Kiến thức tổng quan | 09/12/2022

Nhìn lại Khủng hoảng kinh tế năm 2008 – Cơ hội tái diễn sau hơn một thập kỷ?

Khủng hoảng kinh tế 2008 được biết đến là một trong những thảm kịch tài chính có sức ảnh hưởng vô cùng lớn đến nền kinh tế Mỹ và các nước trên toàn cầu. Trong bài viết này, hãy cùng DNSE nhìn lại một cách tổng quan về cuộc khủng hoảng này, cũng như những nguyên nhân và hậu quả khôn lường mà nó đã gây ra nhé.

Nhìn lại diễn biến của cuộc khủng hoảng kinh tế 2008

Sau 158 năm hoạt động, vào ngày 15/9/2008 cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu bằng việc Ngân hàng Lehman Brothers Holdings (Mỹ) nộp đơn xin phá sản. Không chỉ vậy, trong cùng ngày đó tập đoàn ngân hàng lớn khác của Mỹ là Merrill Lynch tuyên bố sáp nhập với Bank of America, do việc thua lỗ từ cuộc khủng hoảng tín dụng thứ cấp nhà ở tại Mỹ. 

Cuộc biến động lớn của Ngân hàng Lehman Brothers Holdings đã kéo theo một khoản nợ khổng lồ lên tới 700 tỷ USD. Đây chính là mầm mống gây ra sự hỗn loạn và suy giảm trầm trọng của hệ thống tài chính thế giới. Hiểu được điều này, tổng thống Mỹ khi đó là George W.Bush và nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới đã kêu gọi người dân bình tĩnh, tuy nhiên điều này gần như là vô nghĩa và không thể cứu vãn được tình thế. Thị trường chứng khoán Mỹ xuống dốc không phanh, tình trạng khan hiếm tiền mặt diễn ra, nhà đất tuột giá, hệ thống tài chính thế giới lâm vào tình cảnh không đòi nợ được, đi kèm với đó còn là vô vàn những hậu quả khôn lường khác.

Sự đình trệ của dòng chảy vốn, “bong bóng” bất động sản vỡ khiến kinh tế thế giới bị tổn thương nghiêm trọng. Qua con số cụ thể, năm 2007 tăng trưởng kinh tế toàn cầu đạt 4.2% nhưng đến năm 2008 nó đã giảm xuống chỉ còn 1.8%. Vào năm 2009, nền kinh tế toàn cầu đã thất thoát lên tới 4.500 tỷ USD. Phải thừa nhận rằng, đây đều là những con số biết nói về những gì mà cuộc khủng hoảng kinh tế đã gây ra.

Để thoát khỏi thảm cảnh khủng hoảng kinh tế 2008 này, các ngân hàng trung ương đã phải tung ra hàng loạt những chính sách kích thích tiền tệ khổng lồ và phi truyền thống như chính sách lãi suất âm, hoạt động thanh toán mở rộng hay nới lỏng định lượng. Cụ thể, chính sách lãi suất âm sẽ tạo cho người tiêu dùng và doanh nghiệp nguồn động lực để chi tiêu hoặc đầu tư hơn là để tiền trong tài khoản ngân hàng – nơi mà giá trị của đồng tiền bị “xói mòn” bởi lạm phát. Tiếp sau đó, phải mất đến 10 năm các gói kích thích kinh tế mới có thể khôi phục lại tình trạng bình thường cho Mỹ.

Nguyên nhân của cuộc khủng hoảng kinh tế 2008

Những nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng kinh tế 2008
Những nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng kinh tế 2008

Xét một cách sâu xa, cuộc khủng hoảng kinh tế 2008 bắt nguồn từ khủng hoảng trong lĩnh vực tài chính bao gồm bảo hiểm, tín dụng, chứng khoán,… diễn ra từ năm 2007 – 2008 khởi nguồn từ Mỹ. Và cũng có rất nhiều nguyên nhân đưa ra để “mổ xẻ” cho vấn đề này. Yếu tố được coi là chủ chốt gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế 2008 là do sự phát triển quá “nóng” của thị trường bất động sản tại Mỹ. Chính điều này đã khởi đầu cho một chuỗi phản ứng dây chuyển khi một mắt xích trong hệ thống bị phá vỡ. 

Sự phát triển nhanh chóng của các sản phẩm tài chính kiểu săn mồi nhằm vào những đối tượng người mua nhà có thu nhập thấp, hiểu biết còn hạn chế. Hiểu một cách đơn giản, với mô hình này, chỉ cần giá nhà tăng liên tiếp, người đi vay dưới chuẩn có thể tự bảo vệ bản thân trước các khoản thanh toán thế chấp cao thông qua việc bán bất động sản đi rồi thanh toán. Trong trường hợp vỡ nợ, ngân hàng hoàn toàn có thể thu hồi tài sản và bán nó với giá cao. Bởi vậy, mô hình cho vay dưới chuẩn được coi là một khoản đầu tư rất có lợi mà các ngân hàng muốn hướng đến. 

Theo thống kê, từ cuối những năm 1990 – 2007 thì khoản vay đã tăng từ 2.5% – 15.7%/năm. Chính từ đây mà bong bóng nhà đất hình thành và bùng nổ vào năm 2008. Kéo theo đó, tuyên bố phá sản của hãng tài chính Lehman Brothers đã làm tê liệt toàn bộ nền kinh tế hùng mạnh của Mỹ và Châu Âu.

Hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế 2008

Những thiệt hại khổng lồ mà thảm kịch tài chính này gây ra
Những thiệt hại khổng lồ mà thảm kịch tài chính này gây ra

10.000 tỷ USD bị cuốn trôi, 30 triệu người mất việc và 50 triệu người rơi vào cảnh nghèo khó là cái giá phải trả cho cuộc khủng hoảng kinh tế 2008. Không chỉ gây ra những thiệt hại về các con số, mà phải mất đến 10 năm sau nền kinh tế Mỹ mới có thể khôi phục lại trạng thái bình thường nhờ vào các gói kích thích kinh tế. Bên cạnh đó còn có rất nhiều những tác động tiêu cực mà cuộc khủng hoảng 2008 gây ra như:

  • Bear Stearns là ngân hàng đầu tư lớn nhất tại phố Wall lên tiếng cầu cứu và được JPMorgan Chase mua lại với giá 30 tỷ USD.
  • Ngân hàng Lehman Brothers tuyên bố phá sản sau gần 165 năm hình thành và phát triển. Do vậy, đây cũng như một dấu hiệu cho thấy việc bán tháo lớn nhất trong lịch sử tài chính Mỹ.
  • Tại sàn giao dịch chứng khoán London, bắt đầu phiên giao dịch ngày 15/9, chỉ số FTSE giảm 56.5 điểm cơ bản. Đến ngày 16/9, thị trường chứng khoán tại Hong Kong mở cửa với mức sụt giảm 5.4%, thị trường Thượng Hải cũng giảm 4.5%. Giá trị tài sản của một quỹ thị trường tiền tệ giảm dưới 1 USD/Cổ phiếu và hơn 140 tỷ USD rút khỏi quỹ bởi các nhà đầu tư Mỹ.

Có hay không nguy cơ xuất hiện một cuộc khủng hoảng mới?

Liệu có nguy cơ xuất hiện cuộc khủng hoảng mới?
Liệu có nguy cơ xuất hiện cuộc khủng hoảng mới?

Sau nhiêu năm trôi qua, bài học của Lehman Brothers – một trong những ngân hàng đầu tư lớn nhất nước Mỹ vẫn còn đó. Chính cuộc khủng hoảng này đã dạy cho nhà đầu tư và người tiêu dùng bài học về kiểm soát vay nợ, cũng như các rủi ro từ việc nới lỏng kiểm soát ngành công nghiệp tài chính.

Theo khảo sát của Bloomberg, thế giới vẫn đang tiếp tục vay nợ với khối lượng ngày một tăng. Tổng nợ toàn cầu ở ngưỡng 84.000 tỷ USD vào những năm đầu thế kỷ 21, tuy nhiên có số này đã tăng lên 173.000 tỷ USD vào thời điểm khủng hoảng tài chính năm 2008 bùng nổ, và tiếp tục lên 250.000 tỷ USD đến thời điểm hiện tại. Trong đó khối lượng nợ xấu đã chạm gần mốc 3.000 tỷ USD.

Rõ ràng bài học từ cuộc khủng hoảng kinh tế 2008 chưa bao giờ chìm xuống, và cũng chẳng có một khẳng định nào rằng nó sẽ không tái diễn ở hiện tại. Với yếu tố không chắc chắn kể trên, nguy cơ của một cuộc khủng hoảng tương lai vẫn hiện hữu, chắc chắn một khi nó đã xảy ra thì quy mô chỉ có thể lớn hơn chứ không giảm đi.

Chính vì vậy, bài học đầu tiên cần phải rút ra là nền kinh tế của mỗi quốc gia phải đảm bảo cho mình tính ổn định kinh tế vĩ mô. Đây được xem như là điều kiện tiên quyết để giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng. Thêm nữa, các nước cần phải có các định chế tài chính chặt chẽ, không để nó bị xâm phạm vì bất cứ lý do gì.

Và đó là những chia sẻ của DNSE về cuộc khủng hoảng kinh tế 2008. Nhiều năm đã trôi qua kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế 2008, nhưng người ta vẫn không thể quên được hệ thống ngân hàng thế giới thực tế mỏng manh dễ vỡ như thế nào. Và việc đảm bảo tính ổn định kinh tế vĩ mô là điều mà các nước cần đặc biệt lưu tâm.

ads-3
share facebook
Author

Tác giả:

Lâm Bùi

Đã đóng góp: 1 bài viết

Bài viết liên quan