Doanh nghiệp | 04/04/2023
Rolex – Hãng đồng hồ Thụy Sĩ nhưng do người Đức sáng lập
Khi nhắc tới đồng hồ, hầu hết chúng ta đều nghĩ ngay tới Rolex, hãng đồng hồ Thụy Sĩ nổi tiếng bậc nhất thế giới.
Câu chuyện của người sáng lập thương hiệu Rolex – Hans Wilsdorf
Hans Eberhard Wilhelm Wilsdorf sinh ra tại Kulmbach, Bavaria, Đức vào ngày 22/3/1881. Cha ông là chủ cửa hàng vật dụng còn mẹ ông là con cháu trong gia đình Maisel Bavarian chuyên sản xuất rượu.
Bất hạnh ập đến khi cả cha và mẹ của Wilsdorf qua đời năm ông 12 tuổi. Do chưa đủ khả năng kế nghiệp gia đình nên chú của Wilsdorf quyết định bán cơ nghiệp đang phát triển thịnh vượng mà bố mẹ Wilsdorf để lại. Từ đây, ông và các anh chị em ruột chuyển tới sống cùng cô và chú họ.
Năm 18 tuổi, Wilsdorf đi học tại trường nội trú ở Coburg của nước Đức, ông là một học sinh xuất sắc về toán học và ngôn ngữ, đặc biệt là tiếng Anh. Sau khi tốt nghiệp, Wilsdorf vào làm tại một công ty phân phối ngọc trai, bắt đầu học hỏi về thương mại thế giới và ngành công nghiệp đồ trang sức..
Cho đến 1 ngày, Wilsdorf được một người bạn giới thiệu vào làm ở công ty Cuno-Korten – 1 trong những công ty sản xuất đồng hồ có tiếng nhất thời bấy giờ. Công ty đó tọa lạc ở Le-Chaux-de-Fonds – thành phố ông hằng ao ước được tới.
Một thời gian sau, ông chuyển tới London và gia nhập một công ty bán đồng hồ khác với vị trí lớn hơn: Trưởng phòng sale. Trong 2 năm sống tại Anh, ông tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm về đồng hồ, ấp ủ giấc mơ tạo ra một thương hiệu đồng hồ của riêng mình.
Sự ra đời của Wilsdorf & Davis – đặt nền móng cho thương hiệu Rolex
Hai năm sau khi đến London, Wilsdorf đã gặp và quen được Alfred James Davis. Với kiến thức về tài chính và thương mại quốc tế của Davis cùng kinh nghiệm nhiều năm về đồng hồ của Wilsdorf, vào tháng 05/1905 họ quyết định cùng thành lập công ty Wilsdorf & Davis.
Ban đầu công ty chủ yếu nhập khẩu dòng đồng hồ cao cấp của Hermann Aegler từ Thụy Sĩ và bán lại cho những người tiêu thụ đồ kim hoàn trên thị trường. Những mẫu đồng hồ được biết đến sớm nhất của công ty Wilsdorf & Davis có ký hiệu là W&D.
Tuy nhiên, với công nghệ thời kỳ đầu thế kỷ 20, đồng hồ đeo tay thường xuyên xảy ra tình trạng sai giờ nên không được ưa chuộng nhiều bằng đồng hồ bỏ túi. Nhận ra điều đó, Wilsdorf đón đầu xu hướng và quyết tâm phát triển các loại đồng hồ đeo tay.
Wilsdorf bắt đầu lao vào nghiên cứu, tìm tòi. Thậm chí ông còn đi khắp nơi, gặp gỡ các nhà chế tác đồng hồ nổi tiếng để thảo luận và tìm ra cách khắc phục vấn đề đồng hồ bị chậm. Cuối cùng, ông nhập các linh kiện mới và có độ bền cao từ Thụy Sĩ về để hoàn thiện đồng hồ, giảm thiểu tối đa việc sai giờ.
Phát triển thương hiệu đồng đồ đình đám thế giới
Năm 1908, công ty Wilsdorf & Davis đổi tên thương hiệu là Rolex cho dễ nhớ, dễ viết. Rolex đã hoàn toàn tập trung vào chất lượng ngay từ chính sản phẩm đồng hồ đeo tay đầu tiên. Họ còn gửi những chiếc đồng hồ làm ra đến Đài thiên văn Thụy Sỹ để kiểm nghiệm và xác nhận tính chính xác. Ngay sau đó, loại đồng hồ đeo tay này được rất nhiều người ưa chuộng, đặc biệt là các binh lính tham gia Thế Chiến thứ nhất vì tính tiện lợi và chuẩn chỉ.
Dù doanh nghiệp phát triển rực rỡ nhưng do thuế ở Anh khá nặng khiến chi phí hoạt động của công ty tăng cao, lợi nhuận giảm. Vì vậy mà Wilsdorf buộc phải chuyển trụ sở chính về Thụy Sĩ.
Năm 1926, Rolex cho ra mắt Rolex Oyster với công nghệ chống nước hiện đại nhất thời bấy giờ. Chiếc đồng hồ này là sự khởi đầu cho hàng loạt tính năng đặc biệt, vượt xa các hãng đồng hồ thời đó. Có thể kể đến như tính năng lên dây tự động trên chiếc Rolex Oyster Perpetual năm 1931 hay thiết kế với mặt đồng hồ có hiện ngày của dòng Rolex Datejust được sản xuất năm 1945.
Ngoài ra, nguyên vật liệu để sản xuất một chiếc đồng hồ Rolex cũng rất đắt tiền. Từ các loại đá quý như sapphire, kim cương tới các kim loại chất lượng như thép không gỉ và vàng nguyên khối. Đặc biệt, Rolex có 1 loại thép mà chỉ riêng họ sở hữu mang tên thép 904L. Đây là loại nguyên liệu mà không một hãng đồng hồ nào trên thế giới chế tác được. Chất lượng cao đi kèm với sự bền bỉ giúp đồng hồ Rolex luôn hào nhoáng và ổn định qua hàng chục năm.
Điểm độc đáo của Rolex là hãng này không sản xuất đồng hồ một cách đại trà. Họ chỉ sản xuất một số lượng đồng hồ Rolex nhất định, gọi là phiên bản giới hạn và được chào bán qua các cuộc đấu giá khiến những chiếc đồng hồ này càng có giá trị.
Thêm vào đó, góp phần quan trọng vào thành công của Rolex phải kể tới chiến lược sử dụng KOL của họ. Những chiếc đồng hồ mang đến sự đẳng cấp bởi nó được đeo trên tay những người cực kỳ nổi tiếng như: Evelyn Laye, John Kennedy, Elvis Presley và đặc biệt là Roger Federer. Chiến thuật quảng cáo qua các KOL được Rolex áp dụng từ năm 1928 và đến giờ vẫn rất hiệu quả.
Quỹ Wilsdorf
Hans Wilsdorf mất năm 1960, toàn bộ quyền điều hành công ty được ông chuyển giao cho Quỹ Wilsdorf. Đây là một quỹ từ thiện được thành lập sau khi vợ ông qua đời. Nhờ đây là quỹ từ thiện nên Rolex không phải đóng một đồng thuế nào. Thương hiệu này cũng không lên sàn chứng khoán.
Ngày nay, Rolex được công nhận như một biểu tượng của uy tín, chất lượng và là thương hiệu đồng hồ xa xỉ nổi tiếng nhất thế giới, vượt qua những cái tên đình đám khác như Patek Philippe, Cartier, Hublot, Tissot…