Quản trị danh mục | 15/11/2022

Cổ phiếu hàng không – Cơ hội “Cất cánh” năm 2023?

Cổ phiếu hàng không là một trong những cổ phiếu được kỳ vọng khi nền kinh tế hồi phục. Tuy nhiên, năm 2022 với quá nhiều biến động của nền kinh tế như lãi suất tăng, lạm phát toàn cầu,..Cổ phiếu hàng không có còn được kỳ vọng như ban đầu? Góc nhìn năm 2023 với một số cổ phiếu “ngành bay” như thế nào? Tất cả sẽ có trong bài viết sau đây của DNSE.

Cổ phiếu hàng không - Góc nhìn đến 2023
Cổ phiếu hàng không – Góc nhìn đến 2023

Đặc điểm ngành của cổ phiếu hàng không

Chất lượng cuộc sống con người ngày càng tăng lên, nhu cầu về mọi mặt cũng vì thế mà tăng dần. Việc tiết kiệm thời gian và có được trải nghiệm tốt cũng ngày càng được chú trọng. Ngành hàng không lại đang làm rất tốt điều kể trên. Vậy nên nhiều nhà đầu tư kỳ vọng vào cổ phiếu hàng không sẽ “cất cánh” bay xa trên biểu đồ giá. Tuy nhiên, muốn đầu tư cổ phiếu ngành này, bạn nên nắm một số đặc điểm sau đây:

  • Chịu tác động từ một số ngành. Cổ phiếu hàng không chịu ảnh hưởng một số ngành như: Du lịch, xuất nhập khẩu,..Bên cạnh đó, một số yếu tố vĩ mô cũng ảnh hưởng đến cổ phiếu ngành này như: chính trị, dịch bệnh, chiến tranh,..Với những yếu tố trên có thể thấy độ nhạy cảm của ngành hàng không trên thị trường là khá “lớn”.
  • Có “mùa” kinh doanh riêng. Ngành hàng không thường “dậy sóng” vào mỗi dịp hè hay cuối năm với nhu cầu đi lại cao. Tình hình kinh doanh khoảng thời gian còn lại là “ổn” cho phần chi phí của các hãng bay. 
  • Phụ thuộc mối quan hệ các quốc gia. Việc mở rộng đường bay sang các quốc gia cần sự cho phép chính phủ nước sở tại; vì vậy cổ phiếu ngành hàng không cũng chịu nhiều ảnh hưởng từ các quyết định cấm vận hay kết nối ngoại giao giữa các nước.

Danh sách các cổ phiếu hàng không đang có trên sàn chứng khoán (số liệu từ bảng tính đến ngày 06/11/2022)

  • Cổ phiếu hàng không trên sàn UPCOM
Mã cổ phiếu Tên công ty Vốn hóa thị trường KL niêm yết (cổ phiếu)
ACV Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam 161,094.3 tỷ 2,176,950,436
NAS CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Nội Bài 257.8 tỷ 8,315,482
NCS CTCP Suất ăn Hàng không Nội Bài 350 tỷ 17,948,210
SAS CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất 3,202.8 tỷ 133,451,910

 

  • Cổ phiếu hàng không trên sàn HNX
Mã cổ phiếu Tên công ty Vốn hóa thị trường KL niêm yết (cổ phiếu)
MAS CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Đà Nẵng 156.2 tỷ 4,267,683
  • Cổ phiếu hàng không trên sàn HSX
Mã cổ phiếu Tên công ty Vốn hóa thị trường KL niêm yết (cổ phiếu)
VJC CTCP Hàng không Vietjet 54,215.3 tỷ 541,611,334
HVN Tổng Công ty Hàng không Việt Nam 23,694 tỷ 2,214,394,174
SGN CTCP Phục vụ Mặt đất Sài Gòn 2,059 tỷ 33,533,591
NCT CTCP Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài 2,313.1 tỷ 26,165,732
  • Cổ phiếu hàng không trên sàn OTC
Mã cổ phiếu Tên công ty Vốn hóa thị trường KL niêm yết (cổ phiếu)
BAV CTCP Hàng không Tre Việt

Tiềm năng đầu tư cổ phiếu hàng không

Ngành hàng không phục hồi 

Ngành hàng không Việt Nam được đánh giá là hồi phục top đầu thế giới sau đại dịch Covid-19. Theo Cục Hàng không Việt Nam thống kế, trong 10 tháng đầu năm 2022 đã vận  chuyển 40 triệu lượt hành khách; dự kiến tổng năm 2022 là khoảng 55 triệu lượt. Trong khi đó, thị trường hàng không quốc tế chỉ phục hồi 50% do các chính sách phòng chống dịch một số quốc gia còn chặt chẽ.

Các sản phẩm du lịch nội địa ngày càng thu hút du khách như Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang, Quy Nhơn,…đã mang đến lượng khách nội địa tăng mạnh; cụ thể kết thúc quý 3 năm 2022, số chuyến bay tăng 123% so với cùng kỳ 2021 và chủ yếu là khách nội địa; lượng khách nội địa 9 tháng đầu năm 2022 tăng 164,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo báo cáo từ VNDirect, hàng không quốc tế Việt Nam sẽ phục hồi từ quý 4 năm 2022. CTCK này nhận định đây sẽ là thời điểm để nhà đầu tư tích lũy cổ phiếu hàng không. Báo cáo của VNDirect cũng cho rằng công suất hoạt động của các cảng hàng không Việt Nam tăng từ 29% năm 2021 lên 103% năm 2022; biên lợi nhuận cũng phục hồi từ mức -30% đến -40% năm 2021 lên mức 0% năm 2022; một mức hồi phục mạnh mẽ. 

Kỳ vọng năm 2023

Từ các yếu tố tăng trưởng trên, dư địa tăng trưởng cho cổ phiếu hàng không năm 2023 là rất lớn. Cục Hàng không Việt Nam dự báo các sân bay Việt Nam có thể hoạt động với công suất 132% -142% so với thiết kế trong năm 2023-2024. Hiện tại, hầu hết các quốc gia đã gỡ bỏ hạn chế cho khách du lịch; đây chính là yếu tố kỳ vọng cao cho ngành hàng không năm 2023. Hàng không quốc tế vào được dự đoán sẽ là “đòn bẩy” cho sự tăng trưởng của cổ phiếu hàng không năm 2023-2024. 

Bên cạnh đó, lĩnh vực kinh doanh phi hàng không đang trở nên “hot”. Cụ thể là các hoạt động kinh doanh hàng miễn thuế, dịch vụ phòng khách thương gia, nhà hàng khách sạn tại sân bay; CTCP Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất là doanh nghiệp kinh doanh tốt nhất mảng này. Với việc tiên phong mở rộng bán lẻ ở sân bay và kết hợp resort và du lịch,…Đây sẽ là mảng kinh doanh dự đoán sẽ mang lại lợi nhuận tốt cho các doanh nghiệp hàng không.

Trường hợp Trung Quốc tiến hành đón khách du lịch trở lại vào quý 2 năm 2023 sẽ là tín hiệu đáng mừng. Khi đó, lượng khách quốc tế có thể trở về 84% trong giai đoạn giữa năm 2023. Do đó, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp hàng không phải kỳ vọng nhiều vào lượng hành khách quốc tế. Từ đó, tiềm năng cổ phiếu hàng không năm 2023 là rất cao.

Một vài mã cổ phiếu hàng không có tiềm năng trong năm 2023

Tuy có nhiều biến động kinh tế trong suốt 10 tháng đầu năm 2022, nhưng thời điểm cuối năm 2022 và suốt năm 2023 được nhà đầu tư kỳ vọng nhiều vào sự tăng trưởng của cổ phiếu hàng không. Dưới đây là ba mã cổ phiếu được đánh giá tốt nhất ở thời điểm hiện tại cũng như tương lai trong năm 2023:

Cổ phiếu VJC – Công ty Cổ Phần Hàng Không Vietjet

Cổ phiếu VJC - Vietjet Air
Cổ phiếu VJC – Vietjet Air

Vietjet là một trong số ít doanh nghiệp hàng không có được thị phần tại Việt Nam. Được thành lập sau 15 năm từ năm 2007 và có chuyến bay đầu tiên được khai thác vào cuối năm 2011. Cổ phiếu VJC được niêm yết vào năm 2017 với mức giá chào sàn lên đến 90.000vnđ. Trong suốt 5 năm niêm yết trên HSX, VJC luôn là cổ phiếu hàng không được săn đón với tiềm năng mô hình kinh doanh “vé giá rẻ” của mình.

Không những vậy VJC còn là cổ phiếu trong ngành duy nhất được lọt vào rổ VN30 – top 30 cổ phiếu tiềm năng được chọn lựa. Người sở hữu nhiều cổ phiếu nhất của VJC là bà Nguyễn Thị Phương Thảo với khối tài sản chỉ tính riêng các cổ phiếu là hơn 30.000 tỷ đồng (tính đến 06/11/2022). 

Kể từ khi niêm yết, doanh thu mỗi năm của Vietjet đều hơn 40.000 tỷ đồng; mức lợi nhuận sau thuế mỗi năm lên đến 4000-5000 tỷ đồng. Chỉ từ năm 2020 và 2021, doanh thu và lợi nhuận của VJC sụt giảm do Covid-19. Mức doanh thu mỗi năm lần lượt năm 2020 và 2021 là 18220 tỷ đồng và 12874 tỷ đồng; lợi nhuận chỉ vỏn vẹn vài chục tỷ đồng do chi phí cao.

Năm 2022 với việc mở cửa trở lại, doanh thu quý II, III gấp 4-5 lần cùng kỳ năm 2021 và 2020. Từ đó có thể thấy, đến hết 2023, kỳ vọng cho VJC là rất lớn với mức doanh thu được xem là phục hồi tốt nhất ngành. 

Cổ phiếu HVN – Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines)

Cổ phiếu HVN - Vietnam Airlines
Cổ phiếu HVN – Vietnam Airlines

Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines là hãng bay lâu đời nhất Việt Nam với 66 năm thành lập từ 15/01/1956. Được biết đến là thương hiệu quốc gia, thị phần lớn và uy tín là không thể thiếu đối với HVN. Tuy nhiên, cổ phiếu HVN chỉ mới niêm yết từ 07/05/2019 với mức giá chào sàn là 40.600vnđ. Tất nhiên, tỷ lệ sở hữu của nhà nước lên đến hơn 86% với cổ phiếu này.

Mức doanh thu của HVN được xem là đầu ngành với hơn 80.000 – 100.000 tỷ đồng mỗi năm trước 2020. Tuy nhiên, lợi nhuận mỗi năm của HVN chỉ từ 2000 – 3000 tỷ đồng mỗi năm; cho thấy chi phí tại HVN là khá cao.Ban lãnh đạo HVN đã nhiều lần “xin đặc cách” từ HSX vì “sợ” hủy niêm yết với mức thua lỗ trên. Bên cạnh đó, HVN cũng xin cấp vốn từ nhà nước để duy trì hoạt động kinh doanh.

Tuy nhiên, nhiều tín hiệu tích cực từ tình hình kinh doanh quý II và III năm 2022 với sự tăng trưởng doanh thu gấp 5-6 lần cùng kỳ (21.156 tỷ đồng quý 3 năm 2022). Thống kê 10 tháng đầu năm 2022, sản lượng vận chuyển toàn thị trường lên đến hơn 40 triệu lượt khách. Tiềm năng cho HVN trong 2023 là rất cao khi toàn ngành hàng không hồi phục. Thị phần và thương hiệu là hai thứ mà HVN dẫn đầu trong ngành.

Cổ phiếu ACV – Tổng công ty cụm cảng hàng không Việt Nam

Cổ phiếu ACV - Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam
Cổ phiếu ACV – Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam

Tổng công ty cụm cảng hàng không Việt Nam với mã cổ phiếu ACV được thành lập năm 2012 và niêm yết năm 2016 trên UPCOM. Tỷ lệ sở hữu của nhà nước đối với ACV lên đến hơn 95%. Ngành nghề mà ACV kinh doanh là sân bay, xây dựng cảng hàng không, bảo dưỡng máy bay,…Với mức vốn hóa thị trường lên đến hơn 160.000 tỷ đồng (tính đến 06/11/2022), cổ phiếu ACV là doanh nghiệp hàng không có vốn hóa đầu ngành với VJC là hơn 54.000 tỷ đồng và HVN là hơn 23.600 tỷ đồng.

Mức doanh thu mỗi năm từ 2017 đến 2109 đều trên 14.000 tỷ đồng; tỷ suất lợi nhuận đầu ngành hàng không với 25-30%. Tương tự các doanh nghiệp hàng không khác, ACV cũng sụt giảm doanh thu vì Covid-19. Doanh thu 2020 và 2021 sụt giảm, nhưng bù lại, ACV vẫn giữ được mức lợi nhuận tốt để duy trì kinh doanh từ gần 800-1600 tỷ đồng.

Một điều có thể thấy từ ACV là vốn chủ sở hữu lớn lên đến hơn 40.000 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận cao qua các năm; từ đó, kỳ vọng nhà đầu tư với ACV là lớn từ đây đến cuối năm 2023. Tuy nhiên, vì là doanh nghiệp nhà nước nên việc hạn chế về đổi mới chiến lược và động lực tăng trưởng, nhà đầu tư có thể cân nhắc đầu tư ACV.

Kết luận

Cổ phiếu hàng không được nhiều nhà đầu tư kỳ vọng trong năm 2023 với sự hồi phục ngành hàng không của Việt Nam được xếp hàng đầu thế giới. Thế nhưng, bối cảnh vĩ mô khá phức tạp với lạm phát và lãi suất tăng. Nhà đầu tư nên cân nhắc lựa chọn mã cổ phiếu đầu ngành để có được mức lợi nhuận tối ưu cho danh mục. 

ads-3
share facebook
Author

Tác giả:

Lê Lâm

Đã đóng góp: 1 bài viết

Bài viết liên quan