Phân tích kỹ thuật | 30/09/2022

Nến marubozu là gì? Cách giao dịch hiệu quả với nến marubozu

Phân tích kỹ thuật được nhiều nhà đầu tư lựa chọn khi mua bán cổ phiếu. Phân tích mẫu hình nến cũng là một phần quan trọng trong phân tích kỹ thuật. Trong các mẫu hình, nến marubozu là tín hiệu rõ rệt cho một xu hướng tăng giảm. Vậy nến marubozu là mẫu hình như thế nào? Ứng dụng ra sao trong đầu tư? Hãy tìm hiểu qua bài viết dưới đây cùng DNSE nhé !

Nến marubozu trong chứng khoán - Cách giao dịch hiệu quả
Nến marubozu trong chứng khoán – Cách giao dịch hiệu quả

Nến marubozu là gì?

Nến marubozu hay còn gọi là nến cường lực thể hiện sức mạnh của một phe mua hoặc bán. Nến này thường không có râu nến và dài hơn nhiều so với các mẫu hình khác. Nến cường lực có thể xuất hiện trong bất kỳ thời điểm nào trong một xu hướng. 

Nến marubozu là gì ?
Nến marubozu là gì?

Mẫu nến này thường xuất hiện đầu xu hướng tăng hoặc giảm, thể hiện sự mua bán mạnh trong một phiên. Ngoài ra, sau một quá trình tích lũy, nến marubozu cũng có thể xuất hiện nhằm báo hiệu rõ rệt cho xu hướng sắp tới. Nến này được nhiều nhà đầu tư biết đến bởi vì đặc điểm dễ nhận dạng.

Đặc điểm của nến marubozu

Nến marubozu có đặc điểm dễ nhận dạng như phần trên đã đề cập. Mẫu hình này là mẫu hình đơn nến (1 cây nến) có các đặc điểm sau:

 Đặc điểm của nến marubozu
Đặc điểm của nến marubozu
  • Thân nến dài so với các nến giá đã hình thành từ các phiên trước đó. 
  • Nến cường lực không có râu nến hoặc nếu có thì rất ngắn. Bởi vì thể hiện lực mua hoặc bán mạnh nên có ít sự lưỡng lự trong phiên. Từ đó, nến cường lực không tạo ra râu nến nhiều.
  • Mẫu hình nến maru tăng có giá mở cửa chính là giá thấp nhất; giá đóng cửa chính là giá cao nhất phiên. 
  • Ngược lại, mẫu hình nến marubozu giảm có giá mở cửa là giá cao nhất; giá đóng cửa là giá thấp nhất trong phiên. Hoặc có thể có râu nến rất ngắn ở hai đầu nến.

Ý nghĩa của nến marubozu

Nến cường lực có hai loại chính là nến cường lực tăng và nến cường lực giảm. 

  • Nến cường lực tăng: là nến báo hiệu có thể tiếp theo là xu hướng tăng hoặc tiếp diễn xu hướng tăng. Trong phiên giao dịch từ lúc mở cửa giá tăng liên tục và nếu có lực bán thì không bán thấp hơn giá mở cửa. Lực mua chiếm ưu thế trong phiên giao dịch này và đóng nến là mức giá cao nhất trong phiên.
  • Nến cường lực giảm: là mẫu hình nến có giá mở cửa chính là giá cao nhất. Mẫu hình này báo hiệu xu hướng giảm bắt đầu hoặc sẽ tiếp diễn. Trong phiên giao dịch, lực bán chiếm toàn bộ ưu thế và lực mua rất yếu. Đây có thể là phiên bán hoảng loạn của nhà đầu tư và giá có thể chạm sàn. 

Cách giao dịch với mô hình nến marubozu

Giao dịch khi nến marubozu breakout (phá vỡ xu hướng)

Sau khi trải qua một quá trình tích lũy, khi xuất hiện nến marubozu tăng thường xác định xu hướng tăng giá của cổ phiếu. Ngược lại, khi đang trong quá trình phân phối, nếu xuất hiện nến maru giảm xác định xu hướng giảm của cổ phiếu.

Giao dịch khi nến marubozu phá vỡ tích lũy
Giao dịch khi nến marubozu phá vỡ tích lũy

Khi nến cường lực tăng phá vỡ giai đoạn tích lũy, đây là thời điểm mua thích hợp để gia tăng hoặc tạo vị thế mới với cổ phiếu. 

Giao dịch khi nến marubozu phá vỡ phân phối đỉnh
Giao dịch khi nến marubozu phá vỡ phân phối đỉnh

Khi nến cường lực phá vỡ xu hướng phân phối xác định xu hướng giảm của cổ phiếu. Trong phiên giao dịch đột ngột cổ phiếu bị bán tháo có thể chạm sàn; tạo mẫu hình nến maru giảm mạnh. Xu hướng phân phối đỉnh bị phá vỡ và tiếp theo là xu hướng giảm.

Giao dịch khi nến marubozu báo hiệu tiếp diễn xu hướng

Trong xu hướng tăng đã được xác định, khi nến marubozu tăng xuất hiện, xác định xu hướng tăng vẫn còn tiếp diễn. 

Khi xu hướng giảm đang trong quá trình trung và dài hạn, khi nến marubozu giảm xuất hiện, xác định xu hướng giảm vẫn còn tiếp diễn; có thể sau đó lực bán mạnh hơn khiến nhà đầu tư hoảng loạn bán tháo cổ phiếu.

Giao dịch khi nến marubozu xác định xu hướng tăng tiếp diễn
Giao dịch khi nến marubozu xác định xu hướng tăng tiếp diễn

Khi xu hướng tăng đã được xác định, nến cường lực tăng kết hợp khối lượng cao là tín hiệu tăng tiếp diễn của cổ phiếu. Trong biểu đồ minh họa có thể thấy có đến ba đợt nến marubozu xác định xu hướng tăng tiếp diễn.

Giao dịch khi nến marubozu xác định xu hướng giảm tiếp diễn
Giao dịch khi nến marubozu xác định xu hướng giảm tiếp diễn

Trong xu hướng giảm của cổ phiếu, nến cường lực giảm kết hợp với khối lượng cao xác định xu hướng giảm vẫn còn tiếp diễn và có thể giảm sâu hơn tùy vào độ dài của thân nến.

Giao dịch khi nến marubozu đóng vai trò như đường hỗ trợ/kháng cự

Khi xuất hiện nến marubozu trong một giai đoạn giá của cổ phiếu, đây có thể là đường hỗ trợ hoặc kháng cự cho nến giá. Tùy vào khối lượng cũng như độ dài nến để xác định hỗ trợ hay kháng cự đó có mạnh hay không.

Giao dịch khi nến marubozu đóng vai trò hỗ trợ
Giao dịch khi nến marubozu đóng vai trò hỗ trợ

Trong hình minh họa, nến cường lực đóng vai trò như đường hỗ trợ giá; nhưng vì hỗ trợ khá yếu nên chỉ vài phiên, nến marubozu giảm đã phá vỡ hỗ trợ; dẫn đến xu hướng giảm giá của cổ phiếu.

Giao dịch khi nến marubozu đóng vai trò kháng cự
Giao dịch khi nến marubozu đóng vai trò kháng cự

Trong biểu đồ minh họa, nến cường lực đóng vai trò như đường kháng cự khiến giá cổ phiếu khó tăng tiếp tục. Mẫu hình nến ở giai đoạn tăng ban đầu đã trở thành kháng cự khá mạnh; dẫn đến giá cổ phiếu tạo liên tiếp hai đỉnh nhưng không thể phá vỡ. Việc này dẫn đến giá cổ phiếu khó tăng trưởng và bước vào giai đoạn giảm giá.

Các biến thể của nến marubozu

Nến marubozu bên cạnh mô hình nến cơ bản còn có một số biến thể. Các biến thể xuất hiện ở cả mẫu hình nến cường lực tăng và giảm.

Biến thể ở mẫu hình nến tăng

  • Râu nến xuất hiện phía trên: râu nến ở trường hợp này ngắn và không đáng kể. Trong phiên lực tăng mạnh chiếm ưu thế; tuy nhiên cuối phiên xuất hiện lực bán khiến giá giảm so với mức cao nhất. Lực bán này là rất nhỏ so với đà tăng trước đó và không ảnh hưởng đến tín hiệu tăng sắp tới. 
  • Râu nến xuất hiện phía dưới: râu nến trường hợp này cũng ngắn không đáng kể so với thân nến. Trong phiên xuất hiện lực bán khá mạnh làm giá có lúc thấp hơn giá mở cửa; tuy nhiên lực mua xuất hiện và hấp thụ mạnh; làm cho giá cổ phiếu tăng mạnh và có thể chạm trần. Kết phiên là giá cao nhất trong phiên và báo hiệu xu hướng tăng sắp tới. 
Biến thể nến marubozu tăng
Biến thể nến marubozu tăng

Biến thể ở mẫu hình nến giảm

  • Râu nến xuất hiện ở phía trên: râu nến ở trường hợp này cũng ngắn không đáng kể so với nến. Trong phiên giao dịch, cổ phiếu có lúc được nhà tạo lập đẩy giá lên cao; sau đó lực bán mạnh đã chiếm ưu thế và khiến cổ phiếu giảm mạnh. Lực bán trong phiên xuất hiện báo hiệu xu hướng giảm hoặc tiếp diễn xu hướng. 
  • Râu nến xuất hiện phía dưới: râu nến ở mẫu hình này ngắn không đáng kể. Giá mở cửa là giá cao nhất ở mẫu hình này; trong phiên giao dịch có lúc cổ phiếu bị bán mạnh có thể chạm sàn; sau đó có lực cầu kéo giá nhưng không đáng kể hình thành râu nến phía dưới nhưng rất ngắn. Mẫu hình này cũng báo hiệu xu hướng giảm hoặc có thể tiếp diễn xu hướng.

Kết luận

Bài viết trên hy vọng DNSE đã mang lại kiến thức bổ ích cho bạn đọc về mẫu hình nến marubozu. Qua đó, mong bạn đọc có thể áp dụng vào quá trình đầu tư và đạt được lợi nhuận. Hãy thường xuyên cập nhật kiến thức mới cùng DNSE nhé !

ads-3
share facebook
Author

Tác giả:

DNSE Team

Đã đóng góp: 1 bài viết

Bài viết liên quan