Kiến thức tổng quan | 30/11/2021

Chiến tranh tiền tệ là gì và tác động đến nền kinh tế thế giới

Chiến tranh tiền tệ có thể hay được nhắc tới, nhưng cụ thể chiến tranh tiền tệ là gì, ai giao tranh với ai, ai sẽ bị ảnh hưởng lại là điều không cụ thể.

Chiến tranh tiền tệ là gì? 

Chiến tranh tiền tệ – currency war là một cuộc xung đột. Trong đó, các quốc gia cố gắng hạ giá để làm giảm giá tiền tệ của mình. Điều này nhằm tăng khả năng cạnh tranh quốc tế, làm thiệt thòi các nền kinh tế khác. 

Khi đồng tiền của một nước mất giá, khối lượng hàng hóa xuất khẩu ra ngoài sẽ gia tăng. Như vậy họ có thể xuất khẩu nhiều hơn, làm gia tăng sản xuất và giảm thất nghiệp. 

Phá giá tiền tệ là bước khơi mào của chiến tranh tiền tệ
Phá giá tiền tệ là bước khơi mào của chiến tranh tiền tệ

Giảm giá tiền tệ chưa bao giờ là chiến thuật được người dân ưa chuộng. Vì chúng làm giảm mức sống của mọi người cũng như khả năng mua sắm đồ nhập khẩu hoặc ra nước ngoài. Bên cạnh đó, giảm giá tiền tệ có thể đưa đến lạm phát. Nó làm cho việc trả lãi các món nợ quốc tế trở nên đắt hơn khi phải trả bằng ngoại tệ. 

Một tiền tệ mạnh được xem là một dấu hiệu uy tín. Nhưng khi một quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp cao hay muốn theo đuổi chính sách xuất khẩu, tỷ giá hối đoái thấp là một ưu điểm. 

Từ đầu thập niên 1890, Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) đã đề xuất giảm giá tiền tệ như một trong những giải pháp cho các quốc gia đang phát triển. Tuy nhiên nếu tất cả các nước đều giảm giá tiền tệ của mình thì việc giảm giá sẽ không còn ý nghĩa nữa. 

Trên nguyên tắc, khi cùng giảm giá tiền, không có bất kỳ quốc gia nào được lợi. Nhưng hành động này sẽ làm các doanh nghiệp, nhà đầu tư hoang mang, gây tổn hại cho thương mại quốc tế. Hậu quả gián tiếp của cuộc chiến tranh tiền tệ gây ảnh hưởng đến tất cả các nước liên quan

Chiến tranh tiền tệ xảy ra như thế nào? 

GDP của một quốc gia được cấu thành bởi bốn yếu tố:

  • Chi tiêu người dân
  • Đầu tư doanh nghiệp
  • Chi tiêu chính phủ
  • Cán cân thương mại. 

Khi một nền kinh tế bị suy thoái sẽ xảy ra các vấn đề sau: 

  • Mức tiêu dùng của người dân sẽ giảm vì thất nghiệp, nợ, mất niềm tin vào tương lai.
  • Doanh nghiệp cũng sẽ hạn chế đầu tư sản xuất vì nghĩ rằng người dân không có tiền mua. 

Nếu chính phủ muốn tăng GDP phải đánh thuế người dân nhưng không khả thi vì sẽ làm tình hình kinh tế không ổn định. Vì vậy, lựa chọn cuối cùng là tăng cán cân thương mại. Cụ thể là tập trung vào mục tiêu thặng dư thương mại, làm cho xuất khẩu mạnh hơn nhập khẩu. Để làm được điều này, giảm giá tiền tệ là điều tất nhiên.  

Ví dụ điển hình về khởi nguồn dẫn đến chiến tranh tiền tệ

Trước kia, 1kg gạo ở Trung Quốc có giá 10 nhân dân tệ (NDT), và 1 USD = 20 NDT. Như vậy, 1 USD sẽ mua được 2kg gạo ở Trung Quốc. Vì suy thoái kinh tế, Trung Quốc phá giá tiền tệ của mình, 1 USD = 40 NDT. Như vậy, hiện nay với số tiền 1 USD, chúng ta có thể mua được 4kg gạo Trung Quốc. 

Điều này cho thấy, giá gạo ở trong nước của Trung Quốc không hề thay đổi. Nhưng tại các thị trường nước ngoài, hàng hóa Trung Quốc sẽ có giá rẻ hơn trước khi giảm giá tiền tệ. 

Nhờ lợi thế về giá, hàng hóa Trung Quốc sẽ được đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường khác. Khi nhu cầu xuất khẩu lớn, Trung Quốc sẽ giải quyết được các vấn đề sản xuất, việc làm. Qua đó giải quyết được bài toán GDP đang giảm sút. 

Thực tế, Trung Quốc đã chuyển gánh nặng của mình cho những quốc gia không có lợi thế về giá. Giả sử tại Mỹ, nếu giá hàng hóa của Trung Quốc rẻ hơn nội địa, người dân sẽ bắt đầu ưa chuộng sử dụng hàng hóa Trung Quốc hơn. Điều này gây áp lực sản xuất cho doanh nghiệp trong nước. Để tăng sức cạnh tranh, các quốc gia buộc cũng phải giảm giá tiền tệ của mình. Điều này dẫn đến một cuộc chiến tiền tệ. 

Các cuộc chiến tiền tệ trong lịch sử

Trong lịch sử, nền kinh tế thế giới đã trải qua hai cuộc chiến tiền tệ. Chúng gây ảnh hưởng cực lớn đến sự phát triển thương mại toàn cầu. 

Hai cuộc chiến tiền tệ trong lịch sử xảy ra giữa Mỹ và các nước châu Âu
Hai cuộc chiến tiền tệ trong lịch sử xảy ra giữa Mỹ và các nước châu Âu

Cuộc chiến tranh tiền tệ lần thứ 1

Cuộc đua phá giá đầu tiên xảy ra giữa các cường quốc kinh tế trong thập niên 1920-1930 là trường hợp kinh điển của chiến tranh tiền tệ. Khởi điểm của cuộc chiến này bắt đầu từ nước Đức.

Năm 1921, một đợt lạm phát được ngân hàng trung ương Đức Reichsbank thực hiện nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh. Nhưng cuối cùng, nó đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát và phá hủy nền kinh tế. 

Năm 1922, Reichsbank phải điên cuồng in tiền để trả lương cho các nhân viên nhà nước. Hậu quả là  tờ 1 USD lúc đó không thể tiêu được trên nước Đức vì các cửa hiệu không có đủ năng lực để trả lại tiền thừa.

Trước tình hình hỗn loạn của Đức, các quốc gia khác cũng bắt đầu ra đòn. Năm 1925, Pháp phá giá đồng nội tệ Franc trước khi quay trở lại với chế độ bản vị vàng. Nhờ đó Pháp đã chiếm được lợi thế xuất khẩu so với Anh và Mỹ. Thời điểm đó, một người Mỹ với một ít USD có thể đến Pháp và sống như một ông hoàng. 

Năm 1931, sau nhiều năm chịu suy thoái vì phục hồi chế độ bản vị vàng, Anh đã từ bỏ chế độ này. Kể từ đó, Anh bắt đầu hạ giá đồng nội tệ của mình để giành lại vị trí xuất khẩu. 

Năm 1933, Mỹ bắt đầu tham chiến khi phá giá USD với vàng, giành lại lợi thế cạnh tranh giá xuất khẩu đã mất vào tay Anh và Pháp. 

Kết quả của chiến tranh tiền tệ lần thứ 1

Kết quả của cuộc chiến tranh tiền tệ này tạo ra một trong những đợt suy thoái tồi tệ nhất lịch sử. Cuộc chiến này còn tiếp tục cho đến khi chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc. Năm 1944, các cường quốc kinh tế phe chính yếu gồm Anh, Pháp và Mỹ đã lập ra hệ thống Bretton Woods. Nội dung chính của nó là thỏa thuận ổn định tỷ giá tiền tệ giữa các nước. Dưới hệ thống Bretton Woods, đồng USD đã chuyển đổi thành vàng với giá niêm yết 35 USD/1 ounce. 

Chiến tranh tiền tệ lần 2

Năm 1967, sau một thời gian bình ổn nhờ Bretton Woods, chiến tranh tiền tệ lần thứ 2 nổ ra. Anh được biết đến là nước khơi mào khi đồng bảng Anh bị phá giá mạnh. Và lượng tiền được phát hành khi đó đã gấp 4 lần trữ lượng vàng của Anh. 

Đối mặt với lạm phát tăng cao, Pháp rút khỏi thỏa thuận ổn định tỷ giá với Anh và Mỹ. Điều này khiến Mỹ chịu áp lực lớn khi lượng USD bán ra thị trường để đổi lấy vàng quá nhiều khiến đồng USD liên tục bị mất giá. Giá vàng lúc này tăng đến 45 USD/ 1 ounce, không còn là 35 USD như neo giá ban đầu. 

Năm 1972, đồng bảng Anh một lần nữa bị phá giá, khiến Mỹ rơi vào tình trạng suy thoái. 

Năm 1973, IMF chính thức khai tử hệ thống Bretton Woods. 

Năm 1985, kinh tế Mỹ phục hồi khiến đồng USD tăng giá kỷ lục trở lại. Trước tình cảnh này, hàng hóa của Mỹ mất lợi thế cạnh tranh so với các cường quốc khác. Do đó, Mỹ đã buộc các quốc gia thuộc nhóm G7 ký một hiệp ước đồng ý giảm giá đồng USD. 

Ngoài hai cuộc chiến tiền tệ lớn nêu trên, thế giới cũng từng chứng kiến một số cuộc chiến nhỏ. Đó là năm 2008, khi ngân hàng Lehman Brothers bị sụp đổ, Mỹ cũng phá giá đồng USD với các gói nới lỏng định lượng hay Nhật cũng từng phá giá đồng Yên để giúp đỡ nền kinh tế phục hồi. 

Tác động của chiến tranh tiền tệ đến nền kinh tế thế giới

Chiến tranh tiền tệ có tác động như thế nào đến nền kinh tế thế giới?
Chiến tranh tiền tệ có tác động như thế nào đến nền kinh tế thế giới?

Trên thực tế, các cuộc chiến tiền tệ tạo ra nhiều hệ lụy đến khía cạnh kinh tế, chính trị, xã hội. 

  • Cuộc chiến tranh tiền tệ lần 1 đã tạo ra một cuộc đại suy thoái trên toàn thế giới. Điều này khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, sản xuất ở các nước công nghiệp phát triển giảm mạnh. 
  • Với các bên tham chiến, cuộc chiến tiền tệ gây nên sự sụp đổ của các nền tài chính. 
  • Chính phủ các nước cũng sẽ xáo trộn, gây gián đoạn thương mại, tạo ra các xu hướng cực đoán về chính trị. 
  • Chiến tranh tiền tệ còn gây thiệt hại lớn về thương mại quốc tế và giao thương của toàn thế giới.
ads-3
share facebook
Author

Tác giả:

Nguyễn Thị Hậu

Đã đóng góp: 1 bài viết

Bài viết liên quan