Doanh nghiệp | 22/09/2023

Hành trình để Spotify trở thành ông lớn ngành nhạc số 

Khi nhắc đến nghe nhạc trực tuyến, nhiều người coi Spotify là lựa chọn số một, nhờ đâu một startup Thuỵ Điển làm được điều này? 

Spotify đang là dịch vụ âm nhạc, phát thanh trực tuyến trị giá hơn 7,6 tỷ Euro, với hơn 551 triệu người dùng mỗi tháng, có mặt tại 184 quốc gia và hơn 100 triệu bài hát. Công ty cũng đang niêm yết giao dịch tại sàn giao dịch chứng khoán New York. Vậy làm thế nào để một dịch vụ trực tuyến ở Thuỵ Điển trở thành nền tảng âm nhạc lớn nhất thế giới.  

Khởi đầu nhỏ bằng mục tiêu đơn giản hoá việc nghe nhạc 

Spotify - Câu chuyện về sự trỗi dậy trong cuộc đua nhạc số
Spotify – Câu chuyện về sự trỗi dậy trong cuộc đua nhạc số

Ban đầu Spotify chỉ là một startup tại Stockholm, Thuỵ Điển. Vào những năm 2006, khi việc nghe nhạc di động ngày trở nên phổ biến với điện thoại di động có chức năng nghe nhạc, máy MP3, iPod, ngành công nghiệp âm nhạc gặp rất nhiều khó khăn với tình trạng ăn cắp bản quyền. 

Lúc này muốn nghe nhạc, người dùng thường lên Internet, tìm kiếm các bài hát được chia sẻ tự do. Việc chia sẻ nhac này là không bản quyền, và vì thế chất lượng âm thanh thường kém, thậm chí chỉ có một phần bài hát hoặc tập tin chứa virus.  

Với các nhà sản xuất âm nhạc, tình trạng này cũng gây ra thiệt hại hàng triệu USD mỗi năm cho họ vì người dùng không trả tiền bản quyền.  

Để giải quyết các vấn đề trên, Daniel Ek và Martin Lorentzon đã đưa ra một giải pháp, đó là một dịch vụ chơi nhạc trực tuyến có thể đáp ứng mọi yêu cầu trên. Nếu người dùng không muốn trả tiền, họ sẽ phải nghe kèm quảng cáo. Và để không có quảng cáo, họ có thể trả tiền thuê bao tháng.  

Ý tưởng có vẻ đơn giản và mang lại lợi ích cho tất cả các bên, nhưng quá trình triển khai của Spotify lại không hề dễ dàng.  

Hạn chế kỹ thuật 

Đầu những năm 2010, dù Internet là kết nối phổ biến với mọi người nhưng  tốc độ lại khá chậm. Việc nghe một bài hát với chất lượng cao như hiện nay gần như là không thể. Người dùng buộc phải nghe nhạc được nén lại và chất lượng thấp hơn khi nghe nhạc từ file trên máy tính hoặc đĩa CD.  

Daniel Ek quyết định để nhóm công nghệ của mình nén bài hát ở mức độ cao hơn. Thực tế thì người nghe sẽ không phát hiện được việc bài hát bị mất một số chi tiết nhỏ. Bù lại do dung lượng bài hát nhỏ đi đáng kể, người dùng sẽ thấy bài hát được phát ngay khi bấm vào. Đây là điều đột phá ở đầu thập kỷ trước.  

Vô tình thành “kẻ thù” của các nghệ sỹ và hãng âm nhạc 

Mô hình kinh doanh của Spotify là dùng tiền thuê bao của người nghe để trả theo lượt nghe cho các nghệ sỹ hoặc nhà sản xuất âm nhạc. Điều này phần nào ảnh hưởng đến doanh thu của các nhà phát hành không có quyền phát bài hát trực tuyến.  

Vào những năm đầu khi dịch vụ mới ra mắt, nhiều nghệ sỹ đã tuyên bố ngay về việc không hợp tác với Spotify. Ví dụ như Taylor Swift sau khi nhận được khoản tiền trả cho mình từ dịch vụ nhạc trực tuyến đã lập tức công bố số tiền này và cho rằng đây chỉ là một thử nghiệm. Nữ ca sẽ đã từng trả lời trên trang tin tức Yahoo rằng: “Tôi không sẵn sàng đóng góp cho một thử nghiệm mà trả không công bằng với các nhà soạn nhạc, nghệ sỹ”. 

Spotify khi đó cũng không làm gì mà chỉ đưa ra tuyên bố: Hy vọng một ngày nào đó Taylor Swift có thể thay đổi suy nghĩ của mình. 

Mãi đến năm 2017, Taylor Swift mới kết thúc chiến tranh lạnh 3 năm của mình với Spotify và đưa âm nhạc của mình trở lại hệ thống. 

Một trường hợp khác là Jay Z. Rapper này cũng tuyên bố không ủng hộ Spotify và đưa ra một dịch vụ nhạc trực tuyến riêng có tên Tidal vào năm 2016. Đây cũng là lý do vì sao nhiều sản phẩm âm nhạc của Jay Z và vợ Beyonce lại độc quyền trên Tidal.  

Các đối thủ mới 

Spotify phải đối mặt với nhiều đối thủ khác
Spotify phải đối mặt với nhiều đối thủ khác

Apple có thể kể đến là đối thủ trực tiếp đầu tiên của Spotify. Thực tế thì dịch vụ âm nhạc iTunes Store của Apple đã có từ năm 2003. Mô hình kinh doanh của Apple là thu phí giá rẻ với việc bán từng bài hát cho mỗi người dùng. Với mỗi bài hát, người dùng sẽ phải trả tiền riêng. 

Nhưng tới năm 2015, hãng công nghệ Mỹ ra mắt Apple Music với mô hình kinh doanh tương tự Spotify. Ban đầu dịch vụ của Apple bị đánh giá thua kém về số lượng nội dung nhưng đến nay Apple đang dần vượt qua Spotify với nhiều nghệ sỹ độc quyền, nhiều công nghệ cao hơn để có chất lượng âm thanh cao hơn. Và đặc biệt là Apple Music đều có sẵn trong mọi chiếc máy tính, điện thoại Apple bán ra thị trường.  

Tidal, SoundCloud cũng là những dịch vụ tương tự và đều có những ưu điểm riêng. Tidal luôn cung cấp nhạc chất lượng rất cao phục vụ người chơi âm thanh chuyên nghiệp hay SoundCloud lại giống như Youtube, cho phép mọi nghệ sỹ dủ nhỏ hay lớn đăng tác phẩm của mình và người nghe có thể nghe miễn phí.

Mặc dù vẫn đang là tên tuổi đầu tiên và cũng là lớn nhất trên thị trường nhạc trực tuyến nhưng Spotify vẫn chưa làm được những điều mà các sản phẩm mới đang làm. Apple Music hiện nay đã tiến đến việc tổ chức buổi biểu diễn có khán giả quy mô lớn. Nhiều dịch vụ âm nhạc khác đã tự sản xuất loa thông minh để chơi nhạc trực tiếp. Do đó còn rất nhiều việc mà Spotify có thể làm để duy trì vị trí số một của mình.  

ads-3
share facebook
Author

Tác giả:

Hoàng Quỳnh Anh

Đã đóng góp: 1 bài viết

Bài viết liên quan