Tự do tài chính | 11/08/2023
Dù đầu tư hay tiết kiệm, bạn luôn có thể bắt đầu ngay
Bắt đầu tiết kiệm hoặc đầu tư ngay sẽ giúp bạn đạt đến mục tiêu tài chính của mình sớm hơn nhờ lãi kép.
Bắt đầu nhỏ
Không cần phải có quá nhiều tiền để bắt đầu tiết kiệm và đầu tư. Nhiều chuyên gia tài chính đã đưa ra lời khuyên bạn nên bắt đầu từ số tiền nhỏ. Với tích lũy, số tiền nhỏ sẽ không ảnh hưởng đến nhu cầu chi tiêu của bạn.
Cũng vì đây là số tiền nhỏ nên bạn có thể dễ dàng hình thành thói quen tích lũy mà không bị ảnh hưởng trong các tháng tiếp theo.
Với đầu tư, khoản tiền nhỏ nếu thất bại bạn vẫn có thể bắt đầu lại với lựa chọn mới. Và quan trọng nhất, dù khởi đầu lớn hay nhỏ, nếu lâu dài bạn vẫn thu được thành công lớn với lãi kép.
Bắt đầu sớm
Warren Buffett là một nhà đầu tư đại tài với giá trị tài sản đến năm 2020 hơn 84,5 tỷ USD. Đã có hơn 2.000 cuốn sách nói về phương pháp đầu tư của ông nhưng rất ít người chú ý đến chi tiết ông đã bắt đầu từ năm 10 tuổi.
Theo Morgan Housel, tác giả cuốn “Tâm lý học về tiền”, nếu Warren Buffett bắt đầu việc đầu tư của mình vào năm 30 tuổi thì giá trị ròng của ông sẽ chỉ ở mức 25.000 USD thay vì 9,3 triệu USD như ông đã đạt được. Và nếu vị tỷ phú ngừng làm việc lúc 60 tuổi thì tài sản của ông cũng chỉ có 11,9 tỷ USD.
Như vậy có thể thấy thành công tài chính của Warren Buffett đến từ nền tảng mà ông xây dựng trong suốt những năm tuổi trẻ và còn được duy trì đến hiện nay.
Một trường hợp khác là Jim Simons, người đứng đầu quỹ phòng hộ Renaissance Technology. Ông đã tích lũy được 66% số tiền hằng năm kể từ 1988, cao hơn nhiều Warren Buffett ở mức 22%. Nhưng tính đến năm 2020, giá trị tài sản của Simons chỉ có 21 tỷ USD.
Việc chênh lệch này là do Jim Simons đến năm 50 tuổi mới tìm được bước tiến trong đầu tư của mình. Như vậy ông có số năm tích lũy chỉ bằng một nửa so với Warren Buffett.
Rất nhiều người đã bất ngờ khi nhìn thấy bảng ước tính số tiền họ đã có thể có nếu tiết kiệm từ năm 20 tuổi.
Lặp đi lặp lại
Việc tích luỹ cho bản thân nên là một hành động lặp đi lặp lại. Vì khởi đầu nhỏ và nên nhiều người đang đánh giá thấp sức mạnh của tích luỹ. Trực giác mỗi người có thể dễ dàng đánh giá mỗi tháng chỉ bỏ ra một khoản tiền nhỏ nên không rõ đến lúc nào khoản tiền tiết kiệm mới thành số tiền lớn.
Cũng theo Morgan Housel, suy nghĩ này đến từ việc: “Không phải chúng ta đang suy nghĩ quá nhiều mà do hiếm khi chúng ta dừng lại để xem xét tiềm năng của tích luỹ”.
Nếu so về hiệu quả, số tiền nhỏ để tích luỹ có thể thua xa một khoản đầu tư thành công. Nhưng đầu tư thì đi kèm rủi ro, tích lũy sẽ ít rủi ro hơn nhiều.
Nhưng đầu tư không nhất thiết là kiếm được lợi nhuận cao nhất. Vì khi đó khoản đầu tư có xu hướng trở thành một thành công đột xuất và không thể làm lại lần sau. Mục tiêu tốt nhất của việc đầu tư nên là kiếm được lợi nhuận có thể nắm giữ và làm lại như vậy trong khoảng thời gian dài nhất. Đó chính là hiệu quả mà tích luỹ có thể mang lại.