Kinh tế | 15/10/2022
Giỏ tiền tệ quốc tế gồm những đồng tiền nào?
Để cân bằng cán cân thanh toán và ổn định giá trị đồng tiền nội tệ, bên cạnh dự trữ vàng và ngoại hối, các nước thành viên của quỹ tiền tệ quốc tế IMF còn sở hữu một kênh dự trữ hấp dẫn nữa là Quyền rút vốn đặc biệt (viết tắt là SDRs – Special Drawing Rights) hay còn gọi là giỏ tiền tệ quốc tế. Để tìm hiểu xem giỏ tiền tệ quốc tế là gì và các thành phần của nó như thế nào, các bạn đừng bỏ qua bài viết dưới đây nhé.
Định nghĩa giỏ tiền tệ quốc tế
Giỏ tiền tệ quốc tế là một tài sản dự trữ quốc tế được bảo trợ bởi Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF. Vào năm 1969, theo đề nghị của 10 nước trong Câu lạc bộ Paris gồm Thụy Điển, Canada, Pháp, Bỉ, Ý, Anh, Mỹ, Đức, Nhật Bản và Hà Lan, IMF đã tạo ra Quyền rút vốn đặc biệt như một dạng tài sản dự trữ khác bên cạnh vàng và ngoại tệ của các nước thành viên. Sau khi hệ thống lãi suất cố định Bretton Woods sụp đổ, vào năm 1973, SDRs được định nghĩa lại là một rổ tiền tệ.
Tuy không phải là một loại tiền tệ cụ thể như yên Nhật hay đô la Mỹ nhưng SDRs có thể được quy đổi và sử dụng tự do tại các nước thành viên của IMF. Các quốc gia này có thể cho các quốc gia thành viên khác vay bằng đồng SDR, bổ sung trực tiếp SDR vào dự trữ ngoại hối của nhà nước hay quy đổi nó thành ngoại tệ tự do sử dụng nhằm phục vụ cho nhu cầu dự trữ ngoại hối trong nước.
Theo tỷ lệ góp vốn (quota) của quốc gia cho IMF, quốc gia đó sẽ được phân bổ một lượng SDR tương ứng. Tỷ giá của SDRs được IMF điều chỉnh hàng ngày theo tỷ giá hối đoái trên thị trường giữa các đơn vị tiền tệ trong giỏ SDR và tỷ giá cố định của các đơn vị tiền tệ này. Để biết được tỷ giá SDR hôm nay là bao nhiêu, 1 SDR bằng bao nhiêu đô la Mỹ, bạn có thể tham khảo thông tin trên trang chủ của IMF.
Nguyên nhân hình thành SDRs
Khi tham gia vào hệ thống lãi suất cố định Bretton Woods, để ổn định lãi suất của mình, các quốc gia thành viên cần phải dự trữ vàng (thường được nắm giữ bởi ngân hàng trung ương hay chính phủ) và ngoại tệ (để mua nội tệ, nhằm duy trì tỷ giá hối đoái, thường là đồng đô la Mỹ).
Tuy nhiên, nguồn cung của hai loại tài sản dự trữ này không đủ để đáp ứng dòng chảy tài chính cũng như nhu cầu mở rộng thương mại quốc tế tại thời điểm đó. Ngoài ra, lúc bấy giờ, chính sách tiền tệ của Mỹ tương đối thận trọng. Chính phủ không muốn gia tăng lượng đô la Mỹ trong lưu thông. Vì vậy, nguồn cung ngoại tệ thời kỳ này rất hạn chế.
Chính vì thế, theo yêu cầu của cộng đồng quốc tế, IMF đã thêm một loại tài sản dự trữ quốc tế mới gọi là quyền rút vốn đặc biệt (SDRs).
Rổ tiền tệ SDR bao gồm những đồng tiền nào?
Các thành phần cấu tạo nên giỏ tiền tệ quốc tế là những đồng ngoại tệ tự do chuyển đổi. Các quốc gia thành viên có thể đổi từ SDR đang sở hữu sang các đồng ngoại tệ này. Tính đến năm 2022, rổ tiền tệ SDRs bao gồm 5 đồng ngoại tệ là đô la Mỹ, bảng Anh, đồng Euro, yên Nhật và đồng nhân dân tệ của Trung Quốc.
Tiêu chí để đưa một đồng ngoại tệ vào rổ tiền tệ SDRs được quy định bởi Ủy ban điều hành của IMF. Những yếu tố này gồm có:
- Đồng tiền được đưa vào giỏ SDR được sử dụng rộng rãi bởi các quốc gia và khu vực thành viên có ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu. Để đảm bảo yếu tố này, quốc gia phát hành đơn vị ngoại tệ đó phải có sản lượng xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ thuộc top đầu trên thế giới trong vòng 5 năm tính từ 1 năm trở về trước ngày đánh giá;
- Đồng tiền được xem xét đưa vào rổ tiền tệ quốc tế phải là đồng ngoại tệ tự do sử dụng. Nghĩa là đồng tiền đó được mua bán rộng rãi trên thị trường ngoại hối và được sử dụng rộng rãi trong thanh toán giao dịch quốc tế.
Ý nghĩa của giỏ tiền tệ quốc tế
Loại tài sản dự trữ này có một số vai trò như:
- Là kênh cấp tín dụng hấp dẫn, có chi phí thấp. Chính phủ các nước thành viên sẽ mua bán, vay mượn SDRs với các nước thành viên khác hay tổ chức tài chính quốc tế nhằm bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước hay đổi lấy một đồng tiền mạnh nào đó như đô la Mỹ hay yên Nhật;
- Trong một số thỏa thuận và công ước quốc tế, SDR được dùng như một đơn vị quy ước định danh để xác định giá trị của tài sản, hàng hóa, dịch vụ, thu nhập,… Ví dụ như để tính toán cước viễn thông và bưu chính quốc tế theo thỏa thuận giữa các nước thành viên Liên minh Viễn thông Quốc tế (International Telecommunication Union), Liên minh Bưu chính Thế giới (Universal Postal Union) hay dùng để xác định giá trị hàng hóa, con người, tài sản phải bồi thường trong trường hợp xảy ra thiệt hại trong các công ước về trách nhiệm của các hãng hàng không đối với hành khách;
- Nhờ có phân bổ SDRs, các nước thành viên IMF được bổ sung dự trữ ngoại hối một cách kịp thời, giảm bớt phụ thuộc vào nợ trong nước và nước ngoài.
Đối tượng nắm giữ SDRs
Chỉ có quốc gia thành viên IMF đồng ý tham gia vụ SDR mới có quyền được phân bổ quyền rút vốn đặc biệt. Đối tượng nắm giữ SDR gồm có IMF, một số tổ chức chính thức không thuộc tư nhân và các nước thành viên.
Tính đến nay, ngoài 184 nước thành viên của IMF, có 15 tổ chức có quyền nắm giữ SDR theo quy định gồm:
- 4 NHTW lớn (Ngân hàng của các Quốc gia Trung Phi, Ngân hàng Trung ương Châu Âu, Ngân hàng Trung ương Đông Ca-ri-bê và Ngân hàng Trung ương của các Quốc gia Tây Phi )
- 3 tổ chức tiền tệ liên chính phủ (Quỹ Dự trữ Mỹ Latinh, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế và Quỹ Tiền tệ Ả Rập)
- 8 tổ chức phát triển (Ngân hàng Phát triển Châu Phi, Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế và Hiệp hội Phát triển Quốc tế, Quỹ Phát triển Châu Phi, Ngân hàng Phát triển Châu Á, Ngân hàng Đầu tư Bắc Âu, Ngân hàng Phát triển Hồi giáo và Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế).
Tạm kết
Trên đây là những điều bạn cần biết về giỏ tiền tệ quốc tế. Để tìm hiểu các kiến thức về kinh tế, ngân hàng, tài chính và đầu tư chứng khoán khác, hãy đón đọc các bài viết trên DNSE nhé.