Quản lý tài sản | 07/12/2021
Làm sao để thoát khỏi tình trạng cháy túi mỗi cuối tháng?
Việc không kiểm soát được chi tiêu dẫn đến cháy túi mỗi tháng đã không còn là câu chuyện lạ. Câu chuyện đầu tháng ăn phở cuối tháng ăn mì tôm rất phổ biến trong giới sinh viên. Dù vậy, ngay cả khi bạn đã đi làm nhưng nếu không biết cách cân bằng thu chi thì tình trạng này cũng vẫn sẽ xảy đến. Khi có quá nhiều cám dỗ xung quanh thì việc tỉnh táo để đảm bảo tình trạng tài chính ổn định là điều rất cần thiết. Sau đây, DNSE sẽ chia sẻ một vài cách thức để bạn thoát khỏi tình trạng cháy túi mỗi tháng.
Tìm cách quản lý chi tiêu phù hợp để không cháy túi
Để tránh tình trạng cháy túi mỗi cuối tháng thì việc có được một phương pháp chi tiêu hợp lý là không thể thiếu. Việc này vừa giúp bạn tránh việc tiêu quá tay vừa là một cách để dự trù cho tương lai.
Nổi tiếng nhất trong các phương pháp quản lý tài chính thì phải kể đến Quy tắc 6 chiếc lọ. Đây là cách quản lý chi tiêu được đề xuất bởi T. Harv Eker. Ông là tác giả cuốn sách ăn khách Bí mật tư duy triệu. Theo phương pháp này, bạn sẽ chia thu nhập của mình vào 6 chiếc lọ với tỷ lệ cố định. Cụ thể:
- 55% cho các khoản chi tiêu cần thiết
- 10% cho các khoản tiết kiệm
- 10% cho các hoạt động giáo dục
- 10% cho tự do tài chính – tức các hoạt đầu tư như chứng khoán, bất động sản,…
- 10% cho việc hưởng thụ
- 5% dành cho các hoạt động từ thiện
Với cách chi tiêu này, bạn có thể cân bằng được nguồn tiền của mình để đảm bảo cuộc sống. Ngoài ra, với các khoản tiền cho tiết kiệm và đầu tư, bạn có thể lên kế hoạch sớm cho tương lai với mục tiêu về tự do tài chính.
Ngoài ra, còn một phương pháp khác đơn giản hơn là 50-30-20. Với cách này, bạn sẽ phải dành 50% thu nhập cho các nhu cầu thiết yếu. 30% còn lại cho các sở thích cá nhân. 20% cuối cùng là khoản tiết kiệm và đầu tư. Có rất nhiều các phương pháp chi tiêu được chia sẻ, bạn có thể tham khảo thêm các phương pháp khác nữa nếu cần.
Thống kê chi tiêu hàng tháng để ví lành lặn
Thống kê các khoản chi tiêu cũng là một cách để tránh tình trạng cháy túi hàng tháng. Nắm được các khoản tiền ra – vào sẽ giúp bạn biết được tiền của bản thân đang đi về đâu. Nếu bạn có lỡ tiêu quá tay một tháng thì cũng biết được vì sao mình lại “lỡ”. Các khoản chi không tên mà bạn cho là chẳng đáng bao nhiêu có khi lại chính là nguyên nhân khiến bạn đi vay tiền vào cuối tháng đấy. Vậy nên hãy đảm bảo bạn biết rõ các khoản chi của bản thân và chúng đều hợp lý.
Ngoài ra, việc thống kê chi tiêu cũng giúp bạn điều tiết việc chi tiêu tốt hơn. Ví dụ giữa tháng bạn thấy mình đã tiêu quá nhiều. Nếu cứ tiếp tục như vậy thì cuối tháng bạn sẽ lại cháy túi. Vậy thì nửa sau tháng bạn sẽ tự biết phải thắt chặt chi tiêu để cân bằng tài chính. Nếu không có việc thống kê thì có khi bạn còn chẳng nhận ra là mình đã tiêu nhiều hay ít. Để rồi đến cuối tháng bạn lại vừa đi vay tiền vừa giải thích rằng chẳng tiêu gì mà không hiểu sao hết tiền.
Việc thống kê cũng rất đơn giản. Nếu bạn muốn làm theo phong cách cá nhân thì có thể tự lập bảng hoặc note vào cuốn sổ chi tiêu của bản thân. Còn nếu bạn muốn nhanh gọn thì có thể tải app chuyên nghiệp. Tại đây, bạn có thể dễ dàng thống kê các nguồn thu – chi mà không phải tự tính hay cân đối.
Đừng tùy hứng
Tùy hứng đôi khi chính là thủ phạm lớn nhất gây ra việc cháy túi. Đặc biệt là ở chị em phụ nữ. Việc mua sắm và tiếp cận các sản phẩm online ngày càng dễ dàng hơn. Điều này khiến việc vung tiền mua sắm chỉ vì sản phẩm đó quá đẹp hoặc “nó đang sale” rất dễ xảy ra. Bạn rất dễ mềm lòng mở ví dù sản phẩm đó không thật sự cần. Có không ít các trường hợp dở khóc dở cười mua những thứ không cần thiết chỉ vì nó đang sale với giá rẻ được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội.
Những lần tặc lưỡi này có thể lớn có thể nhỏ. Thế nhưng khi cộng dồn lại thì cũng là một khoản tiền đáng kể. Bạn cảm thấy nó không là gì lúc mua nhưng khi bạn hết tiền thì nó là một khoản lớn đấy. Vì thế hãy tỉnh táo khi mua hàng. Đừng để các chiêu trò khuyến mại đánh lừa rằng bạn đang cần những sản phẩm này. Hãy mua khi cần chứ đừng mua khi sale hoặc mua khi thích.
Phương pháp cho việc này là trước khi quyết định mua hàng, hãy chờ 24 giờ để cần nhắc. Bạn hãy tự hỏi bản thân xem mình có thật sự cần sản phẩm đó không? Sau 24 giờ, bạn có còn muốn mua nó nữa không? Nếu câu trả lời là có thì hãy mở ví. Còn nếu không thì hãy cất tiền để dành cho lần sau.
Luôn tiết kiệm và đầu tư
Bên cạnh việc kiểm soát chi tiêu, biết cách tiết kiệm và đầu tư cũng là một điều cần thiết để đảm bảo chi tiêu. Nếu những điều phía trên có thể giữ ví tiền của bạn lành lặn đến cuối tháng thì việc tiết kiệm và đầu tư sẽ giúp bạn có được chiếc ví khỏe mạnh ngay cả khi về già. Đây chính là một cách để chống cháy túi trong tương lai của nhiều người.
Về dài hạn, việc tiết kiệm và đầu tư sẽ giúp bạn cải thiện thu nhập. Mỗi tháng bạn chỉ cần trích một khoản nhỏ cho quỹ này thì có thể an tâm chi tiêu mà không sợ quá tay. Có một khoản tiền tiết kiệm và đầu tư dài hạn sẽ giúp bạn phòng tránh các rủi ro chi tiêu. Nếu có tháng bạn chi có hơi quá thì cũng có thể trích một chút ra từ tiền tiết kiệm để trang trải qua ngày.
Ngoài ra, việc đầu tư liên tục cũng có thể ổn định nguồn tiền của bạn. Từ đó, bạn sẽ dư dả hơn và tránh được những trường hợp cháy túi vì quá nghèo. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể coi đây là một khoản phòng trừ rủi ro nếu bạn không may gặp phải sự cố bất ngờ gì thì cũng có một khoản để bảo đảm. Tuy rằng không ai muốn gặp phải những trường hợp xấu nhưng có phòng trừ vẫn hơn.
Kết luận
Bài viết là những chia sẻ của DNSE về cách chi tiêu để tránh tình trạng cháy túi hàng tháng. Hy vọng rằng bài viết đã cung cấp cho bạn những thông tin bổ ích trong việc chi tiêu để cân bằng tài chính trong tháng. Nếu muốn cập nhật thêm các thông tin tài chính – chứng khoán bổ ích, hãy ghé thăm DNSE thường xuyên bạn nhé!