Tài chính - Ngân hàng | 17/02/2022

Lãi suất thả nổi là gì? Những điều bạn cần biết về loại lãi suất này

Hai loại lãi suất vay phổ biến được áp dụng tại các tổ chức tín dụng hiện nay là lãi suất cố định và lãi suất thả nổi. Đúng với tên gọi của mình, lãi suất cố định sẽ không thay đổi trong suốt thời gian cho vay. Loại lãi suất này đã khá quen thuộc với người đi vay. Ngược lại, nhiều người vẫn còn cảm thấy không chắc chắn về lãi suất thả nổi là gì hay nó có những ưu điểm gì so với lãi suất cố định. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn những kiến thức nền tảng mà ai cũng nên biết về lãi suất thả nổi.

Lãi suất thả nổi là gì?

Khác với lãi suất cố định, lãi suất thả nổi thường được điều chỉnh căn cứ vào lãi suất thị trường, chỉ số lạm phát hay chính sách của ngân hàng theo từng thời điểm. Điều này có nghĩa là lãi suất vay có thể tăng hoặc giảm theo thời gian.

Khi ký hợp đồng tín dụng, tổ chức cho vay và người vay thỏa thuận mức điều chỉnh và kỳ hạn điều chỉnh lãi suất phù hợp với quy định pháp luật. Theo quy định của các ngân hàng hiện nay, kỳ hạn để điều chỉnh lãi suất thả nổi thường là 3 tháng hoặc 6 tháng một lần.

Lãi suất thả nổi là lãi suất thường được điều chỉnh căn cứ vào tình hình thực tế của thị trường
Lãi suất thả nổi là lãi suất thường được điều chỉnh căn cứ vào tình hình thực tế của thị trường

Lãi suất thả nổi đa phần áp dụng cho những đối tượng vay vốn trung hoặc dài hạn và thấp hơn lãi suất cố định. Trong một số trường hợp, lãi suất cố định sẽ lớn hơn do có sự điều chỉnh của ngân hàng cho vay.

Ví dụ: Chị A vay ngân hàng số tiền 100 triệu với kỳ hạn 24 tháng với lãi suất thả nổi. Kỳ hạn điều chỉnh lãi suất là 6 tháng. Lãi suất vay định kỳ 6 tháng của chị A như sau:

Từ tháng 1 – tháng 6, lãi suất cho vay là 2%/tháng.

Từ tháng 7 – tháng 12, lãi suất được điều chỉnh là 2,5%/tháng.

Từ tháng 13 – tháng 18, lãi suất là 2,25%/tháng

Từ tháng 19 – tháng 24, lãi suất là 2%/tháng.

Tính lãi suất thả nổi như thế nào?

Công thức tính

Công thức tính lãi suất thả nổi là gì?
Công thức tính lãi suất thả nổi là gì?

Lãi suất thả nổi được tính theo công thức sau:

Lãi suất thả nổi = Lãi suất cơ sở (Lãi suất tham chiếu) + Biên độ lãi suất

Trong đó:

Lãi suất tham chiếu thường lấy theo lãi suất gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng, 13 tháng hay 24 tháng lĩnh lãi cuối kỳ. Nếu thời gian vay vốn không lớn hơn 12 tháng thì lãi suất cơ sở được xác định chính là “Lãi suất tiền gửi tiết kiệm dân cư trả lãi sau kỳ hạn 12 tháng”. Còn đối với thời gian vay vốn lớn hơn 12 tháng thì lãi suất cơ sở được xác định là Lãi suất Tiền gửi tiết kiệm dân cư lãi trả sau kỳ hạn 13 tháng hoặc 24 tháng”.

Biên độ lãi suất được quy định cụ thể trong hợp đồng tín dụng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, biên độ sẽ thay đổi theo biến động thị trường. Thông thường, biên độ vay vốn được tính là phần chênh lệch giữa lãi suất đầu ra ( lãi suất cho vay) và lãi suất đầu vào (lãi suất huy động tiền gửi của ngân hàng).

Các ngân hàng thương mại hiện hành quyết định mức biên độ dựa vào Điểm xếp hạng tín dụng của khách hàng. Xếp hạng tín dụng thấp thì lãi suất vay vốn và biên độ sẽ cao.

Ví dụ tính lãi suất thả nổi

Giả sử Anh B vay ngân hàng 30.000.000 VNĐ với kỳ hạn 1 năm, lãi suất thả nổi, kỳ hạn điều chỉnh là 3 tháng 1 lần và biên độ lãi suất là 0,4%/tháng.

Từ tháng 1 đến tháng 3, lãi suất cho vay là 0,8%. Số tiền lãi phải trả là: 30.000.000 x 0,8% = 240.000 VNĐ

Từ tháng 4 đến tháng 6, lãi suất tham chiếu là 0,7 %/tháng nên lãi suất thả nổi là 0,7 + 0,4 = 1,1 %/tháng. Số tiền lãi mỗi tháng trong thời gian này là 30.000.000 x 1,1% = 330.000VNĐ

Từ tháng 7 đến tháng 9, lãi suất cơ sở là 0,5 %/tháng nên lãi suất thả nổi là 0,5 + 0,4 = 0,9 %/tháng. Số tiền lãi mỗi tháng trong thời gian này là 30.000.000 x 0,9% = 270.000VNĐ

Từ tháng 10 đến tháng 12, lãi suất cơ sở là 1 %/tháng nên lãi suất thả nổi là 1 + 0,4 = 1,4 %/ tháng. Số tiền lãi mỗi tháng trong thời gian này là 30.000.000 x 1,4% = 420.000 VNĐ.

Ưu và nhược điểm của lãi suất thả nổi là gì?

Lãi suất thả nổi có những ưu và nhược điểm gì?
Lãi suất thả nổi có những ưu và nhược điểm gì?

Ưu điểm

Các khoản cho vay mua nhà với lãi suất thả nổi được biết đến là các khoản thế chấp theo lãi suất điều chỉnh (ARMs – Adjustable-rate Mortgages). Các khoản vay này thường có lãi suất giới thiệu (lãi suất tính cho khách hàng trong giai đoạn đầu của khoản vay) thấp hơn những khoản vay thế chấp có lãi suất cố định. Do đó, những người có dự định bán nhà hoặc tái cấp vốn trước khi lãi suất cho vay được điều chỉnh thì có thể chọn vay thế chấp theo lãi suất thả nổi.

Ngoài ra, nếu lãi suất thị trường biến động theo chiều giảm thì ngân hàng sẽ điều chỉnh lãi suất cho vay thấp hơn. Vì thế, số tiền lãi mà bạn phải trả theo lãi suất thả nổi sẽ ít đi.

Nhược điểm

Khi lãi suất thị trường tăng thì ngân hàng sẽ điều chỉnh lãi suất vay cao hơn. Điều này đồng nghĩa với người vay phải trả số tiền lãi cao hơn. Bên cạnh đó, khi vay vốn với lãi suất thả nổi, người vay khó có thể tính toán được chính xác chi phí cho khoản vay trong suốt thời gian vay vốn vì bắt đầu từ kỳ nộp lãi thứ 2 trở đi thì lãi suất sẽ thay đổi theo thị trường.

Vay vốn ngân hàng theo lãi suất thả nổi, nên hay không?

Các hình thức vay theo lãi suất cố định và lãi suất thả nổi đều có ưu và nhược điểm riêng. Đối với lãi suất cố định, người vay có thể tự tính toán chính xác số tiền lãi phải thanh toán định kỳ và hoàn toàn chủ động về mặt tài chính. Nhưng đổi lại, lãi suất cố định cao hơn lãi suất thả nổi trong đa số trường hợp. Vì thế, chi phí cho khoản vay cũng cao hơn.

Còn đối với các khoản vay theo lãi suất thả nổi, bù đắp cho việc không biết trước mức lãi suất ở mỗi kỳ sẽ thay đổi như thế nào, người vay sẽ được hưởng mức lãi suất vay thấp hơn, đặc biệt là ở trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, nếu bạn là người có kinh nghiệm và hiểu rõ xu thế biến động của lãi suất để đáo hạn hồ sơ vay trước khi lãi suất được điều chỉnh tăng thì có thể lựa chọn hình thức vay này.

Kết luận

Với những thông tin trên đây, DNSE hy vọng bạn đã có đáp án cho câu hỏi “Lãi suất thả nổi là gì”. Hơn nữa DNSE mong rằng có thể quyết định được phương án vay vốn phù hợp với tình hình và kế hoạch tài chính của bản thân. Khi vay với lãi suất thả nổi, bạn cần lưu ý đến trường hợp lãi suất được điều chỉnh tăng để chuẩn bị những biện pháp thanh toán lãi đầy đủ và đúng hạn.

ads-3
share facebook
Author

Tác giả:

Đặng Trà My

Đã đóng góp: 1 bài viết

Bài viết liên quan