Phân tích kỹ thuật | 02/11/2022
Phiên phân phối là gì? Cần làm gì khi phiên phân phối diễn ra?
Phiên phân phối là sự kiện tất yếu xảy ra sau quá trình tăng giá mạnh của cổ phiếu. Nhà đầu tư phải nên có những hành động phù hợp trong các phiên này. Vậy phiên phân phối là gì? Ý nghĩa của phiên này như thế nào? Nhà đầu tư đang “ôm” cổ phiếu sẽ phải xử lý tài khoản ra sao? Hãy cùng tìm hiểu cùng DNSE dưới bài viết này nhé!
Phiên phân phối là gì?
Phiên phân phối (ngày phân phối) được định nghĩa là phiên giao dịch mà chỉ số chung giảm lớn hơn 0,2% đạt khối lượng cao hơn phiên trước đó. Chỉ số chung được đề cập phía trên là VNINDEX và VN30. Khi khối lượng tăng mạnh hơn những ngày trước đó nhưng nến giá không còn lên cao nữa; khả năng lớn là ngày phân phối sắp diễn ra.
Ngày phân phối có thể xảy ra với toàn thị trường cũng có thể chỉ là một vài cổ phiếu. Tất nhiên, những cổ phiếu này không đại diện cho toàn thị trường. Những cổ phiếu đã được thổi giá cao đến một mức giá nhất định; “đội lái” sẽ làm giá biến động để “vờn” nhà đầu tư với khối lượng lớn. Họ thực hiện việc tự mua bán tạo ra cầu giả, thu hút nhà đầu tư mới; sau đó thực hiện những ngày phân phối; hay còn gọi là “trao tay” cổ phiếu cho nhà đầu tư.
Ý nghĩa của phiên phân phối
Như phần trên đã đề cập, phiên phân phối là sự kiện tất yếu phải xảy ra sau quá trình tăng giá. Những ý nghĩa của phiên “xả hàng” cụ thể như sau:
- “Rũ bỏ” nhà đầu tư để tiếp tục tăng: Cổ phiếu trong giai đoạn tăng giá cần có những phiên kiểm định lại đáy để lấy động lực tăng giá cao hơn.
- Đưa cổ phiếu (thị trường) về giá trị thực: Ngày phân phối xảy ra cùng việc thị trường quay đầu điều chỉnh, việc này “vô tình” đưa cổ phiếu về giá trị thực trước khi nhà đầu tư FOMO mua đuổi.
- Hiện thực hóa lợi nhuận của “nhà tạo lập”: Việc các nhà đầu tư F0 thiếu kiến thức, FOMO “đu đỉnh”; lúc này, các phiên “trao tay” cổ phiếu sẽ hiện thực hóa lợi nhuận cho “nhà tạo lập” thị trường.
Bao nhiêu phiên phân phối là xấu?
Phiên phân phối xảy ra là xu hướng tất yếu trong quá trình tăng giá. Việc xảy ra 1-2 ngày phân phối trong một quá trình tăng giá là không ảnh hưởng nhiều đến xu hướng. Đồng thời, trong những phiên này, việc “thanh lọc” nhà đầu tư cũ và tiếp tục tăng giá là việc “nên” xảy ra trong quá trình vận động. Vậy bao nhiêu ngày phân phối là xấu với thị trường chung?
Trích từ cuốn sách “Làm giàu từ chứng khoán” của tác giả William O’neil đã nêu lên: “Sau bốn hoặc năm ngày phân phối xảy ra trong từ bốn hoặc năm tuần; thị trường chung sẽ quay đầu điều chỉnh”. Vậy số ngày phân phối dưới bốn hoặc năm là điều kiện an toàn.
Cần làm gì khi xảy ra phiên phân phối?
Khi số lượng ngày phân phối xảy ra theo phát biểu trên, tức là từ bốn đến năm ngày giao dịch, xu hướng điều chỉnh sẽ diễn ra. Lúc đó, nhà đầu tư chưa nhận ra dấu hiệu trên vẫn “ôm” cổ phiếu; cho đến khi thị trường có những pha giảm điểm mạnh mới nhận ra những ngày phân phối cổ phiếu đã đi qua.
Lúc này, những mức hỗ trợ ngắn hạn của cổ phiếu đã bị phá vỡ, nến giá tiếp tục thì đà giảm có thể trong trung hạn hoặc xa hơn. Nhà đầu tư có thể quan sát mức đỉnh trước của nến giá, nếu nến giá chưa rơi ở vị trí thấp hơn đỉnh trước, nhà đầu tư có thể “canh để ra hàng” sau nhịp kiểm định. Tuy nhiên, trường hợp này rất khó, vì ngày phân phối đã diễn ra 4-5 ngày thì nến giá nhiều khả năng đã thấp hơn đỉnh trước của cổ phiếu.
Nhà đầu tư cần có những hành động hợp lý trong các phiên này, cụ thể:
- Đánh giá cổ phiếu nắm giữ. Bán các cổ phiếu đầu cơ “lướt sóng”, xem xét cơ cấu cổ phiếu mạnh và có cơ bản.
- Giữ tài khoản ở mức an toàn. Trường hợp có sử dụng margin, cổ phiếu cần bán sớm đưa tài khoản về mức độ an toàn nhất, tránh “cháy tài khoản”.
- Tiền mặt là vua (Cash is King). Đưa tỷ lệ tiền mặt cao nhất có thể, đợi những phiên wash out để có điểm mua hợp lý.
Thời điểm phiên phân phối mất hiệu lực
Phiên phân phối được đếm trong các phiên giao dịch cũng có thể bị mất hiệu lực. Có nhiều ý kiến trái chiều về việc đếm số ngày phân phối trong một giai đoạn nhất định của thị trường. Tuy nhiên, có thể cho rằng ngày phân phối đó mất hiệu lực nếu:
- Ngày phân phối không tiếp diễn xảy ra trong 20 – 25 phiên kể từ khi xuất hiện.
- Thị trường chung bật tăng 5% trở lên so với điểm số của ngày phân phối trước.
- Nhiều phiên thị trường tăng mạnh nhưng có thể là bùng tăng “giả”. Thị trường cố gắng tăng cao hơn các ngày phân phối trước đó; đây có thể là “bẫy” tạo cầu giả của tổ chức nhằm thu hút nhà đầu tư. Khối lượng bán chủ động sẽ là dấu hiệu rõ ràng cho ngày phân phối.
Kết luận
Phiên phân phối thường xảy ra khi nhà đầu tư mua từ đầu chốt lãi. Những người mua sau theo hiệu ứng FOMO sẽ phải quan sát kỹ trong các phiên “trao tay” cổ phiếu này. Hành động kịp thời và hợp lý là điều nên được ưu tiên.