Phân tích kỹ thuật | 05/07/2023

Chỉ số DAR (Debt to Assets Ratio) cho nhà đầu tư biết điều gì?

DAR là chỉ số quan trọng, giúp nhà đầu tư đánh giá mức độ lành mạnh trong cơ cấu nguồn vốn của doanh nghiệp.

DAR trong chứng khoán là gì?

Chỉ số DAR cho nhà đầu tư biết điều gì?
Chỉ số DAR cho nhà đầu tư biết điều gì?

Tỷ số DAR (Debt to Assets Ratio) hay tổng nợ trên tổng tài sản là một tỷ số giúp xác định tổng số nợ liên quan đến tài sản của doanh nghiệp.
Đây cũng là một trong những chỉ số thuộc nhóm cơ cấu vốn giúp đánh giá về cơ cấu nguồn vốn của doanh nghiệp. 

DAR cho biết các khoản nợ của doanh nghiệp chiếm bao nhiêu phần trăm trên tổng tài sản. Hay nói cách khác, bao nhiêu phần trăm tài sản của doanh nghiệp được hình thành bằng nguồn vay nợ.

Công thức tính chỉ số DAR

Công thức tính DAR như thế nào?
Công thức tính DAR như thế nào?

Công thức tính DAR:

DAR = Tổng nợ : Tổng tài sản hay (Nợ ngắn hạn + Nợ dài hạn) : Tổng tài sản

Tất cả các thông tin để tính tỷ số DAR đều có sẵn trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp, cụ thể là ở Bảng cân đối kế toán.

Ví dụ: Chỉ số DAR của Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG)

Bạn có thể dễ dàng tìm kiếm và tải về báo cáo tài chính của HPG.  Sau khi tải về File Excel “BCTC của HPG” (theo Năm), tính toán theo công thức, ta có bảng như sau:

Bảng tính toán DAR - HPG
Bảng tính toán DAR – HPG

Ý nghĩa của chỉ số DAR

ý nghĩa chỉ số DAR
Ý nghĩa chỉ số DAR là gì?

Như đã đề cập ở trên, DAR cho biết “bao nhiêu phần trăm tài sản của doanh nghiệp được hình thành bằng nguồn vay nợ”. 

Dựa vào chỉ số này, nhà đầu tư có thể biết khả năng tự chủ tài chính của doanh nghiệp. Chỉ số DAR sẽ có 2 trường hợp xảy ra:

DAR quá nhỏ

  • Có nghĩa rằng doanh nghiệp ít vay nợ hoặc tổng tài sản của doanh nghiệp quá lớn hoặc có thể là vừa ít vay nợ và tổng tài sản lớn.
  • Đây có thể là tín hiệu tốt cho biết doanh nghiệp có khả năng tự chủ tài chính tốt. Các cổ đông có thể an tâm hơn về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều về áp lực chi trả lãi vay. Đặc biệt là trong thời kỳ lãi suất điều hành của Nhà nước tăng cao.
  • Tuy nhiên, điều này cũng thể hiện rằng doanh nghiệp chưa khai thác, tận dụng tốt nguồn vốn vay để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, gia tăng doanh thu và lợi nhuận.

DAR quá cao

  • Có nghĩa rằng doanh nghiệp vay nợ nhiều hoặc tổng tài sản của doanh nghiệp quá nhỏ hoặc có thể là vừa vay nợ nhiều và tổng tài sản nhỏ.
  • DAR cao là dấu hiệu quan trọng cần được xem xét và đánh giá kỹ lưỡng, rằng “Doanh nghiệp có đang sử dụng vốn vay hiệu quả? Doanh thu và lợi nhuận có tăng trưởng lớn hơn chi phí lãi vay hay không? …”
  • Hơn nữa, nếu doanh nghiệp quản trị dòng vốn không tốt, áp lực chi trả lãi vay sẽ ăn mòn lợi nhuận của doanh nghiệp, đặc biệt là trong giai đoạn Q3/2022 – Q1/2023, NHNN liên tục tăng lãi suất điều hành để kiềm chế lạm phát và ổn định tỷ giá.

Chỉ số DAR bao nhiêu là tốt?

Chỉ số DAR bao nhiêu là tốt?
Chỉ số DAR bao nhiêu là tốt?

DAR có cách tính rất đơn giản, nhưng chỉ số này bao nhiêu mới là tốt? Điều này phụ thuộc vào ba tiêu chí sau đây:

Doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực nào?

Các lĩnh vực/ngành nghề khác nhau sẽ có những đặc điểm khác nhau về cơ cấu vốn và cơ cấu tài sản.

Với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, đầu tư công, xây dựng, vật liệu xây dựng thường sẽ phải vay nợ rất lớn để đầu tư vào quỹ đất, máy móc, thiết bị xây dựng. Do vậy, chỉ số DAR sẽ khá cao.

Ngược lại, những doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dệt may, sản xuất hàng tiêu dùng, sản xuất thực phẩm sẽ không yêu cầu phải vay nợ quá nhiều để vận hành. Do đó, chỉ số DAR sẽ tương đối thấp.

Sau đây là chỉ số DAR của 4 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau (tính đến hết năm 2022)

Tên công ty Lĩnh vực Tổng nợ vay (tỷ đồng) Tổng tài sản (tỷ đồng) DAR
CTCP Sữa Việt Nam (VNM) Sản xuất thực phẩm 15.666,15 48.482,66 32,31%
CTCP Vinhomes (VHM) Hoạt động bất động sản 213.290,8 351.812,65 60,63%
CTCP Sợi Thế Kỷ (STK) Dệt may 583,94 2125,03 27,48%
CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) Vật liệu xây dựng 74.222,58 170.335,52 43,57%

Qua bảng trên, ta có thể thấy sẽ thật khập khiễng nếu so sánh DAR của các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau.

Do vậy, cần lựa chọn các doanh nghiệp trong cùng ngành, hoặc ít nhất là phải có sự tương đồng trong hoạt động kinh doanh để so sánh.

So sánh với các doanh nghiệp cùng ngành

Phương pháp này được hiểu đơn giản như sau:

  • Bước 1: Tìm các doanh nghiệp hoạt động trong cùng một ngành với nhau
  • Bước 2: Tính trung bình bằng cách:

Lấy chỉ số DAR của các doanh nghiệp này cộng lại / Số lượng doanh nghiệp tính toán

Tuy nhiên, cách làm này có một số hạn chế:

  • Có vô vàn doanh nghiệp hoạt động trong cùng ngành nghề, lĩnh vực
  • Việc tính “tay” như vậy rất tốn thời gian và công sức

Hiện nay trên thị trường đã có một số trang web cung cấp dữ liệu này hàng loạt. 

So sánh với chính doanh nghiệp trong quá khứ

Cách làm này sẽ đơn giản hơn nhiều so với cách trên

Tiếp tục với Ví Dụ về HPG…

Nếu bạn đã tải File Excel BCTC và tính toán như DNSE đã hướng dẫn phía trên…

Xin chúc mừng bạn! Bạn đã tiết kiệm được rất nhiều thời giancông sức ở bước này rồi đó!

Chúng ta có bảng thống kê về DAR của HPG như sau (đơn vị: tỷ đồng):

2018 2019 2020 2021 2022
Tổng nợ 37.600 53.989 72.291 87.455 74.222
Tổng tài sản       78.223 101.776 131.511 178.236 170.335
DAR 0,48 0,53 0,55 0,49 0,44

Như đã đề cập phía trên, giai đoạn Q3/2022 – Q1/2023, NHNN liên tục tăng lãi suất điều hành để kiềm chế lạm phát và ổn định tỷ giá.

Có thể thấy, HPG đã chủ động tiết giảm nợ vay để giảm bớt áp lực lãi vay cho hoạt động kinh doanh. Đây là tín hiệu tốt và được coi là “một bonus” để đánh giá đầu tư.

Hạn chế của DAR

Hạn chế lớn nhất của DAR chính là bỏ qua yếu tố “chất lượng tài sản”: theo chuẩn mực kế toán hiện nay, tài sản sẽ được ghi nhận theo giá trị gốc ban đầu và được đánh giá lại hàng quý/năm. Tuy nhiên, Chúng ta không thể biết được liệu máy móc, trang thiết bị còn mới hay đã lỗi thời? Liệu có còn sử dụng được hay không?

Ngoài ra, tài sản của doanh nghiệp bao gồm Tài sản hữu hình (nhà xưởng, máy móc, thiết bị, …) và Tài sản vô hình (bằng sáng chế, giá trị thương hiệu, quyền sử dụng đất, …). Chúng ta có thể định giá được gần hợp lý giá trị của Tài sản hữu hình, nhưng Tài sản vô hình thì khó xác định hơn nhiều.

Không có chỉ số nào là hoàn hảo, DAR cũng vậy. Bạn cần kết hợp và sử dụng thêm nhiều các chỉ số khác, từ đó giúp bạn có cái nhìn rõ ràng và  đánh giá chân thực hơn về bức tranh tài chính của doanh nghiệp.

Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn đọc hiểu rõ được tầm quan trọng và cách ứng dụng chỉ số DAR. Tuy nhiên, bạn đừng quên nghiên cứu thêm những chỉ số khác nữa để đánh giá chân thực hơn về doanh nghiệp. Hãy thường xuyên cập nhật kiến thức trên DNSE nhé!

File đính kèm

ads-3
share facebook
Author

Tác giả:

Nguyễn Đức Tuấn

Đã đóng góp: 1 bài viết

Bài viết liên quan