Kiến thức tổng quan | 09/01/2022
Khấu hao là gì? Ý nghĩa và phương pháp tính khấu hao
Khấu hao là một thuật ngữ quen thuộc trong kế toán. Nó tính toán mức độ hao mòn của sản phẩm nhằm giúp nhà quản lý kiểm soát tốt hơn các tài sản cố định. Dù vậy, có nhiều người vẫn chưa nắm rõ thuật ngữ này. Vậy khấu hao là gì? Nó được tính như thế nào và có ý nghĩa ra sao? Hãy cùng DNSE tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Khấu hao là gì?
Tài sản sau một thời gian mua mới sẽ không thể duy trì giá trị như lúc ban đầu. Trong quá trình này, dù được dùng hay không, nó vẫn sẽ bị cũ, bị hỏng,… Đây được gọi là sự hao mòn. Khấu hao là một phương pháp kế toán nhằm định giá, phân bổ một cách có hệ thống những tài sản hao mòn này.
Khấu hao thường được tính dựa vào chi phí sản xuất kinh doanh và thời gian sử dụng tài sản. Các tài sản cố định thường được tính vào khấu hao bao gồm: máy móc, thiết bị văn phòng, thiết bị sản xuất,…
Ý nghĩa của khấu hao là gì?
Ý nghĩa kinh tế
Việc tài sản cố định bị hao mòn là điều khó tránh khỏi trong quá trình sử dụng. Tuy nhiên, rất khó để tính toán một cách cụ thể mức độ hao mòn này. Điều này dẫn đến sự khó khăn trong việc định giá bán lại hoặc theo dõi các tài sản cố định.
Trích khấu hao tài sản cố định là một phương pháp hiệu quả giải quyết vấn đề này. Hình thức trích khấu hao sẽ giúp doanh nghiệp phản ánh giá trị thực còn lại của tài sản. Phần khấu hao này sẽ được tính vào chi phí doanh nghiệp, khiến lợi nhuận ròng bị giảm đi.
Ý nghĩa tài chính
Khấu hao là phần lượng hóa giá trị hao mòn của tài sản bằng tiền. Nó được tính vào chi phí nên thường cũng được cộng vào giá bán sản phẩm. Sau khi bán, phần tiền này sẽ được giữ lại để lập nên quỹ khấu hao của doanh nghiệp
Phương pháp tính khấu hao là gì?
Sau khi đã hiểu rõ khấu hao là gì và ý nghĩa của khấu hao, hãy xem có những cách tính khấu hao nào nhé. Hiện nay, có 3 phương pháp tính khấu hao phổ biến nhất. Chúng bao gồm: khấu hao đường thẳng, khấu hao số dư giảm dần và khấu hao theo khối lượng sản phẩm.
Khấu hao đường thẳng (khấu hao tuyến tính)
Khấu hao theo phương pháp đường thẳng là cách cơ bản nhất để ghi nhận khấu hao. Bằng cách này, chi phí khấu hao được ghi nhận bằng nhau cho các năm dựa trên giá trị của nó.
Công thức tính khấu hao đường thẳng là:
Chi phí khấu hao hàng năm = Nguyên giá tài sản cố định/thời gian khấu hao
Giả sử rằng một công ty mua một dây chuyền sản xuất với chi phí là giá 50 triệu đồng. Giá trị còn lại của dây chuyền là 10 triệu. Thời gian công ty sử dụng dây chuyền này là 5 năm. Dựa trên các giả định này, giá trị có thể khấu hao của dây chuyền là 40 triệu.
Vậy chi phí khấu hao hàng năm của dây chuyền sẽ là: 40/5 = 8 triệu. Tỷ lệ khấu hao trong trường hợp này tương ứng bằng 20%.
Khấu hao theo số dư giảm dần
Phương pháp số dư giảm dần là một phương pháp thường được áp dụng cho các ngành nghề có tốc độ đổi mới nhanh. Ví dụ như công nghệ, thiết bị,…
Công thức tính của phương pháp này như sau:
Chi phí khấu hao mỗi năm = Nguyên giá tài sản tại năm tính khấu hao x tỷ lệ khấu hao
Giá trị ghi sổ của tài sản thường cao hơn trong khoảng thời gian đầu và giảm dần vào những năm sau đó. Vì vậy, chi phí khấu hao của tài sản cũng sẽ cao hơn trong thời gian đầy và giảm dẫn mỗi năm.
Lấy ví dụ theo phương pháp đường thẳng phía trên, dây chuyền sản xuất có giá 50 triệu đồng. Giá trị còn lại dự tính là 10 triệu, thời gian sử dụng 5 năm với khấu hao ở mức 20%/ năm. Lúc này, khấu hao mỗi năm của dây chuyền sẽ là:
- Năm đầu: 40 x 20% = 8 triệu
- Năm thứ 2: (40 – 8) x 20% = 6.4 triệu
- Năm thứ 3: (40 – 8 – 6.4) x 20% = 5.12 triệu
- …………..
Khấu hao theo khối lượng của sản phẩm
Phương pháp này thường được áp dụng với các thiết bị tham gia trực tiếp vào quy trình sản xuất. Khấu hao của tài sản cố định trong trường hợp này được tính dựa vào năng suất của tài sản. Nếu thiết bị sản xuất được càng nhiều sản phẩm thì chi phí khấu hao càng lớn và ngược lại.
Công thức tính khấu hao của phương pháp này như sau:
Mức trích khấu hao trong tháng của tài sản cố định = Lượng sản phẩm được sản xuất trong tháng x Khấu hao trung bình của một đơn vị sản phẩm
Theo đó:
Mức trích khấu hao bình quân tính của một đơn vị sản phẩm = Nguyên giá tài sản cố định / sản lượng theo công suất thiết kế.
Ví dụ: Công ty A mua một máy lắp ráp tự động với giá 300 triệu. Sản lượng công suất thống kê của máy có thể lắp được 500.000 sản phẩm. Cho biết sản lượng thực tế trong tháng 12 là 5.000 sản phẩm. Tính khấu hao trong tháng 12 của máy?
Ta có khấu hao trung bình cho một sản phẩm là: 300.000.000/500.000 = 600đ
Vậy mức trích khấu hao trong tháng 12 của máy là: 5000 x 600 = 3.000.000đ
Kết luận
Trên đây là những chia sẻ của DNSE về khấu hao là gì, ý nghĩa và cách tính khấu hao. Mong rằng bài viết đã cung cấp cho các bạn những thông tin thật hữu ích. Để tìm hiểu thêm những kiến thức tài chính – chứng khoán thú vị, hãy ghé thăm DNSE thường xuyên nhé!