Doanh nghiệp | 02/05/2023

Sự thật đằng sau thành công của Starbucks

Starbucks – biểu tượng không thể thiếu của nền văn hóa cà phê thế giới, là thương hiệu cà phê nổi tiếng và được yêu thích trên toàn cầu. Đặc trưng của Starbucks không chỉ tập trung vào hương vị cà phê mà còn là không gian thoải mái và dịch vụ thân thiện với khách hàng

Lịch sử thành lập

Starbucks được thành lập vào năm 1971 bởi ba sinh viên Jerry Baldwin, Zev Siegl và Gordon Bowker. Họ quyết định mở một quán cà phê nhỏ tại Seattle sau một thời gian học hỏi về nghệ thuật rang xay cà phê từ ông chủ của Peet’s Coffee & Tea – Alfred Peet.

Cửa tiệm Starbucks đầu tiên
Cửa tiệm Starbucks đầu tiên

Mục đích kinh doanh ban đầu của họ chủ yếu là bán hạt cà phê rang cùng với những thiết bị pha chế nó. Còn cà phê pha sẵn chỉ để dùng tặng kèm nhằm thu hút khách hàng.

Đầu những năm 1980, dưới sự lãnh đạo của Baldwin, Starbucks mở rộng từ một cửa hàng thành sáu cửa hàng tại Seattle. Trong thời gian này, Starbucks cũng bắt đầu hợp tác với Peet’s Coffee & Tea để nhập khẩu hạt cà phê chất lượng cao từ các nước sản xuất cà phê lớn trên toàn thế giới.

Lúc đó Howard Schultz – người đã có 10 năm kinh nghiệm gắn bó với Starbuck nhận thấy tiềm năng mở rộng thương hiệu trong việc bán cà phê pha sẵn. Ông đã đề xuất nhưng chủ sở hữu lại không chấp nhận. Sau đó ông nghỉ việc và tự mở cửa hàng riêng của mình. Cho đến năm 1986, Howard Schultz mua lại Starbucks, hợp nhất với cửa hàng của ông.

Bước ngoặt để phát triển

Sự đổi thay của Cà phê Starbucks chỉ thực sự bắt đầu khi Howard Schultz quay lại và trực tiếp phụ trách hoạt động marketing của công ty. Starbucks đã có giai đoạn phát triển một cách ngoạn mục trong suốt giai đoạn sau đó. Từ năm 1992, khi công ty bắt đầu trở thành công ty đại chúng, cổ phiếu của thương hiệu này đã tăng gần 9 lần.

Năm 2000, Howard Schultz không còn trực tiếp điều hành Starbucks nữa mà chuyển sang mảng phát triển thị trường. 8 năm sau, ông nhận thấy doanh nghiệp của mình đang ngày một đi xuống, khách hàng thì phàn nàn nhiều, kinh tế Mỹ lại rơi vào khủng hoảng, thời điểm đó McDonald cũng đang cạnh tranh gay gắt với họ. Schultz quyết định quay lại điều hành công ty.

Việc đầu tiên ông làm, là cho tất cả các cửa hàng đóng cửa 1 ngày. Sự kiện này đã khiến chính Starbuck mất gần 6 triệu USD tiền doanh thu. Nhưng Schultz làm vậy ko phải để răn đe hay thị uy về sức mạnh của mình, mà là để đào tạo lại nhân viên từ những việc nhỏ nhất như đánh sữa, đánh bọt, thậm chí là cách ứng xử sao cho vừa lòng khách hàng.

Ngoài việc đóng cửa một ngày, Schulz tiếp tục đóng cửa tiếp gần 900 cửa hàng có doanh thu sụt giảm trong 2 năm tiếp theo và tập trung tăng cường áp dụng công nghệ vào kinh doanh. Công nghệ đó, chính là app và thẻ thành viên Starbucks.

Một số mẫu thẻ thành viên Starbucks
Một số mẫu thẻ thành viên Starbucks

Với cơ chế nạp tiền vào và bạn sẽ được tặng sao, nhận đủ sao sẽ được tặng đồ Starbucks miễn phí, cách thức này phát triển nhanh tới mức 44% những giao dịch của khách hàng ở đây được thực hiện bằng app hoặc thẻ Starbucks.

Hiện tại, Starbucks luôn sẵn có ít nhất 2 tỷ USD tiền của khách hàng được đặt cọc trong app. Đặc biệt, trong điều khoản của Starbucks, số tiền này ko thể hoàn lại hay quy đổi ra tiền mặt, nó chỉ có thể đổi thành những cốc cà phê. Toàn bộ số tiền này cũng có thể được coi là khoản vay mà thương hiệu này dùng để đầu tư lại vào hệ thống, mở thêm cửa hàng, vận hành kinh doanh,… Hơn nữa, Starbucks sẽ không phải đối mặt với nguy cơ tất cả các khách hàng rút hết tiền ra cùng 1 lúc như các Ngân hàng và cũng chẳng phải trả một đồng lãi suất nào cả.

Triết lý thương hiệu tạo nên sự khác biệt

Một trong những bí quyết tạo nên sự khác biệt của Starbucks là sự thay đổi cách mọi người trên thế giới uống cà phê. Thương hiệu này đã chịu trách nhiệm tạo ra “concept” về một địa điểm thứ ba giữa nhà và nơi làm việc, nơi mọi người có thể thư giãn, thưởng thức cà phê và trải nghiệm không gian thú vị. 

Sau khi Howard Schultz chuyển giao quyền lãnh đạo cho ông Kevin Johnson, công ty đã thực hiện thành công các kế hoạch chiến lược, bao gồm đổi mới hương vị cà phê, lựa chọn nguyên liệu cao cấp và đổi mới trong các loại trà thủ công. 

Sau hơn 40 năm thành lập, Starbucks luôn là công ty dẫn đầu thị trường về doanh số bán lẻ cà phê và là một trong số những thương hiệu mạnh và uy tín nhất tại Mỹ cũng như trên toàn thế giới. Sự phát triển không ngừng của thương hiệu này được thể hiện thông qua sự đa dạng hóa về dòng sản phẩm như các loại đồ uống từ cà phê, nước ép hoa quả, các loại bánh, salad, rượu,… Tất cả các dòng sản phẩm của Starbucks đều có doanh thu cao trong các năm gần đây.

Ngoài ra Starbucks còn nỗ lực thực hiện theo một triết lý thương hiệu khác đó là xây dựng một công ty có trách nhiệm và đạo đức kinh doanh. Điều này được thể hiện qua các kế hoạch thu mua có trách nhiệm, bao gồm hỗ trợ các khoản vay cho người nông dân và các chương trình bảo tồn rừng; cũng như tạo ra cơ hội giáo dục, đào tạo và việc làm. 

Không gian bên trong Starbucks được thiết kế rất độc đáo
Không gian bên trong Starbucks được thiết kế rất độc đáo

Starbucks cũng là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Công ty đã khởi xướng nên nhiều chương trình nhằm giảm thiểu tác động của ô nhiễm, bảo tồn và tái chế nguồn năng lượng sạch, nước và cây xanh.

Starbucks hiện có khoảng gần 20.000 cửa hàng tại 61 quốc gia trên toàn thế giới với hơn 150.000 nhân viên, trong đó hơn 65% cửa hàng được mở trên lãnh thổ nước Mỹ. 

Theo thống kê của hãng, mỗi tuần Starbuck phục vụ hơn 40 triệu khách hàng, bán ra hơn 4 tỷ cốc cà phê mỗi năm. Điều này đã thể hiện được sự phát triển mạnh mẽ và sức ảnh hưởng lớn của thương hiệu này đến thị trường cà phê toàn cầu.

ads-3
share facebook
Author

Tác giả:

Nguyễn Khánh Linh

Đã đóng góp: 1 bài viết

Bài viết liên quan