Doanh nghiệp | 28/04/2023

Nike – Từ bàn tay nhỏ đến đế chế thể thao toàn cầu

Nike, thương hiệu thể thao hàng đầu thế giới, luôn tiên phong trong sáng tạo sản phẩm và sở hữu các thương hiệu nổi tiếng như Jordan và Converse. Hãy cùng khám phá thế giới của Nike và tìm hiểu về những thành tựu đáng kinh ngạc mà thương hiệu này đã đạt được trong ngành thể thao.

Khởi đầu khiêm tốn

Nike có tên gọi ban đầu là Blue Ribbon Sports (BRS), được thành lập vào năm 1964. Khi đó, Phil Knight vừa tốt nghiệp Đại học Oregon và tiếp tục học thêm tại Stanford để lấy bằng MBA. Tại Oregon, ông chạy cho đội điền kinh của trường và quen biết với huấn luyện viên Bill Bowerman – một người rất đam mê nghiên cứu cách tối ưu hóa giày cho vận động viên. 

Phil Knight là người đầu tiên được thử nghiệm một trong những đôi giày do Bill Bowerman thiết kế vì ông cho rằng Knight là một vận động viên không quan trọng nên có thể dùng để thử nghiệm giày của mình, và đã đề nghị sửa một trong những đôi giày của Knight. 

Sau khi tốt nghiệp, Phil học MBA tại Stanford, ông đã viết một bài báo đưa ra giả thuyết rằng việc sản xuất giày nên chuyển từ Đức tới Nhật Bản, nơi có lao động rẻ hơn. Và ông đã có cơ hội đưa lý thuyết này vào thử nghiệm bằng một chuyến đi đến Nhật năm 1963, ký hợp đồng với Onitsuka Tiger Co. (nay là Asics).

Knight thành lập Blue Ribbon Sports (BRS) vào năm 1964 để trở thành nhà phân phối giày chạy bộ chính thức của Nhật Bản tại Hoa Kỳ. Bowerman cũng hỗ trợ cung cấp các ý tưởng thiết kế sản phẩm để đổi lấy 50% quyền sở hữu công ty.

Bill không ngừng sáng tạo, chỉ sau một năm, ông đã đề xuất cho công ty Tiger một mẫu giày mới, với thiết kế nhằm mang lại hỗ trợ tốt nhất cho người chạy bộ, được đặt tên là Tiger Cortez.

Tiger Cortez huyền thoại
Tiger Cortez huyền thoại

Điểm nhấn của nó nằm ở sự kết hợp giữa một lớp đệm giữa giày, gắn cao su mềm ở đầu và gót chân, cao su xốp cứng ở đế giày. Đôi giày này ngay lập tức được đón nhận vì phong cách và sự thoải mái, chắc chắn.

Chỉ trong năm đầu kinh doanh, BRS đã bán được 1.300 đôi giày chạy bộ Nhật Bản và thu về 8.000 đô la. Đến năm 1965, công ty đã thuê được một nhân viên bán hàng toàn thời gian là Jeff Johnson và đạt doanh thu 20.000 đô la.  

Năm 1966, BRS mở cửa hàng bán lẻ đầu tiên, tọa lạc tại 3107 Pico Boulevard ở Santa Monica, California. Một năm sau, do doanh số bán hàng tăng nhanh, BRS đã mở rộng hoạt động bán lẻ và phân phối ở Bờ Đông, Wellesley, Massachusetts.

Nike – Nữ thần chiến thắng Hy Lạp

Sau vài năm là nhà phân phối duy nhất của Onitsuka tại Mỹ, mối quan hệ giữa BRS và Onitsuka tan vỡ. Knight và Bowerman đã sẵn sàng thực hiện bước nhảy vọt từ một nhà phân phối sang thiết kế và sản xuất thương hiệu giày thể thao của riêng mình. 

Năm 1971, Blue Ribbon Sports đã đổi tên thành Nike, theo tên nữ thần chiến thắng của Hy Lạp. Ý tưởng cho cái tên này đến từ Jeff Johnson, nhân viên đầu tiên mà Knight và Bowerman đã thuê 6 năm trước.

Bộ ba sau đó đã tìm đến Carolyn Davidson, một sinh viên thiết kế tại Đại học Bang Portland để cung cấp các bản phác thảo logo khác nhau. Cô đã tạo ra logo “Swoosh” nổi tiếng Thế giới với giá 35 đô la. 

Logo Nike qua từng thời kỳ
Logo Nike qua từng thời kỳ

Mười hai năm sau, Knight quyết định tổ chức một bữa tiệc để tôn vinh sự đóng góp của Davidson cho công ty. Ông đã trao cho cô một chiếc nhẫn Swoosh bằng vàng và một lượng cổ phiếu của công ty như một phần thưởng xứng đáng với những gì mà cô đã cống hiến.

Đôi giày Nike đầu tiên

Đôi giày đầu tiên có biệt danh là “Moon Shoe” và được lấy ý tưởng từ máy làm bánh Waffle của Bowerman. Nó được ra đời sau khi Bill đang ăn sáng và tự hỏi những rãnh trên bánh Waffle có thể cải thiện độ bám khi chơi thể thao hay không?

Sau một vài thử nghiệm, Waffle Trainer ra đời và nhanh chóng thành công nhờ độ bám và hiệu suất tốt. Nó được coi là đôi giày Nike đầu tiên và được bán tại Sotheby’s với giá gần 450.000 đô la.

Nối tiếp thành công của “Moon Shoe”, công ty đã phát triển phiên bản thương mại đầu tiên của nó dựa trên thiết kế mới với một số cải tiến: chất liệu cao cấp hơn, kiểu dáng tinh tế hơn, tạo cảm giác thoải mái và tăng hiệu suất luyện tập. 

Đôi giày mới này có tên Nike Waffle Racer và được phân phối cho các vận động viên tham gia các sự kiện chạy bộ tại Mỹ. Đây được xem là một nước ngoặt quan trọng đánh dấu sự phát triển của Nike trong ngành công nghiệp giày thể thao.

Quảng bá sản phẩm và khẩu hiệu mang tính biểu tượng

Vào năm 1976, công ty John Brown and Partners tại Seattle được thuê để làm đơn vị quảng cáo cho Nike, và sau đó ra mắt một chiến dịch quảng cáo thành công cho hãng với khẩu hiệu “Không có vạch đích”. Mặc dù quảng cáo không có hình ảnh giày Nike, nhưng đã giúp thương hiệu tiếp cận được tầng lớp trung lưu. Sau đó, vào năm 1979, Nike quyết định mở rộng sang lĩnh vực quần áo và sản phẩm đầu tiên là áo khoác Windrunner với thiết kế hiện đại, trở thành một sản phẩm được yêu thích cả trên đường phố lẫn đường chạy.

Vào năm 1980, Nike chiếm 50% thị phần thị trường giày thể thao Mỹ và trở thành thương hiệu giày phổ biến nhất trên thế giới. Hai năm sau, Weiden + Kennedy được công ty chọn làm đại diện quảng cáo toàn cầu. Dan Wieden đã tạo ra khẩu hiệu “Just Do It” nổi tiếng trong chiến dịch quảng cáo năm 1988, được coi là một trong top 5 slogan xuất sắc nhất của thế kỷ 20  và được lưu giữ trong Viện Smithsonian.

“Just do it” – Slogan 30 năm tuổi được lấy cảm hứng từ một lời trăn trối của tử tù Gilmore
“Just do it” – Slogan 30 năm tuổi được lấy cảm hứng từ một lời trăn trối của tử tù Gilmore

Kỷ nguyên Jordan

Vào năm 1984, Nike ký hợp đồng với Michael Jordan với mức phí 500.000 đô la một năm, hứa sẽ tạo ra một dòng sản phẩm mang chữ ký riêng cho anh ta. Sau khi sử dụng một vài mẫu giày Nike trong các trận đấu, Jordan đã bị cấm do không tuân thủ tiêu chuẩn màu sắc của NBA.

Michael Jordan- cầu thủ bóng rổ vĩ đại nhất mọi thời đại
Michael Jordan- cầu thủ bóng rổ vĩ đại nhất mọi thời đại

Nike đã quyết định tập trung phát triển dòng sản phẩm mới là Air Jordan 1. Nó ban đầu được thiết kế độc quyền cho Michael Jordan vào cuối năm 1984 và đã được bán ra chính thức vào tháng 4 năm 1985. Với thiết kế cổ cao,  thân giày vẽ một đường nét màu đen/đỏ “Bred” và logo Nike Swoosh nổi tiếng, chiếc giày mới đã thành công rực rỡ với doanh thu 126 triệu USD trong năm đầu tiên. Jordan đã kiếm được 1,3 tỷ USD từ mối quan hệ đối tác 36 năm với Nike.

Sau đó, Nike chuẩn bị cho chiến dịch tiếp thị lớn với đôi giày Air Max đầu tiên có túi khí và phiên bản thứ ba có tên gọi Nike Air Max 90, với thiết kế thể thao hơn và khối lượng nặng hơn so với Air Max trước đó.

Chiến dịch quảng cáo thông minh

Công ty tiếp tục duy trì hợp tác thiết kế với nhiều ngôi sao và thương hiệu danh tiếng như Kanye West, Drake, Dior, Swarovski, Louis Vuitton, và Undercover Jun Takahashi.

Năm 1990, Nike chuyển tới trụ sở Thế giới gồm 8 toà nhà tại Beaverton, Oregon. Khu đất của trụ sở Beaverton đủ sức chứa 11.000 nhân viên cùng với phòng thí nghiệm nghiên cứu công nghệ mới nhất, một bảo tàng trưng bày, ba trung tâm thể dục và các cơ sở dành cho các vận động viên được tài trợ, cùng với một loạt sân thể thao và đường chạy bộ.

Đa dạng hóa sản phẩm trong mọi lĩnh vực

Trong những năm 1990, Nike tiếp tục phát triển và mở chuỗi cửa hàng Niketown đầu tiên, bắt đầu từ Portland, Oregon. Họ cũng ký hợp đồng với Tiger Woods và thành công trong lĩnh vực golf.

Vào năm 1994, công ty hợp tác với một số cầu thủ của Đội tuyển Brazil đã giành chức vô địch World Cup. Một năm sau đó, công ty tiếp tục ký hợp đồng với toàn đội và bắt đầu thiết kế đồng phục đặc biệt cho đội bóng này.

Trong bóng rổ, Nike đã ký hợp đồng với LeBron James và Kobe Bryant vào năm 2003 để củng cố thương hiệu là nhà tài trợ giày hàng đầu tại NBA. Năm 2004, đồng sáng lập Phil Knight từ chức chủ tịch và được kế nhiệm bởi William Perez

Nike đã hợp tác với tay vợt Rafael Nadal vào năm 2005 để tài trợ cho anh ta và phát hành loạt sản phẩm riêng. Ba năm sau, công ty mua lại thương hiệu Umbro của Anh với giá 580 triệu USD, giúp mở rộng thị trường bóng đá. Từ năm 2012 đến năm 2015, Nike đã trở thành nhà cung cấp chính thức của cả NFL và NBA.

Sự thống trị toàn cầu

Tính tới năm 2018, Nike đã có khoảng 73.100 nhân viên trên toàn cầu và trở thành thương hiệu giá trị nhất trong ngành kinh doanh hàng thể thao, được định giá lên tới 29,6 tỷ đô la vào năm 2017. Nike đứng ở vị trí thứ 89 trên danh sách Fortune 500 của năm 2018, được xếp hạng các tập đoàn lớn nhất Hoa Kỳ dựa trên tổng doanh thu.

Ngày nay, Nike trở thành nhà cung cấp hàng thể thao, giày dép và quần áo lớn nhất thế giới, sở hữu các thương hiệu nổi tiếng như Jordan và Converse. Với sự phát triển không ngừng, công ty vẫn giữ vị trí dẫn đầu trong ngành và trở thành biểu tượng vĩ đại của thế giới thể thao.

ads-3
share facebook
Author

Tác giả:

Hoàng Quỳnh Anh

Đã đóng góp: 1 bài viết

Bài viết liên quan