Tài chính - Ngân hàng | 15/03/2024
Đáo hạn thẻ tín dụng là gì? Làm thế nào để không phải sử dụng dịch vụ này?
Khi đã sở hữu một hoặc một vài thẻ tín dụng, hầu như bất kỳ ai cũng biết đến việc “đáo hạn” thẻ. Tuy nhiên, việc đáo hạn thẻ tín dụng cũng là một con dao hai lưỡi với ví tiền của bạn.
Đáo hạn thẻ tín dụng là gì?
Việc sử dụng thẻ tín dụng để thanh toán hàng hóa và dịch vụ không chỉ thuận tiện mà còn đi kèm nhiều lợi ích và ưu đãi (ví dụ như hoàn tiền chi tiêu, các ưu đãi từ thương hiệu liên kết…) nên được rất nhiều người dùng ưa chuộng.
Tuy nhiên, nếu không biết cách quản lý tốt nguồn tiền, không thanh toán nợ đúng hạn hoặc “bỗng dưng” quên, bạn sẽ thực sự nếm trải câu “mọi sai lầm đều phải trả giá bằng tiền mặt”.
Theo quy định chung của các ngân hàng, chỉ cần quá thời hạn thanh toán dù chỉ một ngày, chủ thẻ vẫn bị Ngân hàng áp dụng quy định phạt phí trả chậm và lãi suất (mức phí khác nhau tùy thuộc vào ngân hàng nơi bạn mở thẻ).
Nếu thường xuyên trễ hạn, khách hàng sẽ bị trừ điểm tín dụng và khó tiếp cận các khoản vay của Ngân hàng; đồng thời sẽ khó khăn hơn xin gia tăng hạn mức và mở thêm thẻ. Đây chính là lúc nhiều người dùng đến với dịch vụ đáo hạn thẻ tín dụng.
Hiểu đơn giản, đây là dịch vụ khi tới hạn thanh toán nợ trên thẻ tín dụng mà bạn không đủ khả năng chi trả, bạn có thể vay tiền từ cá nhân hoặc một tổ chức nào đó để trả nợ thẻ.
Khi đó, các dịch vụ này sẽ nạp tiền vào tài khoản của bạn để thanh toán dư nợ thẻ tín dụng, giúp thẻ trở nên “sạch” với hạn mức “như mới”. Tiếp đến, khi ngân hàng cấp lại hạn mức tín dụng trên thẻ, công ty đó sẽ quẹt thẻ qua máy POS để lấy lại số tiền đã vay cùng phí đáo hạn. Sau đó, dư nợ mới sẽ được tính vào sao kê tiếp theo.
Tại sao phải đáo hạn thẻ tín dụng?
Nếu chủ thẻ không thanh toán nợ đúng hạn vào ngày đáo hạn, điều này có thể dẫn đến việc bị ghi nhận nợ xấu trong hồ sơ tín dụng CIC, làm giảm điểm tín dụng của khách hàng, Tùy thuộc vào mức độ chậm trễ trong thanh toán, khoản nợ sẽ được phân loại các nhóm nợ khách nhau, cụ thể:
- Nợ nhóm 1: Thanh toán chậm từ 1 đến 10 ngày. Trong trường hợp này, ngân hàng sẽ chủ động liên hệ để nhắc nhở khách hàng thanh toán nợ.
- Nợ nhóm 2: Thanh toán chậm từ 10 đến 90 ngày. Khoản nợ trong nhóm này sẽ bị áp dụng lãi suất phạt cao, lên tới 33 %/ năm
- Nợ nhóm 3: Thanh toán chậm trên 90 ngày. Khi khoản nợ vượt quá 90 ngày, khách hàng sẽ bị đưa vào danh sách nợ xấu của ngân hàng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến quan hệ tín dụng với ngân hàng hiện tại mà còn làm gia tăng khó khăn trong việc vay tín dụng tiêu dùng trong tương lai, thậm chí có thể dẫn đến việc không thể vay vốn.
Thông thường, trước ngày đáo hạn, ngân hàng sẽ gửi tin nhắn nhắc nhở hoặc gọi điện để thông báo cho khách hàng về nghĩa vụ thanh toán. Đồng thời, ngân hàng cũng sẽ gửi sao kê giao dịch và thông báo thời hạn thanh toan qua email. Do đó, khách hàng cần chú ý và kịp thời thực hiện nghĩa vụ thanh toán để tránh những hậu quả không mong muốn.
Cẩn trọng khi đáo hạn thẻ tín dụng
Thông thường, quy trình đáo hạn thẻ tín dụng khá đơn giản.
Đầu tiên, bạn mang theo giấy tờ cá nhân (chứng minh nhân dân, căn cước công dân…) cùng thẻ tín dụng đến địa điểm mà bạn muốn sử dụng dịch vụ đáo hạn. Tại đây, nhân viên sẽ thực hiện việc kiểm tra sao kê từ ngân hàng để xác định số tiền bạn cần phải thanh toán cũng như trao đổi về mức phí… Sau khi xác định số tiền, nhân viên sẽ nạp chính xác số tiền đó vào tài khoản để giúp bạn trả nợ.
Tiếp theo, bạn cần chờ đợi ngân hàng xác nhận rằng thanh toán đã thành công. Nhân viên công ty cung cấp dịch vụ đáo hạn sẽ sử dụng máy POS để quẹt thẻ của bạn với số tiền đã được ứng trước, đảm bảo rằng giao dịch được thực hiện đúng theo yêu cầu. Cuối cùng, bạn trả phí và hoàn tất quá trình giao dịch đáo hạn.
Mặc dù có những lợi ích ngay trước mắt, nhưng dịch vụ đáo hạn thẻ tín dụng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro cho. Có thể kể đến một số nguy cơ mà chủ thẻ có thể gặp phải khi sử dụng dịch vụ này như: Lộ lọt thông tin cá nhân, thông tin thẻ; Nguy cơ bị ngân hàng khóa thẻ…
Cùng đó, tính chất của đáo hạn thẻ tín dụng là việc vượt qua kiểm soát của ngân hàng, khiến chủ thẻ có thể gia hạn nợ sang kỳ sau. Nếu lạm dụng dịch vụ này nhiều lần và liên tiếp có thể khiến ngân hàng nghi ngờ và khóa thẻ tạm thời nhằm tăng cường theo dõi đối với tài khoản thẻ của chủ sở hữu. Như vậy, cả chỉ số niềm tin lẫn hạn mức tín dụng của bạn đều bị đưa về mức không mấy tốt đẹp.
Sử dụng thẻ tín dụng thông minh
Với tất cả những lý do đã nói ở trên, việc sử dụng thẻ tín dụng một cách thông minh và có kế hoạch sẽ giúp chúng ta tránh rơi vào các tình huống không mong muốn.
Dưới đây là một số kinh nghiệm có thể tham khảo:
Đầu tiên, nên nghiên cứu và lựa chọn loại thẻ phù hợp. Trước khi mở thẻ tín dụng, bạn cần xem xét về khả năng tài chính của mình để quyết định hạn mức phù hợp, lãi suất là bao nhiêu và khả năng thanh toán hàng tháng.
Tiếp theo, nên tận dụng những ưu đãi của thẻ tín dụng. Thông thường, ngân hàng sẽ hợp tác với nhiều đối tác để mang đến ưu đãi cho chủ thẻ. Đặc biệt là thông tin về thời gian miễn lãi, số tiền hoàn lại cho chi tiêu.
Hơn nữa, cần quản lý chi tiêu có kế hoạch. Trước khi nhận thẻ, hãy lập kế hoạch chi tiêu cụ thể, hợp lý và hiệu quả để tránh tình trạng nợ kéo dài. Cần ưu tiên thanh toán các khoản cần thiết trước, sau đó mới đến các khoản chi tiêu cá nhân.
Lưu ý khi sử dụng thẻ tín dụng
- Để duy trì uy tín với các ngân hàng, quan trọng là bạn phải thanh toán dư nợ đúng hạn và tránh nợ xấu.
- Để tránh mất lãi suất quá hạn, hãy thường xuyên kiểm tra tin nhắn sao kê từ ngân hàng và đảm bảo rằng bạn thanh toán đúng thời hạn.
- Lưu ý rằng nếu bạn chỉ thanh toán một phần của số tiền cần trả, phần còn lại sẽ tiếp tục được tính lãi suất bình thường.
- Trước khi hoàn tất giao dịch đáo hạn, hãy kiểm tra xem ngân hàng đã cắt nợ cho bạn hay chưa, vì thời gian cắt nợ có thể khác nhau tùy theo ngân hàng.
Ngày nay, việc sử dụng thẻ tín dụng đã trở thành phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Trong đó, đáo hạn thẻ tín dụng là một lựa chọn có thể giúp giải quyết khó khăn tài chính tạm thời. Tuy nhiên, việc này cũng đòi hỏi sự trách nhiệm và cân nhắc cẩn thận. Quản lý đúng hạn và tránh những rủi ro tiềm ẩn là điều không thể bỏ qua. Hiểu biết về quy trình và lựa chọn thông minh sẽ giúp bạn duy trì tài chính cá nhân một cách an toàn và ổn định.