Kiến thức đầu tư | 25/01/2024
David Tepper – Phù thủy chứng khoán kiếm tiền từ khủng hoảng
David Tepper là một trong những cái tên quen thuộc đối với các nhà đầu tư chứng khoán. Với hành trình giao dịch tuyệt vời của mình, ông được giới đầu tư đặt tên “phù thủy chứng khoán”. Trong bài viết sau đây, hãy cùng DNSE tìm hiểu về sự nghiệp và những kinh nghiệm đầu tư của vị tỷ phú này nhé!
David Tepper là ai?
David Alan Tepper, thường gọi là David Tepper, sinh ngày 11/09/1957 tại Pittsburgh, Pennsylvania, Hoa Kỳ.
Vượt qua tuổi thơ đầy khó khăn, Tepper trở thành một trong những nhà giao dịch giỏi nhất nhờ tài năng tính toán của mình. Ngay từ khi còn là sinh viên, ông đã bắt đầu giao dịch để tự trang trải học phí và nhanh chóng có lợi nhuận.
Sau khi có bằng MBA tại đại học Carnegie Mellon vào năm 1980, David Tepper bắt đầu làm việc trong bộ phận ngân quỹ của Republic Steel. Tại đây, ông lần đầu tiên được tiếp cận với thị trường trái phiếu rủi ro cao. Đây cũng chính là bước đệm quan trọng để ông có thể làm việc tại Goldman Sachs sau này.
Trong thời kỳ thị trường sụp đổ năm 1987, Tepper kiếm lợi nhuận lớn từ việc bán khống. Sự thành công này khiến ông quyết định tự giao dịch bằng tài khoản của chính mình.
Thành công của David Tepper
Năm 1993, David Tepper thành lập quỹ đầu cơ Appaloosa Management sau khi huy động 57 triệu USD qua mối quan hệ của mình.
Năm 1995, ông mua trái phiếu Argentina ở mức giá thấp trước khi kinh tế nước này hồi phục, mang về lợi nhuận 30% cho quỹ đầu cơ của ông. Phong cách giao dịch của Tepper là tìm kiếm tài sản có giá trị bị định giá thấp, đặt cược vào khả năng tăng giá trong tương lai.
Năm 1998, ông mất 80 triệu USD vì mua trái phiếu Nga, nhưng sau khi nền kinh tế Nga phục hồi, lợi nhuận của ông tăng 61%.
Năm 2001, quỹ Appaloosa của ông kiếm được lợi nhuận 67% thông qua giao dịch trái phiếu của các công ty đang gặp khó khăn.
Năm 2008, quỹ đầu cơ Appaloosa của David Tepper thua lỗ 28%. Tuy nhiên, ông không mất lòng tin và nhận thấy cơ hội trong việc mua các tài sản bị định giá thấp sau cuộc khủng hoảng tài chính. Ông bắt đầu mua các khoản nợ thứ cấp, ưu tiên và cấp dưới, đặc biệt tập trung vào AIG, Bank of America và Citigroup.
Quyết định này đã mang đến thành công đáng kinh ngạc. Tepper kiếm được lợi nhuận lên đến 330% từ khoản nợ của Bank of America, 220% từ khoản nợ của Citigroup và 1 tỷ đô la lợi nhuận từ khoản nợ của AIG.
Thắng lớn nhờ “đi ngược chiều”
Vào ngày 10/2 năm 2009, David Tepper đã nhận thấy một cơ hội tốt khi Bộ Tài chính Mỹ công bố kế hoạch ổn định hệ thống tài chính. Kế hoạch này bao gồm cam kết của chính phủ về việc tiến hành hỗ trợ các ngân hàng bằng cách mua cổ phiếu ưu đãi, các cổ phiếu ít rủi ro hơn so với cổ phiếu phổ thông.
Vào năm 2009, trong tháng 2 và tháng 3, David Tepper đã liều lĩnh đầu tư mạnh vào cổ phiếu ngân hàng. Đặc biệt là các cổ phiếu mà khủng hoảng tín dụng Mỹ và khủng hoảng kinh tế toàn cầu làm suy yếu. Đáng chú ý tới là cổ phiếu của Ngân hàng Bank of America Corp khi giá xuống dưới 3 USD/cổ phiếu và cổ phiếu ưu đãi của Citigroup Inc. đến mức giá dưới 1 USD/cổ phiếu.
Trong vòng vài tuần, nhóm đầu tư của Tepper đã mạnh dạn đầu tư một lượng lớn vào ngân hàng, bao gồm nợ, cổ phiếu ưu đãi và cổ phiếu phổ thông. Đến khoảng tháng 3, công ty đã mất khoảng 10% giá trị (tương đương 600 triệu USD).
Cuối cùng, cuộc đánh cược của ông đã thành công khi thị trường hồi phục, mang lại lợi nhuận ấn tượng lên đến 120% cho quỹ Appaloosa Management. Tepper trở thành một trong những nhà quản lý quỹ hàng đầu thế giới với tài sản quản lý lên đến 12 tỷ USD. Appaloosa Management cũng trở thành một trong những quỹ đầu tư lớn nhất trên thế giới.
Kinh nghiệm của tỷ phú David Tepper
Đằng sau hào quang rực rỡ trên thị trường chính là những bài học và chiến lược sáng suốt mà David Tepper đã đúc kết được. Đây cũng chính là những bài học quý giá cho giới đầu tư khi tham gia thị trường.
- Luôn tham gia vào thị trường với vị thế giao dịch an toàn, hạn chế rủi ro tối đa và số tiền thua lỗ chỉ được cho phép trong một ngưỡng nhất định.
- Không sử dụng đòn bẩy để đảm bảo mọi rủi ro đều được giới hạn trong số vốn của ông.
- Phải tìm được nguyên nhân khiến tài sản bị định giá thấp và chỉ mua khi thấy được lợi thế tăng giá.
- Điểm mua và điểm bán phải được tính toán hợp lý nhằm nâng cao khả năng tối ưu lợi nhuận.
- Phải xác định được tiềm năng của tài sản và thực tế ra sao mới có thể quyết định mở vị thế mua hay bán.
Thật không ngoa khi nói rằng David Tepper chính là vị phù thủy có thể phù phép mọi khoản đầu tư trên thị trường. Mong rằng những chia sẻ trong bài viết sẽ giúp bạn tích lũy thêm kiến thức về đầu từ và tài chính. Đừng quên theo dõi DNSE để cập nhật bài viết mới bạn nhé!