Kiến thức tổng quan | 31/03/2022
SWIFT là gì? Những điều bạn cần biết về hệ thống SWIFT
Có bao giờ bạn tự hỏi vì sao tiền và các giao dịch tài chính lại có thể đi xuyên biên giới, giao dịch đa quốc gia được hay không? Tất cả những điều này được thực hiện bởi SWIFT. Vậy thì SWIFT là gì? Vì sao SWIFT lại được sử dụng phổ biến và có tầm ảnh hưởng quan trọng tới các giao dịch thanh toán quốc tế cũng như nền kinh tế thị trường như hiện nay? Hãy cùng DNSE tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây nhé!
SWIFT là gì?
SWIFT là tên viết tắt của Society for Worldwide Interbank Financial Telecommunications. Đây là Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu – tổ chức đứng sau hầu hết các giao dịch chuyển tiền quốc tế hiện nay.
SWIFT được thành lập năm 1973. Tổ chức này là một cơ quan trung lập và có trụ sở được đặt tại Bỉ. SWIFT tuân thủ các quy định của Liên minh châu Âu (EU) và được điều hành bởi một hội đồng gồm 25 thành viên. Trong số đó có Eddie Astanin – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trung tâm lưu ký thanh toán quốc gia Nga.
SWIFT được sử dụng rộng rãi bởi các ngân hàng và các tổ chức tài chính lớn. Hệ thống này giúp cho việc chuyển phát thông tin trở nên nhanh chóng, chính xác và bảo mật. Mặc dù SWIFT dần dần trở thành một phần thiết yếu của hạ tầng tài chính và tiền tệ toàn cầu nhưng nó vẫn không trực tiếp nắm giữ hay giao dịch tài sản. SWIFT chỉ tối ưu hoá các công cụ để tạo ra môi trường liên lạc bảo mật, an toàn.
SWIFT hoạt động như thế nào?
Cách thức giao dịch của SWIFT là gì?
Có thể hiểu đơn giản SWIFT như một mạng lưới tin nhắn mà các tổ chức tài chính sử dụng. Các thành viên sẽ trao đổi thông tin/chuyển tiền cho nhau bằng các bức điện hoá (SWIFT message). Và các lệnh này thực hiện thông qua một hệ thống các mã giao dịch đã được tiêu chuẩn hoá gọi là SWIFT code.
SWIFT cung cấp cho mỗi tổ chức tài chính một mật mã riêng biệt từ 8 đến 11 ký tự. Có thể chúng là SWIFT code hay BIC (Business/Bank Identifier Codes – mã định dạng của các doanh nghiệp/ngân hàng) , hoặc mã ISO 9362 (một định dạng chuẩn của mã nhận dạng doanh nghiệp). Mỗi SWIFT code sẽ có đầy đủ thông tin về quốc gia, thành phố, chi nhánh và tên ngân hàng của mỗi thành viên.
Giao dịch SWIFT trong thực tế
Ví dụ với ngân hàng và dịch vụ tài chính của Ý UniCredit Banca, có trụ sở chính tại Milan. UniCredit có mã SWIFT với 8 ký tự là: UNCRITMM.
- 4 ký tự đầu tiên: mã code của tổ chức (UNCR viết tắt cho UniCredit Banca)
- 2 ký tự tiếp theo: mã code quốc gia (IT viết tắt của Italy)
- 2 ký tự sau đó: mã code địa chỉ/thành phố (MM viết tắt của Milan)
- 3 ký tự cuối cùng: không bắt buộc, các tổ chức thường dùng nó để phân định mã code cho các chi nhánh độc lập
Giả sử, Ngân hàng thương mại Mỹ BAC (Bank of America) có khách hàng tại chi nhánh New York. Người này có nhu cầu gửi tiền cho người bạn của mình. Người bạn này hiện đang sử dụng dịch vụ của ngân hàng UniCredit Banca chi nhánh Venice. Vậy thì khách hàng này chỉ cần cung cấp cho BAC số tài khoản ngân hàng UniCredit cùng SWIFT code của bạn mình để có thể thực hiện giao dịch chuyển tiền quốc tế.
BAC sẽ gửi một SWIFT message tới UniCredit Banca thông qua mạng lưới bảo mật của SWIFT. Khi UniCredit Banca nhận được thông báo của SWIFT về khoản thanh toán sắp diễn ra, số tiền sẽ được chuyển tới tài khoản của người bạn tại Ý.
Thế giới trước khi có sự xuất hiện của SWIFT
Trước SWIFT, Telex là phương tiện duy nhất để xác nhận thông tin về các giao dịch quốc tế. Hoạt động của Telex bị cản trở bởi tốc độ xử lý chậm và các nguy cơ về vấn đề bảo mật. Cụ thể hơn, Telex không có một hệ thống các chuỗi code như SWIFT để định danh tên các ngân hàng và mô tả chính xác các giao dịch cũng như thông tin cần thiết. Điều này dẫn tới một tiến trình làm việc vô cùng chậm chạp kèm theo rất nhiều sai sót. Từ đó, hệ thống SWIFT được ra đời để khắc phục những vấn đề trên.
Sự thành công vượt trội của SWIFT
Khi mới thành lập, hiệp hội có 239 ngân hàng thành viên đến từ 15 quốc gia. Cho đến năm 1977, con số lên tới 518 tổ chức với 22 quốc gia trên thế giới. Và hiện nay, SWIFT có hơn 11.000 thành viên đến từ 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Thống kê trong năm 2021, hơn 11.000 tổ chức thành viên đã gửi đi trung bình 42 triệu tin nhắn mỗi ngày thông qua mạng lưới SWIFT. Con số này đánh dấu mốc tăng trưởng 11.4% so với năm 2020.
Mặc dù không thiếu các cơ sở cung cấp dịch vụ tương tự như Fedwire, Ripple hay CHIPS (Clearing House Interbank Payments System), nhưng SWIFT vẫn chiếm được ưu thế so với các đối thủ cùng ngành. SWIFT luôn không ngừng bổ sung các mã code mới để có thể chuyển phát hàng ngàn thông tin và xử lý hàng triệu các giao dịch tài chính mỗi ngày. Họ còn đặc biệt chú trọng việc nâng cao tính bảo mật cho nền tảng. Chính những điều này đã làm nên thành công của hiệp hội như ngày hôm nay.
Đối tượng sử dụng SWIFT
Ban đầu, người sáng lập SWIFT thiết kế nền tảng này chỉ để thuận tiện hoá các giao dịch về ngân khố, tiền bạc cho các đại lý. Tuy nhiên, sự phát triển công nghệ mạnh mẽ đã tạo nên nhiều khả năng mới cho SWIFT. Dần dần, mạng lưới mở rộng cung cấp dịch vụ cho các đối tượng sau:
- Ngân hàng
- Các tổ chức trung gian và các hãng buôn
- Những người buôn bán chứng khoán
- Các công ty quản lý tài sản
- Trung tâm thanh toán bù trừ
- Các công ty lưu ký
- Các công ty liên doanh
- Những người môi giới tiền tệ và những người giao dịch ngoại hối
- Những người cung cấp dịch vụ, thư tín dụng và bảo lãnh
Những dịch vụ mà SWIFT cung cấp là gì?
Đa ứng dụng
SWIFT cho phép truy cập và sử dụng nhiều ứng dụng khác nhau, bao gồm:
- Khớp lệnh thời gian thực cho các giao dịch kho bạc và ngoại hối;
- Truy cập vào cơ sở hạ tầng thị trường ngân hàng để xử lý thanh toán giữa các ngân hàng;
- Truy cập vào cơ sở hạ tầng thị trường chứng khoán để xử lý bù trừ cho các khoản thanh toán, chứng khoán, ngoại hối, và các giao dịch phái sinh.
Trí tuệ doanh nghiệp
Gần đây, SWIFT đã giới thiệu các trang tiện ích báo cáo mới tới người dùng. Chúng cung cấp cho khách hàng một góc nhìn đa dạng theo thời gian thực để giám sát các hoạt động và luồng giao dịch. Các báo cáo này lọc thông tin dựa trên khu vực, quốc gia, loại tin nhắn cùng các thông số có liên quan.
Các tiện ích bảo mật
Nhằm vào các dịch vụ xoay quanh việc tuân thủ các quy tắc và bảo mật tài chính, SWIFT cung cấp các tiện ích như: quy trình xác minh danh tính KYC (Know Your Customer) hay các thủ tục, quy định về việc chống rửa tiền AML (Anti – Money Laundering).
Trao đổi thư tín và các giải pháp phần mềm
Cốt lõi hoạt động kinh doanh của SWIFT nằm ở việc cung cấp một mạng lưới kết nối, trao đổi thông tin nhanh chóng, an toàn, đáng tin cậy. Thông qua các trung tâm tin nhắn và phần mềm khác nhau, SWIFT đưa ra hàng loạt các dịch vụ và tiện ích giúp cho khách hàng của họ có thể nhận và gửi các tin nhắn giao dịch một cách dễ dàng hơn.
Kết luận
Mong rằng bài viết đã trả lời cho câu hỏi “SWIFT là gì” của bạn. Mã SWIFT tạo ra một chuẩn mực chung mà các ngân hàng thành viên đều phải tuân theo. Chuẩn mực này sẽ tạo nên mạng lưới với mục tiêu đảm bảo lợi ích tốt nhất cho khách hàng. Việc tham gia vào hệ thống SWIFT sẽ đem lại lợi ích to lớn đối với hoạt động thanh toán quốc tế nói riêng và hoạt động thanh toán của mỗi ngân hàng nói chung.