Hỏi - Đáp | 08/01/2023

Đang đầu tư cổ phiếu thì có nên chuyển sang đầu tư trái phiếu doanh nghiệp?

Tôi có đọc được nhiều thông tin cho rằng việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp là sân chơi của nhà đầu tư chuyên nghiệp chứ không phải của nhà đầu tư nghiệp dư. Do đó, tôi rất phân vân khi quyết định đầu tư vào trái phiếu.

Hiện nay, tôi đã đi làm được 4 năm, có hơn 300 triệu tiền nhàn rỗi, một nửa bỏ vào kênh chứng khoán, một nửa gửi tiết kiệm ngân hàng. Cổ phiếu giai đoạn này được giới chuyên gia cảnh báo rủi ro nên tôi đã rút vốn khỏi kênh này. Với khoản tiền từ 150 đến 200 triệu, tôi có nên chuyển qua kênh trái phiếu? Cần lưu ý gì khi tham gia kênh này, nhờ chuyên gia tư vấn giúp.

Trả lời tư vấn:

Trước hết, tôi muốn nói rằng, việc chọn được một trái phiếu doanh nghiệp tốt để đầu tư, ngay cả với nhà đầu tư chuyên nghiệp, cũng không phải dễ dàng.

Để ra quyết định đầu tư trái phiếu của một doanh nghiệp nào đó, bạn cần đánh giá được tình hình tài chính hiện tại, cũng như tương lai của doanh nghiệp đó. Dòng tiền để doanh nghiệp chi trả các khoản nợ, bao gồm cả khoản nợ trái phiếu, sẽ đến từ đâu, từ hoạt động kinh doanh cốt lõi, hay từ các hoạt động huy động vốn trên thị trường tài chính.

Nếu doanh nghiệp không có khả năng thực hiện các nghĩa vụ chi trả của mình, có tài sản gì được cầm cố/thế chấp cho các chủ sở hữu trái phiếu, chất lượng của tài sản đó thế nào?

Đó là những gạch đầu dòng đầu tiên bạn phải nắm được về doanh nghiệp trước khi muốn mua trái phiếu do họ phát hành.

Với khoản tiền dưới 200 triệu đang dự tính, bạn thường chỉ có thể mua trái phiếu của một hay hai doanh nghiệp và khó có một danh mục đa dạng.

Hiện nay, các trái phiếu doanh nghiệp được chào bán trên thị trường, theo tôi được biết, có mức lãi suất rất chênh lệch, từ trên dưới 8% tới trên dưới 10%, phụ thuộc vào chất lượng của trái phiếu.

Nếu là nhà đầu tư không chuyên nghiệp, việc đánh giá chất lượng trái phiếu sẽ gặp nhiều khó khăn. Đầu tư trái phiếu của các doanh nghiệp có tình hình tài chính không lành mạnh sẽ khiến bạn gặp rủi ro mất toàn bộ phần vốn đầu tư khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu mất khả năng chi trả. Từ trước tới nay, chưa phát sinh trường hợp tổ chức phát hành các trái phiếu được phân phối cho nhà đầu tư cá nhân mất khả năng thanh toán. Nhưng điều đó không có nghĩa là rủi ro này sẽ không xảy ra trong tương lai.

Trường hợp của bạn, tôi không khuyến khích việc tự đầu tư.

Nếu có nhu cầu đầu tư các sản phẩm tài chính cho lợi tức cố định, với số tiền dưới 200 triệu đồng mà lại không nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, tôi nghĩ bạn nên lựa chọn sản phẩm của các công ty quản lý quỹ chuyên nghiệp.

Đầu tư vào các quỹ mở trái phiếu là một lựa chọn. Lợi tức sẽ thấp hơn tương đối so với việc trực tiếp sở hữu các trái phiếu doanh nghiệp, nhưng khoản tiền của bạn sẽ được quản lý bởi các nhà đầu tư chuyên nghiệp, hạn chế tối đa rủi ro mất vốn, đồng thời đảm bảo tính thanh khoản do bạn có thể bán lại các chứng chỉ quỹ này bất kỳ lúc nào.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng như thị trường cổ phiếu, không phải là sân chơi của các nhà đầu tư không chuyên nghiệp. Việc tiếp cận được đầy đủ thông tin cũng như việc có đủ hiểu biết để đánh giá về khả năng tài chính của tổ chức phát hành là hết sức quan trọng trong việc hạn chế rủi ro mất vốn. Việc tổ chức phát hành cam kết thanh toán trái tức và vốn gốc không đồng nghĩa với việc họ sẽ thực hiện các nghĩa vụ này trong tương lai.

(TH)

ads-3
share facebook
Author

Tác giả:

DNSE Team

Đã đóng góp: 1 bài viết

Bài viết liên quan