Phân tích kỹ thuật | 04/12/2022

Phân kỳ là gì? – Các chỉ báo nhận diện phân kỳ trong chứng khoán!

Phân kỳ là tín hiệu đảo chiều phổ biến trong đầu tư chứng khoán. Khi xảy ra hiện tượng này, giá sẽ đảo ngược xu hướng so với trước đó. Về phân tích kỹ thuật, nhà đầu tư thường chú ý về các phân kỳ xảy ra trong quá trình đầu tư để có được điểm giao dịch hợp lý. Vậy phân kỳ là gì? Nhà đầu tư cần lưu ý gì khi sử dụng phân kỳ trong đầu tư? Hãy cùng theo dõi bài viết sau đây nhé.

Tìm hiểu về phân kỳ trong chứng khoán
Tìm hiểu về phân kỳ trong chứng khoán

Phân kỳ là gì?

Phân kỳ (Divergence) là khi chuyển động của giá ngược lại so với hướng của chỉ báo. Các hướng di chuyển này được xác định bằng các đáy, đỉnh của nến giá và chỉ báo. Đây được xem là điểm đảo chiều khá tin cậy cho nhà đầu tư để nắm bắt cơ hội.

Trong xu hướng tăng của nến giá, nếu chỉ báo có hướng di chuyển giảm, báo hiệu nến giá sắp đảo chiều giảm. Ngược lại trong xu hướng giảm của nến giá, chỉ báo có hướng di chuyển đi lên, điều này đưa ra tín hiệu nến giá chuẩn bị tăng trong tương lai. 

Phân kỳ là gì?
Phân kỳ (Divergence) là khi chuyển động của giá ngược lại so với hướng của chỉ báo

Các loại phân kỳ đang có hiện nay

Khi hiểu được phân kỳ là gì, ta thấy ác đặc điểm đưa ra ở mỗi hình dạng là khác nhau, mỗi loại có tín hiệu khác nhau trong dự báo nến giá. Cụ thể gồm 3 loại sau:

Phân kỳ thường

Phân kỳ thường có mức độ xuất hiện cao trên biểu đồ giá và chỉ báo; có thể xác định xu hướng đảo chiều của cổ phiếu; được chia thành hai loại sau:

Phân kỳ dương

Phân kỳ dương (Bullish Divergence) xuất hiện trong xu hướng giá giảm. Các đáy được nối lại với nhau thành đường giá giảm. Tuy nhiên, chỉ báo kỹ thuật lại tạo thành các đỉnh và có xu hướng tăng lên. Từ đó, ta thấy được xu hướng đảo chiều sắp diễn ra do động lượng đã suy yếu.

Phân kỳ dương
Phân kỳ dương

Đây được xem là tín hiệu cho rằng giá sẽ đảo chiều từ giảm sang tăng. Nhà đầu tư nên kết hợp các chỉ báo kỹ thuật để tối ưu quyết định.

Phân kỳ âm

Phân kỳ âm (Bearish Divergence) xuất hiện trong xu hướng tăng giá của cổ phiếu. Khi nối các đỉnh, ta có thể thấy nến giá tạo thành xu hướng tăng khi nối các đỉnh; tuy nhiên, hướng của chỉ báo lại giảm xuống khi nối các đáy lại với nhau. Đây là tín hiệu cho xu hướng đảo chiều từ tăng sang giảm. 

Phân kỳ âm
Phân kỳ âm

Nhà đầu tư có thể đặt lệnh bán cổ phiếu khi xuất hiện Bearish Divergence. Tuy nhiên, nhà đầu tư có thể sử dụng các mô hình nến đảo chiều như Dark Cloud Cover, Shooting Star,…để đưa ra quyết định đầu tư tốt nhất.

Phân kỳ ẩn

Phân kỳ ẩn được nhà đầu tư sử dụng để dự báo xu hướng giá cổ phiếu; được chia thành hai loại là tăng và giảm giá.

Phân kỳ ẩn
Phân kỳ ẩn

Phân kỳ ẩn tăng giá

Phân kỳ ẩn xuất hiện trong xu hướng tăng giá của cổ phiếu, đáy sau cao hơn đáy trước; tuy nhiên, chỉ báo lại có chiều hướng giảm. Điều này cho thấy giá sẽ tiếp diễn trong xu hướng tăng giá.

Nhà đầu tư nên đặt lệnh mua với tỷ lệ 30-40% vốn cho cổ phiếu đó. Chúng ta có thể kết hợp các chỉ báo kỹ thuật khác để xác suất thành công cao hơn.

Phân kỳ ẩn giảm giá

Phân kỳ này xuất hiện trong xu hướng giá giảm và chỉ báo có xu hướng đi lên. Chỉ báo này cho thấy giá vẫn còn “dư địa” để giảm. Nhà đầu tư nên đặt lệnh bán cổ phiếu tránh rủi ro giá giảm của thị trường chung. Bên cạnh đó, nên kết hợp các chỉ báo khác kèm khối lượng giao dịch để nắm rõ xu hướng tiếp theo.

Phân kỳ phóng đại

Phân kỳ phóng đại được chia làm hai loại là chiều tăng và chiều giảm. Khi quá trình tích lũy đi ngang kết thúc, xu hướng mới sẽ được tạo ra, cụ thể:

Phân kỳ phóng đại tăng

Phân kỳ phóng đại tăng (Exaggerated Bullish Divergence) xuất hiện khi nến giá có 2 đáy bằng nhau; tuy nhiên, chỉ báo lại có xu hướng tăng. Đây là hai dấu hiệu cho thấy quá trình tích lũy kết thúc và chuẩn bị cho xu hướng tăng mới. Đây là điểm mua hợp lý cho nhà đầu tư để có vị thế tốt.

Phân kỳ phóng đại giảm

Phân kỳ phóng đại giảm (Exaggerated Bearish Divergence) xuất hiện khi nến giá có chiều hướng tích lũy và chỉ báo có xu hướng giảm. Đây là dấu hiệu cho thấy quá trình tích lũy sắp kết thúc và giá cổ phiếu sẽ giảm. Nhà đầu tư nên bán cổ phiếu để tránh rủi ro giảm giá của thị trường chung.

Các chỉ báo nhận diện & xác định phân kỳ

Các chỉ báo kỹ thuật cũng có thể đưa ra loại tín hiệu này. Một số chỉ báo kỹ thuật đưa ra tín hiệu này như MACD, RSI, Stochastic,…Hãy cùng tìm hiểu các chỉ báo này.

MACD

Phân kỳ của chỉ báo MACD và nến giá
Phân kỳ của chỉ báo MACD và nến giá

Chỉ báo MACD là chỉ báo xét đến động lượng của nến giá và xác định xu hướng giá tiếp theo. Chỉ báo này được cấu tạo bởi 2 đường trung bình động (EMA) và biểu đồ cột (MACD Histogram). Hai đường EMA sẽ di chuyển lên xuống đường số 0 ở giữa biểu thị cường độ của nến giá. Đường EMA di chuyển nhanh hơn là tín hiệu.

Đường MACD khi chuyển động ở trên đường 0 thì giá đang trong xu hướng tăng, ngược lại nếu di chuyển ở dưới thì giá trong xu hướng giảm. Khi nến giá và chỉ báo đi ngược lại cho thấy đây là giai đoạn sắp đảo chiều của cổ phiếu. Đây được xem là tín hiệu đảo chiều xu hướng khá chất lượng cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn nên kết hợp cùng các chỉ báo như Bollinger Bands, SMA,…để tránh sự chủ quan đến từ chỉ báo MACD.

Chỉ báo RSI

Chỉ báo RSI là chỉ báo thể hiện sức mạnh của cổ phiếu qua động lượng. RSI chạy từ 0-100, trong đó, nếu cổ phiếu trên 70 cho thấy đang trong trạng thái quá mua, nhà đầu tư nên cân nhắc không nên mua vào; còn nếu cổ phiếu dưới mốc 30 cho thấy cổ phiếu đã quá bán, nhà đầu tư có thể đợi những nhịp hồi phục để bán ra. 

Phân kỳ của chỉ báo RSI và nến giá
Phân kỳ của chỉ báo RSI và nến giá

Chỉ báo RSI là chỉ báo xuất hiện hiện tượng này khá phổ biến. Khi xảy ra Bullish Divergence tức RSI liên tục tạo đỉnh và nối nhau, ngược lại nến giá có xu hướng giảm, đây là tín hiệu mua khá mạnh cho nhà đầu tư. Ngược lại khi xảy ra Bearish Divergence, đáy sau của RSI thấp hơn đáy trước và nến giá đang trong chiều hướng tăng, đây là tín hiệu cho thấy động lượng đã suy yếu và cổ phiếu khả năng cao sẽ đảo chiều từ tăng sang giảm.

Nhà đầu tư nên kết hợp Bullish Divergence cùng với vùng giá quá bán để thực hiện lệnh mua; điều này là tối ưu vì tận dụng được hai trường hợp tốt. Nhà đầu tư nên bán cổ phiếu khi đang xảy ra Bearish Divergence cùng với cổ phiếu đang trong trạng thái quá bán. 

Stochastic

Chỉ báo Stochastic cho nhà đầu tư biết được động lượng của cổ phiếu qua việc so sánh giá đóng cửa phiên hiện tại so với 14 phiên trước đó (thường là 14 phiên). Chỉ báo động lượng này được cấu thành bởi hai đường là %K và %D (đường chỉ báo và tín hiệu). Chỉ báo này sẽ đi từ giới hạn 0-100 và thường dao động trong khoảng 20 đến 80. 

Nếu cổ phiếu dao động trên mức 80 nghĩa là đang trong vùng giá quá mua. Còn nếu cổ phiếu đang ở dưới mốc 20 cho thấy đang trong mức quá bán. Chỉ báo động lượng này có tần suất xuất hiện hiện tượng này khá cao. 

Tương tự như hai chỉ báo trên, khi đang trong Bullish Divergence, nến giá giảm và chỉ báo sẽ đi ngược lại và đây sẽ là điểm mua thích hợp cho nhà đầu tư. Ngược lại trong xu hướng giảm, nến giá tăng và chỉ báo có xu hướng giảm, nhà đầu tư nên bán cổ phiếu để tránh rủi ro.

Những lưu ý khi sử dụng phân kỳ

Phân kỳ là hiện tượng phổ biến xuất hiện trong mỗi xu hướng tăng giảm của thị trường. Tuy nhiên, những tín hiệu từ hiện tượng này không hoàn toàn chính xác. Những lưu ý sau sẽ dành cho nhà đầu tư khi sử dụng tín hiệu này:

  • Nhà đầu tư chỉ nên xem hiện tượng này là một tín hiệu không hoàn toàn đúng và phải chọn lọc.
  • Nên theo dõi xu hướng chính của thị trường trước khi sử dụng tín hiệu này.
  • Nhà đầu tư nên chú ý khối lượng và thời gian tồn tại của hiện tượng này. Nếu thời gian tồn tại quá dài thì nên kiên nhẫn đợi quá trình pullback (chuyển động phi xu hướng chính) để có được tín hiệu giao dịch tốt hơn. 

Ví dụ về phân kỳ trên thị trường hiện nay

Phân kỳ của chỉ báo RSI và chỉ số VNINDEX hiện nay
Phân kỳ của chỉ báo RSI và chỉ số VNINDEX hiện nay

Như hình minh họa phía trên, thị trường đang xảy ra Bullish Divergence (tín hiệu tăng). Nến giá trong ngắn hạn đang có xu hướng giảm giá, chỉ báo RSI đang có xu hướng di chuyển lên. Trong trường hợp này, vì tín hiệu này đang xảy ra trong ngắn hạn, nhà đầu tư nên kết hợp với các chỉ báo kỹ thuật khác như Bollinger Bands, SMA,…cùng các thông tin kinh tế vĩ mô để đưa ra quyết định đầu tư tránh được các rủi ro trong ngắn hạn.

Kết luận

Khi hiểu được phân kỳ là gì, nhà đầu tư có được một tín hiệu đảo chiều chất lượng trong thị trường. Hiện tượng này được xuất hiện trên nhiều chỉ báo kỹ thuật khác nhau, việc kết hợp các chỉ báo này giúp nhà đầu tư có quyết định chính xác hơn trong quá trình đầu tư.  

ads-3
share facebook
Author

Tác giả:

Lê Lâm

Đã đóng góp: 1 bài viết

Bài viết liên quan