Quản trị danh mục | 28/11/2021

Cắt lỗ trong chứng khoán: Điều tiếc nuối nhưng cần thiết trong đầu tư

Trên thị trường tài chính, không ai mong muốn thua lỗ nhưng điều này vẫn có khả năng xảy ra. Nhiều nhà đầu tư bị hoảng loạn và không biết phải làm gì khi tài khoản bị lỗ. Điều quan trọng nhất trong lúc này là việc quản trị tốt số vốn khi thua lỗ. Cắt lỗ trong chứng khoán chính là chiếc chìa khóa có thể giải quyết vấn đề này. Một nhà đầu tư thông minh sẽ biết cắt lỗ và tìm cơ hội mới. Trong Chủ đề hôm nay, DNSE sẽ chia sẻ đến các bạn những góc nhìn về cắt lỗ trong đầu tư chứng khoán, hãy cùng theo dõi nhé.

Cắt lỗ trong chứng khoán là gì?

Cắt lỗ trong chứng khoán
Cắt lỗ trong chứng khoán

Sau khi mua cổ phiếu, giá cổ phiếu giảm có thể khiến nhà đầu tư chịu một khoản lỗ do việc nắm giữ cổ phiếu. Trong trường hợp giá cổ phiếu tiếp tục giảm, nhà đầu tư có nguy cơ mất nhiều tiền hơn, vì vậy họ có thể sẽ phải bán cổ phiếu để bảo toàn số vốn còn lại. Đó gọi là cắt lỗ.

Ví dụ: A mua giá đỉnh cổ phiếu XYZ và chứng kiến giá cổ phiếu giảm sâu. Sau 3 ngày, tài khoản của A bị âm hơn 8%. Để không bị giảm sâu hơn, A quyết định bán cổ phiếu XYZ với mức giá thấp hơn giá đã mua. Trường hợp này gọi là cắt lỗ trong chứng khoán.

Tuy nhiên, cắt lỗ là điều cực kỳ khó đối với các nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm và kỉ luật.

3 nguyên nhân khiến nhà đầu tư gặp khó khăn khi cắt lỗ chứng khoán

Nhưng nguyên nhân nào khiến nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc cắt lỗ?
Nhưng nguyên nhân nào khiến nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc cắt lỗ?
  1. Tâm lý “chưa bán là chưa lỗ”: Đây là tâm lý rất dễ tìm thấy ở các nhà đầu tư mới và thiếu kỉ luật. Vì sợ mất tiền, họ sẵn sàng tiếp tục đặt niềm tin vào tương lai mù mịt của cổ phiếu đang nắm giữ. Đây cũng là nguyên nhân lớn nhất của nhà đầu tư khi phải cắt lỗ trong chứng khoán.
  2. Không thể chấp nhận sai lầm của bản thân: Cái tôi cũng chính là nguyên nhân khiến các nhà đầu tư thua lỗ nặng. Chỉ với vài lần chốt lãi, họ đã quên đi việc cực kỳ quan trọng là phải cắt lỗ khi cần thiết. Những nhà đầu tư này luôn giữ quan điểm lựa chọn của mình luôn chính xác và chắc chắn giá cổ phiếu sẽ tăng trở lại. Điều này khiến họ không thể xoay vốn để tìm cơ hội tốt hơn.
  3. Nghe lời broker vô điều kiện: Hiện nay rất nhiều F0 chứng khoán bỏ qua việc học và đọc sách để trau dồi kiến thức đầu tư. Điều họ quan tâm chỉ là broker hay bạn bè sẽ phím mã cổ phiếu nào. Tất nhiên, cái giá của việc thiếu hiểu biết là rất đắt vì chẳng có broker nào phím đúng 100% cả.

Nhiều broker khuyên khách hàng không cắt lỗ và mua thêm khi giá giảm mạnh. Điều này khiến thua lỗ càng nặng nề hơn. Ngoài ra, nhiều trường hợp khách hàng không thể liên hệ được với broker tại thời điểm thị trường nhạy cảm. Do đó, họ không biết được khi nào nên cắt lỗ. Chỉ đến khi không thể chịu được, họ mới buộc phải bán cổ phiếu, lúc này thì đã quá muộn.

Ảnh hưởng của việc không cắt lỗ trong chứng khoán

Khi giá cổ phiếu giảm sâu, nhà đầu tư chỉ có 2 lựa chọn hoặc là bán cổ phiếu để cắt lỗ, hoặc là giữ cổ phiếu và nhìn giá giảm dần. Trong trường hợp không cắt lỗ, nhà đầu tư có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi những điều sau đây.

Bỏ lỡ cơ hội mua cổ phiếu tốt hơn:

Trong lúc tích cực gồng lỗ, có biết bao nhiêu cổ phiếu tăng trưởng tốt đang tung hoành trên thị trường. Cắt lỗ chính là chi phí để tìm cơ hội khác tốt hơn, bạn sẽ mất đi cơ hội của mình nếu cứ khư khư nắm giữ cổ phiếu thua lỗ.

Trung bình giá xuống:

Rất nhiều nhà đầu tư có xu hướng “bắt dao rơi” trong khi giá cổ phiếu giảm mạnh thay vi cắt lỗ. Họ mua thêm một lượng cổ phiếu bằng khối lượng đang nắm giữ. Tuy nhiên, không phải lúc nào bắt cũng đúng đáy, tài khoản bị lỗ sẽ càng thêm lỗ.

Áp lực tâm lý:

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã chứng kiến rất nhiều nhà đầu tư rời bỏ chứng khoán vì thua lỗ quá nhiều. Vì không áp dụng cắt lỗ một cách khoa học, tiền lỗ ngày càng lớn. Cảm thấy quá áp lực nên họ chọn từ bỏ kênh đầu tư đầy tiềm năng này.

Vất vả hơn trong việc hòa vốn:

Nếu bạn mạnh dạn cắt lỗ ở mức 5%, thì bạn chỉ cần lãi 5.3% ở vị thế khác để hòa vốn. Khoảng cách giữa (%) lãi và lỗ chỉ cách nhau 0.3%. Vì thế, đừng khiến việc kiếm tiền của bạn trở nên khó khăn khi chỉ ôm khư khư cổ phiếu rớt giá.

% Lỗ % Lời để hòa vốn (%) Khoảng cách % lời/lỗ (%)
5% 5.3 0.3
10% 11.1 1.1
15% 17.6 2.6
20% 25 5.0
25% 33.3 8.3
30% 42.9 12.9
40% 66.7 26.7
50% 100 50
Bảng (%) lời để hòa vốn

Cắt lỗ trong chứng khoán thế nào mới đúng.

Làm thế nào để cắt lỗ đúng?
Làm thế nào để cắt lỗ đúng?

Đối với các nhà đầu tư tăng trưởng và đà tăng trưởng, việc cắt lỗ đảm bảo tính cơ động trong việc sử dụng vốn. Hiện nay, có 2 phương pháp cắt lỗ thường được dùng là cắt lỗ theo khi % và cắt lỗ theo chỉ báo phân tích kỹ thuật.

Cắt lỗ theo %

Tùy vào kế hoạch và chiến thuật đầu tư, mỗi người sẽ có những mức cắt lỗ theo % khác nhau. Con số phổ biến nhất hiện nay là -7% đến – 8%. Với quy mô lớn và danh mục đầu tư quá rộng, các tổ chức đầu tư sẽ không thể nhảy vào, nhảy ra cổ phiếu như những nhà đầu tư cá nhân. Do đó tính cơ động chính là lợi thế lớn nhất của nhà đầu tư cá nhân.

Nhiều nhà đầu tư vẫn thường hỏi “tại sao phải cắt lỗ trong khoảng 7% đến 8%?”. Xuyên suốt bề dày lịch sử của thị trường chứng khoán, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng: “Đa phần cổ phiếu sẽ không thể đảo chiều một cách nhanh chóng khi vượt quá mức 8%”. Tuy nhiên, cũng không nên cắt lỗ quá sớm ở mức 5% – 6%, bởi vì bạn có thể sẽ đánh mất cơ hội đảo chiều của cổ phiếu nắm giữ.

Mức 7%- 8% là một con số lựa chọn của đa phần nhà đầu tư bởi vì nó đảm bảo mức thu hồi vốn trong dài hạn. Đồng thời là mức biên độ dao động trung bình điển hình của các cổ phiếu trong phiên giao dịch.

Cắt lỗ theo chỉ báo qua phân tích kỹ thuật

Hiện nay, có hàng nghìn công cụ phân tích kỹ thuật giúp nhà đầu tư tối ưu hóa được vị thế mua và vị thế bán. Trong bài viết này, DNSE sẽ giới thiệu đến bạn 2 công cụ phân tích kỹ thuật là đường trung bình động và Fibonacci.

Đường trung bình động:

Một trong những chỉ báo phổ biến nhất là khi cổ phiếu chạm đường trung bình động. Loại chỉ báo này được xem như các vùng hỗ trợ và kháng cự để ước lượng mức cân bằng của tâm lý thị trường và xác định xu hướng thị trường. Khi giá cổ phiếu giảm quá những đường hỗ trợ này, tùy vào khả năng chịu rủi ro hãy cân nhắc bán cổ phiếu. Các đường trung bình động thường được dùng là:

  • MA 20: Là đường giá trung bình động của cổ phiếu trong 20 ngày.
  • MA 50: Là đường giá trung bình động của cổ phiếu trong 50 ngày.
  • MA 100: Là đường giá trung bình động của cổ phiếu trong 100 ngày.

Các mức hỗ trợ sẽ mạnh dần theo thứ tự MA20, MA50, MA100.

Ví dụ:

Nếu bạn là nhà đầu tư trung hạn hoặc ngắn hạn và không may mua ngay đỉnh ngày 22/6/2021. Hãy cắt lỗ khi giá cổ phiếu giảm xuống đường MA 20 vào ngày 5/7 vì khả năng cao giá cổ phiếu sẽ tiếp tục giảm mạnh. Đúng như dự đoán, giá cổ phiếu giảm mạnh sau khi giảm quá đường MA20.

Fibonacci:

Fibonacci là công cụ phân tích kỹ thuật được giới đầu tư đánh giá là có khả năng chính xác cao. Fibonacci là dãy số vàng tỉ lệ vàng, qua nghiên cứu của Carolyn Boroden, dãy số này được áp dụng và mang đến hiệu quả thần kỳ cho nhà đầu tư. Fibonacci có rất nhiều cách áp dụng, trong bài viết này, DNSE sẽ hướng dẫn các bạn sử dụng Fibonacci hồi quy.

Fibonacci hồi quy có các mốc quan trọng là: 0.382, 0.5, 0.618, 0.786. Các vùng số này đóng vai trò là vùng kháng cự và hỗ trợ cho sự tăng giảm của giá cả. Các vùng hỗ trợ và kháng cự sẽ mạnh dần theo thứ tự: 0.382, 0.5, 0.618, 0.786.

Ví dụ:

Để xác định được vùng hỗ trợ, các bạn cần chọn đáy gần nhất và kéo đến đỉnh gần nhất của xu hướng. Tức mức giá thấp nhất của ngày 27/4 đến mức giá cao nhất ngày 22/6.

Trong trường hợp này, mức 0.236 chính là mức hỗ trợ đầu tiên và giá đã giảm sâu hơn mức này. Đồng nghĩa giá sẽ giảm sâu hơn nữa vì đã phá vỡ hỗ trợ. Tương tự với các mức Fibo bên dưới, số càng cao, hỗ trợ càng mạnh.

Nếu bạn là nhà đầu tư ngắn hạn, mức 0.236 và 0.382 sẽ là mức Fibo lý tưởng để cắt lỗ. Nếu là đầu tư trung hạn mức 0.5 và 0.786 là mức lý tưởng để tăng tỷ trọng cổ phiếu.

Kết luận

Cắt lỗ trong chứng khoán chính là chìa khóa để các nhà đầu tư bảo vệ tài khoản và tìm cơ hội mới cho mình. Tuy nhiên, việc này rất khó đối với hầu hết các nhà đầu tư mới, chưa có kinh nghiệm và thiếu kỉ luật. Việc tìm được công cụ phân tích kỹ thuật sẽ giúp nhà đầu tư tăng khả năng cắt lỗ chính xác và tối ưu việc mở vị thế mua, bán. Hy vọng bài viết giúp các bạn có thêm góc nhìn về cắt lỗ trong chứng khoán, hãy là một nhà đầu tư kỷ luật để có thể kiếm tiền bền vững nhé.

ads-3
share facebook
Author

Tác giả:

Đoàn Triệu Minh

Đã đóng góp: 1 bài viết

Bài viết liên quan