Kiến thức tổng quan | 22/11/2022

Quá trình khởi nghiệp diễn ra như thế nào?

Startup hay khởi nghiệp luôn là sự lựa chọn đầy hấp dẫn với các bạn trẻ, đặc biệt là thế hệ GenZ. Nhưng nhiều người còn đang thắc mắc rằng khi đã có ý tưởng nhen nhóm rồi thì bước tiếp theo cần làm gì? Bài viết dưới đây sẽ cho bạn biết quá trình khởi nghiệp được diễn ra như thế nào.

Startup hay khởi nghiệp được diễn ra như thế nào?
Startup hay khởi nghiệp được diễn ra như thế nào?

Các giai đoạn của quá trình khởi nghiệp

Khởi nghiệp là một quá trình đầy khó khăn, giống như bạn đang trồng một cái cây, từ gieo mầm, chăm bón và đến đích cuối sẽ là hái quả. Bạn hãy nhớ rằng không có con đường nào là đường tắt và cũng chẳng có con đường nào là bằng phẳng. 

Trước khi bạn bắt đầu khởi nghiệp, hãy tìm hiểu các giai đoạn nhé:

Giai đoạn 1: Giai đoạn gieo hạt

Việc kinh doanh bắt đầu ở dạng ý tưởng hay suy nghĩ, nhưng nó lại là tiền đề để phát triển sau này. Lựa chọn sản phẩm, vạch ra một hướng đi khác biệt mới có thể phát triển trong một thị trường đầy thách thức như bây giờ.

Trọng tâm của giai đoạn này là tìm kiếm cơ hội, nâng cao kinh nghiệm cùng kỹ năng, xây dựng doanh nghiệp (cơ cấu, cố vấn, kế hoạch,…) và giải quyết vấn đề nguồn vốn.

Có thể nói, nguồn vốn là vấn đề cơ bản cũng là quan trọng nhất khi thành lập một doanh nghiệp. Hầu hết các startup đều cần vay mượn từ bạn bè, người thân, các nhà đầu tư cá nhân, hay đăng ký vay từ ngân hàng, chính phủ hoặc các tổ chức tài chính.

Giai đoạn 2: Giai đoạn khởi động

Khi đã có nguồn vốn, doanh nghiệp có thể tập trung vào phát triển và sản xuất sản phẩm của mình và tung ra thị trường. Giai đoạn này cũng là giai đoạn thử thách, bởi doanh nghiệp sẽ mất thời gian để định vị thương hiệu, vị thế, tìm kiếm các khách hàng trung thành. 

Đây là giai đoạn lợi nhuận thu về sẽ không được cao, đôi khi sẽ khiến bạn cảm thấy mệt mỏi. Nhưng không nên vì vậy mà nản lòng. Một nhà quản trị cần biết nhẫn nại, khảo sát thực tế nhu cầu từ khách hàng và chắc chắn rằng hướng đi của doanh nghiệp là đúng đắn. 

Giai đoạn khởi động
Giai đoạn khởi động

Giai đoạn 3: Giai đoạn phát triển

Sang đến giai đoạn này, doanh nghiệp đã có những bước đi vững vàng và có kinh nghiệm hơn. Doanh thu cùng với lượng khách hàng cũ và mới đều tăng lên. Tuy nhiên, lợi nhuận sẽ đi kèm với rủi ro và cạnh tranh cao. Sức ép đến từ các đối thủ cạnh tranh đặt ra thách thức trong việc tiếp tục kêu gọi được nguồn vốn. 

Để làm được thì nhà quản trị cần hoàn thiện kế hoạch kinh doanh và phương pháp điều hành. Nhịp độ tăng trưởng phụ thuộc vào sự vận hành của doanh nghiệp đó. Doanh nghiệp cần áp dụng hệ thống quản lý, phương pháp tính toán và có đội ngũ nhân viên chất lượng cao để xử lý tốt các vấn đề phát sinh. 

Quản trị vừa là nghệ thuật vừa là khoa học, chủ doanh nghiệp cần vận dụng linh hoạt mọi thứ để đảm bảo sự thành công. Đó mới chính là chìa khóa của giai đoạn này. 

Giai đoạn 4: Giai đoạn ổn định

Nếu nói giai đoạn 3 là giai đoạn ‘thành niên” thì sang giai đoạn 4 sẽ là giai đoạn “trưởng thành”. Khi này, việc kinh doanh của doanh nghiệp tăng trưởng ổn định. Doanh nghiệp duy trì hoạt động cùng với lượng khách trung thành tăng cao, khẳng định vị thế trên thị trường.

Các phương án và kế hoạch đều được tính toán phù hợp với mục tiêu ổn định lâu dài của doanh nghiệp. Ngoài ra, đây cũng là thời gian chuẩn bị cho bước ngoặt mới. Do vậy, doanh nghiệp cần tăng năng suất hoạt động, thiết lập chu trình mới, tạo hình ảnh vững chắc hơn. Đồng thời cần tránh các tác nhân bên ngoài làm ảnh hưởng khiến doanh nghiệp bị suy yếu. 

Nguồn vốn để tái tạo, đổi mới của doanh nghiệp có thể lấy từ lợi nhuận hay các khoản đầu tư, viện trợ của ngân hàng, chính phủ. 

Giai đoạn 5: Giai đoạn mở rộng

Khách hàng đã quen thuộc với các sản phẩm của doanh nghiệp, vì thế, thay đổi chính là cốt lõi của giai đoạn này. Doanh nghiệp có thể hướng tới nhóm đối tượng mới, tung ra sản phẩm, dịch vụ mới,… Đây có thể là thách thức lớn cho người đứng đầu. 

Việc tiếp cận thị trường mới đòi hỏi tiền bạc và thời gian để nghiên cứu, tìm tòi và lên chiến lược. Tuy bước vào một lĩnh vực mới là nước đi mạo hiểm nhưng cũng là cơ hội để mở rộng quy mô và lợi nhuận của doanh nghiệp. 

Nguồn vốn cho giai đoạn này có thể kêu gọi từ các đối tác, các nhà đầu tư hay phát hành chứng khoán.

Giai đoạn mở rộng
Giai đoạn mở rộng

Giai đoạn 6: Giai đoạn suy thoái

Có thịnh tất có suy, sau thời gian phát triển mạnh mẽ, doanh nghiệp sẽ dần có sự suy yếu. Sự thay đổi về thị trường, kinh tế, xã hội làm cho doanh thu sụt giảm nhanh chóng. Đôi khi doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với tình trạng thua lỗ và nhiều vấn đề phát sinh. 

Vấn đề lớn nhất cần giải quyết là kéo dài thời gian để huy động thêm vốn từ bên ngoài đồng thời giải quyết các vấn đề bên trong doanh nghiệp. Vì thế, doanh nghiệp thường cắt giảm tối đa chi phí và nguồn vốn, đồng thời tìm ra hướng đi mới để vượt qua thời kỳ khủng hoảng. 

Không thể phủ nhận, vẫn có rất nhiều doanh nghiệp đến khi chuẩn bị phá sản nhưng lại hồi sinh vào phút cuối. Tuy nhiên, những trường hợp này không nhiều, nên chủ doanh nghiệp không nên đặt quá nhiều kỳ vọng. 

Giai đoạn 7: Giai đoạn tan rã

Giai đoạn này là thời điểm mà doanh nghiệp tan rã, phá sản, chấm dứt tất cả công việc kinh doanh. Vị thế doanh nghiệp đã không còn như xưa, thua lỗ trầm trọng không thể cứu vớt được nữa, nhân viên rời bỏ tổ chức. 

Cuối cùng, nhà quản trị sẽ phải đưa ra quyết định, có thể là thông báo phá sản hoặc thỏa thuận mua bán, chuyển nhượng kinh doanh,… Đây là thời gian chấm hết của quá trình khởi nghiệp.

Một số lưu ý trong quá trình khởi nghiệp

7 giai đoạn khởi nghiệp là như vậy, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng đều trải qua các giai đoạn như nhau. Có một số doanh nghiệp chỉ mới thành lập, từ giai đoạn khởi động liền bước sang giai đoạn tan rã. Cũng có doanh nghiệp phát triển vững chắc và ổn định trong thời gian dài.

Bất kì thị trường nào cũng luôn có cơ hội và thách thức. Điều mà mỗi startup cần là luôn bình tĩnh, kiên nhẫn, có những chiến lược để doanh nghiệp vượt qua thách thức. 

Một số lưu ý trong quá trình khởi nghiệp
Một số lưu ý trong quá trình khởi nghiệp

Và trong quá trình khởi nghiệp này, các startup cần biết một số lưu ý như sau:

Chuẩn bị vốn đầy đủ trong giai đoạn đầu tiên

Nguồn vốn là điều quan trọng của bất kì một doanh nghiệp nào xuyên suốt từ giai đoạn gieo mầm đến giai đoạn tan rã. Thành công hay thất bại của doanh nghiệp đều gắn liền với nguồn tiền. Thời gian đầu, doanh nghiệp có thể không được thuận lợi như mong muốn. Vì vậy, trước khi khởi nghiệp, hãy chuẩn bị đủ số vốn cần thiết trong khoảng từ 1- 2 năm.

Luôn bình tĩnh, có một tinh thần thép

“Thất bại là mẹ thành công”, không phải ai cũng luôn thành công trong lần thử đầu tiên mà người luôn kiên trì mới là người chiến thắng. Không ít người thất bại một hai lần liền đánh mất động lực rồi buông xuôi, đánh mất mọi thứ. 

Khởi nghiệp gian nan nhưng nó vẫn sẽ có cơ hội cho những người bền bỉ, bình tĩnh trước giông bão. Chỉ cần bạn không bỏ cuộc thì sẽ tìm thấy cơ hội cho bản thân.

Có một người đồng hành khởi nghiệp

Muốn đi nhanh thì đi một mình nhưng muốn đi xa thì đi cùng nhau. Đôi khi một mình bạn sẽ không thể nào kiểm soát được tất cả mọi thứ. 

Nếu có một người đồng hành đi cùng thì gánh nặng trên vai cũng sẽ được san sẻ bớt. Người đó cũng có thể đưa ra ý kiến, lời khuyên dành cho bạn. Sự thấu hiểu, đoàn kết, đồng lòng vì mục tiêu chung sẽ là chìa khóa thành công của bất kì một doanh nghiệp nào.

Tiết kiệm chi phí và cân bằng chi tiêu

Cạn kiệt tài chính là con đường dẫn đến thất bại. Những doanh nghiệp mới thường đổ khá nhiều tiền bạc vào nghiên cứu sản phẩm trong khi đó doanh thu lại chưa thể bù đắp được. 

Nguồn vốn là có hạn, vì vậy, hãy tiết kiệm chi phí, cắt bỏ những khoản không cần thiết, cân bằng với nguồn thu một cách hợp lý nhất. Nếu bạn không quá am hiểu thì hãy mời về một chuyên viên tài chính cố vấn, kế toán,… 

Con đường khởi nghiệp trải đầy chông gai, thành công chỉ dành cho những người dám nghĩ dám làm, kiên trì, nỗ lực. Trên đây là toàn bộ những thông tin liên quan đến quá trình khởi nghiệp, mong bài viết này sẽ giúp ích được cho bạn. Chúc bạn sẽ tìm được hướng đi cho bản thân.

ads-3
share facebook
Author

Tác giả:

Dương Huyền My

Đã đóng góp: 1 bài viết

Bài viết liên quan