Chứng khoán | 31/10/2021

Hướng dẫn đọc bảng chứng khoán cơ sở cho nhà đầu tư mới

Đọc bảng chứng khoán cơ sở là kỹ năng cơ bản nhất mà nhà đầu tư phải biết để giao dịch trên thị trường chứng khoán. Ngoài ra các nhà đầu tư cần nắm được những thao tác trên bảng điện tử để thực hiện giao dịch.

Bảng chứng khoán thể hiện tất cả các thông tin về giá cả, khối lượng và các giao dịch cổ phiếu của thị trường chứng khoán. Vì vậy, bảng điện rất có ích cho nhà đầu tư khi đưa ra quyết định mua, bán. Hãy cùng nhau tìm hiểu về cách sử dụng bảng điện và những thông tin liên quan về phiên giao dịch nhé.

Đọc bảng chứng khoán cơ sở như thế nào?
Đọc bảng chứng khoán cơ sở như thế nào?

Các sàn chứng khoán tại Việt Nam

Sàn giao dịch chứng khoán đóng một vài trò không thể thiếu trong việc tạo ra thị trường chứng khoán. Nơi đây cung cấp dịch vụ cho người môi giới và người giao dịch chứng khoán. Các thông tin về chứng khoán tại đây được kiểm chứng hoàn toàn chính xác.

Tại Việt Nam, độ uy tín của chứng khoán niêm yết được xếp theo thứ tự lần lượt trong 3 sàn chứng khoán sau:

  • Sàn HSX (HOSE) 

Sàn Hose, hay còn gọi là Sở giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, được thành lập năm 2000. HSX trực thuộc ủy ban chứng khoán nhà nước và đảm nhiệm vai trò quản lý hệ thống giao dịch chứng khoán niêm yết tại Việt Nam.

Các công ty muốn niêm yết cổ phiếu trên HSX phải đảm bảo được những điều kiện rất khắc nghiệt. Ngoài ra, Hose còn được quản lý trực tiếp bởi nhà nước, nên sự uy tín luôn được đảm bảo. 

  • Sàn HNX

Sàn HNX, hay còn được gọi là sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội, được thành lập năm 2009. Sàn chịu trách nhiệm quản lý thị trường giao dịch chứng khoán với độ uy tín cực kỳ cao.

  • Sàn Upcom

Khi các công ty không đủ điều kiện niêm yết chứng khoán trên sàn HSX và HNX thì Upcom chính là nơi diễn ra giao dịch của loại chứng này. Được thành lập cùng năm với HNX (2009), Upcom được quản lý bởi Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội.

Trước khi đủ điều kiện niêm yết trên HOSE và HNX, các cổ phiếu được niêm yết tại sàn Upcom. Do đó, lượng chứng khoán tại sàn có số lượng cũng rất lớn.

Cách đọc bảng chứng khoán cơ sở

Bảng giá chứng khoán
Bảng giá chứng khoán

Bảng giá thể hiện trạng thái giao dịch của thị trường, các chi tiết trên một bảng giá bao gồm:

Hệ thống đồ thị chỉ số

  • VN-INDEX: Là đồ thị thể hiện sự biến động giá của tất cả các cổ phiếu được niêm yết trên sàn HSX.
  • VN30: Là đồ thị thể hiện sự biến động giá của 30 cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn nhất trên thị trường.
  • VNX-ALLSHARE: Là biểu đồ chỉ số chung của tất cả các cổ phiếu đang niêm yết trên HSX và HNX.
  • VN-HNX: Là biểu đồ chỉ số thể hiện sự biến động của tất cả các cổ phiếu đang niêm yết trên sàn HNX.
  • VN30F1: Hợp đồng tương lai chỉ số VN30.

Danh sách các cột trên bảng giá:

  • Mã: Là danh sách các mã chứng khoán trên sàn giao dịch
  • TC (Màu vàng): Mức giá tham chiếu của phiên giao dịch

Tuy nhiên, tại sàn UPCOM, giá tham chiếu được tính bằng giá bình quân của phiên giao dịch gần nhất trước đó.

  • Trần (Màu tím): Mức giá cao nhất trong ngày giao dịch.
  • Sàn (Xanh lam): Mức giá thấp nhất trong ngày giao dịch.
  • Tổng KL (Tổng khối lượng): Là tổng khối lượng cổ phiếu được giao dịch trong một phiên.
  • Bên mua: Thể hiện 3 mức giá đặt mua cao nhất và khối lượng tương ứng.
  • Khớp lệnh: Thể hiện mức giá khớp lệnh gần nhất của một cổ phiếu. Bao gồm các mức khớp lệnh về giá, khối lượng và biên độ giá so với tham chiếu.
  • Bên bán: Thể hiện 3 mức giá đặt bán cao nhất và khối lượng tương ứng.
  • Giá: bao gồm “giá cao nhất”, “giá thấp nhất” và “giá trung bình”. Giúp ta thấy được biên độ giá giao động trong phiên.
  • Dư: Khối lượng cổ phiếu đang chờ khớp lệnh ở 2 bên mua và bán.
  • ĐTNN (Đầu tư nước ngoài): Là khối lượng 2 chiều mua, bán của nhà đầu tư nước ngoài trong phiên giao dịch.

Cách tính giá tham chiếu, giá trần, giá sàn của ngày giao dịch

Giá tham chiếu được dùng để tính biên độ giao động của giá cổ phiếu trong phiên. Trong khi mức giá sàn/ trần là mức giá cao/ thấp nhất bạn có thể mua hoặc bán trong phiên giao dịch.

Các mức giá này được tính như sau: 

  • Giá tham chiếu: Tại sàn HSX và HNX, giá tham chiếu được lấy bằng mức giá đóng cửa tại phiên giao dịch trước đó. Trong khi sàn UPCOM, giá TC được tính bằng giá bình quân của phiên giao dịch gần nhất. 
  • Giá trần: Tại sàn Hose, mức giá trần được tính bằng giá tham chiếu x 7%, sàn HNX là 10% và UPCOM là 15% (Theo chiều tăng giá).
  • Giá sàn: Tại sàn Hose, mức giá trần được tính bằng giá tham chiếu x 7%, sàn HNX là 10% và UPCOM là 15% (Theo chiều giảm giá).

Các thông tin trên chính là những chi tiết được hiển thị trên bảng giá điện tử. Ngoài ra, để sử dụng được bảng điện, chúng ta cần phải hiểu được các lệnh trong một ngày giao dịch.

Các loại lệnh trong phiên giao dịch chứng khoán

  • Lệnh LO: Lệnh mua hoặc bán chứng khoán ở một mức giá xác định hoặc tốt hơn. Lệnh có hiệu lực khi được nhập vào hệ thống và kết thúc khi hết ngày giao dịch hoặc bị hủy bỏ.
  • Lệnh ATO: Lệnh giao dịch ở mức giá mở cửa. Lệnh này được áp dụng vào phiên định kỳ mở cửa từ 9h00 đến 9h15 trên sàn HSX. ATO được ưu tiên khớp lệnh trước LO.
  • Lệnh ATC: Lệnh giao dịch ở mức giá đóng cửa. Lệnh này được áp dụng vào phiên định kỳ đóng cửa từ 14h30 đến 14h45 trên sàn HSX và HNX. ATC cũng giống với ATO, được ưu tiên khớp lệnh trước LO.
  • Lệnh MA: Lệnh giao dịch chứng khoán tại mức giá bán thấp nhất hoặc giá mua cao nhất hiện có trên thị trường. Lệnh này chỉ áp dụng trong phiên khớp lệnh liên tục của sàn HSX.
  • Lệnh MTL: Là lệnh thị trường giới hạn, nếu không khớp được toàn bộ thì sẽ chuyển thành lệnh LO. Chỉ áp dụng ở sàn HNX.
  • Lệnh MOK: Là lệnh thị trường khớp toàn bộ, nếu không thể khớp toàn bộ, lệnh sẽ bị hủy. Chỉ áp dụng ở sàn HNX.
  • Lệnh MAK: Là lệnh thị trường có thể khớp toàn bộ hoặc một phần, phần còn lại sẽ bị hủy ngay sau khi khớp lệnh.
  • Lệnh PLO: Là lệnh giới hạn, được dùng riêng trong phiên khớp lệnh sau giờ ở sàn HNX.

Thời gian và các phiên giao dịch chứng khoán cơ sở

  HSX HNX UPCOM
9:00 – 9:15 Khớp lệnh định kỳ (ATO) Khớp lệnh liên tục Khớp lệnh liên tục
9:15 – 11:30 Khớp lệnh liên tục Khớp lệnh liên tục Khớp lệnh liên tục
11:30 – 13:00 Nghỉ trưa Nghỉ trưa Nghỉ trưa
13:00 – 14:30 Khớp lệnh liên tục Khớp lệnh liên tục Khớp lệnh liên tục
14:30 – 14:45 Khớp lệnh định kỳ (ATC) Khớp lệnh định kỳ (ATC) Khớp lệnh liên tục
14:45 – 15:00 Khớp lệnh thỏa thuận Khớp lệnh sau giờ Khớp lệnh liên tục
Bảng quy định thời gian các phiên giao dịch

Kết luận

Học cách đọc bảng chứng khoán cơ sở chính là bài học vỡ lòng của bất kỳ ai khi muốn tham gia vào thị trường chứng khoán. Hy vọng những thông tin trên sẽ có ích cho các bạn muốn tìm hiểu và giao dịch chứng khoán trực tuyến. Hãy tiếp tục trang bị thêm kiến thức khi tham gia thị trường cùng DNSE nhé!

ads-3
share facebook
Author

Tác giả:

Hoàng Minh Tuấn

Đã đóng góp: 1 bài viết

Bài viết liên quan