Kiến thức tổng quan | 29/03/2023
Lego – Từ xưởng mộc tới thương hiệu đồ chơi số 1 thế giới
Xuất phát điểm của Lego là sản phẩm đồ chơi bằng gỗ. Sau nhiều thăng trầm, đến nay thương hiệu này đã trở thành biểu tượng của sự sáng tạo với cả trẻ em và người lớn.
Ole Kirk Christiansen – Người xây dựng thương hiệu LEGO
Ole Kirk Christiansen sinh năm 1891 trong một gia đình nông dân nghèo tại Filskov, một làng nhỏ ở Jutland, Đan Mạch. Tuy nghèo nhưng bố mẹ vẫn cố gắng cho ông được hưởng một nền giáo dục đầy đủ.
Sau khi tốt nghiệp trung học, ông bắt đầu làm việc trong ngành xây dựng rồi trở thành thợ mộc. Nhờ sự đam mê và bén duyên với nghề, sau vài năm cặm cụi làm việc, Ole đã tích góp đủ tiền để tự mở một xưởng mộc riêng.
Không lâu sau, ông gặp được tình yêu của đời mình – Kirstine Sorensen. Họ kết hôn và có với nhau 3 người con trai. Năm 1916, Christiansen mở một xưởng đồ gỗ ở Billund, kiếm sống bằng cách xây dựng những ngôi nhà và làm đồ gỗ nội thất cho những người nông dân trong vùng.
Nhiều lần thất bại rồi đứng lên
Năm 1924 cả ngôi nhà và xưởng gỗ của Ole bị thiêu rụi khi hai người con trai của ông đang nhóm lửa để đốt những vỏ bào gỗ. Rất kiên cường, Ole Kirk đã đón nhận thảm hoạ này như một cơ hội để xây dựng lại một xưởng lớn hơn, thậm chí còn hướng tới việc mở rộng công việc kinh doanh.
Tuy nhiên, lại 1 biến cố khác xảy đến không lâu sau đó. Cuộc Đại suy thoái khiến xưởng mộc của Ole phải đóng cửa, không chỉ vậy, người vợ của ông cũng đột ngột qua đời.
Một mình nuôi 4 con nhỏ, Ole đã nghĩ ra cách dùng những mẩu gỗ thừa để chế thành đồ chơi cho các con. Kể từ đây, ý tưởng kinh doanh đồ chơi hình thành.
Ole cùng người con trai là Godtfred bắt tay vào việc thiết kế đồ chơi gỗ như xe cộ, các con vật,…. Thế nhưng kinh tế khó khăn, đồ chơi của Ole không thể bán được hàng.
Thấy hai cha con ngày đêm loay hoay với đống đồ chơi nhưng không thể kiếm ra tiền, nhiều người đã khuyên nhủ Ole nên từ bỏ mà tìm một nghề ổn định hơn. Nhưng ông đã bỏ ngoài tai và kiên trì với mục tiêu của mình.
Hai năm sau, tuy tình hình buôn bán đồ chơi chưa khả quan lắm, nhưng Ole vẫn muốn tìm 1 cái tên để mọi người quen dần với thương hiệu của mình. Và thế là cụm từ LEGO xuất hiện. Từ này lấy ý tưởng từ LEg GOdt – 1 từ ngữ trong tiếng Đan Mạch mang ý nghĩa là “chơi vui”.
Từ lúc đặt tên cho sản phẩm mình làm ra, tình hình kinh doanh của Ole bắt đầu khởi sắc. Nhưng chỉ ít lâu sau, xưởng gỗ của Ole bị cháy một lần nữa, ông và người con Godtfred lại trắng tay.
Thành công nhờ không bỏ cuộc
Khi nhựa được sử dụng rộng rãi, Ole Kirk đã nhanh chóng nắm bắt được xu thế và bắt đầu sản xuất đồ chơi bằng nhựa – thứ mà rất ít doanh nghiệp sản xuất đồ chơi nghĩ ra vào thời điểm đó.
Vào năm 1949, nhà máy LEGO bắt đầu sản xuất 200 đồ chơi bằng nhựa và gỗ khác nhau, bao gồm cả các mảnh nhựa có cạnh, tiền thân của loại đồ chơi xếp hình LEGO mà chúng ta biết ngày nay.
Một trong những đồ chơi lắp ráp đầu tiên được sản xuất là chiếc xe tải có thể tháo rời từng phần và lắp ghép lại. Nhưng thời gian đầu, Lego phiên bản nhựa không được trẻ con ưa thích vì rất nhàm chán, dù có tháo ra lắp lại vẫn chỉ là hình thù cũ, không hề có tính sáng tạo nào.
Godtfred thấy rõ điều này nên đã cùng bố cải tiến lên phiên bản Lego 2.0 – với các mảnh ghép đều có tính hệ thống, dù cho chúng đến từ các bộ đồ chơi khác nhau vẫn có thể ghép nối được.
Thay vì cung cấp đồ chơi làm sẵn cho trẻ em, Lego phiên bản 2.0 mang đến cho trẻ cơ hội chế tạo đồ chơi của mình – một hoạt động thử thách hơn nhiều khiến trẻ em có thể chơi hàng tiếng liền.
Đây chính là “bí quyết” đã đem lại bước đột phá trong kinh doanh của Lego.
Nhưng doanh nghiệp chỉ vừa mới đi lên thì tình hình sức khỏe của Ole lại kém đi. Một tháng sau khi phiên bản 2.0 ra mắt, Ole qua đời trong một cơn đau tim ở tuổi 66. Hai năm sau, xưởng gỗ đồ chơi cũ của Lego cháy lần thứ 3.
Sau lần này, Godtfred quyết định Lego sẽ chỉ sản xuất đồ chơi bằng nhựa, nói không với gỗ để đảm bảo tính an toàn. Kể từ đây, ông cũng mở rộng thêm nhà máy với nhiều nhân công sản xuất.
Một năm sau, Lego đã xuất khẩu được sang Mỹ. Tới cuối những năm 90, thương hiệu này đã thu về hơn 1 tỷ USD. Lego không chỉ hấp dẫn trẻ em mà người lớn cũng yêu thích. Thương hiệu này bắt đầu có bản quyền những nhân vật nổi tiếng phiên bản Lego như Star Wars, Harry Potter, Superman,…
Tuy khoảng đầu những năm 2000, tình hình kinh doanh của Lego đi xuống. Thế nhưng họ đã vượt qua khó khăn và trở thành công ty sản xuất đồ chơi số một thế giới, vượt qua những cái tên khá quen thuộc như Bandai Namco, Barbies hay Pop với doanh thu năm 2022 vào khoảng 3,5 tỷ đô.