Kinh tế | 15/06/2023
Quỹ đầu tư quốc gia là gì? Vai trò trong nền kinh tế các quốc gia
Các quỹ đầu tư quốc gia đóng vai trò khá lớn đối với nền kinh tế các nước và đang phát triển nhanh chóng về cả số lượng và chất lượng. Trong bài viết này sẽ cung cấp đầy đủ thông tin về quỹ đầu tư quốc gia.
Quỹ đầu tư quốc gia là gì?
Quỹ đầu tư quốc gia hay Sovereign Wealth Funds (SWF)
Quỹ SWF là quỹ đầu tư thuộc quyền sở hữu của nhà nước, chính phủ, hoặc một thực thể gồm các nhóm tiền có nguồn gốc từ thặng dư của đất nước tạo ra.
Dòng tiền từ SWF có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau, phổ biến nhất là doanh thu từ việc khai thác tài nguyên thiên nhiên như dầu hoặc khoáng sản. Một số các quỹ khác còn có nguồn tiền từ dự trữ ngân hàng, thặng dư thương mại, hoạt động ngoại tệ…
Hầu như, các quỹ này có định hướng về mục tiêu nhất định tùy thuộc vào nền kinh tế. Mỗi quốc gia thì đều có chiến lược đầu tư khác nhau, có thế dùng để mua trái phiếu, cổ phiếu, đầu tư các lĩnh vực tiềm năng có khả năng sinh lời.
Các loại quỹ đầu tư quốc gia
Hiện nay, theo Quỹ Tiền tệ quốc tế, Quỹ đầu tư quốc gia được phân thành 5 loại dựa vào mục tiêu hoạt động chính:
Quỹ bình ổn (Stabilization funds)
Quỹ bình ổn được lập ra với mục đích để ngăn chặn sự biến động giá quá mạnh của các hàng hóa trên thị trường (đặc biệt là giá dầu), giảm thiểu sự ảnh hưởng tiêu cực tới tài chính và nền kinh tế của một quốc gia. Mặt hàng thường được quỹ này này áp dụng là xăng dầu và khí đốt.
Quỹ tiết kiệm hoặc quỹ tiết kiệm cho tương lai (Saving funds)
Quỹ được dùng cho việc tích lũy tài chính cho tương lai.
Ví dụ: Ả Rập Saudi có nguồn tài nguyên dầu mỏ rất phong phú và dồi dào, nhưng đây là nguồn khoáng sản không thể tái tạo được. Vì lý do đó quỹ đầu tư của nước này đã phải có các danh mục để chuyển đổi thành các tài sản có thể tích lũy cho thế hệ về sau và cũng như các mục tiêu trong tương lai.
Quỹ dự trữ tài chính (Reserve investment corporations)
Quỹ dự trữ tài chính cơ bản được coi là một trong các khoản chi của nhà nước, được lập ra với mục đích chính là giảm chi phí nằm giữ tài sản hoặc cơ cấu đầu tư vào các dự án khác nhau phục vụ mục tiêu sinh lời.
Quỹ phát triển đầu tư quốc gia (Development funds)
Nguồn lực tài chính được ưu tiên dành cho các dự án phát triển kinh tế – xã hội, có lợi ích lớn như xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển các lĩnh vực về công nghiệp nhằm tạo ra ảnh hưởng tích cực tới sự tăng trưởng sản xuất của đất nước. Quỹ này sẽ tích lũy nguồn lực tài chính từ những năm có thặng dư tài chính lớn và sử dụng chúng để ổn định nền kinh tế trong các năm xảy ra thâm hụt.
Quỹ dự trữ hưu trí (Pension reserve funds)
Quỹ hưu trí là một định chế tài chính quản lý tiền hưu trí tự nguyện có hợp đồng giữa cá nhân và công ty, chính phủ. Trong suốt thời gian lao động, công ty hoặc người lao động có trách nhiệm đóng một khoản tiền nhất định để được nhận về khoản thu nhập thường xuyên sau khi về hưu hoặc hết khả năng lao động.
Không chỉ Việt Nam, nhiều nước trên thế giới hiện nay quỹ hưu trí hoạt động theo mô hình “pay-as-you-go” – tiền chi trả cho những người đã về hưu ở thời điểm hiện tại sử dụng từ nguồn quỹ lương do những người đang lao động chi trả.
Quỹ đầu tư quốc gia có vai trò gì trong nền kinh tế?
Quỹ đầu tư quốc gia đem lại lợi ích vô cùng lớn cho việc phát triển nền kinh tế. Vì vậy, SWF nhận được rất nhiều sự quan tâm đặc biệt từ các quốc gia, các công ty lớn và những chuyên gia tài chính.
Tác dụng phục hồi thị trường sau những cuộc khủng hoảng kinh tế
Sau những ảnh hưởng nghiệm trọng tới kinh tế vĩ mô mà cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997 đem lại, rất nhiều các nước nhận thức được vấn đề và tích cực tăng cường việc dự trữ các loại tài sản có tính thanh khoản cao, đánh dấu cột mốc quan trọng của quỹ đầu tư quốc gia.
Điều này dẫn đến nhiều nước đã phát triển để trở thành những chủ nợ mới. Cho nên, việc bình ổn lại kinh tế toàn cầu sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 được triển khai rất hiệu quả giúp thị trường thoát khỏi vũng lầy, phần lớn là nhờ các nước đã có các khoản đầu tư từ SWF.
Vai trò đối với các doanh nghiệp
Không chỉ có sự ảnh hưởng tới sự phục hồi kinh tế sau những cuộc khủng hoảng tài chính, SWF còn có những tác động tích cực đối với các doanh nghiệp. Theo lý thuyết tín hiệu, bất kỳ công ty nào sau khi nhận được những khoản đầu tư lớn thì đều tác động mạnh mẽ đến hoạt động của doanh nghiệp đó.
Các nghiên cứu đã chỉ ra sự trái ngược khi các công ty nhận được sự đầu tư từ nhỏ lẻ và các quỹ lớn như SWF chính là sự giám sát. Các nhà đầu tư nhỏ lẻ sau khi thực hiện đầu tư sẽ ít quan tâm đến các công tác liên quan đến quản lý doanh nghiệp mà họ góp vốn, nhưng đối với các quỹ lớn thì điều này lại ngược lại.
Chính lý do đó, các doanh nghiệp nhận được sự đầu tư từ quỹ SWF sẽ không chỉ hoạt động tốt hơn mà còn tăng được giá trị công ty.
Vai trò đối với các dự án xã hội phi lợi nhuận
Đầu tư của chính phủ đối với các dự án còn là theo đuổi mục đích xã hội phi lợi nhuận. Các doanh nghiệp phải cân nhắc việc sử dụng, tuyển dụng nguồn lao động, công nghệ sản xuất để phù hợp với các chính sách xã hội của nhà nước khi nhận được nguồn đầu tư từ quỹ đầu tư quốc gia.
Kể cả khi quỹ SWF không chủ động can thiệp vào các quyết định thì việc lựa đầu tư cho các loại hình doanh nghiệp nhất định ( doanh nghiệp đóng vai trò mũi nhọn của ngành kinh tế) cũng là mục đích phi lợi nhuận và phục vụ xã hội.
Đa dạng hóa danh mục đầu tư
Một số quỹ SWF còn được các quốc gia lập ra với mục đích đa dạng nguồn thu từ các lĩnh vực đầu tư khác nhau.
Ví dụ điển hình các nước Trung Đông, với trữ lượng dồi dào và nguồn thu phụ thuộc rất nhiều dầu mỏ. Do vậy, các đất nước này thường sở hữu những quỹ SWF có giá trị lớn nhất thế giới để có thể chống lại rủi ro từ những cuộc khủng hoảng liên quan đến dầu mỏ.
Phần lớn nguồn tiền từ quỹ lớn tại các quốc gia này là từ cuộc khủng hoảng dầu mỏ 1970-1980, họ là một trong các quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất sau khi giá dầu tăng giá đột biến.
Kết
Các quỹ đầu tư quốc gia đóng vai trò rất quan trọng đối với doanh nghiệp cũng như cho các quốc gia. Tuy nhiên, nó cũng đem lại khá nhiều nghi ngại bởi sự minh bạch. Trên đây là những thông tin về quỹ đầu tư quốc gia,hy vọng sẽ giúp các bạn hiểu được tầm quan trọng của nó đối với nền kinh tế.