Kinh tế | 13/10/2022

Chi phí cơ hội là gì? Xác định chi phí cơ hội như thế nào?

Chúng ta thường xuyên có những so sánh như: Cùng một số tiền, nên đi du lịch hay mua một chiếc điện thoại mới. Cùng một khoảng thời gian nghỉ hè 3 tháng, nên tranh thủ học thêm hay nên đi làm thêm. Những so sánh như vậy xuất hiện khi mỗi chúng ta cân nhắc về Chi phí cơ hội.

chi phí cơ hội là gì

Chi phí cơ hội là gì? Từ A-Z những điều cần biết về Chi phí cơ hội

Chi phí cơ hội là gì?

Chi phí cơ hội (Opportunity Cost) đại diện cho những lợi ích tiềm năng mà cá nhân hay doanh nghiệp có thể bỏ lỡ khi lựa chọn phương án này thay vì một phương án khác. Chi phí cơ hội không phải lúc nào cũng được biểu hiện bằng tiền mà còn bao gồm cả thời gian, công sức và các nguồn lực khác mà đối tượng đã bỏ ra.

Mặc dù không hiển thị trong báo cáo tài chính như các chi phí thông thường do tính trừu tượng và tương đối nhưng chi phí cơ hội vẫn được các cá nhân và tổ chức tính đến khi đưa ra quyết định.

Opportunity cost là gì

Opportunity cost là gì? Chi phí cơ hội không được thể hiện trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp

Ví dụ: Mức lương từ công việc bán thời gian của anh A là 40.000 đồng/giờ. Nhưng thay vì đi làm, anh A lại xin nghỉ để đi xem phim cùng bạn với giá vé là 50.000 đồng, phim kéo dài 2 giờ. Chi phí cơ hội của việc đi xem phim sẽ là 40.000 x 2 = 80.000 đồng tương ứng với 2 giờ làm việc của anh A.

Bên cạnh đó, chi phí cơ hội của vốn được hiểu là lợi nhuận hy sinh do không sử dụng hay đầu tư vốn vào một phương án khác với phương án mà doanh nghiệp hay nhà đầu tư đã lựa chọn. Còn chi phí cơ hội của một hàng hóa chính là số lượng hàng hóa khác phải hy sinh để sản xuất thêm một đơn vị hàng hóa đó.

Cách xác định chi phí cơ hội

Chi phí cơ hội được tính theo công thức dưới đây:

OC = FO – CO

Trong đó :

  • OC (Opportunity cost): Chi phí cơ hội
  • FO (Return on best foregone option): Lợi nhuận của lựa chọn hấp dẫn nhất
  • CO (Return on chosen option): Lợi nhuận của lựa chọn được chọn

Ví dụ về chi phí cơ hội: Anh A đang sở hữu số tiền nhàn rỗi trị giá 100 triệu VNĐ. Anh có dự định đầu tư và đang cân nhắc 2 phương án như sau:

Phương án 1: Đầu tư 100 triệu VNĐ vào cổ phiếu với lợi nhuận ước tính là 12%/năm. Tức là số tiền anh A thu về mỗi năm là 12 triệu VNĐ.

Phương án 2: Đem gửi tiết kiệm ngân hàng với lãi suất 6,5%/năm. Phương án này giúp anh A kiếm được 6,5 triệu/năm.

Nếu Anh A lựa chọn đem tất cả 100 triệu gửi vào ngân hàng thì chi phí cơ hội được tính như sau:

OC = FO – CO = 12.000.000 – 6.500.000 = 5.500.000 VNĐ

Ý nghĩa của chi phí cơ hội là gì?

Saving Coins, Saving Money.
Saving Coins, Saving Money.

Việc tính đến chi phí cơ hội khi cân nhắc giữa các phương án sẽ giúp bạn đưa ra các quyết định sáng suốt và hợp lý hơn về mặt kinh tế nhằm tối ưu nguồn lực của mình. Tuy vậy, vì chi phí cơ hội thường liên quan đến các sự kiện trong tương lai và khó định lượng nên chi phí này không được tính vào báo cáo kế toán hay tài chính của công ty. Đặc biệt là những trường hợp chi phí cơ hội không phải là lợi ích tiền tệ.

Sự khác nhau giữa chi phí chìm và chi phí cơ hội là gì?

Chi phí chìm (Sunk Cost) là chi phí thực tế đã chi ra trong quá khứ, được đưa vào bảng cân đối kế toán và báo cáo tài chính. Trong khi đó, chi phí cơ hội không phải là khoản thực chi mà là lợi ích tiềm năng của một phương án không thể kiếm về được trong tương lai vì vốn đã được đầu tư vào một phương án khác.

Ví dụ: Bạn mua một chiếc váy ở trên mạng có giá là 2 triệu đồng. Tuy nhiên, chiếc váy được mua về lại không giống với hình của người bán và bạn cũng không được hoàn lại tiền chiếc váy. Dù bạn có quyết định bỏ hay mặc chiếc váy thì số tiền 2 triệu đồng này cũng không thể thu hồi lại được. Số tiền này chính là chi phí chìm. Tuy nhiên, trên thực tế, thay vì mua váy, bạn có thể sử dụng số tiền 2 triệu này một cách có hiệu quả hơn như đăng ký một khóa học tiếng Trung online. Chi phí cơ hội của việc mua váy chính là cơ hội được học tiếng Trung.

Bên cạnh đó, chi phí chìm vì không thể lấy lại được dù có lựa chọn phương án nào đi chăng nữa nên thường bị loại bỏ khi xem xét các quyết định trong khi chi phí cơ hội lại được tính đến.

Chi phí cơ hội tuy không phải là chi phí chính thức hay thực chi nhưng việc cân nhắc đến nó khi đưa ra quyết định sẽ giúp bạn lựa chọn được những phương án hợp lý và hiệu quả hơn về mặt kinh tế. Với những thông tin cần lưu ý về Chi phí cơ hội là gì trên đây, DNSE hy vọng bạn sẽ lựa chọn được những phương án phù hợp và tận dụng tối ưu nguồn lực khan hiếm của mình.

Chi phí cơ hội với đầu tư chứng khoán 

Trong thị trường chứng khoán, nhà đầu tư sẽ có hàng loạt các phương án sử dụng vốn. Có thể kể tới phương án nhà đầu tư lựa chọn có đầu tư hay không. Như vậy chi phí cơ hội sẽ được tính bằng cách áp dụng số tiền lợi nhuận khi lựa chọn đầu tư trừ đi số tiền lãi của phương án an toàn hơn như gửi tiết kiệm. 

Một trường hợp khác có thể áp dụng cách tính chi phí cơ hội là lựa chọn cổ phiếu. Giữa 2 mã chứng khoán, một mã không có nhiều biến động về giá nhưng doanh nghiệp lại trả cổ tức đều đặn 12-15%/năm, và mã còn lại đang trong đà tăng, nhà đầu tư khi chốt lời ngay lập tức có thể thu về 5% ngay. Như vậy nhà đầu tư có thể dễ dàng lựa chọn giữa nắm giữ lâu dài nhận cổ tức, không cần quan tâm nhiều đến biến động giá hoặc chốt lãi để tìm kiếm cơ hội đầu tư tiếp theo sẽ tốn nhiều thời gian hơn. 

Để có thể xác định đầy đủ chi phí cơ hội của mình, nhà đầu tư cần những thông tin về biến động giá, lịch sử trả cổ tức, các tin tức của doanh nghiệp và hàng loạt các chỉ số đầu tư khác. Những thông tin này có thể dễ dàng tra cứu qua Senses của DNSE. Sau khi tính toán được chính xác chi phí cơ hội, nhà đầu tư chỉ cần lựa chọn phương án phù hợp nhất với mục tiêu của mình. 

ads-3
share facebook
Author

Tác giả:

DNSE Team

Đã đóng góp: 1 bài viết

Bài viết liên quan