Tài chính - Ngân hàng | 12/09/2022

Room tín dụng là gì? Việc nới room tín dụng gây ảnh hưởng ra sao?

Room tín dụng là thuật ngữ quen thuộc trong ngành ngân hàng. Việc thay đổi room tín dụng gây ảnh hưởng lớn tới thị trường tài chính nói chung. Vậy room tín dụng là gì? Tại sao cần áp room tín dụng cho các ngân hàng thương mại? Cùng DNSE tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé.

Room tín dụng trong ngân hàng là gì?
Room tín dụng trong ngân hàng là gì?

Room tín dụng là gì?

Hiểu một cách đơn giản, room tín dụng là giới hạn cho vay của một ngân hàng. Việc quy định room tín dụng chính thức triển khai tại Việt Nam vào năm 2011 và vẫn tiếp tục được áp dụng đến nay. Mỗi đầu năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ quy định một mức tăng trưởng tín dụng tối đa của toàn ngành ngân hàng. 

Ví dụ: 

Đầu năm 2022, hạn mức tăng trưởng tín dụng dự kiến là 14%. Ngân hàng X có quy mô tín dụng là 100.000 tỷ đồng trong năm 2021. Như vậy năm 2022, ngân hàng này được phép cấp tín dụng dụng tối đa là:

                                                 100.000 x 114% = 114.000 tỷ

Vì sao Ngân hàng Nhà nước lại áp Room tín dụng cho mỗi ngân hàng?

Ngân hàng Nhà nước áp room tín dụng để làm gì?
Ngân hàng Nhà nước áp room tín dụng để làm gì?

Việc đặt ra quy định về room tín dụng nhằm mục tiêu kiểm soát việc tăng trưởng và chất lượng tín dụng trong hệ thống ngân hàng. Hai mục tiêu này luôn đi song hành với nhau.

Kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng

Trước khi áp dụng room tín dụng, tốc độ tăng trưởng tín dụng có thời điểm lên đến 30 – 50%. Tăng trưởng nóng như vậy vượt quá khả năng quản trị của các ngân hàng thương mại. Và tất yếu dẫn đến nhiều hệ lụy như mất cân đối vốn, mất khả năng thanh toán, lạm phát… Do đó, cần có một giới hạn nhằm đảm bảo an toàn trong việc cấp tín dụng ngân hàng.

Kiểm soát chất lượng tín dụng

Khi có một giới hạn tín dụng, các ngân hàng sẽ phải cẩn trọng hơn khi lựa chọn khách hàng. Các hồ sơ đầy đủ và minh bạch sẽ được ưu tiên, nhờ đó hạn chế nợ xấu phát sinh. 

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng siết room tín dụng trong một số lĩnh vực nhằm hạn chế sự tăng trưởng quá mức. Ví dụ, tín dụng lĩnh vực bất động sản đến tháng 6/2022 đã đạt trên 2,36 triệu tỷ đồng, chiếm 20,74% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống. Trong năm 2022, các ngân hàng đã bị hạn chế việc rót vốn tín dụng vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản, chứng khoán. 

Ngân hàng hết Room tín dụng là gì? Cần làm gì khi ngân hàng hết “Room”?

Với sự phục hồi sau đại dịch, nhu cầu tín dụng đang rất cao. Thực tế cho thấy tốc độ tăng trưởng tín dụng liên tục tăng nóng trong 8 tháng vừa qua. Tuy nhiên điều đó cũng khiến nhiều ngân hàng cạn room tín dụng. Cá nhân và doanh nghiệp có nhu cầu vay nhưng ngân hàng không thể giải ngân được. 

Vậy nếu bạn muốn vay tiền nhưng ngân hàng hết room thì sao? Trên thực tế, một số nhà băng lớn, có uy tín cao trong ngành vẫn còn room cấp tín dụng. Tuy nhiên, yêu cầu tương đối cao về hồ sơ vay vốn, tài sản đảm bảo và khả năng trả nợ. Ngoài ra, bạn có thể cân nhắc việc vay vốn tại các công ty tài chính trên thị trường. Hoặc tạm thời chờ đến khi room tín dụng được nới lỏng hơn. 

Nới room tín dụng ngân hàng là gì?

Nới room tín dụng là gì?
Nới room tín dụng là gì?

Trong một số trường hợp, Ngân hàng Nhà nước có thể “nới” room tín dụng. Đồng nghĩa với việc ngân hàng thương mại sẽ được phép cho vay vượt quá hạn mức tín dụng. Điều này được coi là tín hiệu đáng mừng cho cổ phiếu ngân hàng, bất động sản khi có cơ hội phát triển lớn hơn. Sau giai đoạn lợi nhuận bị chững, ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản có cơ hội khởi sắc trở lại. 

Tuy nhiên không phải mọi ngân hàng đều được nới room như nhau. Ví dụ, những ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn và quản trị rủi ro tốt như MB, Vietcombank, VP Bank… thường được cấp hạn mức tín dụng cao hơn. 

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước quyết định nới room tín dụng dựa trên hai cơ sở chính:

  • Kết quả xếp hạng từng ngân hàng theo các tiêu chí tại Thông tư 52/2018/TT-NHNN.
  • Theo chủ trương, định hướng điều hành của Chính phủ. Như tiêu chí giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, tiêu chí tổ chức tín dụng tham gia hỗ trợ xử lý các ngân hàng yếu kém… Điển hình MB và Vietcombank – các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng yếu kém – cũng có lợi thế room tín dụng.

Xem thêm: Cổ phiếu ngân hàng: +4 mã cổ phiếu ngân hàng tiềm năng

Kết

Có thể nói, room tín dụng là công cụ giúp Ngân hàng Nhà nước kiểm soát cả về số lượng và chất lượng tín dụng. Từ đó có thể điều tiết cung tiền, lãi suất và ổn định nền kinh tế từng thời kỳ. Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn giải đáp thắc mắc “room tín dụng là gì?”. Đừng quên ghé thăm DNSE để biết thêm nhiều thông tin bổ ích về tài chính – chứng khoán nhé.

ads-3
share facebook
Author

Tác giả:

DNSE Team

Đã đóng góp: 1 bài viết

Bài viết liên quan