Chứng khoán | 22/11/2021

Lịch sử chứng khoán Việt Nam – Các giai đoạn và cột mốc ấn tượng

Hiện nay, chứng khoán là một kênh đầu tư phổ biến giúp các nhà đầu tư có được một khoản thu nhập đáng kể. Tuy nhiên, trước khi đạt đến sự ổn định này, thị trường chứng khoán cũng đã trải qua những khoảng thời gian thăng trầm sóng gió chẳng khác nào cuộc đời của Thúy Kiều. Những giai đoạn và dấu mốc đáng nhớ từng bước được lập nên. Cùng với đó là nhiều bài học xương máu được đúc kết. Ngay sau đây hãy cùng DNSE bước qua 20 năm lịch sử chứng khoán Việt Nam nhé!

Lịch sử chứng khoán Việt Nam
Lịch sử chứng khoán Việt Nam

Lịch sử chứng khoán Việt Nam vào kỳ sơ khai 1996 – 2000

1996 là năm đánh dấu cho sự thai nghén ra đời của lịch sử chứng khoán Việt Nam. Mở đầu là sự thành lập của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam – ngày 28/11/1996. Tuy nhiên cái thai này nằm trong bụng mẹ có vẻ hơi lâu. Đến hẳn 2 năm sau, ngày 11/7/1998, dựa vào Nghị định số 48/CP của Chính phủ, thị trường chứng khoán Việt Nam chính thức được khai sinh. Cùng lúc này, Trung tâm giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh cũng được thành lập.

Thành lập vậy thôi nhưng còn nhiều yếu tố khiến các hoạt động vận hành chưa thể thực hiện trơn tru.  Đến hai năm sau đó, phiên giao dịch đầu tiên của thị trường mới được được diễn ra vào ngày 28/07/2000. Hai mã cổ phiếu được giao dịch là REE (thuộc Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh) và SAM (thuộc Công ty Cổ phần SAM Holdings). Ở thời điểm đó, mỗi tuần sẽ diễn ra 2 phiên giao dịch.

Đây cũng là dấu mốc đầu tiên mở màn cho những biến chuyển tiếp theo của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Lịch sử chứng khoán Việt Nam với những thăng trầm đáng nhớ giai đoạn 2001 – 2009

Ở giai đoạn này, lịch sử chứng khoán Việt Nam chứng kiến những dấu mốc ấn tượng. Đây cũng là khoảng thời gian đánh dấu bước chuyển mình ngoạn mục của thị trường chứng khoán. Song song với đó, giai đoạn đen tối nhất của thị trường cũng tới. Có nhiều người phất lên vì chứng khoán, cũng có những người táng gia bại sản vì chứng khoán. 

Từ năm 2001 – 2005, thị trường không có nhiều biến chuyển. Các nhà đầu tư và doanh nghiệp còn trong giai đoạn làm quen. Lúc này, vốn hóa thị trường thường chỉ chiếm khoảng 1% GDP. Tuy nhiên, vào năm 2005, Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) được thành lập. Cùng với đó là sự ra đời của Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (tiền thân của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội – HSX) vào ngày 8/3/2005. Thị trường chứng khoán bắt đầu được mở rộng với 2 sở giao dịch. Quy mô và chất lượng phát triển nhanh chóng cùng lúc.

Sau đó, đến năm 2006, một bước nhảy vọt được tạo ra với những sự kiện quan trọng. Cụ thể, tháng 1/2006, Vinamilk lên khiến giá trị vốn hóa của của HOSE tăng gấp đôi trong ngày. Cũng trong năm này, 74 doanh nghiệp mới niêm yết trên sàn HOSE. Điều này giúp cho giá trị vốn hóa thị trường tăng từ 7.400 tỷ đồng lên 148.000 tỷ đồng. Chỉ số VN-Index cũng lên mức 752 điểm, tăng 144% chỉ sau một năm. 

Lịch sử chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2001 - 2009
Lịch sử chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2001 – 2009

Đến năm 2007, thời gian giao dịch được mở rộng hơn. Cụ thể, khoảng thời gian này sẽ kéo dài từ 8h30 – 11h, thay vì từ 9h – 11h như trước. Sự điều chỉnh này đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư. 

Ngày 12/3/2007, chỉ số VN-Index đạt đỉnh lịch sử khi kết phiên ở 1.170,67 điểm. Con số này cao hơn khoảng 3,9 lần so với thời điểm đầu năm 2006. Vào năm 2006, vốn hóa thị trường chứng khoán chỉ chiếm khoảng 22% GDP. Thế nhưng chỉ sau 1 năm, vào năm 2007, con số này là 40%. Làn sóng IPO của doanh nghiệp nhà nước là tác động chủ yếu khiến VN-Index đạt đỉnh vào năm này. Điển hình trong đó là IPO của Bảo Việt, Đạm Phú Mỹ, Vietcombank, Tổng Công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí Việt Nam,…

Có điều thời hoàng kim không thể kéo dài mãi. Đỉnh cao là khởi đầu cho sự thoái trào. Sau năm 2007, 2008 là thời điểm đen tối nhất trong lịch sử chứng khoán Việt Nam. Bị ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế toàn cầu, VN-Index khép lại năm 2008 với mức giảm 66%, rơi xuống 316 điểm. Giá trị vốn hóa trên HOSE cũng đồng thời “bốc hơi” 195.000 tỷ đồng.

Khép lại giai đoạn này, ngày 24/6/2009, sàn Upcom được đi vào vận hành.

Những bước đổi mới đột phá hậu khủng hoảng từ năm 2010 – nay

Sau khoảng thời gian trầm lắng trồi sụt, giai đoạn này đã chứng kiến nhiều sự đổi mới. Phần lớn trong số đó nhằm thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư. 

Lịch sử chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2010 - nay
Lịch sử chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2010 – nay

Ngày 6/2/2012, chỉ số VN30 lần đầu tiên được ra mắt. VN30 là 30 cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn được niêm yết trên sàn HOSE. Kế tiếp, khoảng thời gian thanh toán rút ngắn từ T+4 xuống còn T+3. Hiểu đơn giản là sau 3 ngày nhà đầu tư sẽ hoàn toàn sở hữu được chứng khoán đã mua. Đồng thời, sau 3 ngày nhà đầu tư có thể nhận lại tiền bán chứng khoán. Khoảng thời gian này được rút ngắn 1 ngày so với trước. Đến năm 2016, khoảng thời gian này được rút ngắn thêm một lần nữa chỉ còn 2 ngày.

Ngoài ra, vào 22/07/2013, thời gian giao dịch trên sàn HOSE được kéo dài tới 15h hằng ngày. Sau đó khoảng 7 ngày, ngày 29/7/2013, thời gian giao dịch trên HSX cũng được kéo dài tương tự. Thị trường chứng khoán đồng thời được bổ sung các loại lệnh mới như: lệnh thị trường, ATC… 

Năm 2017, hình thức chứng khoán mới là chứng khoán phái sinh được ra đời. Một loạt thay đổi trong thời gian trước cũng tạo ra những thay đổi tích cực. Trong năm này, lịch sử chứng khoán Việt Nam chứng kiến hàng loạt con số liên tục “lập đỉnh”. VN-Index tăng 48% lên 984 điểm. Vốn hóa thị trường tăng hơn 70%, tỷ lệ trên GDP lần đầu vượt 50%. Tổng giá trị danh mục nhà đầu tư nước ngoài hơn 31 tỷ USD. Tiếp tục đỉnh cao, sau 10 năm, VN-Index lại thiết lập đỉnh mới vào ngày 9/4/2018 với 1.204 điểm. 

Tới 2019, phiên giao dịch cuối năm đóng cửa ở mức điểm VN-Index 961, tăng 7,7% so với cùng kỳ. Thị trường Việt Nam ghi nhận mức tăng điểm cao nhất khu vực Đông Nam Á.

Cuối cùng, vào năm 2020, chứng khoán Việt đã trải qua những phiên suy giảm mạnh do tác động của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán đã phục hồi và có những chuyển biến tích cực trong khoảng thời gian tới đây.

biểu đồ chỉ số vn-index
Biểu đồ chỉ số VN-index từ trước tới nay

Kết luận

Bài viết trên là tóm lược hơn 20 năm của lịch sử chứng khoán Việt Nam. Rõ ràng là có lúc thăng, lúc trầm nhưng nhìn chung, thị trường vẫn luôn thay đổi, thích nghi và có bước phát triển mạnh mẽ. Điều này cũng yêu cầu nhà đầu tư luôn không ngừng phát triển để đoán định và theo kịp thị trường. Hãy ghé thăm DNSE để liên tục cập nhật những kiến thức mới, thích nghi thật sớm với những thay đổi bạn nhé!

ads-3
share facebook
Author

Tác giả:

Nguyễn Minh Ngọc

Đã đóng góp: 1 bài viết

Bài viết liên quan