Quản lý tài sản | 02/12/2022

Làm gì để giữ tiền khi suy thoái? 4 tips giúp bạn giữ tiền trong suy thoái

Nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng được dự báo sẽ suy thoái mạnh vào năm 2023. Phải thắt chặt chi tiêu trong bối cảnh giá cả leo thang khiến không ít người lo lắng. Vậy có những cách gì để giữ tiền trong suy thoái? Có nên đầu tư trong thời điểm này? Hãy cùng DNSE tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.

4 tips giúp bạn giữ tiền khi kinh tế suy thoái
4 tips giúp bạn giữ tiền khi kinh tế suy thoái

Suy thoái và những tác động của suy thoái kinh tế

Suy thoái là gì?

Suy thoái (Recession) là hiện tượng giảm sút nghiêm trọng trong hoạt động kinh tế. Suy thoái thường được ghi nhận sau hai quý liên tiếp tăng trưởng kinh tế âm. Điều này được thể hiện bởi các chỉ số kinh tế vĩ mô như: GDP giảm, tỷ lệ thất nghiệp tăng… Về cơ bản, suy thoái kinh tế là sự sụt giảm kinh tế của một quốc gia hoặc khu vực trong một vài tháng. Nếu tình trạng này kéo dài, nền kinh tế có thể khủng hoảng hoặc suy sụp. 

Tác động của suy thoái

Suy thoái ảnh hưởng đến mọi mặt của nền kinh tế
Suy thoái ảnh hưởng đến mọi mặt của nền kinh tế 

Thương mại toàn cầu suy giảm. Sản lượng hàng hóa cùng với nhu cầu tiêu dùng và đầu tư của các công ty và các hoạt động sản xuất cùng sụt giảm. Hoạt động xuất nhập khẩu các hàng hóa tiêu dùng, hàng cơ bản và nguyên vật liệu khác cũng chững lại. Như vậy, thương mại sụt giảm là hệ quả đầu tiên của suy thoái kinh tế. 

Thị trường tài chính – chứng khoán lao dốc. Nền kinh tế bị suy yếu gây ra cảm giác bất an về tài chính cho hầu hết mọi người. Do đó hệ quả tiếp theo của suy thoái là sự sụt giảm của thị trường tài chính – chứng khoán. Các mã cổ phiếu liên tục lao dốc, thị trường chìm trong sắc đỏ.  

Đồng tiền nội tệ mất giá. Suy thoái khiến giá trị đồng tiền của các quốc gia giảm mạnh. Điều này không chỉ gây bất ổn trong nước mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động xuất nhập khẩu với các quốc gia khác.

Tình trạng thất nghiệp tăng cao. Tình hình kinh tế khó khăn, thương mại đình trệ dẫn đến nhiều doanh nghiệp lao đao. Nhân sự bị cắt giảm dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Các thống kê cho thấy tình trạng này xảy ra cả ở nước phát triển và nước kém phát triển. Nhiều người không có việc làm có thể dẫn tới các vấn đề về chính trị, xã hội. 

Làm gì để giữ tiền khi suy thoái

Phải làm gì để giữ tiền khi suy thoái?
Phải làm gì để giữ tiền khi suy thoái? 

Đa dạng thu nhập

Trong thời kỳ suy thoái, sẽ vô cùng rủi ro nếu bạn chỉ dựa vào một nguồn thu nhập duy nhất. 

Bởi đây là giai đoạn rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn và buộc phải cắt giảm nhân sự. Vì vậy, bạn nên chủ động tìm nhiều cách để tạo ra các nguồn thu nhập khác nhau như làm thêm một vài công việc tay trái theo chuyên môn có sẵn. Bạn cũng có thể bắt đầu kinh doanh nhỏ hay thử một số hình thức kiếm tiền online như: tiếp thị liên kết (affiliate), làm cộng tác viên nhận hoa hồng trên sản phẩm… Bạn cũng có thể tìm hiểu một vài kênh đầu tư như tiết kiệm ngân hàng, chứng khoán để gia tăng thu nhập thụ động. 

Chi tiêu bằng lý trí

Nếu bạn có thói quen chi tiêu dựa trên cảm tính, chi tiêu bốc đồng thì bây giờ là lúc nên kiểm soát nó hơn bao giờ hết. Một kế hoạch chi tiêu cụ thể sẽ giúp bạn hạn chế các khoản tiêu xài không cần thiết. 

Hãy bắt đầu với việc kiểm soát mua sắm: mua thứ bạn thực sự cần thay vì thứ bạn muốn. Sự phát triển của các nền tảng mua sắm hiện nay đem lại cho người tiêu dùng rất nhiều lựa chọn. Lời khuyên của các chuyên gia là hãy tiêu dùng những sản phẩm chất lượng cao. Tuy bạn phải bỏ ra số tiền lớn ban đầu nhưng có thể sử dụng lâu dài.  

Lên kế hoạch tài chính rõ ràng

Lập kế hoạch tài chính cá nhân giúp bạn quản lý tiền hiệu quả
Lập kế hoạch tài chính cá nhân giúp bạn quản lý tiền hiệu quả

Hãy nghiêm túc với mục tiêu quản lý tài chính cá nhân của mình bằng cách lập kế hoạch tài chính rõ ràng. Một vài câu hỏi mà bạn nên đặt ra để đánh giá sơ lược tình hình tài chính cá nhân là: Bạn đang có sẵn bao nhiêu tiền? Bạn đang nợ bao nhiêu tiền? Mức độ chi tiêu hiện tại của bạn như thế nào? Số tiền bạn muốn tiết kiệm là bao nhiêu? Làm cách nào để đạt được mục tiêu tài chính này?

Sau khi đã có một kế hoàn chỉnh, hãy đảm bảo rằng bạn nghiêm túc và kỷ luật tuân theo nó. Dĩ nhiên, trong giai đoạn đầu, việc tuân thủ kế hoạch tài chính có thể không hề dễ dàng. Nhưng bạn cần quyết tâm cao và tự đặt ra những “hình phạt” nho nhỏ nếu không đạt được mục tiêu đã đề ra. Theo thời gian, bạn có thể chinh phục những mục tiêu tài chính lớn hơn.

Đầu tư và tích trữ dự phòng

Theo các chuyên gia, suy thoái là một phần tất yếu của chu kỳ kinh tế, và không có nghĩa là nên dừng đầu tư trong giai đoạn này. Bạn có thể cân nhắc đầu tư vào một số ngành ít bị ảnh hưởng trong suy thoái và có thể hồi phục nhanh sau đó. Ví dụ như: tiêu dùng, y tế, giáo dục, thực phẩm… Và vẫn là nguyên tắc bất biến “ không bỏ hết trứng vào một giỏ”, hãy phân bổ vốn đầu tư để giảm thiểu rủi ro. Đồng thời, liên tục học hỏi thêm kiến thức và bám sát tình hình thị trường. Tham khảo ý kiến từ những chuyên gia hoặc tư vấn viên đầu tư cũng là một gợi ý.

Bên cạnh đó, hãy duy trì một khoản tiết kiệm cố định phòng những trường hợp xấu như mất việc hoặc biến cố lớn xảy ra. Một khoản dự phòng tiêu chuẩn là số tiền để bạn sinh hoạt trong khoảng 3 đến 6 tháng. Trong thời kỳ suy thoái, số tiền này có thể lớn hơn. 

Điều cần lưu ý để giữ tiền khi suy thoái

Bạn nên tránh khỏi tâm lý bầy đàn và tập trung vào chiến lược tài chính dài hạn
Bạn nên tránh khỏi tâm lý bầy đàn và tập trung vào chiến lược tài chính dài hạn

Tránh khỏi xu hướng “bầy đàn”

Theo giáo sư kinh tế học hành vi Dan Ariely, mọi người thường có tâm lý bầy đàn trong thời kỳ suy thoái. Nhiều người cùng nói về một vấn đề làm nó càng có vẻ nghiêm trọng hơn. Đó là cơ chế của “tư duy khan hiếm” khiến mọi người nghĩ rằng tình hình đang tồi tệ hơn thực tế. Trên thực tế, suy thoái là giai đoạn tất yếu và nền kinh tế sẽ cải thiện sau một thời gian nhất định. Nhà sáng lập trang web quản lý tài chính I Will Teach You To Be Rich – Ramit Sethi – cho rằng nên tập trung vào kế hoạch tài chính dài hạn hơn là những thông tin tiêu cực.

Đừng để sợ hãi làm ảnh hưởng bản thân

Mỗi khi nền kinh tế có những tin tức xấu, phần lớn mọi người sẽ hoang mang, lo sợ. Chad Rixse, CFO của Công ty đầu tư tài chính Forefront Wealth Partners, cho biết tinh thần của các nhà đầu tư có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi tài sản giảm xuống. Kết quả là họ sẽ hành động “phi lý trí” với mục đích bảo vệ số tài sản còn lại. 

Đừng để nỗi sợ hãi lấn át lý trí. Suy cho cùng, suy thoái cũng là một phần tất yếu của chu kỳ kinh tế. Điều bạn cần là sự bình tĩnh để kiểm soát cảm xúc tiêu cực, nhận định tình hình và đưa ra những lựa chọn sáng suốt. 

Đảm bảo một chiếc đầu lạnh

Sau tất cả, điều bạn cần là một tinh thần vững vàng và tỉnh táo. Vượt qua thời kì kinh tế suy thoái cũng giống như chuẩn bị cho một cơn bão. Chỉ có những người bản lĩnh và lý trí mới không bị xô ngã bởi nó. Hãy lắng nghe và chọn lọc những lời khuyên, tránh xa nợ nần và thiết lập kế hoạch tài chính cụ thể. Những lựa chọn khôn ngoan trong suy thoái sẽ tạo tiền đề cho sự phát triển tài chính sau này của bạn.

Kết 

Suy thoái là giai đoạn tất yếu của mọi nền kinh tế, vì vậy bạn không cần quá lo lắng. Chuẩn bị tài chính cá nhân vững vàng là cách để bạn vượt qua giai đoạn khó khăn này. Mong rằng bài viết đã giúp bạn trả lời câu hỏi nên làm gì để giữ tiền khi suy thoái. Đừng quên theo dõi DNSE để biết thêm nhiều nội dung bổ ích nhé. 

ads-3
share facebook
Author

Tác giả:

Phuong Thanh

Đã đóng góp: 1 bài viết

Bài viết liên quan