Kiến thức tổng quan | 23/03/2023

Converse – Thành công nhờ “bảo thủ” với giày vải đế cao su

Converse được xem là cái tên đã quá quen thuộc đối với tất cả mọi người. Thời trang và tính tiện dụng đã đưa tên tuổi của Converse lên một tầm cao mới – điều mà không phải thương hiệu nào cũng làm được.

Lịch sử hình thành và phát triển

Cha đẻ của dòng giày Converse – Marquis Mills Converse, sinh ngày 23/10/1861 tại New Hampshire, Mỹ. Suốt thời trẻ, cuộc đời của Marquis chỉ gắn liền với nhà máy đóng giày địa phương.

Chân dung Marquis Mills Converse và xưởng giày Converse đầu tiên
Chân dung Marquis Mills Converse và xưởng giày Converse đầu tiên

Đến năm 47 tuổi, chính nhờ kinh nghiệm quý báu trong hơn 30 năm gắn bó ở xưởng giày, ông mới bắt đầu sáng lập nên Converse, thành lập công ty giày cao su tại Malden, bang Massachusetts.

Rất nhanh sau khi được biết đến, các khách hàng nhận thấy được bộ đế cao su của giày Converse có độ bám rất chắc. Thế nên chỉ sau 2 năm, công ty bắt đầu ăn nên làm ra và đạt công suất hơn 5000 đôi giày mỗi ngày.

Tạo bước đệm với dòng giày All Star

Lúc bấy giờ, bộ môn bóng rổ và tennis đang trong thời kì huy hoàng, được rất nhiều tín đồ thể thao yêu thích. Đặc biệt là chưa có dòng giày nào được thiết kế riêng cho hai bộ môn này.

Những người chơi tennis hay bóng rổ cũng nhận ra rằng giày Converse cực kỳ phù hợp để chơi hai môn thể thao trên bởi độ bám rất lý tưởng, giúp họ thoải mái trong những pha bật nhảy hay bứt tốc. Cơ hội từ đây đã đến với Converse.

Năm 1915, Converse đã bắt đầu sản xuất những đôi giày phục vụ cho tennis và năm 1917 cho ra mắt dòng giày bóng rổ đặc biệt mang tên All Star. Hầu hết những dòng giày All Star lúc đó đều có màu nâu xạm cùng phần đế đen cổ điển. 

Vào những năm 1917, các mẫu giày thể thao chưa được phổ biến trong giới mộ điệu. Nhưng khi Converse All Star được ra mắt cùng với thời kỳ vàng son của bộ môn bóng rổ đã tạo phép màu xóa đi khoảng cách giữa thời trang và thể thao.

Trở nên nổi tiếng với sự xuất hiện của Chuck

Năm 1921, Charles Taylor, với biệt danh là “Chuck” – 1 cầu thủ đã đến phàn nàn với Converse về vấn đề đau chân khi chơi bóng rổ.

Ngay lập tức, Converse đã “chiêu mộ” ông làm nhân viên bán giày kiêm phát triển sản phẩm. Charles H.Taylor mang trong mình trí tuệ nhanh nhạy của một nhà kinh doanh xuất sắc, lại từng là một ngôi sao bóng rổ tài năng, ông đã “phù phép” cho dòng giày Converse All Star trở thành biểu tượng hàng đầu trong làng giày thể thao lúc bấy giờ.

Mẫu giày Converse All Star phổ biến nhất
Mẫu giày Converse All Star phổ biến nhất

Số người đi giày Converse tăng chóng mặt. Doanh số bán hàng bùng nổ. Không những vậy, nhờ mối quan hệ rộng rãi của Chuck với giải bóng rổ chuyên nghiệp Mỹ – tiền thân của giải NBA mà hầu hết các cầu thủ bóng rổ đều sử dụng giày Converse lúc thi đấu.

Đang lên như diều gặp gió thì Marquis Converse qua đời đột ngột năm 1931. Thế nhưng thương hiệu vẫn được những người kế nhiệm phát triển mạnh mẽ, trong số đó bắt buộc phải kể đến Chuck.

Nhằm tri ân những đóng góp to lớn của ông, Converse chính thức in dòng chữ Chuck Taylor trên những đôi giày All Star kể từ năm 1932. Logo này vẫn còn hiện diện trên những đôi giày Converse All Star cho tới tận ngày nay.

Tiếp nối những thành công rực rỡ, năm 1935, Converse cho ra đời dòng giày thấp cổ Jack Purcell – tên của vận động viên cầu lông người Canada nổi tiếng và được mọi người đón nhận nhiệt tình. 

Tính đến những năm 1960, 80% thị phần giày là của Converse. Đặc biệt nhất là vào năm 1962, siêu sao Wilt Chamberlain của đội bóng rổ Philadelphia Warriors đã mang đôi giày All Star Chuck Taylor huyền thoại và ghi tới 100 điểm trong 1 trận đấu – kỷ lục mà tới giờ vẫn chưa ai phá được. Đây giống như lời khẳng định về sự thống trị của Converse tại giải NBA.

Rơi vào thời kì thoái trào

Converse vẫn làm mưa làm gió tại Mỹ cho tới khoảng cuối thập niên 70. Lúc này, các hãng như Puma, Adidas và Nike bắt đầu gia nhập vào thị trường giày, đặc biệt là giày bóng rổ. Họ đã áp dụng những thiết kế bắt mắt cùng tính năng hiện đại để tạo ra những mẫu mã ấn tượng.

Trong khi đó, Converse gần như không có chút cải tiến nào để thu hút được người dùng. Thêm nữa, sự ra đi của Charles H.Taylor như một đòn chí mạng đối với Converse, cùng với việc điều hành công ty liên tục thay đổi đã khiến cho thương hiệu này sa sút nghiêm trọng.

Kể từ đây, Converse dần đánh mất thị trường giày thể thao vào tay các hãng giày khác. Giày Converse hầu như chỉ còn hiện diện trong lĩnh vực âm nhạc bởi các nghệ sĩ, chẳng hạn như Roger Taylor của Queen hay Kurt Cobain của Nirvana.

Năm 2001, Converse phải tuyên bố phá sản, bán lại cho đối thủ là Nike với mức giá chỉ  305 triệu USD.

Tái thiết lập thương hiệu Converse

Sau khi được mua lại, Converse tiếp tục được tái thiết lập trên danh nghĩa là công ty con của Nike.

Mua lại Converse chính là bước đi đúng đắn nhất của Nike
Mua lại Converse chính là bước đi đúng đắn nhất của Nike

Kể từ đây, Nike đã giúp Converse dần hồi sinh với những cải tiến mới. Một số công nghệ của Nike cũng được áp dụng trên dòng giày Converse, chẳng hạn như đệm Lunarlon hay bộ đế Nike react.

Bên cạnh đó, Converse cũng hợp tác với các nghệ sĩ và thương hiệu thời trang nổi tiếng để cho ra mắt những phiên bản đặc biệt của dòng giày này như Off White, Fear of God, Stussy hay Comme Des Garcons Play.

Các nhà máy sản xuất giày Converse được dịch chuyển về Trung Quốc, Indo và Việt Nam. Nhờ kinh doanh cả những mẫu giày hiện đại lẫn old-school, giá cả thì cũng “bình dân” hơn nếu so sánh với những đôi giày đến từ công ty mẹ là Nike hay Adidas.

Qua thời gian, dù có vô vàn các hãng giày mới xuất hiện trên thị trường nhưng Converse luôn có được một vị trí vững chắc trong lòng khách hàng. Những đôi giày thể thao với nhiều sắc thái khác nhau của thương hiệu này vẫn sẽ được ưa chuộng trên khắp thế giới, đặc biệt là giới trẻ.

ads-3
share facebook
Author

Tác giả:

Nguyễn Khánh Linh

Đã đóng góp: 1 bài viết

Bài viết liên quan