Doanh nghiệp | 21/04/2023

 Pepsi – Khởi nguồn là đồ uống healthy

Pepsi được xem là một trong những thương hiệu đồ uống có ga nổi tiếng nhất trên thế giới, không chỉ bởi sản phẩm chất lượng mà còn vì những chiến dịch quảng cáo ấn tượng và cuộc đua không hồi kết với đối thủ cạnh tranh Coca-Cola.

Thức uống của Brad (Brad’s Drink)

Trước khi có tên gọi Pepsi, nó được gọi là Brad’s Drink, được tạo ra bởi dược sĩ địa phương Celeb Bradham ở New Bern, Bắc Carolina vào năm 1893. Loại đồ uống phổ biến này được điều chế với các hỗn hợp chính như đường, nước, dầu chanh, hạt loka, caramel và các chất phụ gia khác.

Với hy vọng lặp lại thành công của Coca-Cola, Bradham đã đặt tên cho đồ uống của mình là Pepsi-Cola vào tháng 8 năm 1898 (Pepsi có nghĩa là chứng khó tiêu). Ông chính thức bắt đầu phục vụ Pepsi-Cola tại hiệu thuốc của mình ở góc đường Middle và Pollock trong trung tâm thành phố New Bern.

Điều mà Bradham tự hào là khách hàng rất thích loại đồ uống này vì nó ngon và không chứa các chất gây nghiện như đa số các loại nước ngọt thời đó. Không những vậy, thức uống này còn tốt cho tiêu hóa, giống như cách mà enzim pepsin tác động tới cơ thể.

Công ty Pepsi-Cola ra đời

Nhận thấy tiềm năng của đồ uống này, Bradham quyết định dừng hẳn việc bán thuốc và tập trung hoàn toàn vào lĩnh vực sản xuất nước giải khát. Năm 1902, ông thành lập Công ty Pepsi – Cola ở sau hiệu thuốc của mình và bắt đầu áp dụng chiến dịch marketing.

Vào mùa hè năm 1903, ông đã đăng ký nhãn hiệu và bằng sáng chế cho công thức, sau đó bắt đầu bán siro soda của mình cho các hiệu thuốc và các nhà cung cấp trên khắp Bắc Carolina.

Năm đó, Caleb đã bán được 7.968 gallon siro với dòng chủ đề “Phấn khích, tiếp thêm sinh lực, hỗ trợ tiêu hóa”. Năm 1904, ông mua một tòa nhà ở New Bern được gọi là “Nhà máy Giám mục” với giá 5.000 đô la và chuyển tất cả các hoạt động đóng chai đến địa điểm này, doanh số tăng lên 19.848 gallon chỉ sau một năm. Do nhu cầu ngày càng cao, tháng 1 năm 1905, Caleb đã thành lập chuỗi nhượng quyền thương mại đóng chai đầu tiên ở Charlotte và Durham.

Vào tháng 1 năm 1908, doanh số bán hàng tăng vọt, vượt xa mong đợi của Bradham. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng, ông đã khai trương tòa văn phòng Pepsi-Cola đầu tiên tại New Bern. 

Công ty đã mở rộng đến 240 cửa hàng nhượng quyền trên khắp 24 tiểu bang và tổ chức Hội nghị Nhà đóng chai đầu tiên vào tháng 1 năm 1910.

Pepsi trong thời kỳ chiến tranh

Khi Chiến tranh Thế giới thứ nhất nổ ra, Bradham đã phải đối mặt với khó khăn khi giá đường tăng cao do khan hiếm,  Pepsi-Cola không thể đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng. Ông cũng đã thử thay thế nguyên liệu tạo ngọt khác nhưng đều không thành công, vì hương vị của chúng không bằng được sản phẩm ban đầu.

Sau khi chiến tranh kết thúc, giá đường tăng mạnh gấp 10 lần. Bradham đã mua một lượng đường lớn với giá caovì ông dự đoán giá đường sẽ còn lên mạnh hơn nữa. Nhưng thật không may, thị trường bão hòa vào cuối năm 1920 khiến giá đường sau đó giảm mạnh. Đây trở thành một yếu tố góp phần vào sự sụp đổ của Công ty Pepsi-Cola ngày 31/5/1923.

Tài sản của ông bao gồm cả công thức Pepsi-Cola đã được bán cho Roy C.Megargel, một chủ ngân hàng phố Wall. Bradham quay trở lại cửa hàng bán thuốc của mình và qua đời 11 năm sau đó.

Sụp đổ và hồi sinh

Megargel đã tái cơ cấu công ty của mình thành Công ty Pepsi-Cola Quốc gia. Nhưng sau 3 năm thua lỗ liên tục, ông phải tuyên bố phá sản. Cùng năm đó, Megargel gặp Charles G. Guth – chủ tịch của Loft Inc. – công ty kinh doanh kẹo và nước giải khát tại New York. Guth có một vài bất đồng với Coca-Cola nên quyết định mua lại Pepsi-Cola để phát triển thương hiệu và giành lại thị phần trên thị trường nước giải khát.

Guth nhanh chóng đưa thương hiệu ra toàn cầu bằng cách thành lập Công ty Pepsi Cola ở Canada vào năm 1934 và ở Cuba vào năm tiếp theo. Ông cũng đã chuyển toàn bộ hoạt động của công ty ở Mỹ đến Long Island City, New York. Năm 1936, Pepsi-Cola Ltd. ở London bắt đầu đi vào hoạt động.

Tuy nhiên, trong năm đó, quyền sở hữu của Guth với công ty đã bị Loft tranh chấp, do ông sử dụng nhân viên và tiền của Loft để vận hành Pepsi-Cola. Sau ba năm, Loft đã thắng kiện và Guth buộc phải từ chức, tuy nhiên ông vẫn được giữ lại với tư cách là cố vấn.

 Pepsi-Cola trở thành một công ty con của Loft Inc và James W. Carkner đã được bầu làm Chủ tịch. Nhưng không lâu sau đó, ông đã bị thay thế bởi Walter S. Mack, Jr. – một nhà điều hành từ Công ty Chứng khoán Phoenix.

Vào năm 1940, Pepsi-Cola đang phát triển mạnh ra nước ngoài và Loft Inc. đã quyết định sáp nhập với công ty con này. Sau đó, vào năm 1941, công ty mới được thành lập với tên Công ty Pepsi-Cola để tận dụng sức hút của thương hiệu. Đồng thời, cổ phiếu của công ty lần đầu tiên được niêm yết trên thị trường chứng khoán New York.

Một thế hệ mới

Năm 1962, Pepsi-Cola chính thức rút gọn thành Pepsi. Một năm sau, Kendall tiếp quản công ty. Sự mở rộng của công ty ra ngoài thị trường nước giải khát bắt đầu vào năm 1965, khi Kendall gặp Herman Lay, chủ sở hữu của Frito-Lay, tại một hội nghị cửa hàng tạp hóa. Ông đã đề nghị sáp nhập với nhà sản xuất thực phẩm đồ ăn nhẹ có trụ sở tại Dallas này và thành lập PepsiCo, Inc. 

Vào thời điểm sáp nhập, Frito-Lay đã có những sản phẩm nổi tiếng như khoai tây chiên của Lay’s (1938), phô mai Cheetos (1948), khoai tây chiên Ruffles (1958) và bánh quy Rold Gold (được mua vào năm 1961),… Việc gia nhập này đã giúp PepsiCo đạt doanh thu 1 tỷ đô lần đầu tiên vào năm 1970, và chuyển đến trụ sở mới tại Purchase, New York.

Trong thời kỳ giữ chức Chủ tịch tập đoàn Pepsi, Kendall đã tập trung mở rộng thị trường nước ngoài. Ông đã đàm phán thành công hiệp định thương mại với Liên Xô vào năm 1972, dựa trên thành công của Pepsi-Cola ở Mỹ. Hai năm sau đó, Pepsi đã mở nhà máy đầu tiên tại Liên Xô.

Sau đó, Kendall mua lại hai chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh nổi tiếng, Taco Bell, vào năm 1977 và Pizza Hut vào năm 1978. Đương nhiên, các công ty con mới này đã trở thành cửa hàng chính cho các sản phẩm của Pepsi. Bên cạnh đó, ông cũng đa dạng hóa các lĩnh vực bên ngoài ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống như đưa North American Van Lines (mua lại năm 1968), Lee Way Motor Freight và Wilson Sporting Goods vào đế chế PepsiCo.

Vào cuối thập niên 1970 đầu thập niên 1980, Pepsi tiếp tục quảng bá thương hiệu của mình với chiến dịch “Pepsi Generation” nhắm đến giới trẻ và “Pepsi Challenge” nhằm thu hút người tiêu dùng lớn tuổi thông qua các buổi nếm thử sản phẩm tại cửa hàng.

Năm 1984, hãng đã đề nghị với Michael Jackson – một ngôi sao âm nhạc đang rất nổi tiếng với album “Thriller”, trở thành đại diện cho thương hiệu của mình và đạt được thành công lớn. Sau đó, hãng tiếp tục hợp tác với các nghệ sĩ, ngôi sao nổi tiếng để quảng bá sản phẩm trong những năm tiếp theo, bao gồm Tina Turner, Joe Montana, Michael J. Fox và Geraldine Ferraro.

Công ty cũng đã mở rộng sang thị trường đồ uống thể thao như kết hợp với thương hiệu Gatorade, nước đóng chai Aquafina, đồ uống năng lượng Amp, Sting, Mirinda hay thậm chí cả cafe Starbuck.

Có thể nói, Pepsi giờ đây đã phát triển vượt xa những gì Caleb Bradham từng tưởng tượng. Ngoài Pepsi-Cola cổ điển, người tiêu dùng cũng có thể tìm thấy Diet Pepsi, hay các loại không có caffeine, không chưa siro bắp,… Ngoài ra, hãng cũng đạt được lợi nhuận ở Trung Đông và Mỹ Latinh, tuy nhiên Coca-Cola, đối thủ lớn của Pepsi, vẫn giữ vị trí thống trị ở châu Âu và trên khắp châu Á.

ads-3
share facebook
Author

Tác giả:

Hoàng Quỳnh Anh

Đã đóng góp: 1 bài viết

Bài viết liên quan