Kiến thức tổng quan | 24/03/2023
Rolls Royce – 117 năm để biến những điều tốt nhất trở nên tốt hơn
Với hơn một thế kỷ hình thành và phát triển, Rolls Royce đã trở thành thương hiệu ô tô sang trọng hàng đầu trên thế giới. Các mẫu xe của hãng là sự kết hợp hoàn hảo giữa công nghệ và nghệ thuật. Nó không chỉ đơn thuần là một chiếc xe hay một thương hiệu mà còn là một tác phẩm biểu tượng cho sự đẳng cấp và thành công.
Henry Royce và hành trình vượt lên nghịch cảnh
Frederick Henry Royce, gọi tắt là Henry, sinh năm 1863 là em út trong một gia đình nghèo gồm 5 anh chị em tại Alwalton nước Anh. Cha mẹ ông điều hành một nhà máy xay bột mì nhưng công việc kinh doanh thất bại, gia đình chuyển tới London sinh sống.
Biến cố ập tới khi năm 1872, bố ông qua đời, Henry khi đó mới đi học được một năm và phải nghỉ để ra ngoài làm việc bán báo, gửi điện tín.
Năm 15 tuổi, ông bắt đầu học việc tại công ty Đường sắt Great Northern và được cử đi làm các công trình ở Peterborough. Những năm tháng nghèo khổ ảnh hưởng rất nhiều tới suy nghĩ của ông và làm động lực để ông quyết tâm vượt qua hoàn cảnh hiện tại. Henry dành một phần tiền kiếm được cộng với sự giúp đỡ của họ hàng để đi học vào thời gian rảnh. Ông học rất nhiều đặc biệt là ngoại ngữ và kỹ thuật điện.
Đến năm 17 tuổi, do không thể trang trải, Henry Royce buộc phải bỏ học để đi làm toàn thời gian cho một số công ty liên quan tới điện ở khắp nơi bao gồm Leeds, London và Liverpool. Sau hai năm vùi đầu vào công việc, ông tích lũy được kinh nghiệm và nhận vị trí kỹ sư trưởng của công ty điện Maxim – Weston. Niềm vui ngắn chẳng tày gang, năm 1884, công ty phá sản, Henry cũng vì thế mà thất nghiệp.
Không than thân trách phận, ông quyết định mở công ty riêng với khoản tiết kiệm 20 bảng Anh cùng người bạn lâu năm – Ernest Claremont đóng góp 50 bảng Anh. Họ bắt đầu nghiên cứu sản xuất phụ kiện tại một xưởng ở phố Cooke, Manchester có tên F.H.Royce and Company Ltd.
Henry và Ernest cặm cụi ngày đêm, làm việc hết năng suất và cuối cùng họ sản xuất ra được một sản phẩm mang tính thời đại, đó là chiếc chuông cửa chạy bằng điện. Nhờ thành công của nó mà họ có thêm tiền để sản xuất những đồ đạc phức tạp hơn đó là máy phát điện và cần cẩu điện. Năm 1899, công ty được đăng ký dưới tên Royce và có một nhà máy được mở tại Trafford Park, Manchester.
Sau sự suy giảm thương mại của Chiến tranh Thế giới thứ 2 và cạnh tranh về sản phẩm ngày càng tăng, Royce bắt đầu tập trung vào ô tô có động cơ và coi đây có thể là một sản phẩm tiềm năng cho công ty trong tương lai. Ông mua chiếc De Dion nhỏ đầu tiên vào năm 1901 và chiếc Decauville hai xi-lanh được mua vào năm sau đó. Nhưng tất cả đều không đáp ứng được yêu cầu của ông, chính vì thế Henry quyết định nghiên cứu và sản xuất ra chiếc xe của riêng mình. Tới năm 1904, ba chiếc xe đặc biệt mang tên “Royce 10” với động cơ hai xi-lanh ra đời. Một chiếc của ông, một chiếc được ông tặng cho người bạn của mình là Ernest Claremont và chiếc cuối cùng được bán cho một đại gia kiêm người đam mê xe hơi – Charles Rolls.
Cuộc gặp gỡ mang tính lịch sử của Henry Royce và Charles Rolls
Charles Rolls sinh năm 1877 trong một gia đình quý tộc giàu có, trái ngược hẳn với Henry. Ông học tại Cambridge và sở hữu cho mình một chiếc xe ngay khi mới 18 tuổi. Nhờ có điều kiện nên Charles được tiếp cận với máy móc từ khá sớm. Thấy được đam mê về xe cộ của con trai, bố Charles cấp vốn cho ông mở công ty kinh doanh ô tô có tên C.S.Rolls & Co.
Công ty này hoạt động theo hình thức nhập xe từ Pháp về bán cho khách hàng. Không chỉ đam mê xe, ông còn là một người thích các thử thách mạo hiểm. Đã có lần ông tham gia cuộc đua ô tô từ Paris sang Madrid, hơn trăm lần bay bằng khinh khí cầu và có hẳn máy bay riêng kèm tấm bằng phi công. Chính vì vậy, ông vẫn luôn săn lùng những mẫu xe xịn và hiếm có. Dù thích những chiếc xe ba, bốn xi-lanh, Rolls vẫn rất ấn tượng với chiếc xe Royce 2 xi-lanh của Henry. Họ đã có cuộc gặp gỡ định mệnh tại khách sạn Midland ở Manchester ngày 4/5/1904 và đi đến quyết định Rolls sẽ tiêu thụ tất cả những chiếc xe mà Royce chế tạo.
Tới năm 1906, Charles lúc này 27 tuổi còn Henry đã 41 tuổi. Dù tuổi tác chênh lệch khá lớn cộng thêm hoàn cảnh hoàn toàn trái ngược, nhưng Henry có kinh nghiệm hàng chục năm trong lĩnh vực chế tạo, sản xuất ô tô, còn Charles là một doanh nhân khét tiếng về xe hơi với mạng lưới rộng khắp cả nước. Hai người tạo thành một cặp đôi hoàn hảo.
Tuy nhiên như vậy là chưa đủ, họ cần một người xây dựng tầm nhìn và đưa thương hiệu đi đúng hướng. Vậy là Claude Johnson – đối tác của Charles Rolls gia nhập với vị trí giám đốc điều hành. Johnson sau này được coi là gạch nối của thương hiệu Rolls Royce nhờ những thành công mà ông mang lại.
Rất nhanh chóng, hãng cho ra mắt phiên bản đầu tiên “The Six-Cylinder” với công suất 10 mã lực, được giới thiệu tại triển lãm ô tô Paris Salon, Pháp với thông điệp: “Đây không phải một trong những chiếc xe tốt nhất. Đây chính là chiếc xe tốt nhất thế giới”. Nó được công chúng đón nhận nồng nhiệt và mong muốn sở hữu, đặc biệt là tầng lớp thượng lưu, khẳng định vị thế của mình trong giới xe cộ.
Hai ngày trước lễ Giáng sinh năm 1906, một thỏa thuận lịch sử đã được ký kết để công ty của Rolls độc quyền bán xe của Henry Royce ở Anh và quy định “Rolls Royce” sẽ là tên của những chiếc xe. Ngày 15/3/1906, Rolls Royce Limited chính thức được thành lập và chuyển về Derby hai năm sau đó.
“The Silver Ghost” – Huyền thoại của ngành công nghiệp ô tô
Không lâu sau, “The Silver Ghost – Con ma bạc” được ra mắt tại triển lãm Olympia (West Kensington, Anh) đã trở thành huyền thoại sống khi chạy quãng đường dài nhất 24.140km liên tục không nghỉ, được trang bị động cơ 6 xi-lanh, dung tích 7 lít, công suất ban đầu 48 mã lực và trở thành “chiếc xe tốt nhất thế giới” đo tạp chí Autocar đánh giá năm 1907. Cũng trong năm đó, công ty đã giành được giải thưởng về độ tin cậy kỹ thuật của những chiếc xe.
Vào tháng 7 năm 1910, trong một lần bay tại Bournemouth, chiếc máy bay Wright Flyer của Rolls gặp nạn khiến ông qua đời ở tuổi 32. Nén đau thương thành động lực, Henry quyết tâm đưa thương hiệu lên tầm cao mới như một cách tri ân tới người bạn đồng hành của mình. Ông làm không quản ngày đêm để mang tới những mẫu thiết kế sang trọng và bộ động cơ đạt đến mức hoàn hảo với triết lý: “Chất lượng trường tồn rất lâu sau khi người ta đã lãng quên về giá cả”.
Động cơ của Silver Ghost sau này còn được sử dụng làm nền tảng để chế tạo các xe bọc thép trong Chiến tranh Thế giới thứ I. Điều thú vị là độ tin cậy của chúng kết hợp với khung gầm mạ áo giáp được trang bị đặc biệt, khiến chúng trở thành một người bạn đồng hành hữu ích ngay trên chiến trường.
Từ năm 1907 đến năm 1923 đã có 7874 chiếc “Silver Ghost” xuất xưởng, trong đó có 1.701 chiếc được sản xuất tại nhà máy Springfield ở Mỹ. Năm 2019, một chiếc Silver Ghost được bán với giá 75 triệu USD khẳng định giá trị vượt thời gian của chiếc xe này.
Ngoài việc chế tạo ô tô, Henry còn tạo ra động cơ máy bay nhằm phục vụ cho nước Anh tham gia Thế Chiến. Vì làm việc cật lực, sức khỏe ngày càng đi xuống, Henry Royce qua đời ở tuổi 70 vào năm 1933.
Di sản mà Charles Rolls và Henry Royce để lại được những người kế nhiệm tiếp tục phát triển rực rỡ. Trong những năm tiếp theo, các mẫu xe như Phantom, Ghost, Wraith, Dawn, Cullinan ra đời và trở thành biểu tượng của sự giàu có và quyền lực.
Ý nghĩa biểu tượng và logo của Rolls Royce
Biểu tượng “”Spirit of Ecstasy”
Biểu tượng Spirit of Ecstasy được thiết kế bởi Charles Robinson Sykes vào năm 1911 và được đặt tên ban đầu là “The Whisper”. Tên gọi được đặt theo ý tưởng của Claude Johnson – Giám đốc điều hành Rolls Royce thời bấy giờ.Tại Hoa Kỳ, biểu tượng này còn có tên gọi khác là Emily hay Silver Lady và Flying Lady. Biểu tượng mô tả người phụ nữ trẻ vươn mình về phía trước, hai tay duỗi ra sau cùng vạt áo choàng thướt tha trong gió với một ngón tay đặt trên môi.
Nhiều nguồn tin cho rằng Eleanor Velasco Thornton – người phụ nữ thông minh, quyến rũ chính là nguồn cảm hứng mà Sykes đã chọn để làm ra “Spirit of Ecstasy”.
Cô là thư ký đồng thời là người tình bí mật của Bá tước John Scott Montagu. Năm 1902, Bá tước thành biên tập viên một tạp chí xe hơi và Thornton trở thành thư ký riêng của ông.
Ngày 30 tháng 12 năm 1915, cô qua đời do con tàu SS Perisa đâm trúng ngư lôi ngoài đảo Crete trong lúc đang đi cùng bá tước Montagu. Dù xuất thân khiêm tốn, địa vị xã hội thấp kém khiến cho mối tình của cô không được công khai nhưng nhờ tính cách hiện đại, phóng khoáng cùng trí thông minh và sự quyến rũ đã giúp cô trở thành một nhân vật có tầm ảnh hưởng trong ngành công nghiệp ô tô.
Logo Rolls Royce được chế tác bằng rất nhiều chất liệu khác nhau từ niken, crom, bạc tới pha lê, kim cương theo yêu cầu của khách hàng. Để tránh bị đánh cắp, nhà sản xuất đã trang bị tính năng thu gọn vào nắp ca-pô, chỉ xuất hiện khi khởi động xe.
Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, dù đã trải qua nhiều biến đổi nhưng những yếu tố cơ bản của bức tượng vẫn được giữ nguyên.
Logo xe Rolls Royce
Ngoài biểu tượng Spirit of Ecstasy, xe Rolls Royce còn có một biểu tượng khác là logo 2 chữ “R” lồng vào nhau được bao bởi một hình chữ nhật nằm dọc với các góc bo tròn. Không giống như những dòng xe khác, logo trên bánh xe của Rolls Royce được đặt trên một trục riêng độc lập khiến biểu tượng của hãng xe này vẫn được giữ nguyên không bị quay ngay cả khi xe chạy. Chữ lồng “RR” nhằm tôn vinh hai ông chủ đã mang chiếc xe nâng tầm đẳng cấp thế giới.
Không chỉ nổi tiếng về chất lượng, Rolls Royce cũng là biểu tượng của sự sang trọng và đẳng cấp. Các mẫu xe luôn được sản xuất và thiết kế độc đáo, tỉ mỉ từ những chi tiết nhỏ nhất đến những tính năng cao cấp nhất. Đặc biệt hơn cả chúng đều được thiết kế theo yêu cầu của từng khách hàng riêng biệt. Tất cả những yếu tố trên đã giúp thương hiệu luôn giữ vững được vị trí là dòng xe hạng sang cao cấp nhất trên thị trường trong suốt hơn 100 năm qua.