Doanh nghiệp | 12/04/2023

Popeyes – Thương hiệu gà rán được thành lập nhờ KFC

Hơn 50 năm chinh phục thực khách trên toàn thế giới, Popeyes đang là một trong những thương hiệu hàng đầu về đồ ăn nhanh. Mời bạn cùng thực hiện một chuyến đi xuyên thời gian để tìm hiểu về sự hình thành và phát triển của họ.

Doanh nhân tài ba với phương châm kinh doanh đầy cảm hứng

Alvin Charles Copeland - cha đẻ của Popeyes
Alvin Charles Copeland – cha đẻ của Popeyes

Alvin Charles Copeland, hay “Big Al” là một doanh nhân sinh năm 1944 tại New Orleans,  Mỹ. Ông đã trải qua một tuổi thơ đầy gian nan khi cha mẹ ly dị, một mình mẹ ông phải vật lộn để nuôi lớn 3 đứa trẻ. Cuối cùng, cả gia đình phải ở tại khu nhà và sống bằng trợ cấp xã hội.

Năm 16 tuổi, ông nghỉ học và làm công việc rót soda tại cửa hàng Schwegmann Brothers Giant Supermarkets ở Gentilly và sau đó chuyển sang bán đồ ăn cho trẻ em hãng Gerber. Hai năm sau, Copeland quyết định bán chiếc xe của mình cộng với số tiền tích góp từ trước, ông mở một cửa hàng bánh Donut có tên Tastee Donut. Tuy tình hình buôn bán không mấy khả quan, nhưng đã giúp cho ông có kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng.

Popeyes – Sức hút của hương vị cay nồng Louisiana

Vào thời điểm đó, nhận thấy KFC đang là một nhà hàng gà rán phát triển nhất nước Mỹ, Alvin Copeland quyết định sẽ tạo ra một thương hiệu của chính mình, nhằm cạnh tranh trực tiếp với “ông vua gà rán”. 

Tháng 6/1972 ông khai trương nhà hàng “Chicken on the Run” tại vùng ngoại ô Arabi của New Orleans, chuyên phục vụ các món gà rán truyền thống của miền Nam. Ông đánh vào yếu tố nhanh như McDonald’s với khẩu hiệu: “Gà rán sẽ có trước cả khi bạn nhận được tiền thừa”. 

Tuy nhiên, do chưa có nhiều kinh nghiệm đánh giá tiềm năng khách hàng và mặt bằng, nhà hàng đã phải đóng cửa chỉ sau vài tháng vì kinh doanh thua lỗ.

Nhưng chỉ bốn ngày sau, Alvin cho mở cửa trở lại với một công thức mới, sử dụng hỗn hợp gia vị Cajun của bang Louisiana. Lần này ông quyết định bán món gà cay theo phong cách New Orleans và đổi tên nhà hàng thành “Popeyes Might Good Chicken“, đặt theo tên của nhân vật Popeye Doyle trong phim The French Connection. Công thức mới này được khách hàng yêu thích, công việc kinh doanh của ông dần khởi sắc.

Không lâu sau, nhà hàng đổi tên thành Popeyes Famous Fried Chicken (Gà rán nổi tiếng Popeyes). Khi đó, Alvin biết rằng mình đang sở hữu một mô hình kinh doanh và công thức nấu ăn có thể thành công, vì vậy ông bắt đầu phát triển thương hiệu theo hướng nhượng quyền thương mại.

Vươn lên vị trí số 3 ngành đồ ăn nhanh tại Mỹ

Cửa hàng nhượng quyền đầu tiên được mở tại Baton Rouge vào năm 1976. Sau đó, tiếp tục mở rộng ra nhiều khu vực, quốc gia trong suốt những năm 1980, đây cũng chính là thời điểm thử nghiệm đổi mới thương hiệu.

Khẩu hiệu “Love that Chicken” mà Popeyes tạo ra để thể hiện sự yêu thích của khách hàng với sản phẩm của họ. Ba năm sau, hãng cho ra mắt bánh quy bơ sữa và trở thành một trong những món ăn đặc trưng không thể thiếu trong thực đơn. 

Năm 1989, Popeyes phát triển mạnh và đã có hơn 700 cửa hàng trong nước. Điều này giúp thương hiệu đạt đến ngang tầm với đối thủ khác và vươn lên vị trí số 3 trong lĩnh vực gà rán tại đất nước này, chỉ xếp sau Church’s Chicken và ông vua KFC.

Popeyes về tay America’s Favorite Chicken, Inc. (AFC)

Với tham vọng vươn lên vị trí số 1 trong ngành, Alvin Copeland đã đưa ra một quyết định táo bạo: mua lại thương hiệu Church’s Chicken. Thương vụ này giúp ông sở hữu hơn 2.000 cửa hàng trên toàn thế giới. Tuy nhiên, ông đã thất bại và Church’s Chicken khi đó trở thành gánh nặng tài chính khổng lồ. Chỉ sau 2 năm, Al đệ đơn xin phá sản vì không thể xoay xở tiền trả khoản nợ gần 400 triệu đô.

Một năm sau đó, tòa án đồng ý thành lập America’s Favorite Chicken, Inc. (AFC). Đây sẽ là công ty mẹ của cả Popeyes và Church’s, thuộc quyền sở hữu của các chủ nợ đã cho Al vay tiền. Về cơ bản, ông không còn sở hữu Popeyes. 

Tuy nhiên, trước đó vào năm 1984, ông thành lập công ty Diversified Foods & Seasonings với nhiệm vụ thu tiền bản quyền hàng năm cho công thức gà rán từ những cửa hàng nhượng quyền. Cụ thể, theo thỏa thuận đã ký, tính đến năm 2029, mỗi năm Popeyes phải trả phí 3,1 triệu đô để sử dụng công thức đã được cấp bằng sáng chế của Copeland.

Nhờ số tiền đó, ông vẫn tiếp tục mở những nhà hàng, quán ăn mới mang tên mình nhưng không thể chạm tới thành công như trước. Ông qua đời vào năm 2008 vì căn bệnh u tuyến nước bọt, để lại gia tài cho người con Alvin Copeland Junior.

Thương hiệu dưới tay chủ mới và sự phát triển đầy bản lĩnh trên thị trường quốc tế

Năm 2008, cửa hàng thương hiệu thành Popeyes Louisiana Kitchen.
Năm 2008, cửa hàng thương hiệu thành Popeyes Louisiana Kitchen.

Dưới quyền sở hữu của AFC, Popeyes đã mở rộng mạnh mẽ đến các quốc gia như Malaysia và Australia, ghi nhận doanh số bán hàng vượt qua mốc 1 tỷ USD vào năm 1999. Vào năm 2001, AFC đưa Popeyes lên sàn chứng khoán với số vốn huy động lên đến 142.818.479 USD. Năm 2008, cửa hàng một lần nữa đổi tên thương hiệu thành Popeyes Louisiana Kitchen.

Việt Nam đã chào đón cửa hàng Popeyes đầu tiên vào tháng 1 năm 2013, tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7, TP. Hồ Chí Minh. Đem hương vị gà rán nổi tiếng của vùng Louisiana nước Mỹ giới thiệu đến thực khách Sài Gòn, nó đã nhanh chóng trở thành một trong những thương hiệu ẩm thực phổ biến tại đây. Sau 10 năm phát triển, hiện nay Popeyes đã có 40 cửa hàng tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Popeyes tại Việt Nam
Popeyes tại Việt Nam

Đặc biệt, vào ngày 17 tháng 6 năm 2014, thương hiệu nhà hàng cuối cùng đã giành lại quyền sở hữu công thức từ Diversified Foods & Seasonings với giá 43 triệu USD. Sau đó, thương hiệu này được mua lại bởi Restaurant Brands International với giá 1,8 tỷ USD vào ngày 21 tháng 2 năm 2017.

Hiện nay, Popeyes là một thương hiệu lớn trên toàn cầu với hơn 3.700 cửa hàng. Theo thời gian, nó vẫn giữ được vị trí yêu thích với khách hàng nhờ vào món gà rán phong cách Louisiana đậm đà và các món ăn phụ hấp dẫn.

ads-3
share facebook
Author

Tác giả:

Hoàng Quỳnh Anh

Đã đóng góp: 1 bài viết

Bài viết liên quan