Kiến thức tổng quan | 29/11/2022
Contribution margin là gì? Tổng quan về số dư đảm phí
Để biết được doanh nghiệp của mình thu về lợi nhuận bao nhiêu, chắc hẳn các nhà lãnh đạo giỏi không thể nào không biết đến contribution margin hay còn gọi là số dư đảm phí. Nếu bạn đang ấp ủ trở thành một startup thì đừng bỏ qua bài viết này. Nó sẽ giúp bạn hiểu Contribution Margin là gì và có ý nghĩa như thế nào?
Contribution Margin là gì?
Contribution Margin (số dư đảm phí) hay còn gọi là lãi trên biến phí, là phần chênh lệch giữa doanh thu (giá bán) với tổng chi phí biến đổi. Nó cho biết sau khi bù đắp định phí (chi phí cố định) thì doanh nghiệp sẽ thu về bao nhiêu lợi nhuận.
Có thể xem Contribution Margin là một chỉ tiêu hoạt động kinh doanh của một doanh nghiệp. Nếu định phí không đổi thì Contribution Margin càng cao, lợi nhuận sẽ càng cao.
Contribution Margin được tính như thế nào?
Công thức chung tính số dư đảm phí:
Số dư đảm phí = Doanh thu – Tổng biến phí tương ứng với doanh thu
Do số dư đảm phí có thể được xác định cho mỗi đơn vị sản phẩm, cho từng loại sản phẩm hoặc toàn bộ các sản phẩm tiêu thụ của doanh nghiệp, ta có:
-
- Đối với một đơn vị sản phẩm, một loại sản phẩm
Số dư đảm phí = Giá bán sản phẩm – Biến phí sản phẩm đó
-
- Đối với nhiều loại sản phẩm mang tính đồng nhất, toàn bộ sản phẩm
Số dư đảm phí = Doanh thu – Biến phí toàn bộ sản phẩm
Ví dụ: Theo báo cáo của doanh nghiệp A, chi phí và doanh thu như sau:
- Tổng số sản phẩm đã bán: 1000
- Đơn giá bán: 80.000 VNĐ/ sản phẩm
- Biến phí: 50.000 VNĐ/ sản phẩm
- Tổng định phí trong tháng: 10.000.000 VNĐ
Chỉ tiêu | Tính trên toàn bộ sản phẩm (VNĐ) | Tính trên một đơn vị sản phẩm (VNĐ) |
Doanh thu | 80.000.000 | 80.000 |
Tổng biến phí | 50.000.000 | 50.000 |
Tổng định phí | 10.000.000 | 10.000 |
Số dư đảm phí | 30.000.000 | 30.000 |
Lợi nhuận thuần | 20.000.000 | 20.000 |
Lưu ý: Trong tổng biến phí bao gồm chi phí cố định và chi phí biến đổi. Chi phí cố định không tính riêng trên một sản phẩm mà cần tổng sau đó phân bổ chi phí cố định cho mỗi đơn vị. Tổng chi phí cố định ở kì nào thì cần phải bù đắp trong kì đó.
Ý nghĩa của số dư đảm phí
Như đã nói ở trên, Contribution Margin là sự chênh lệch giữa doanh thu và chi phí biến đổi. Số dư đảm phí sẽ giúp nhà quản lý thấy được mối quan hệ giữa sản lượng và doanh thu bán ra. Đồng thời tính toán được cần bao nhiêu để bù đắp chi phí cố định và đạt được mục tiêu đã đề ra từ trước. Hơn nữa nó còn đánh giá được khả năng hiện tại của doanh nghiệp mình đang ở đâu:
- Số dư đảm phí < chi phí cố định: có nghĩa rằng doanh nghiệp đang trong tình trạng thua lỗ, không bù đắp được chi phí cố định doanh nghiệp, không có lợi nhuận. Doanh nghiệp cần xem xét lại giá bán hoặc điều tiết lại chi phí cố định phân bổ ban đầu.
- Số dư đảm phí = chi phí cố định: có nghĩa rằng doanh nghiệp vừa đủ để hòa vốn, bù đắp được chi phí bỏ ra nhưng không thu về được lợi nhuận. Doanh nghiệp lúc này có thể tăng giá bán cao thêm một chút.
- Số dư đảm phí > chi phí cố định: có nghĩa rằng doanh nghiệp đang hoạt động tốt, có lãi sau khi trừ đi chi phí.
Tuy nhiên, số dư đảm phí cũng có một vài nhược điểm như sau:
- Nhà quản trị không thể nhận biết được tổng quan được các sản phẩm không đồng nhất và sản lượng của từng sản phẩm của doanh nghiệp.
- Nhà quản trị dễ bị gặp sai lầm trong việc ra quyết định do số dư đảm phí lớn, lợi nhuận tăng, doanh thu tăng, nhưng không có nghĩa là tất cả sản phẩm đều bán chạy.
Kết luận
Trên đây là toàn bộ những thông tin liên quan tới Contribution Margin. Khi ra bất kỳ quyết định nào trong doanh nghiệp, đặc biệt là nhà quản trị cần phải cân nhắc cẩn trọng, không nên quá phụ thuộc vào số dư đảm phí, như vậy sẽ làm mất tính khách quan. Và hãy tiếp tục theo dõi DNSE để có thêm nhiều kiến thức mới, chúc bạn luôn thành công.