Doanh nghiệp | 31/08/2023
Kido: Hành trình từ nhà máy bánh ngọt đến ông vua thực phẩm
Kinh Đô không chỉ được khách hàng biết đến như một nhà sản xuất có nhiều sản phẩm hợp khẩu vị người dùng mà còn là công ty có những thương vụ triệu đô với hàng loạt tên tuổi trong và ngoài nước.
Nhà máy bánh ngọt thành công nhờ nhanh nhạy
Kinh Đô ban đầu là một cơ sở sản xuất bánh mì, bánh tươi tại Phú Lâm, Quận 6, thành phố Hồ Chí Minh do hai anh em Trần Lệ Nguyên – Trần Kim Thành sáng lập vào năm 1993.
Cũng trong giai đoạn đó, thị trường trong nước đang tràn ngập sản phẩm snack được nhập khẩu từ Thái Lan. Nhận thấy cơ hội, hai nhà sáng lập Kinh Đô đã đầu tư 750.000 USD nhập dây chuyền sản xuất snack từ Nhật Bản. Sau đó đưa ra sản phẩm snack được sản xuất tại Việt Nam, có mức giá rẻ hơn và hợp khẩu vị của khách hàng trong nước. Từ đó sản phẩm snack của Kinh Đô dần vượt qua các món bim bim từ Thái Lan.
Sau snack, các sản phẩm tiếp theo của thương hiệu này cũng dần khẳng định được chất lượng như bánh cookies, bánh mì tươi, bánh bông lan…
Tới năm 1998, Kinh Đô gia nhập thị trường bánh trung thu. Đây là một thành công lớn với thương hiệu bánh kẹo này. Có thời điểm bánh trung thu của Kinh Đô chiếm 70% thị trường trong nước.
Những năm 2000, Kinh Đô bắt đầu xuất khẩu ra nhiều nước. Nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Đức… cũng chấp nhận sản phẩm của doanh nghiệp này.
Đến nay, sản phẩm của Kinh Đô không chỉ là các sản phẩm bánh mà còn có dầu ăn, kem, thực phẩm đông lạnh.
Kinh Đô cũng là doanh nghiệp sớm lên sàn chứng khoán từ 2005. Đã có thời gian chuẩn bị trước vài năm, KDC đã liên tục tăng giá. Có thời điểm cổ phiếu công ty này đã lên mức 250.000 đồng. Nhưng vào năm 2019, KDC đã ra khỏi rổ VN30.
Hàng loạt M&A và hợp tác đình đám
Nhắc đến thành công của Kinh Đô không thể bỏ qua các thương vụ hợp tác của công ty này với nhiều tên tuổi lớn trong và ngoài nước.
Thương vụ nổi tiếng đầu tiên là mua lại thương hiệu kem Wall’s của Unilever năm 2003. Không chỉ thương hiệu, nhà máy kem của Wall’s cũng được chuyển sở hữu cho Kinh Đô. Đi kèm với đó là một thoả thuận không cạnh tranh.
2 thương hiệu kem do Kinh Đô tự sản xuất là Merino và Celano đều có mức tăng trưởng 20% hằng năm. Đến nay kem Wall’s tại Việt Nam chỉ còn sản phẩm nhập khẩu từ Thái Lan.
Năm 2014, Kinh Đô cũng có một quyết định gây bất ngờ lớn cho thị trường là bán 80% mảng bánh kẹo cho tập đoàn Mondelēz International (Mỹ) với giá 370 triệu USD. Đến tháng 7/2015, anh em ông Trần Kim Thành tiếp tục bán nốt 20% cổ phần.
Khi thương vụ kết thúc, phía Mondelēz International đã đổi tên thương hiệu Kinh Đô thành Mondelez Kinh Đô. Còn Công ty cổ phần Kinh Đô đổi tên thành Công ty cổ phần Tập đoàn KIDO vào tháng 10/2015.
Ông Trần Kim Thành từng chia sẻ trên báo chí về thương vụ này. Theo ông, mặc dù Kido khi đó đang dẫn đầu thị trường trong nước ở ngành hàng bánh kẹo, nhưng công ty nhận thấy ngành hàng không còn nhiều cơ hội như khi mới thành lập. Tập đoàn sẽ chuyển sang tìm kiếm cơ hội ở các ngành khác như thực phẩm và các sản phẩm thiết yếu.
Tới năm 2021, Kido cùng Vinamilk thành lập liên doanh 400 tỷ đồng, cùng nhau sản xuất sữa ngô, đậu nành tươi.
Đại diện 2 doanh nghiệp khi đó đánh giá thị trường nước giải khát của Việt Nam ở thời điểm đang tăng trưởng ổn định từ 8 đến 10%/năm. Ngành nước mà liên doanh tham gia có mức tăng trưởng cao hơn từ 10-12% vì khách hàng đang quan tâm nhiều đến sức khoẻ, trong khi các đối thủ trên thị trường vẫn gặp hạn chế về quy mô, công nghệ kỹ thuật.
Nhưng vào tháng 12/2022, liên doanh này tuyên bố giải thể. Cả 2 bên đối tác đều tuyên bố ngừng hoạt động do có “một số thay đổi trong định hướng phát triển”.
Ngoài những thương vụ đình đám trên, Kinh Đô và sau là Kido còn hàng loạt các thương vụ khác như mua cổ phần Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam – Vocarimex, ua cổ phần công ty dầu thực vật Tường An, đầu tư vào Dabaco, mua lại thương hiệu bánh bao Thọ Phát.
Tất cả những hợp tác này đều mang lại hiệu quả cho tập đoàn nhờ đa dạng sản phẩm và tranh thủ được tập khách hàng sẵn có của thương hiệu kia.
Vị vua tìm cách giữ vương miện
Người tiêu dùng trong nước đã khá quen thuộc với logo Kinh Đô là chiếc vương miện màu đỏ trên nhiều sản phẩm thực phẩm tiêu dùng hằng ngày. Nhưng với việc xuất hiện nhiều thương hiệu mới trên thị trường, các sản phẩm Kido đang phải chia sẻ thị phần nhiều hơn.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng 2023, doanh thu hoạt động tài chính 6 tháng năm 2023 tại Kido lại ghi nhận đạt 1.066 tỷ đồng, tăng gấp 25 lần so với cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 722 tỷ đồng, tăng 70% so với cùng kỳ năm 2022.
Nhưng hoạt động đầu tư âm 1.092 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm 2022 chỉ âm 105 tỷ đồng. Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cũng âm 119 tỷ đồng, trong kỳ cùng kỳ báo lãi 567 tỷ đồng.
6 tháng cuối năm, Kido sẽ tập trung vào 4 ngành hàng cốt lõi là dầu ăn, gia vị, kem và bánh. Đặc biệt đối với ngành bánh, Kido đã và đang trong quá trình hoàn tất những bước cuối cùng để ra mắt sản phẩm trong mùa thu 2023 – giai đoạn quan trọng của năm đối với các doanh nghiệp ngành bánh. Đây cũng có thể là cơ hội để công ty tiếp tục giữ ngôi vương với khách hàng.