Quản trị danh mục | 07/12/2022

Nhận định cổ phiếu FTS – Đánh giá tiềm năng tăng trưởng và những thông tin bên lề!

Cổ phiếu FTS là một trong những cổ phiếu ngành chứng khoán thu hút nhà đầu tư trong giai đoạn gần đây. Khối lượng cổ phiếu lưu hành cũng là điểm được nhà đầu tư đánh giá cao; khi không quá “loãng” mà “cô đặc” chỉ gần 200 triệu cổ phiếu; khi so sánh với các doanh nghiệp cùng quy mô ví dụ như VIX, MBS, BSI,…Hãy cùng tìm hiểu tổng quan cũng như tiềm năng của cổ phiếu FTS dưới bài viết này nhé.

Tìm hiểu và đánh giá tiềm năng cổ phiếu FTS
Tìm hiểu và đánh giá tiềm năng cổ phiếu FTS

Tìm hiểu về CTCP Chứng khoán FPT

Công ty chứng khoán FPT thành lập vào ngày 13/07/2007. Sau gần 10 năm thành lập, vào ngày 13/01/2017, công ty chứng khoán FPT chính thức niêm yết trên sàn HSX (mã cổ phiếu: FTS).

Lĩnh vực kinh doanh

  • Môi giới chứng khoán
  • Hoạt động tự doanh chứng khoán
  • Tư vấn đầu tư chứng khoán
  • Bảo lãnh phát hành chứng khoán
  • Lưu ký và quản lý cổ đông

Cổ đông và sở hữu (tính đến 03/12/2022)

  • Ban lãnh đạo: 2.71%
  • Tổ chức: 68.56%
  • Nước ngoài: 26.88%

Các thông tin về cổ phiếu FTS

  • Ngày lên sàn: 13/01/2017
  • Khối lượng cổ phiếu lưu hành: 195,059,951 cổ phiếu (tính đến 03/12/2022)
  • Giá tham chiếu: 16,350đ/cổ phiếu (tính đến 03/12/2022)

Danh sách các cổ đông

  • SBI Financial Services Co.,Ltd: 43,901,806 cổ phiếu (22.51%) (08/11/2022)
  • CTCP FPT: 34,921,003 cổ phiếu (17.9%) (06/09/2022)
  • Vietnam Enterprise Investments Ltd: 10,643,638 cổ phiếu (5.46%) (25/10/2022)
  • CTBC Vietnam Equity Fund: 9,505,332 cổ phiếu (4.87%) (25/10/2022)
  • Khác: 49.26%
Cơ cấu sở hữu FPTS
Cơ cấu sở hữu FPTS (Theo DNSE Senses)

Phân tích cổ phiếu FTS

Lịch sử biến động giá của cổ phiếu FTS

Ngày 13/01/2017, cổ phiếu FTS chính thức được niêm yết trên thị trường chứng khoán. Giá chào sàn thời điểm ban đầu là 18,000đ/cổ phiếu và được nhiều nhà đầu tư săn đón.

Ngày 19/11/2021, cổ phiếu FTS lập đỉnh cao nhất từ lúc niêm yết với giá 60,000đ/cổ phiếu (sau chia tách) tính đến ngày 03/12/2022. 

Ngày 04/05/2021, cổ phiếu FTS bắt đầu tăng giá với giá xuất phát là 11,700đ/cổ phiếu (sau chia tách). Ngày 19/11 sau hơn 6 tháng (199 ngày) cổ phiếu FTS kết thúc xu hướng tăng với mức giá 60,000đ/cổ phiếu; mức tăng trưởng đạt hơn 400% bắt đầu tính từ ngày 04/05/2021.

Lịch sử giá cổ phiếu FTS
Lịch sử giá cổ phiếu FTS

Tình hình tài chính của CTCP Chứng khoán FPT năm 2022 

Theo BCTC quý III/2022 của FPTS, doanh thu hoạt động kinh doanh giảm đến 87% so với cùng kỳ 2021 (54 tỷ đồng); khoản lỗ đến từ các tài sản tài chính được ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVTPL) lỗ 154 tỷ đồng. Lý giải khoản lỗ là do chênh lệch đánh giá lại khoản đầu tư MSH (May Sông Hồng), giá trị giảm 162 tỷ đồng so với quý 2/2022.

Sau khi trừ chi phí, FPTS ghi nhận khoản lỗ trước thuế và sau thuế lần lượt là 35 tỷ đồng và hơn 60 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2022; trong khi đó hai khoản mục này cùng kỳ năm 2021 lần lượt là 333 tỷ đồng và 296 tỷ đồng. 

Cụ thể các hoạt động ghi nhận doanh thu của FPTS, doanh thu hoạt động môi giới chứng khoán giảm khoảng 50% còn 76 tỷ đồng, chi phí hoạt động giảm 36% còn 45 tỷ đồng. Theo thống kê 9 tháng năm 2022, FPTS xếp thứ 9 trên HSX về thị phần môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và chứng quyền có bảo đảm (2,99%); thị phần ở sàn HNX và UpCOM lần lượt đạt 3,04% và 3,67%. 

Khoản lãi từ cho vay và phải thu của khách hàng tăng 7% lên 120 tỷ đồng so với cùng kỳ 2021. Cuối tháng 9 năm nay, tổng khoản phải thu và cho vay của FTS lên đến 77% tổng tài sản tương đương 4.820 tỷ đồng. Cụ thể, mức dư nợ margin lên đến 4.350 tỷ đồng, gấp 1,5 lần vốn chủ sở hữu. 

Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới giảm mạnh

Tình hình FTS và các CTCK quý 3/2022
Tình hình FTS và các CTCK quý 3/2022

Tổng số lượng tài khoản mở mới 9 tháng năm 2022 là 2,3 triệu, tăng 49,6% so với cả năm 2021. Tính trong quý 3/2022, số lượng tài khoản mở mới là 451,284, giảm 61,6% so với quý trước đó. 

Tháng 7 là tháng có số tài khoản mở mới cao nhất trong quý 3/2022 với 196,198 tài khoản, tháng 8 và 9 lần lượt là 152,873 và 102,213 tài khoản. Riêng tháng 9 có số tài khoản mới mở thấp hơn trung bình cả năm 2021. Theo những số liệu mới nhất được công bố, tháng 10/2022 chứng kiến lượng tài khoảng mở mới thấp nhất từ tháng 2/2021. Trong tháng 10/2022, số lượng nhà đầu tư mở mới tài khoản đạt 96.290 tài khoản và 137 tổ chức mở mới.

Điều này cho thấy số lượng nhà đầu tư mới gia nhập vào thị trường ngày càng giảm; một phần do độ khốc liệt của thị trường đã làm “chùn bước” nhiều nhà đầu tư mới có ý định gia nhập thị trường.

Giá trị giao dịch “đi lùi”

Giá trị giao dịch bình quân ngày có sự giảm sút trong quý 3/2022, ghi nhận mức giá trị 14,836 tỷ đồng – giảm 27,7% so với quý 2 và giảm 44% so với cùng kỳ năm 2020. Giá trị giao dịch bình quân mỗi tháng năm 2022 tính đến tháng 9 là 21,903 tỷ đồng, giảm 18% so với trung bình mỗi tháng của năm 2021. 

Thị phần môi giới nhiều sự biến động

VPS vẫn là cái tên tăng trưởng mạnh và dẫn đầu thị trường môi giới với 18,71% trên sàn HSX. Bên cạnh đó, chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của MAS (Mirae Asset) và MBS lần lượt là 0.75% và 0.29%. 

Ngoài 3 cái tên trên, các CTCK còn lại trong top 10 có sự sụt giảm đáng kể về thị phần. Trong đó, 3 cái tên mất thị phần nhiều nhất phải kể đến là KIS giảm 0,95%, HSC giảm 0,48% và VCI giảm 0,45%. Những công ty dẫn đầu vẫn là 3 cái tên quen thuộc VPS, SSI và VND. Trong đó, MAS và TCBS đã hoán đổi vị trí khi MAS “leo” từ vị trí thứ 6 lên vị trí thứ 4. 

Đánh giá về tiềm năng của cổ phiếu FTS

Kế hoạch kinh doanh quý 4/2022 thận trọng của FPTS

Theo nghị quyết HĐQT FPTS, kế hoạch kinh doanh của quý 4 năm 2022 được đưa ra khá thận trọng với điều kiện kinh tế khá khó khăn. Cụ thể, đặt mức doanh thu dự kiến là 200 tỷ đồng, giảm 16,69 tỷ đồng, giảm 7.7% so với quý 3 trước đó; so với cùng kỳ năm 2021, kế hoạch FPTS đưa ra là thấp hơn 158,98 tỷ đồng, giảm 44.3%. 

CTCK gặp khó do lãi suất tăng

Quý 4/2022 được dự đoán là rất khó khăn cho các công ty chứng khoán. Khi bối cảnh vĩ mô như lãi suất tăng, tỷ giá tăng dẫn đến suy thoái; điều này ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình kinh doanh các công ty chứng khoán trong giai đoạn tiếp theo là không thể tránh khỏi. 

Đứng trước bối cảnh lãi suất tăng, nhà đầu tư có xu hướng rút khỏi thị trường chứng khoán; việc này dẫn đến điểm số liên tục giảm trong các tháng gần đây. Tính đến 22/11/2022, VNINDEX giảm còn 952 điểm giảm hơn 550 điểm so với đỉnh từ đầu tháng 4 năm 2022. Việc thị trường sụt giảm dẫn đến các CTCK ngày càng “bèo bọt” về doanh thu. Báo cáo phía trên cho thấy, FPTS đã sụt giảm tận 87% doanh thu trong quý 3 so với quý trước đó năm 2022.

Tiềm năng của cổ phiếu FTS vào năm 2023 như thế nào?
Tiềm năng của cổ phiếu FTS vào năm 2023 như thế nào?

Cổ phiếu FTS có tiềm năng không?

Cổ phiếu FTS thiết lập đỉnh vào 18/11/2021, tính đến nay (03/12/2022) đã hơn 1 năm cổ phiếu FTS bước vào giai đoạn downtrend. Việc nhóm ngành chứng khoán đa phần bước vào giai đoạn giảm giá là vào cuối tháng 11/2021; đây là nhóm ngành có xu hướng giảm trước tiên khi nhạy cảm các tin tức về vĩ mô. 

Theo dự báo, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ duy trì lãi suất trên 4% và không tiếp tục tăng nếu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm trong các tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023. Sau 2023, khi thị trường chứng khoán đã trải qua chu kỳ giảm giá sâu, các cổ phiếu lúc này có xu hướng định giá rẻ và được nhiều nhà đầu tư chú ý.

Đây được xem là “thời cơ” cho các cổ phiếu chứng khoán đặc biệt là FTS – một trong những cổ phiếu “dẫn đầu giảm trước” trong downtrend sẽ được nhà đầu tư ưu tiên chú ý. Đặc biệt, trong báo cáo thị phần năm 2022, FPTS lọt top 10 thị phần môi giới, điều này cho thấy đội ngũ FPTS ngày càng “mở rộng” thị trường và cho thấy sự quyết tâm. 

Nếu duy trì kết quả này cho đến hết năm 2023 và đầu 2024, cổ phiếu FTS sẽ có tình hình kinh doanh khả quan hơn, đi kèm với đó là mức kỳ vọng của nhà đầu tư vào giá của cổ phiếu FTS sẽ ngày một nâng lên.

Kết luận

Cổ phiếu FTS nói riêng và các cổ phiếu của các CTCK khác nói chung sẽ gặp nhiều khó khăn; nhất là về dòng tiền trong giai đoạn cuối năm 2022 và năm 2023. Bởi vì các NHTM hiện nay đã chạy đua tăng lãi suất để huy động vốn; vậy nên việc dòng vốn “chảy mạnh vào” thị trường chứng khoán trong giai đoạn này là rất khó. Vì vậy, đầu tư cổ phiếu ngành chứng khoán trong giai đoạn này là nên cân nhắc kỹ lưỡng. Tuy vậy, đến giai đoạn giữa năm 2023 và bước vào 2024, cổ phiếu chứng khoán sẽ là điểm đến của nhà đầu tư đặc biệt là FTS.

ads-3
share facebook
Author

Tác giả:

DNSE Team

Đã đóng góp: 1 bài viết

Bài viết liên quan