi nến giá chạm dải dưới thì đây có thể là tín hiệu mua vào; vì khả năng đảo chiều tăng là khá cao khi có lực cầu khá lớn đợi ở điểm mua này.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư có thể sử dụng Bollinger Bands kết hợp với Chỉ số sức mạnh tương đối RSI hay Đường trung bình động hội tụ phân kỳ (MACD) để có thể đưa ra quyết định đúng mua bán cổ phiếu đúng đắn nhất.

Chỉ số sức mạnh tương đối (RSI)

RSI là gì?

RSI là một trong các chỉ báo chứng khoán được sử dụng phổ biến nhất. Nó được dùng để so sánh tỷ lệ tương quan giữa số ngày tăng giá so với số ngày giảm giá với dữ liệu dao động trong khoảng từ 0 đến 100 (mức trung bình là 50). Chỉ số RSI có ý nghĩa trong việc xác định dấu hiệu tăng/giảm của cổ phiếu. Dựa vào chỉ số RSI mỗi nhà đầu tư sẽ cân nhắc điều chỉnh ngưỡng quá mua và ngưỡng quá bán đó dựa trên xu thế hiện tại của thị trường.

Chỉ báo chứng khoán sức mạnh tương đối (RSI)
Chỉ báo chứng khoán sức mạnh tương đối (RSI)

Ý nghĩa của chỉ báo RSI

Chỉ báo RSI nếu đang ở mức trên 70 cho thấy mức giá cổ phiếu hiện đang quá cao. Đây còn được gọi là “vùng giá quá mua”. Nhà đầu tư nên hạn chế mua ở vùng giá này.

Chỉ báo RSI nếu đang ở mức dưới 30 cho thấy mức giá cổ phiếu hiện đang khá thấp. Đây còn được gọi là “vùng giá quá bán”. Nhà đầu tư nên hạn chế bán cổ phiếu ở vùng giá này vì khả năng sẽ hồi phục.

Cách sử dụng chỉ báo RSI

Nhà đầu tư có thể cân nhắc mua khi RSI<30 và xem xét bán cổ phiếu khi RSI>70. Tuy nhiên, nên kết hợp sử dụng RSI cùng các chỉ báo trên như SMA và Bollinger Bands. Từ đó có thể có được vùng giá “hấp dẫn” không phải lo ngại giá quá cao nhờ RSI; có được điểm mua hợp lý nhờ SMA và Bollinger Bands. Các chỉ báo kết hợp lại sẽ là một công cụ hỗ trợ rất tốt cho nhà đầu tư.

Đường trung bình động hội tụ phân kỳ (MACD)

Đường MACD là gì?

MACD là từ viết tắt của Moving Average Convergence Divergence – Trung bình động hội tụ phân kỳ. Đây là một chỉ báo chứng khoán được tạo ra bởi nhà phát minh Gerald Appel vào năm 1979. 

Chỉ báo MACD gồm có:

  • Đường MACD = EMA (12) – EMA (26) (đường màu xanh)
  • Đường Signal: Đây chính là đường EMA (9) của đường MACD (đường màu vàng)
  • Histogram = Đường MACD – Đường Signal (các cột xanh và đỏ trên, dưới đường MACD)

Ý nghĩa của đường MACD

Đường MACD có ý nghĩa rất lớn khi xác định xu hướng của cổ phiếu và xác định điểm mua bán cho nhà đầu tư. Khi MACD và đường Signal cùng tăng sẽ là xu hướng tăng rất mạnh cho cổ phiếu và sẽ là rất mạnh nếu Histogram cao.

Ngược lại, MACD và Signal “dẫn nhau” đi xuống đường Histogram ở giữa thì sẽ tạo ra xu hướng giảm giá mạnh và trong trung hạn cho cổ phiếu nếu không xét đến các yếu tố vĩ mô bất giờ hỗ trợ giá cho cổ phiếu.

Chỉ báo chứng khoán đường trung bình động hội tụ phân kỳ (MACD)
Chỉ báo chứng khoán đường trung bình động hội tụ phân kỳ (MACD)

Cách sử dụng MACD

Khi ta thấy đường MACD cắt lên đường Signal, đó là báo hiệu rằng nến giá sẽ tăng.

Ngược lại là đường MACD cắt xuống đường Signal. Đây là tín hiệu cho thấy giá cổ phiếu khả năng cao sẽ giảm.

Thêm vào đó, khi ta thấy đỉnh sau của nến giá cao hơn đỉnh trước nhưng đỉnh sau của MACD lại thấp hơn đỉnh trước, đó chính là báo hiệu cho phân kỳ âm, có nghĩa là sức mạnh của cổ phiếu đã suy yếu và khả năng cao sẽ giảm trong khoảng thời gian dài sắp tới. Biểu đồ giá cũng đã cho chúng ta thấy rõ điều đó.

Nhà đầu tư sử dụng MACD như một công cụ chính hoặc kết hợp để có được điểm mua nhờ vào điểm cắt lên của chỉ báo và có thể kết hợp RSI để thấy được vùng giá này có “hấp dẫn” hay không.

Kết luận

Hy vọng bài viết trên cung cấp cho bạn kiến thức tổng quan nhất về các chỉ báo chứng khoán. Bạn có thể áp dụng 2-3 chỉ báo để đưa ra quyết định đầu tư đúng đắn và mang lại lợi nhuận cho danh mục của mình.

ads-3
share facebook
Author

Tác giả:

DNSE Team

Đã đóng góp: 1 bài viết

Bài viết liên quan