Kiến thức tổng quan | 17/12/2021

Mối quan hệ giữa lạm phát và thất nghiệp trong ngắn hạn, dài hạn

Lạm phát và thất nghiệp là hai yếu tố tác động lớn đến nền kinh tế của một quốc gia. Khi tình trạng thất nghiệp hay lạm phát xảy ra cho biết nền kinh tế đang bất ổn. Vậy lạm phát là gì? Thất nghiệp là gì? Lạm phát và thất nghiệp có mối quan hệ thế nào? 

Trong bài viết hôm nay, DNSE sẽ bật mí cho bạn những kiến thức về lạm phát và thất nghiệp. Bài viết cũng sẽ đề cập đến những tác động của lạm phát đến nền kinh tế vĩ mô. 

Tổng quan về lạm phát

Lạm phát là gì?

Lạm phát là tình trạng mức giá chung của nền kinh tế tăng lên trong một khoảng thời gian nhất định. Thời gian này thường được đo trong ngắn hạn, khoảng 1 năm. Nếu so sánh với các quốc gia khác, lạm phát có thể xem là sự giảm giá nội tệ so với ngoại tệ. 

Lạm phát được đo bằng cách theo dõi sự thay đổi giá cả hàng hóa, dịch vụ trong một nền kinh tế. Giá cả của các loại hàng hóa, dịch vụ được tổng hợp với nhau và đưa ra một mức giá trung bình. Tỷ lệ lạm phát là tỷ lệ phần trăm mà mức giá trung bình tăng ở thời điểm hiện tại so với thời điểm gốc. 

Ví dụ: Trước kia bạn đi chợ mua một 1kg thịt lợn chỉ mất 100.000 đồng. Nhưng hiện nay, bạn phải mất tới 150.000 đồng mới mua được 1kg thịt lợn. Như vậy bạn phải mất thêm 50.000 đồng để mua một lượng hàng như trước. 

Lạm phát khiến người dân phải trả nhiều tiền hơn để mua hàng hóa
Lạm phát khiến người dân phải trả nhiều tiền hơn để mua hàng hóa

Lạm phát được chia thành 3 loại:

  • Lạm phát tự nhiên: 0-10%
  • Lạm phát phi mã: 10-1000%
  • Siêu lạm phát: >1000%

Trong thực tế, các quốc gia luôn kỳ vọng lạm phát ở mức dưới 5%. 

Nguyên nhân dẫn đến lạm phát trong nền kinh tế

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng lạm phát của một nền kinh tế. Chúng ta có thể liệt kê ra một số nguyên nhân chính sau: 

  • Nhu cầu thị trường tăng

Khi nhu cầu của thị trường về một mặt hàng nào đó tăng lên, sẽ kéo theo sự tăng giá của mặt hàng đó, thậm chí cả những mặt hàng khác. Điều này dẫn đến sự tăng giá của hầu hết các loại hàng hóa trên thị trường. Từ đó dẫn đến tình trạng lạm phát do cầu kéo. Ví dụ: khi giá xăng tăng lên, phí cước đi lại sẽ tăng theo,…

  • Chi phí đẩy

Chi phí đẩy doanh nghiệp được tính bao gồm tiền lương, giá cả nguyên liệu đầu vào, máy móc,…Khi một trong những chi phí này tăng lên sẽ khiến chi phí doanh nghiệp tăng lên. Điều này sẽ góp phần làm tăng giá cả hàng hóa bán ra thị trường, dẫn đến lạm phát. 

  • Các yếu tố khác

Một số yếu tố khác có thể gây ra lạm phát là thương mại và tiền tệ. Khi xuất khẩu tăng, có thể gây ra tình trạng thiếu hụt hàng hóa trong nước. Điều này dẫn đến tình trạng cung giảm, giá tăng. Hay khi ngân hàng trung ương mua ngoại tệ để giữ cho đồng tiền trong nước khỏi mất giá so với ngoại tệ, dẫn đến lượng tiền trong lưu thông sẽ tăng lên và gây ra lạm phát. 

Tổng quan về thất nghiệp

Thất nghiệp là tình trạng người trong độ tuổi và có khả năng lao động, muốn tìm việc làm nhưng không có. Điều này dẫn đến việc không có thu nhập, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. 

Cụ thể, đặc điểm của nhóm đối tượng này được liệu kê như sau: 

  • Ở trong độ tuổi lao động theo quy định của luật pháp. Ngày nay, pháp luật Việt Nam quy định là 15 đến 60 với nam và 55 đối với nữ. 
  • Có khả năng lao động
  • Ngoài đáp ứng hai điều kiện trên, nhóm đối tượng này đang trong trạng thái tìm việc. Tuy nhiên kết quả là họ không có việc làm, gây ra tình trạng thất nghiệp

Tỷ lệ thất nghiệp được tính bằng công thức: 

Tỷ lệ thất nghiệp = (Số người thất nghiệp: Lực lượng lao động) x 100%

Thất nghiệp gây ảnh hưởng đến nền kinh tế vĩ mô
Thất nghiệp gây ảnh hưởng đến nền kinh tế vĩ mô

Thất nghiệp được chia thành 3 loại: 

  • Thất nghiệp tạm thời: Là hiện tượng thất nghiệp do người lao động chuyển công tác. Vì vậy nó thường xảy ra trong khoảng thời gian ngắn. 
  • Thất nghiệp cơ cấu: Là thất nghiệp do sự phát triển của khoa học hay chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế. Do đó, những lao động thiếu kỹ năng, lạc hậu so với xã hội sẽ bị đào thải, dẫn đến thất nghiệp. 
  • Thất nghiệp theo chu kỳ: Là hiện tượng xảy ra khi có sự giảm sút của hoạt động kinh doanh trong giai đoạn suy thoái. Dấu hiệu của thất nghiệp chu kỳ là tình trạng thất nghiệp diễn ra ở mọi nơi, mọi ngành nghề. Điển hình cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008 đã đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên tới 10% trên toàn cầu. 

Mối quan hệ giữa lạm phát và thất nghiệp

Mối liên hệ giữa lạm phát và thất nghiệp được biểu thị thông qua đường Phillips. Đường Phillips được phát hiện bởi nhà kinh tế học người Anh vào năm 1958. Khi đó, ông phát hiện ra rằng, khi tỷ lệ thất nghiệp giảm, lương của người dân cao hơn sẽ khiến tiêu dùng nhảy vọt. Bởi lẽ đó mà giá cả hàng hóa và lạm phát cũng tăng cao lên. Tương tự, khi tỷ lệ thất nghiệp tăng, chi tiêu giảm, giá và lạm phát cũng sẽ giảm theo. 

Đường cong Phillips biểu thị mối quan hệ giữa lạm phát và thất nghiệp
Đường cong Phillips biểu thị mối quan hệ giữa lạm phát và thất nghiệp

Trong ngắn hạn, đường cong Phillips cho thấy tỷ lệ lạm phát cao hơn sẽ kéo theo thất nghiệp thấp hơn, và ngược lại. Từ đó, chúng ta rút ra một kết luận: lạm phát và thất nghiệp tỷ lệ nghịch với nhau.

Như vậy, một quốc gia có thể giảm tỷ lệ thất nghiệp nếu sẵn sàng chấp nhận tăng tỷ lệ lạm phát hoặc ngược lại. Việc lựa chọn hy sinh yếu tố nào sẽ phụ thuộc vào độ dốc của đường Phillips. 

Biểu đồ đường cong Phillips trong ngắn hạn và dài hạn
Biểu đồ đường cong Phillips trong ngắn hạn và dài hạn

Trong dài hạn, không có sự đánh đổi giữa tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát. Bởi lúc này, đường Phillips sẽ là đường thẳng đứng cắt trục hoành tại điểm thất nghiệp tự nhiên. Điều này có nghĩa là nền kinh tế sẽ quay trở lại tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên dù lạm phát là bao nhiêu.

Bên cạnh đó, lạm phát luôn có xu hướng tăng lên trong thời gian dài hạn. Với sự thay đổi của dòng tiền, cung – cầu lao động trên thị trường sẽ trở về vị trí cân bằng. Điều này nghĩa là mức sản lượng cung ứng trên thị trường sẽ bằng mức sản lượng tiềm năng. 

Lời kết

Trong bài viết trên, DNSE đã cung cấp cho bạn những kiến thức về lạm phát và thất nghiệp. Qua bài viết này, bạn đã biết mối quan hệ giữa chúng trong ngắn hạn và dài hạn sẽ thay đổi thế nào. Mong rằng những thông tin trên sẽ giúp bạn có thêm nhiều kiến thức thú vị và bổ ích. Hãy theo dõi DNSE để cập nhật thêm nhiều kiến thức mới nhé!

ads-3
share facebook
Author

Tác giả:

Nguyễn Thị Hậu

Đã đóng góp: 1 bài viết

Bài viết liên quan