Doanh nghiệp | 16/03/2023
Sale and Leaseback là gì? “Quân bài chiến lược” cho nhà quản trị doanh nghiệp
Sale and Leaseback là hoạt động bán và thuê lại, nó hình thành khi bên sở hữu tài sản (Seller) bán lại tài sản cho bên thứ ba (Buyer) và chủ động thuê lại tài sản đó. Cụ thể Sale and Leaseback là gì? Đâu là điểm khiến hoạt động này đang dần trở nên hấp dẫn hơn nơi các nhà quản trị doanh nghiệp? Hãy cùng DNSE tìm hiểu nhé!
Sale and Leaseback là gì?
Khái niệm
Sale and Leaseback – bán và thuê lại là hình thức bán tài sản cho một người hoặc công ty khác kèm điều kiện được thuê lại dài hạn từ người vừa mua tài sản đó.
Thông thường, việc cho thuê lại này được tiến hành để các công ty sở hữu những tài sản có giá trị như đất đai có thể quy đổi thành tiền mặt để sử dụng vào các mục đích kinh doanh khác.
Đặc điểm
Sale and Leaseback được hình thành khi bên sở hữu tài sản bán lại tài sản cho một đối tác và chủ động thuê lại tài sản đó. Lúc này, bên bán tài sản sẽ đóng vai trò bên thuê lại tài sản và bên mua tài sản sẽ trở thành bên cho thuê tài sản. Hình thức thuê lại có thể là thuê tài chính hay là Thuê hoạt động tùy vào thỏa thuận của hai bên.
Trên thực tế, Sale and Leaseback là một hình thức đặc biệt của phương thức thuê tài chính. Hoạt động này đang được áp dụng khá phổ biến trong các ngành sản xuất kinh doanh có giá trị tài sản lớn và chiếm tỷ trọng cao trong giá trị tài sản của doanh nghiệp như bất động sản, hàng không,…
Thuật ngữ liên quan
Dưới đây là một số thuật ngữ liên quan đến Sale and Leaseback:
- Operating Lease: Là thuật ngữ được biết đến với tên gọi thuê hoạt động. Đây là hình thức thuê tài sản trong thời gian ngắn hạn.
- Finance Lease: Là phương thức tài trợ tín dụng dài hạn không thể hủy ngang.
- Lessor: Bên cho thuê tài sản, thường là một công ty tài chính hoặc bên thứ ba.
- Lessee: Bên thuê tài sản, thường là công ty có nhu cầu sử dụng tài sản cố định như nhà xưởng, văn phòng, thiết bị,…
- Lease Term: Khoảng thời gian trong đó bên thuê có quyền sử dụng tài sản và trả tiền thuê cho bên cho thuê.
- Purchase Option: Quyền mua lại tài sản của bên thuê tại một thời điểm cụ thể trong thời hạn thuê.
- Net Lease: Loại hợp đồng cho thuê tài sản trong đó bên thuê phải chịu trách nhiệm cho mọi chi phí liên quan đến tài sản, bao gồm chi phí bảo trì, bảo dưỡng và thuế.
- Operating Lease: Loại hợp đồng cho thuê tài sản trong đó bên cho thuê vẫn giữ quyền sở hữu tài sản và bên thuê chỉ trả tiền thuê cho khoảng thời gian sử dụng tài sản.
- Capital Lease: Loại hợp đồng cho thuê tài sản được coi là một hợp đồng mua bán và bên thuê được coi là chủ sở hữu của tài sản trong suốt thời hạn thuê.
Các nghiệp vụ diễn ra trong Sale and Leaseback
Các nghiệp vụ diễn ra trong Sale and Leaseback bao gồm:
- Bán tài sản: Công ty bán tài sản cho bên thứ ba theo giá thỏa thuận.
- Ký kết hợp đồng thuê lại: Sau khi bán tài sản, công ty ký kết hợp đồng thuê lại với bên thứ ba để thuê lại tài sản.
- Thanh toán tiền thuê: Công ty trả tiền thuê cho bên thứ ba để sử dụng lại tài sản.
- Quản lý tài sản: Bên thứ ba quản lý tài sản được cho thuê và chịu trách nhiệm bảo quản, bảo dưỡng tài sản.
- Trả lại tài sản: Khi hợp đồng thuê lại kết thúc, công ty trả lại tài sản cho bên thứ ba hoặc gia hạn hợp đồng thuê lại.
- Tính thuế: Công ty phải tính thuế cho việc bán tài sản và phải khấu trừ chi phí thuê tài sản khi tính thuế.
Ở hình thức Sale and Leaseback, người thuê đã lần lượt với tư cách là người chủ sở hữu ban đầu, người sử dụng và người thuê tài sản. Còn người cho thuê sẽ chuyển từ vị thế người mua trở thành người chủ sở hữu và người cho thuê tài sản.
Ý nghĩa của Sale and Leaseback
Hình thức Sale and Leaseback là cách hiệu quả giúp doanh nghiệp vừa có thêm vốn. Nhất là đáp ứng được nhu cầu sử dụng vốn lưu động mà vẫn duy trì được việc sử dụng các tài sản. Đây là điều có ý nghĩa quan trọng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thường thiếu vốn kinh doanh và không có đủ điều kiện để vay vốn từ các tổ chức tài chính – ngân hàng.
Những lợi thế mà Sale and Leaseback mang lại
Chuyển đổi nguồn vốn kinh doanh thành tiền mặt
Trong Sale and Leaseback, chuyển đổi nguồn vốn kinh doanh thành tiền mặt là một trong những lợi ích chính của việc bán tài sản cố định và thuê lại tài sản này trong một khoảng thời gian cụ thể. Việc này có thể giúp cho doanh nghiệp có được nguồn vốn tài chính để đầu tư vào các hoạt động kinh doanh khác hoặc để trả nợ, tiết kiệm chi phí vay vốn.
Khi bán tài sản cố định, doanh nghiệp sẽ nhận được một số tiền mặt từ bên mua tài sản. Sau đó, doanh nghiệp sẽ thuê lại tài sản này từ bên mua trong một khoảng thời gian cụ thể với một mức giá thuê được thỏa thuận trước. Doanh nghiệp sẽ tiếp tục sử dụng tài sản như bình thường trong thời gian thuê và trả tiền thuê cho bên mua.
Tiết kiệm chi phí vốn
Khi doanh nghiệp bán tài sản cố định và thuê lại, họ có thể sử dụng số tiền thu được để trả nợ hoặc đầu tư vào các hoạt động kinh doanh khác, thay vì phải vay vốn từ ngân hàng hoặc các nguồn tài chính khác. Điều này giúp doanh nghiệp giảm chi phí liên quan đến việc vay vốn, bao gồm lãi suất, phí và các chi phí khác.
Bên cạnh đó, việc thuê lại tài sản giúp doanh nghiệp tránh được các chi phí liên quan đến việc sở hữu và quản lý tài sản, bao gồm chi phí bảo trì, sửa chữa và nâng cấp tài sản. Thay vì phải tự bảo trì và sửa chữa tài sản, doanh nghiệp có thể trả một khoản tiền thuê cố định hàng tháng cho bên mua tài sản và bên mua sẽ chịu trách nhiệm về việc bảo trì và sửa chữa tài sản.
Ngoài ra, việc thuê lại tài sản trong Sale and Leaseback cũng giúp doanh nghiệp giảm rủi ro liên quan đến giá trị tài sản. Thay vì phải chịu trách nhiệm về giá trị tài sản, doanh nghiệp chỉ cần trả tiền thuê cho bên mua tài sản và sử dụng tài sản để phục vụ hoạt động kinh doanh của mình.
Hưởng ưu đãi về chi phí thuê lại tài sản
Trong các thỏa thuận của hoạt động Sale and Leaseback, bên cho thuê thường đạt được những điều khoản huy động vốn và chi phí vay tốt hơn so với một chủ sở hữu tài sản thông thường. Với lợi thế này đã giúp các công ty thuê lại tài sản có thể giảm bớt một phần chi phí khi hoạt động.
Cải thiện hiệu quả sử dụng tài sản và xếp hạng tín dụng
Về bản chất, hoạt động Sale and Leaseback là việc công ty thuê lại một tài sản cố định (mang tính dài hạn) bằng một tài sản ngắn hạn (dòng tiền từ hoạt động bán tài sản).
Nếu hoạt động thuê lại được phân loại là thuê hoạt động thì đồng nghĩa với việc tài sản thuê và nợ vay sẽ không được vốn hóa vào tài sản. Trong trường hợp này, công ty thuê lại tài sản chỉ phải hạch toán chi phí thuê tài sản vào báo cáo hoạt động kinh doanh.
Do vậy, điều này sẽ giúp cải thiện các chỉ số liên quan đến hiệu quả sử dụng tài sản, các chỉ số thanh toán và đòn bẩy của doanh nghiệp. Vô hình chung, nó cũng góp phần gia tăng đáng kể xếp hạng tín dụng của doanh nghiệp.
Ví dụ về lợi ích của Sale and Leaseback
Một công ty sản xuất ô tô cần tăng cường vốn để mở rộng sản xuất. Tuy nhiên, họ đã đầu tư nhiều vào tài sản cố định như nhà xưởng và máy móc. Thay vì vay thêm tiền từ ngân hàng và chịu lãi suất cao, công ty quyết định áp dụng Sale and Leaseback.
Công ty bán tài sản cố định của mình cho một bên thứ ba, sau đó thuê lại tài sản này trong một khoảng thời gian cụ thể. Nhờ đó, công ty sẽ có một lượng tiền lớn ngay lập tức từ việc bán tài sản cố định, đồng thời không mất quyền sử dụng tài sản này vì họ vẫn đang thuê lại từ bên thứ ba.
Từ đó, công ty có thể sử dụng khoản tiền này để đầu tư vào việc mở rộng sản xuất, tăng cường năng lực cạnh tranh và tăng doanh số bán hàng. Hơn nữa, họ không phải trả lãi suất cho khoản vay từ ngân hàng mà thay vào đó chỉ phải trả tiền thuê hàng tháng cho bên thứ ba.
Ngoài ra, công ty còn giảm rủi ro về việc sở hữu tài sản cố định. Việc bảo trì, bảo dưỡng và sửa chữa các tài sản này sẽ do bên thứ ba chịu trách nhiệm, giúp công ty tiết kiệm được chi phí và tăng tính linh hoạt trong hoạt động kinh doanh.
Tóm lại, Sale and Leaseback là một cách để tăng cường vốn, giảm nợ và cải thiện khả năng vay vốn của công ty một cách hiệu quả.
Nhược điểm của Sale and Leaseback
Giảm tính linh động
Về cơ bản ở hoạt động Sale and Leaseback, quyền sở hữu tài sản sẽ được chuyển giao hoàn toàn cho phía bên thuê. Do vậy việc bán tài sản cố định và thuê lại có thể làm cho doanh nghiệp mất đi tính linh động trong việc sử dụng tài sản. Khi tài sản được bán và thuê lại, doanh nghiệp sẽ phải tuân theo các điều kiện của hợp đồng thuê, chẳng hạn như thời hạn thuê và giá thuê, mà không thể thay đổi dễ dàng như khi sở hữu tài sản.
Bên cạnh đó chi phí thuê thường sẽ cố định theo hợp đồng, trong trường hợp thị trường cho thuê tài sản có biến động thì bên đi thuê cũng sẽ không được điều chỉnh giảm giá thuê. Dễ nhận thấy nhất nhược điểm của hoạt động này là trong hoạt động kinh doanh của ngành Hàng không.
Mỗi năm các loại máy bay mới với hiệu suất tốt hơn và hiện đại hơn được “trình làng” đã khiến giá trị thị trường của tài sản này thường giảm dần theo thời gian. Vì lý do đó mà nhiều hãng hàng không lớn như Southwest Airline hay Ryanair không lựa chọn hoạt động Sale and Leaseback. Thay vào đó, họ theo đuổi cách tiếp cận những nguồn vốn vay ưu đãi, hoặc mua máy bay và tìm cách bán lại trong trường hợp giá trị thị trường giảm xuống mức thấp.
Không được hưởng lợi từ giá trị thanh lý của tài sản
Phải thừa nhận rằng, đây là một trong những điểm bất lợi lớn nhất mà các doanh nghiệp thuê lại tài sản phải đối diện. Lúc này, quyền sở hữu tài sản sẽ được chuyển giao hoàn toàn cho bên cho thuê. Do đó, doanh nghiệp thuê lại tài sản sẽ không được bất kỳ những lợi ích hay giá trị thanh lý của tài sản khi chấm dứt quá trình trích khấu hao.
Tuy vậy, doanh nghiệp thuê lại tài sản có thể tự tạo lợi thế cho mình bằng việc “gài” vào hợp đồng thuê điều khoản mua lại tài sản (hoạt động thuê tài chính). Tuy nhiên, điều này sẽ khiến doanh nghiệp thuê lại tài sản đánh mất những lợi ích so với việc lựa chọn hình thức thuê hoạt động như đã đề cập ở trên.
Chi phí thuê cao
Chi phí thuê trong Sale and Leaseback có thể cao hơn so với chi phí thuê thông thường trong các giao dịch thuê tài sản thông thường. Lý do cho điều này là khi thực hiện Sale and Leaseback, bên mua (thường là một công ty tài chính hoặc một nhà đầu tư bất động sản) cần lấy lại khoản đầu tư của mình và kiếm lợi nhuận từ việc thuê lại tài sản đó. Do đó, bên mua có thể đưa ra mức chi phí thuê cao hơn để đảm bảo được lợi nhuận của họ.
Tuy nhiên, chi phí thuê cũng có thể được thương lượng và phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như loại tài sản, thời hạn thuê, tình trạng tài sản và vị trí của tài sản. Do đó, khi thực hiện Sale and Leaseback, các bên nên thương lượng và đưa ra các điều khoản hợp lý để đảm bảo sự hài hòa giữa lợi ích của cả hai bên.
Tạm kết
Theo thời gian, Sale and Leaseback nổi lên như một phương án hữu hiệu được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Hoạt động theo phương thức này có thể giúp tạo ra nhiều cơ hội tiếp cận nguồn vốn cũng như các thiết bị, máy móc hiện đại, từ đó giúp tăng lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ cùng ngành trên thị trường. Mong rằng những gì mà DNSE chia sẻ ở trên có thể mang lại cho độc giả nhiều thông tin hữu ích.