Tài chính - Ngân hàng | 20/06/2023
Mô hình Jarrow Turnbull là gì? So sánh mô hình cấu trúc và mô hình tinh giản hoá
Mô hình Jarrow Turnbull là một trong những mô hình đầu tiên được áp dụng cho mục đánh giá, xác định và quản lý rủi ro tín dụng.
Mô hình Jarrow Turnbull là gì?
Mô hình Jarrow Turnbull (Jarrow Turnbull Model) là một trong những mô hình dạng rút gọn đầu tiên để định giá rủi ro tín dụng trong lĩnh vực tài chính. Mô hình này được phát triển bởi Robert Jarrow và Stuart Turnbull.
Mục tiêu chính của mô hình này là định giá các tài sản tín dụng và tính toán xác suất vỡ nợ, bằng cách sử dụng phân tích đa yếu tố và sự biến động của lãi suất.
Đặc điểm Mô hình Jarrow Turnbull
Xác định rủi ro tín dụng là quá trình đánh giá khả năng mất mát có thể xảy ra, do người vay không hoàn trả khoản vay hoặc không thực hiện đúng các cam kết hợp đồng.
Đây là một lĩnh vực rất tiên tiến, đòi hỏi sự sử dụng toán học phức tạp và tính toán công nghệ cao.
Có nhiều mô hình được sử dụng nhằm giúp các tổ chức tín dụng hiểu rõ hơn về khả năng của một công ty, trong việc đáp ứng các nghĩa vụ tài chính. Mục tiêu của những mô hình này để dự đoán và đánh giá rủi ro tín dụng.
Mô hình Jarrow Turnbull được giới thiệu vào năm 1995 đã cung cấp một phương pháp mới để đo lường rủi ro vỡ nợ bằng cách tính đến tác động của chi phi vay (biến động lãi suất). Trước đó, việc xem xét cấu trúc vốn của công ty là phương pháp được sử dụng để đo lường khả năng vỡ nợ.
So sánh mô hình cấu trúc và mô hình tinh giản hóa
Có hai phương pháp chính để mô hình hóa rủi ro tín dụng, đó là mô hình tinh giản hóa và mô hình cấu trúc.
Mô hình cấu trúc
Mô hình cấu trúc giả định rằng người mô phỏng phải có kiến thức toàn diện về tài sản và nghĩa vụ của công ty, từ đó có thể dự đoán thời gian xảy ra sự vỡ nợ một cách dễ dàng.
Mô hình cấu trúc hay “Merton Models”, được đặt theo tên của nhà học giả đoạt giải Nobel Robert C. Merton, là mô hình đơn kỳ – một giai đoạn duy nhất. Trong mô hình này, giá trị tài sản của công ty thay đổi theo thời gian và không thể được quan sát hoặc đo lường trực tiếp.
Tuy nhiên, thông qua mô hình này, chúng ta có thể ước lượng được sự biến đổi và sử dụng nó để tính toán xác suất mà công ty sẽ vỡ nợ. Bằng cách theo dõi sự biến đổi ngẫu nhiên này, mô hình cấu trúc cho phép chúng ta đưa ra dự báo về rủi ro tài chính và xác định xác suất mà công ty sẽ không thể trả nợ.
Mô hình tinh giản hóa
Mô hình tinh giản hóa giả định rằng người mô phỏng chỉ cần một vài thông tin về tài sản và nghĩa vụ của công ty để dự đoán thời gian xảy ra sự vỡ nợ.
Khác với mô hình cấu trúc, mô hình tinh giản hóa đưa ra quan điểm rằng người mô phỏng không có thông tin chi tiết về tình trạng tài chính của công ty. Thay vào đó, mô hình này coi việc xảy ra vỡ nợ là một sự kiện bất ngờ, có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau trong thị trường.
Bởi vì các mô hình cấu trúc phụ thuộc vào nhiều giả định và yếu tố phức tạp, Jarrow đã kết luận rằng trong việc định giá và phòng ngừa rủi ro, mô hình dạng tinh giản hóa là phương pháp được ưa chuộng hơn.
Nên sử dụng mô hình cấu trúc hay mô hình tinh giản hóa?
Hầu hết ngân hàng và các tổ chức đánh giá tín dụng thường sử dụng kết hợp cả mô hình cấu trúc, mô hình tinh giản hóa và các biến thể riêng để đánh giá rủi ro tín dụng. Trong đó, các mô hình cấu trúc có lợi thế tích hợp giữa chất lượng tín dụng của một công ty và điều kiện tài chính của công ty được thiết lập trong mô hình của Merton.
Còn mô hình Jarrow Turnbull sử dụng thông tin về thị trường và kiến thức về tình trạng tài chính của công ty tại một thời điểm cụ thể để đánh giá rủi ro tín dụng.
Mô hình Jarrow Turnbull đã đóng góp quan trọng trong việc hiểu và định giá rủi ro tín dụng. Nhờ vào tính linh hoạt và khả năng định giá rủi ro tốt, nó đã trở thành một trong những công cụ phổ biến giúp các tổ chức tài chính đánh giá và quản lý rủi ro tín dụng một cách hiệu quả hơn.