Quản lý tài sản | 24/08/2022
Cách tiết kiệm tiền theo tuần dễ dàng và hiệu quả
Tiền tiết kiệm luôn là vấn đề đau đầu của nhiều người, đặc biệt là những ai có thu nhập khiêm tốn. Thay vì tiết kiệm theo từng tháng hay từng năm, tại sao bạn không thử tiết kiệm theo từng tuần? Tiết kiệm theo tuần sẽ khiến bạn cân đối chi tiêu cũng như nhanh chóng tìm ra phương pháp chi tiêu hiệu quả cho bản thân. Hãy cùng DNSE tham khảo ngay cách tiết kiệm tiền theo tuần dễ dàng và hiệu quả ngay nhé!
Lên danh sách chi tiêu và phân bổ theo tuần
Không phải lúc nào bạn cũng có thể nhớ được những khoản mình cần chi tiêu. Bạn nên có trong tay một cuốn số nhỏ hoặc sử dụng các app quản lý chi tiêu để ghi chép những khoản chi của mình. Đồng thời, bạn cũng có thể lập ra một danh sách những khoản cần chi cùng với đó là phân bổ thu nhập hợp lí cho từng khoản.
Để hiệu quả, bạn cần nắm rõ các nguồn thu nhập của bản thân bao gồm những khoản nào, dự thu hàng thàng là bao nhiêu. Tiếp theo, bạn cần xác lập các khoản chi tiêu, có hai loại mà bạn cần chú ý:
- Khoản chi tiêu cần thiết: thuê nhà/ trả góp mua nhà, ăn uống, đi lại, sức khỏe, giáo dục, chi phí sinh hoạt (điện, nước, mạng, wifi…)
- Khoản chi tiêu không cần thiết: giải trí, mua sắm, du lịch, sinh nhật, hiếu hỷ, ma chay.
Sau khi đã lên được danh sách, bạn có thể tham khảo quy tắc, phương pháp để phân chia tiền, như quy tắc 50/20/30:
- 50% thu nhập dành cho các khoản chi tiêu cần thiết
- 30% thu nhập dành cho các khoản chi tiêu không cần thiết.
- 20% thu nhập dành cho các mục tiêu tài chính như tiết kiệm, trả nợ, quỹ dự phòng.
- Ví dụ: mức lương của bạn là 10 triệu/tháng, vậy quỹ tiền mỗi tuần là 2,5 triệu.
- 1 triệu 250 nghìn sẽ dành cho tiền nhà, ăn uống đi lại,..
- 750 nghìn dành cho những sở thích cá nhân của bạn.
- 500 nghìn còn lại sẽ cho vào “lợn” đất.
Đặt hạn mức chi tiêu mỗi tuần, mỗi ngày
Bạn có thể tiết kiệm một khoản khá lớn nếu bạn có thể triển khai phương pháp này một cách nghiêm túc. Đặt hạn mức chi tiêu mỗi ngày theo tuần là chia nhỏ ngân sách trong tuần đó. Ví dụ, ngân sách tối đa là 700 nghìn/ tuần thì 100 nghìn/ngày? là hạn tiêu tối đa mà bạn không được phép vượt qua.
Tuy nhiên, trong một vài trường hợp bất ngờ xảy ra như đột nhiên có hiếu hỷ hoặc các sự kiện quan trọng khác, thì bạn có thể trích một khoản từ khoản chi trong các ngày tiếp theo. Nhưng bạn cũng nên chú ý để cân bằng chi tiêu vào các ngày còn lại. Tốt hơn là trong việc lập danh sách, để không tiêu quá số tiền đã đề ra, bạn nên có một quỹ dự phòng hoặc quỹ tiết kiệm để dùng vào những trường hợp bất khả kháng.
Theo dõi và thống kê chi tiêu hàng tuần
Theo dõi và thông kế đều đặn là điều cần thiết để bạn hiểu rõ về tình hình chi tiêu của bản thân. Từ đó, có kế hoạch kiểm soát và điều chỉnh sao cho hài hòa và hợp lí nhất.
Có khá nhiều cách để theo dõi chi tiêu hàng tuần. Để dễ nhất, bạn có thể chọn một trong hai hoặc kết hợp cả hai sau:
- Phương pháp truyền thống: sử dụng một cuốn số, ghi chép toàn bộ những khoản chi tiêu đã dùng trong ngày, đến cuối tuần, bạn có thể tổng kết chúng. Đây cũng là cách nhiều người sử dụng và được đánh giá là không bao giờ lỗi thời.
- Phương pháp hiện đại: ghi chép bằng các ứng dụng quản lí chi tiêu như Excel, Money Lover, Money Mate,… Các ứng dụng này sẽ giúp bạn theo dõi các khoản chi tiêu, thu nhập, hóa đơn của từng ngày, dễ dàng lập kế hoạch chi tiêu trong từng tuần, lập các báo cao tài chính để bạn dễ kiểm soát,…
Giảm thiểu những khoản chi tiêu bắt buộc
Những khoản chi tiêu thiết yếu là những khoản không đổi, dù không muốn nhưng bạn vẫn phải bỏ ra. Tuy nhiên, những khoản này vẫn có thể tối giản để tiết kiệm chi tiêu. Ví dụ các khoản sau:
- Chi phí ăn uống: nếu khoản này vượt quá 20% thu nhập, bạn nên xem xét và điều chỉnh lại vì nó cho thấy bạn đang chi tiêu lãng phí và không có kế hoạch. Hơn nữa, mua quá nhiều dẫn đến dư thừa một lượng thức ăn, phí phạm lương thực. Ngoài ra, những buổi tiệc bên ngoài cũng khiến túi tiền bạn vơi đi chông thấy. Vì vậy, hãy cố gắng nấu ăn ở nhà, và lên list thực phẩm trước khi mua.
- Tiền điện nước: giảm thiểu khoản tiền này không chỉ giúp giảm áp lực lên hóa đơn hàng tháng mà còn giúp cho việc bảo vệ tài nguyên quốc gia. Việc làm đơn giản đó là không bật điều hóa dưới 24 độ, không để vòi chảy trong thời gian chờ, kiểm tra đường ống nước tránh rò rỉ.
- Chi phí đi lại: giá xăng hiện nay tăng mạnh khiến nhiều người e ngại. Vậy thay vì đi xe máy thường xuyên, sao bạn không thỉnh thoảng đi phương tiện công cộng, vừa tiết kiệm vừa bảo vệ môi trường.
Ngoài những khoản chi phí trên, bạn còn có thể giảm thiểu các khoản như mua sắm, giải trí. Thay vì mua những đồ mặc một lần xong bỏ đi, bạn hãy lựa chọn những trang phục có tính ứng dụng cao và có thể mặc được nhiều lần. Thêm vào đó, bạn cũng nên nhớ cân nhắc nhiều lần trước khi mua món đồ nào đó.
Tiết kiệm và tận dụng những dịp giảm giá
Tiết kiệm cần có sự quyết tâm và kiên trì trong một khoảng thời gian dài. Đối với mức thu nhập thấp hoặc trung bình, bạn nên học cách tiết kiệm từ những thứ nhỏ nhặt nhất, như là tắt điện, tắt TV khi không dùng. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tiết kiệm và tích góp mỗi ngày, tích tiểu thành đại.
Ngoài ra, bạn cũng có thể tranh thủ mua sắm vào những dịp giảm giá. Những trung tâm thương mại, các cửa hàng sẽ có khuyến mãi sâu vào những dịp lễ lớn hoặc giảm giá một phần vào những tháng trong năm. Ví dụ như Shopee có các chương trình giảm giá 20% hay miễn phí ship vào những ngày như 7/7, 8/8,… và các chương trình ưu đãi tri ân khách hàng giảm mạnh đến 70% vào dịp sinh nhật, ngày Tết. Các sản phẩm chất lượng với giá thành cao, bình thường bạn không mua được thì những chương trình giảm giá sẽ là một cơ hội tốt để bạn gom “món hời”. Tuy nhiên, bạn chỉ nên mua những món đồ cần thiết và kiểm tra giá cả trước, tránh việc bị “sale” mạnh làm mờ mắt.
Lời kết
Cách tiết kiệm theo tuần được giới thiệu khá dễ dàng, hiệu quả và phù hợp với nhiều lứa tuổi. Tiết kiệm là đức tính tốt, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc ki bo, bủn xỉn, chất lượng cuộc sống vẫn là ưu tiên hàng đầu. Mong rằng bài viết này đã giúp bạn tìm ra phương pháp tiết kiệm và có một cuộc sống thoải mái chi tiêu hơn.